Phá thế lệ thuộc một đối tác, tạo sự tùy thuộc lẫn nhau với nhiều bên, trong giao lưu kinh tế
Trong điều kiện thế giới ngày nay, các nền kinh tế đều không thể "tự cung, tự cấp" như trong nền kinh tế tiểu nông. Ngay các nước giàu mạnh nhất như Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc cũng phải đẩy mạnh hoạt động ngoại thương, mở rộng đầu tư từ bên ngoài. Nhưng nếu không điều hành tốt nền kinh tế, các nước đang phát triển như Việt Nam, có thể bị lệ thuộc vào một hay một vài đối tác riêng lẻ trên một số lĩnh vực nhất định. Phá thế lệ thuộc vào một đối tác, tạo sự tùy thuộc lẫn nhau với nhiều bên, trong giao lưu kinh tế là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của kinh tế Việt Nam hiện nay.
Ngành dệt may (Ảnh minh họa)
Tình trạng lệ thuộc nặng một đối tác
Trước hết nói về các dự án xây dựng. Trong mấy năm qua, 70-80% các dự án lớn đã rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, trong khi đáng lẽ nhà thầu trong nước có thể tham gia ngày càng nhiều, hoặc thu hút sự tham gia của các đối tác khác nhằm tăng cường yếu tố cạnh tranh, nâng cao chất lượng và hiệu quả của dự án. Do nhiều nguyên nhân, các dự án này thường có chất lượng không cao, giá thành thực tế đắt và xây dựng kéo dài so với hợp đồng ban đầu. Loại bỏ những thiếu sót do nguyên nhân khách quan, một phần chính là do những sơ hở trong các quy định và thiếu sót trong điều hành.
Không chỉ riêng xây dựng, sự yếu kém của doanh nghiệp trong nước còn thể hiện trong nhiều lĩnh vực. Một số ngành công nghiệp chế tạo của nước ta phát triển rất nhanh, góp phần quan trọng vào thành tích xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích, thì các doanh nghiệp về lĩnh vực điện tử, tin học lại phần lớn là doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp nội địa phát triển rất chậm. Ngành công nghiệp điện tử nội địa gần như không có nền tảng, ngoài doanh nghiệp FDI. Đối với ngành dệt may và da giày, một ngành tạo ra nhiều sản phẩm cho xuất khẩu, cũng phát triển mạnh, nhưng cơ sở nguyên liệu và công nghiệp hỗ trợ quá yếu, nên phần quan trọng nhất của sản phẩm tham gia xuất khẩu lại có nguồn gốc từ nhập khẩu, do đó phần giá trị gia tăng thu được từ nền kinh tế nội địa rất ít, chỉ chiếm khoảng 20-30%. Với hơn 6.000 doanh nghiệp và hơn 2,7 triệu công nhân, nhưng tỷ lệ nội địa hóa thấp do tính chất công nghiệp gia công. Ngành dệt may phụ thuộc rất nặng nề về máy móc cũng như nguyên phụ liệu gồm: bông, vải, xơ, sợi… nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Cùng với dệt may, da giày cũng là ngành có lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu khá lớn. Hiện ngành da giày có khoảng 812 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 624.000 lao động. Tuy năm 2013 đứng thứ ba về tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng ngành da giày cũng đang phụ thuộc khá nặng vào nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc. Nguyên phụ liệu dệt may, da giày nhập khẩu vào Việt Nam tháng 2-2014 tăng 13,5% so với tháng 1-2014, đạt trên 73% về kim ngạch, tương đương 306,23 triệu USD. Hai thị trường chủ đạo cung cấp nguyên liệu của nhóm sản phẩm này cho Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc. Tháng 2-2014, nhập khẩu phụ liệu này từ Trung Quốc trị giá 80,38 triệu USD, tăng 63,69% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 30,38% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Bên cạnh hai thị trường chủ đạo trên, Việt Nam còn nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ các thị trường: Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan, Braxin, Italia, Ấn Độ… Trong số nguyên liệu nhập khẩu, vải chiếm 46% của ngành dệt may, da chiếm 65-70% của ngành da giày. Nhưng ngay Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng chưa có thống kê chi tiết rõ hơn về chủng loại, số lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển nguồn cung ứng trong nước. Tình trạng này rất đáng báo động, thể hiện nền kinh tế đất nước phát triển chưa vững chắc, dễ bị tác động trước các biến động của quan hệ đối ngoại. Điều đáng ghi nhận là so với những năm trước, nguồn cung cấp vải từ nội địa đã tăng lên, song không đáng kể do giá thành sản xuất còn cao, vì thế giá bán cho doanh nghiệp cao hơn giá nhập khẩu. Hệ quả là, nhiều doanh nghiệp hoàn toàn lệ thuộc vào nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc (một phần vì giá thành thấp, mẫu mã phong phú, thời gian giao hàng bảo đảm). Số nguyên phụ liệu còn lại là do các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sản xuất. Các công ty nội địa chỉ làm “gia công”. Vì thế, phần giá trị gia tăng của giá trị xuất khẩu Việt Nam thu được rất ít.
