Phan Thanh là ai? Đó là một trí thức yêu nước, một nhà cách mạng nổi tiếng thời kỳ 1936-1939, một giai đoạn đặc biệt của lịch sử cận đại Việt Nam. Ông dạy học cùng thời với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Trường Thăng Long, ngôi trường thường được ví như cái nôi đào tạo một thế hệ trí thức cho cách mạng Việt Nam. Ông là một trong những người sáng lập và là Tổng Thư ký Hội truyền bá quốc ngữ, một tổ chức do Đảng ta chủ trương và sáng lập mà sự ra đời của Hội đã đánh dấu một bước phát triển mới của công cuộc vận động văn hoá để khai trí và nâng cao dân trí ở nước ta. Ông là một nhà báo, một cây bút lành nghề và lão luyện, một chính khách sắc sảo, hùng biện và dũng cảm đấu tranh công khai trên nghị trường để bảo vệ không mệt mỏi quyền lợi của quần chúng lao động và các dân tộc Đông Dương. Nhờ tài năng, nhân cách và uy tín, ông đã trở thành một chiến sĩ trụ cột của phong trào dân chủ, thực hiện một cách xuất sắc chủ trương, đường lối của Đảng, đóng vai trò cầu nối giữa những người Xã hội, những người Cộng sản và dân chúng cần lao. Ông được suy tôn là “người chiến sĩ của dân chúng”.
Cuốn sách Phan Thanh, Anh là ai? do Phan Vịnh, con trai cả của Phan Thanh viết với cả tình yêu và sự kính trọng của mình, xâu chuỗi lại toàn bộ cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Phan Thanh nhân dịp tròn 100 năm ngày sinh của ông (1-6-1908 - 1-6-2008). Phan Thanh, với cuộc đời hoạt động và đấu tranh cách mạng không biết mệt mỏi, hành động luôn cương quyết, uy tín và ảnh hưởng đối với dân chúng và đồng nghiệp mạnh mẽ, sâu rộng, đã trở thành tấm gương khiến mọi người luôn phải kính phục và ngưỡng mộ. Đặc biệt, trong “Vụ việc Phan Thanh”, ông đã đấu tranh, kịch liệt phản đối và lên án sự vu khống trắng trợn của chính quyền phản động thực dân và bọn tay sai khiến cho chúng không thể “hạ gục” ông, bởi “Phan Thanh có khả năng khống chế bọn quan toà. Từ người bị buộc tội ông sẽ trở thành người buộc tội”…
Được viết nên bởi một nguồn tài liệu phong phú, được sưu tầm công phu, trong đó có những sự kiện, sự việc còn ít người biết và ít người viết, sau khi đọc một số chương bản thảo, cụ Vũ Đình Hoè, đại biểu Quốc hội khoá I, Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đã viết: “Đây là một tài liệu quý: viết khá kỹ một cách khách quan, về một nhân vật đáng mến, đáng kính về nhiều mặt. Tài liệu có giá trị ít nhất là cung cấp sử liệu chính xác cho những ai muốn tìm hiểu phong trào yêu nước đấu tranh công khai “hợp pháp” đòi dân chủ vào những năm trước Đại chiến thế giới thứ hai, trong thời cơ Mặt trận Bình dân ở Pháp…”.
GIAO LINH