Phân tích chính sách công ở Việt Nam

Ngày đăng: 11/09/2014 - 08:09

Phân tích chính sách công - quy trình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách của lực lượng cầm quyền đối với một hệ thống xã hội là một trong những phương pháp mà nhiều ngành khoa học xã hội, nhất là khoa học chính trị và khoa học quản lý trên thế giới đã sử dụng. Ở Việt Nam, mặc dù cách thức, phương pháp này đã được sử dụng khá nhiều trong tổng kết hoạt động thực tiễn, nhưng xem nó như một phương pháp có tính chuyên ngành của một ngành khoa học độc lập một cách chính thức, có lẽ gắn liền với sự hình thành, phát triển của các khoa học chính trị, khoa học quản lý nói chung và khoa học phân tích chính sách công nói riêng.chinh-sach-cong-ty-tnhh-mf3-viet-nam

Ảnh minh họa

Trong thể chế chính trị trên thế giới, một chính phủ, một chính đảng cầm quyền có thể bị thay thế bởi chính đảng, lực lượng chính trị khác nếu họ không đưa ra được những chính sách thỏa mãn nhu cầu của đa số giai tầng xã hội, không hợp lòng dân. Chính vì thế, có thể nói: Khả năng đưa ra và thực hiện được các quyết sách chính trị đúng đắn, hiệu quả quyết định một cách cơ bản tính chính đáng của quyền lực chính trị.

Ở nước ta, trong thời kỳ đổi mới, các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện các quyết sách chính trị nói chung và chính sách công nói riêng: "Sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, tăng cường. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên rất nhiều, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn theo con đường xã hội chủ nghĩa"[1]. Các thành tựu đạt được trong thời kỳ đổi mới ở nước ta, có một nguyên nhân quan trọng từ việc khoa học hóa và dân chủ hóa quá trình hoạch định đến tổ chức thực hiện quyết sách của Đảng và Nhà nước nói chung, của mỗi ngành, mỗi địa phương nói riêng. Tuy nhiên, liên quan đến chất lượng, tính khả thi, hiệu quả của chính sách, đặc biệt là những vấn đề về quy trình, cách thức triển khai thực hiện đường lối, chính sách ở mỗi vùng, miền, địa phương, trong đó có cấp huyện, nhằm đạt đến mục tiêu chung đã, đang và sẽ là chủ đề còn phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết cả từ phương diện lý luận lẫn thực tiễn. Bởi lẽ, chất lượng, hiệu quả của chính sách công không chỉ phụ thuộc vào chất lượng của chính sách quốc gia, mà quan trọng là bằng cách nào hiện thực hóa chính sách đó ở mỗi địa phương. Nói cách khác, ở công đoạn này, bên cạnh việc có được chính sách quốc gia tốt, mang tính khả thi còn đòi hỏi các cấp độ chủ thể lãnh đạo, quản lý mỗi địa phương, ngành... vừa phải nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách quốc gia, vừa phải biết căn cứ vào các điều kiện cụ thể - những thuận lợi và trở lực trong từng giai đoạn phát triển, những tình huống bất ngờ nảy sinh... mới có thể đưa ra những quyết sách sát hợp, có thể huy động tối đa các nguồn lực (trong và ngoài), khắc phục những trở lực, thúc đẩy và bảo đảm phát triển bền vững.

ptich csach congCũng như mọi địa phương trong cả nước, từ khi chia tách trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến nay, các cấp lãnh đạo, quản lý cũng như các tầng lớp nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành quả trong xây dựng và phát triển nhưng cũng đang đối diện với không ít thách thức... Nổi lên trong đó là những vấn đề đặt ra từ thể chế, chính sách chung đến vai trò của các nhân tố chủ quan (trình độ, bản lĩnh, kỹ năng của các cấp độ chủ thể lãnh đạo, quản lý) trong việc đưa ra các quyết sách để hiện thực hóa mục tiêu, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, từ khi thành phố Đà Nẵng trở thành một trong 10 địa phương của cả nước được Trung ương chọn thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp huyện, quận và phường. Trong bối cảnh đó, ngoài việc thẩm quyền, chức năng của các chủ thể lãnh đạo, quản lý cấp huyện, quận cần có những điều chỉnh nhất định thì trình độ, bản lĩnh và kỹ năng hoạt động - thao tác "nghề nghiệp" của những nhân tố lãnh đạo, quản lý (tổ chức hoặc cá nhân đảm nhận các thẩm quyền, chức năng ấy) cũng phải được xem xét với những yêu cầu, đòi hỏi mới.

Phân tích chính sách và tổ chức thực hiện chính sách quốc gia trong điều kiện một đảng cầm quyền ở Việt Nam như một phương pháp chuyên ngành trên địa bàn cấp huyện qua trường hợp nghiên cứu ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là một khảo nghiệm bước đầu, chắc chắn không tránh khỏi những khiếm khuyết, rất mong nhận được sự bàn luận, góp ý của các bạn đọc quan tâm tới vấn đề này.

Bài trích trong cuốn: Phân tích chính sách công ở Việt Nam,

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 8-2014



[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.20-21.

 

 

Bình luận