Theo Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, hiện ngành này chỉ chủ động được 30-35% phụ liệu da, còn lại 65-70% phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, da tổng hợp phải nhập khẩu trên 50% từ Trung Quốc. Phụ liệu vải tuy phải nhập khẩu ít hơn, nhưng vẫn còn cao, tới 40%, phần lớn cũng từ Trung Quốc, Đài Loan. Từ nhiều năm qua, giày Việt Nam xuất khẩu chủ yếu theo hình thức gia công cho nước ngoài (xuất gia công) và xuất hàng sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu. Có thể nói, các khâu trước sản xuất và hậu mãi, Việt Nam đều chiếm tỷ trọng thấp. Nói cách khác, Việt Nam hiện đang nằm trong hai phân khúc giữa của chuỗi sản xuất da giày là nghiên cứu phát triển và sản xuất. Những năm gần đây, ngành da giày luôn tăng trưởng 15-20%/năm. Thực tế, không chỉ da giày, may mặc mà rất nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam đang có triển vọng. Chỉ cần làm chủ được công nghệ, quy trình và hội nhập sâu vào các chuỗi sản xuất thì sẽ có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu. Chẳng hạn, cần ưu tiên tập trung đầu tư công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất; chú trọng khâu thiết kế, nghiên cứu tạo sản phẩm mới; phát triển công nghiệp hỗ trợ; hình thành các khu công nghiệp thuộc da, da nhân tạo, vải phụ liệu; gắn kết chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm… Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu của ngành da giày đang thuận lợi nhờ tiêu thụ tăng mạnh tại các thị trường nhập khẩu chính. Cùng với đó, từ đầu năm 2014, giày dép Việt Nam xuất khẩu sang EU được hưởng lợi với mức thuế nhập khẩu giảm 3,5-5% từ Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), đã giúp sản phẩm này có sức cạnh tranh hơn. Tới đây, khi các hiệp định thương mại song phương, đặc biệt là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) ký kết và có hiệu lực, sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn, thúc đẩy ngành da giày phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phát triển của ngành da giày vẫn còn nhiều bất cập, thiếu bền vững, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Giày thể thao và giày vải hiện là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, nhưng chỉ tập trung cạnh tranh về giá rẻ, thay vì chất lượng, mẫu mã, thiết kế kiểu dáng, giá trị thương hiệu. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu hoạt động phân tán, rời rạc, manh mún, chưa liên kết để tận dụng lợi thế của nhau.
Yêu cầu mới của hội nhập quốc tế
Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay các hiệp định tự do thương mại khác trong ASEAN, ASEAN+6 (RCEP), Việt Nam - EU, Việt Nam với Nga, Bêlarút, Cadắcxtan… đang đặt ra các yêu cầu mới đẩy mạnh ngành công nghiệp nội địa. Chẳng hạn, theo dõi tiến trình đàm phán TPP, điều quan tâm nhất của các doanh nghiệp dệt may, da giày là quy tắc xuất xứ để tận dụng ưu đãi thuế quan từ TPP.
Trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp ngành dệt may, da giày cho rằng mở cửa thị trường ngay là sự lựa chọn tốt nhất đối với các nước tham gia TPP. Riêng với lĩnh vực dệt may, da giày, càng mở cửa chậm, doanh nghiệp càng mất cơ hội. Theo Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, đối với da giày, túi xách năm 2012 Việt Nam xuất 8,7 tỷ USD, trong đó trên 3,6 tỷ USD vào các nước TPP, chiếm 41%. Đối với dệt may, năm 2012 cả nước xuất khẩu 17,2 tỷ USD, trong đó vào Mỹ là 9,5 tỷ USD, chiếm 55%, nếu cộng thêm các nước đang đàm phán TPP thì hiện nay xuất khẩu dệt may vào TPP khoảng 10 tỷ USD, chiếm khoảng 58%. Riêng yêu cầu về xuất xứ nguyên liệu dệt sẽ đòi hỏi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường khối TPP phải chuyển đổi nguồn nguyên liệu. Điều này sẽ làm đa dạng hơn nguồn nhập nguyên liệu, làm cho sự phát triển của ngành thêm bền vững, do “không bỏ nhiều trứng vào một rổ”. Khi đó, ngành dệt may, da giày có thể phát triển mạnh hơn, nếu chủ động trong hội nhập, nhờ đa dạng hóa thị trường, đa phương hóa đối tác. Hơn thế, khi tham gia TPP sẽ có môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, thể hiện qua thiện chí của các bên đàm phán. Cái khó lớn nhất là khả năng thụ hưởng những lợi thế từ TPP. Trong ngành da giày hiện có trên 19.000 doanh nghiệp, với 20% doanh nghiệp lớn, nhưng doanh nghiệp lớn của Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại là doanh nghiệp FDI. Số doanh nghiệp lớn này xuất khẩu chiếm trên 75%, còn lại trên 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chỉ xuất khẩu được 25%. Doanh nghiệp cần theo dõi thông tin quá trình đàm phán để hiểu được những cái lợi và không lợi. Dù có TPP hay không, cái chính vẫn là “sức khỏe” của doanh nghiệp, nếu không khỏe thì cho dù Chính phủ có đàm phán nhiều hiệp định mà doanh nghiệp không có đủ sức làm thì không có tác dụng gì.
Chủ động tháo gỡ khó khăn
Đối với ngành điện tử, Việt Nam mới có lợi thế về xuất khẩu phần mềm do ít đầu tư máy móc mà chủ yếu dựa vào khai thác chất xám. Tuy nhiên, khi đi vào công nghiệp lớn thì việc đầu tư cho công nghệ còn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Một ví dụ rất hay là việc xây dựng công trình Thủy điện Sơn La. Việt Nam đã tập trung lực lượng, thực hiện chuyển giao công nghệ để chủ động tiếp nhận nhiều công nghệ mới trong thi công. Kết quả, đã rút ngắn thời hạn thi công hơn 2 năm theo dự kiến và tiết kiệm nhiều chi phí, do nhà máy thủy điện có thể sớm cấp điện cho đất nước, giảm mạnh lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Đó là một minh chứng điển hình về việc chủ động tháo gỡ khó khăn và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các đối tác.
