Tác giả: TS. Nguyễn Đình Dương – TS. Nguyễn Thành Công (Đồng chủ biên)
Số trang: 480 trang
Hiện nay, trên thế giới, công nghiệp hóa không chỉ gắn với các mục tiêu, giải pháp có “tính chất truyền thống” mà phải đạt tới mục tiêu hiện đại và dựa trên các công cụ, giải pháp hiện đại với sự phát triển cực kỳ nhanh chóng của các nghành công nghệ cao, tạo thành nền tảng cho một hệ thống công nghệ mới của thế kỷ XXI - công nghệ của nền kinh tế tri thức. Hệ thống công nghệ mới này đã và đang làm biến đổi sâu sắc các quá trình sản xuất, cách thức sản xuất, kinh doanh và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội loài người. Đây không chỉ là cuộc cách mạng trong kỹ thuật, trong kinh tế mà còn là cách mạng trong các khái niệm, tư duy, cách sống, cách làm việc và trong các quan hệ xã hội… Kinh tế tri thức vừa là con đường vừa là động lực cho sự phát triển chung của mọi quốc gia.
Việt Nam đang ở thời kỳ phát triển mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là một sự nghiệp vô cùng khó khăn, đặt ra yêu cầu phải có bước đi mang bản sắc dân tộc, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước, đồng thời phải thỏa mãn những quy luật chung tất yếu. Để đạt được điều đó, Việt Nam không thể không đi vào “guồng quay” chung của nhân loại và không thể không hướng đến phát triển kinh tế tri thức.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước, cùng với những tiềm năng sẵn có, Hà Nội được coi là một trong những thành phố đi tiên phong trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiến đến kinh tế tri thức. Nhằm cung cấp cho bạn đọc có thêm thông tin cũng như các phân tích, đánh giá, nhận định của các nhà khoa học đối với mục tiêu đạt đến một nền kinh tế tri thức ở Việt Nam mà Thủ đô Hà Nội là một bức tranh sống động, vừa có tính chung của cả nước vừa có tính đặc thù riêng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Phát triển kinh tế tri thức trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2020 do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức biên soạn, TS. Nguyễn Đình Dương – TS. Nguyễn Thành Công (Đồng chủ biên)
Cuốn sách hệ thống hóa một số cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế tri thức để vận dụng phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam và Hà Nội; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế Thủ đô theo hướng kinh tế tri thức trong những năm qua với những thành tựu, hạn chế, khó khăn, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm hướng tới đề xuất mục tiêu, định hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển kinh tế tri thức trên địa Hà Nội giai đoạn 2011-2020.
Từ sự nghiên cứu một cách hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế tri thức cuốn sách tập trung phân tích đánh giá các yếu tố tiềm năng, nguồn lực, tổng quan thực trạng phát triển kinh tế Thủ đô theo hướng kinh tế tri thức giai đoạn 2000-2020 (tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và hiệu quả; phát triển các ngành, lĩnh vực trình độ cao, chất lượng cao; chất lượng nguồn lực nhân lực và năng lực khoa học-công nghệ; kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế tri thức…), để từ đó đề xuất quan điểm, định hướng, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm có tính khả thi nhằm phát triển kinh tế tri thức Thủ đô Hà Nội trong những năm tới.