Trong những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động sản xuất - kinh doanh, quan hệ lao động từng bước được cải thiện, thu nhập và đời sống của người lao động được nâng cao, lợi nhuận của người sử dụng lao động được bảo đảm. Tuy nhiên, ở một số doanh nghiệp, hiện tượng tranh chấp lao động tập thể vẫn tồn tại và có xu hướng tăng cả về quy mô và số lượng. Một nguyên nhân của tình trạng này là cơ chế pháp lý để giải quyết tranh chấp tuy đã được xây dựng, được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Yêu cầu sửa đổi pháp luật một cách cơ bản trong lĩnh vực này đã và đang được đặt ra. Tuy nhiên, do chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý nên việc nghiên cứu, tham khảo pháp luật nước ngoài là rất cần thiết.
Cuốn sách Pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động tập thể: Kinh nghiệm của một số nước đối với Việt Nam do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản sẽ góp phần giải quyết các vấn đề nêu trên.
Nội dung cuốn sách gồm tám chương, tập trung vào những vấn đề sau: trình bày những vấn đề lý luận cơ bản về tranh chấp lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động tập thể trên cơ sở so sánh pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước trên thế giới; nghiên cứu các mô hình giải quyết tranh chấp lao động tập thể phổ biến ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển (Mỹ, Úc), quốc gia chuyển đổi từ cơ chế kinh tế kế hoạch sang cơ chế thị trường (như Thái Lan, Campuchia, Inđônêxia, Malaixia, Philíppin, Xinhgaoo); đánh giá hiệu quả của việc vận dụng các mô hình này tại một số quốc gia và chỉ ra những ưu điểm, hạn chế của các mô hình đó trong bối cảnh kinh tế - xã hội của từng quốc gia; xác định những bất cập trong cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể hiện hành ở nước ta trên cơ sở đánh giá pháp luật và thực tiễn giải quyết tranh chấp lao động tập thể của các nước; định hướng và kiến nghị các vấn đề cụ thể cho việc hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp của các nước có tính đến điều kiện, hoàn cảnh của đất nước.
Đây là tài liệu tham khảo hữu ích trong hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật về lao động, đào tạo và nghiên cứu khoa học; đồng thời giúp cho các doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức đại diện của hai chủ thể này nhận thức đầy đủ hơn về địa vị pháp lý của mình, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả giải quyết phát sinh những bất đồng trong quan hệ lao động.