Lo lắng, rào cản lớn đối với hàng dệt may khi tham gia TPP là quy tắc xuất xứ, như quy định về nguyên vật liệu để sản xuất ra sản phẩm may mặc phải đáp ứng yêu cầu từ sợi (yarn forward) hoặc nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm vải dệt kim phải đáp ứng yêu cầu từ xơ (fiber forward)... Theo hiệp định giữa Hoa Kỳ và Chilê thì hàm lượng khu vực trong sản phẩm giày dép là 55%. Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam đã đề nghị tính xuất xứ tập trung vào quy định về chuyển đổi mã số hàng hóa dựa trên việc phân loại hàng hóa (HS) theo Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) và bảng phân loại HS này được áp dụng trên toàn thế giới. Dù sao, vấn đề chủ động nguyên liệu cho dệt may cũng rất quan trọng, doanh nghiệp dệt may, da giày cần phát triển nguồn nguyên phụ liệu ngay trong nước. Trong đàm phán TPP, vấn đề này càng được đặt ra bức xúc hơn để hưởng lợi từ TPP trong vài năm tới. Điều lo ngại này là có thật, vì theo thông tin của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, tất cả nông trại Việt Nam chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu bông mỗi năm, 99% phải nhập. Đã có một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy sợi nhưng hầu hết là nhập máy móc, nhập nguyên liệu về làm sợi. Các doanh nghiệp cung cấp bán thành phẩm và chi tiết của Việt Nam cũng rất thiếu, nên hiệu quả xuất khẩu không cao. Việc phát triển doanh nghiệp nhuộm cũng đang gặp nhiều khó khăn do phải đầu tư lớn để có nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Để xây dựng một nhà máy sợi rất kỳ công, nhưng không phải là không làm được. Vấn đề là các địa phương thường gặp khó khăn trước đề nghị của doanh nghiệp xin đầu tư dệt, nhuộm, thuộc da do yêu cầu chấp thuận cam kết nước thải loại A (nước uống được), trong khi tiêu chuẩn nước thải của lĩnh vực này ở các nước là loại B (nước nuôi cá được). Có doanh nghiệp nước ngoài đã được duyệt dự án đầu tư, đến khi cần sử dụng nguồn nước thì được đề nghị tự khai thác lấy mà chưa biết nguồn nước ở đó có đạt tiêu chuẩn không. Do đó, vấn đề nguyên liệu thượng nguồn cho ngành dệt may, da giày cũng cần sớm có lời giải.
Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc không còn là câu chuyện mới, nhưng từ bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng cho thấy, nhu cầu đa dạng hóa thị trường càng trở nên cấp thiết. Muốn vậy, các cơ quan chức năng cần có những phân tích nghiên cứu và dự báo thị trường để giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó. Trong khó khăn, có thể thấy đây cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chủ yếu từ một thị trường là Trung Quốc. Hơn nữa, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động nguồn nguyên phụ liệu và nên chuyển hướng tìm kiếm các nguồn nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định.
Ngành dệt may hiện đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu, nhất là Trung Quốc. Đây là “nút thắt cổ chai” trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam. Chỉ cần một nửa nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc “gặp trục trặc” thì doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã lâm vào cảnh khốn khó với đầu vào cho sản xuất.
Thực tế cho thấy, 10 năm trở lại đây Việt Nam đã sản xuất được một số sản phẩm có tính chiến lược của ngành khiến các doanh nghiệp dệt may chủ động được phần nào nguồn cung nguyên phụ liệu. Sản phẩm vải veston đã có 7 nhà máy sản xuất; vải kaki, vải jeans cao cấp cũng đã có 6 nhà máy sản xuất, còn các nguyên phụ liệu khác như dây kéo, mếch dựng và các sản phẩm phụ liệu hỗ trợ khác hiện nay đều được sản xuất trong nước. Song song với việc đẩy mạnh sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, Việt Nam đang đẩy mạnh việc phối hợp với các doanh nghiệp trong khối ASEAN trong khâu cung ứng, sản xuất. Một số doanh nghiệp trong nước đã chủ động đặt những đơn hàng có tính chiến lược dài hơi để tạo sự ổn định cho nguồn nguyên phụ liệu. Theo Tổng Công ty May Hưng Yên, bên cạnh con số tăng trưởng xuất khẩu thì vấn đề cốt lõi hiện nay là phải giảm phụ thuộc nguyên phụ liệu từ nước ngoài bằng cách nội địa hóa các nguyên phụ liệu, tập trung gia tăng giá trị sản phẩm. Công ty đang chuyển sang phương thức mua đứt bán đoạn (FOB) và đẩy mạnh sử dụng nhiều nguyên phụ liệu trong nước, trong đó nội địa hóa một số nguyên phụ liệu để phục vụ cho đơn hàng FOB hoặc đẩy mạnh mua nguồn vải ở các thị trường khác như Thái Lan, Xingapo... nhằm giảm bớt việc phụ thuộc vào nguyên liệu ở một thị trường.
Với ngành da giày, trong năm 2014, Công ty cổ phần Giày Gia Định sản xuất được gần 3 triệu đôi giày xuất khẩu thì có tới hơn 60% nguyên phụ liệu sản xuất phải nhập từ Trung Quốc. Dù 100% đơn hàng làm theo phương thức FOB nhưng có đến 90% nguồn nguyên phụ liệu sản xuất đều do khách hàng chỉ định mua, phần lớn là từ Trung Quốc. Chỉ có 10% còn lại Công ty tự chủ động nguồn cung do tự thiết kế và sản xuất. Sở dĩ xảy ra tình trạng này bởi có một thực tế không thể phủ nhận là việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước quá yếu nên phải tìm nguồn nguyên phụ liệu thay thế từ bên ngoài, nhất là khi một số chủng loại hầu như phải nhập toàn bộ từ Trung Quốc, như thuốc nhuộm, hóa chất, phụ liệu trang trí... Dù chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đã có từ hàng chục năm qua nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.
Căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ khiến các doanh nghiệp phải nhập nguyên phụ liệu đầu vào lo lắng, mà cả những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này cũng đau đầu. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này “sống dở chết dở” và có thể đi đến phá sản do nguồn nguyên liệu bị Trung Quốc thao túng. Nông sản xuất khẩu khi thừa, khi thiếu, không ổn định đã gây khó khăn trong việc phát triển các doanh nghiệp chế biến nông sản. Chia sẻ cụ thể hơn về những rủi ro này, Hiệp hội Sắn Việt Nam cho hay, 85% sản lượng xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam là xuất sang thị trường Trung Quốc. Sản phẩm tinh bột sắn, sắn lát Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào thị trường này, trong khi sản lượng xuất khẩu sang một số thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... không đáng kể hoặc đang trong giai đoạn thăm dò. Các thị trường này cũng đặc biệt khó tính, đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao và nghiêm ngặt trong khi tiêu chuẩn của sản phẩm Việt Nam còn hạn chế.
Để giảm bớt phụ thuộc vào nguyên phụ liệu từ nước ngoài, các chuyên gia thương mại khuyến cáo cần phải có chiến lược đầu tư vùng nguyên liệu cũng như các cơ sở sản xuất giúp sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị, từ đó hàng xuất khẩu mới có thể tham gia vào nhiều thị trường khác nhau với giá trị cao hơn.
Bằng việc chủ động nắm bắt và dự báo tình hình, ngay từ giữa tháng 5-2014, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có công văn gửi các doanh nghiệp trong ngành chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Các thị trường tiềm năng khác mà Việt Nam có thể hợp tác là nhập khẩu xơ từ thị trường Thái Lan, Hàn Quốc và Inđônêxia, nhập khẩu sợi từ thị trường Thái Lan, Inđônêxia, Ấn Độ; nhập khẩu vải từ thị trường Hàn Quốc, Thái Lan và Malaixia... để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu. Trong khi chờ đợi chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may và da giày, một số doanh nghiệp đã tự xoay xở nhằm đa dạng hóa nguồn nguyên liệu. Để chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu, ngành dệt may đã và đang tập trung khá mạnh vào lĩnh vực sợi, dệt, kể cả nguyên liệu mới (xơ viscose, len...), từng bước giảm nhập khẩu.
Theo các chuyên gia, thay vì hài lòng và chấp nhận chủng loại xuất khẩu như hiện tại, các doanh nghiệp cần hướng tới việc nâng cao năng lực sản xuất, tay nghề của người lao động, đầu tư hạ tầng chuyên sâu để thu hút được khách hàng đặt các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đồng thời xúc tiến phát triển thị trường ngách ngoài những thị trường truyền thống và các thị trường có các hiệp định thuế quan sắp ký trong thời gian tới. Cùng với đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, để chủ động nguồn cung nguyên liệu về lâu dài, Việt Nam cần tính đến việc xây dựng nguồn cung cấp ngay tại trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực sản xuất trong nước, cần sự nỗ lực rất cao của cả doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ đồng bộ của Nhà nước.
GS, TSKH Nguyễn Quang Thái
Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực