Phải khơi dậy lòng tự trọng

Ngày đăng: 03/10/2012 - 08:10
 
Bắt đầu từ tháng 8-2012, thực hiện Nghị quyết Trương ương 4 (khóa XI), cán bộ, đảng viên từ Trương ương đến địa phương tiến hành tự phê bình, kiểm điểm, làm “sạch” mình, đồng thời làm tốt phê bình, kiểm điểm đồng chí mình để góp phần làm trong sạch Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân.

Để việc tự phê bình và phê bình lần này đạt hiệu quả mong muốn, thiết nghĩ mỗi đảng viên ở bất cứ cương vị nào, hoàn cảnh nào cũng cần nâng cao lòng tự trọng của mình. Bởi lẽ, có lòng tự trọng mới có bản lĩnh để nhận thức đúng, khách quan, toàn diện về bản thân mình, sai đúng chỗ nào để sửa và cũng để phát huy. Có lòng tự trọng mới phát huy được sự trung thực. Trung thực ngay với bản thân, với đồng nghiệp, đồng chí, với tổ chức, với lãnh đạo. Và khi đã trung thực thì sẽ không giấu sai, giấu xấu, mới dám bày tỏ, chia sẻ những cái được, chưa được của mình trước lãnh đạo, với đồng chí, dám chịu trách nhiệm về mọi hành vi, việc làm của mình. Khi đã không giấu sai, giấu xấu thì sẽ không bị “dị ứng”, khó chịu, bực tức, có khi giận dữ, thậm chí nhen nhóm ý nghĩ trả thù với sự góp ý, phê bình của người khác. Khi bản thân đã có lòng tự trọng, phát huy được lòng tự trọng mới không sợ, không rụt rè, cả nể, ngược lại càng tự tin hơn, đủ bản lĩnh, sự sáng suốt và tâm trí mình nhẹ nhõm, thanh thoát; thái độ và cách ứng xử sẽ vô tư, chân tình, cởi mở, “không rào trước đón sau”, dũng cảm phê bình, đấu tranh với những cái xấu, cái sai của đồng chí, của lãnh đạo. Đặc biệt, không sợ người khác nghĩ xấu về mình, trù dập mình khi góp ý phê bình, đấu tranh với những cái xấu, cái sai đó.

Câu chuyện “Con cá chột nưa” của nhà thơ cách mạng Tố Hữu ngày xưa là bài học hữu ích về lập trường cách mạng mà sâu xa hơn là lòng tự trọng. Vì danh dự, nhân cách của người chiến sĩ cộng sản, của một đảng viên, Tố Hữu đã tự phê phán những ham muốn bản năng của bản thân trước hoàn cảnh tù ngục để rồi đấu tranh không khoan nhượng với chúng, vượt lên những ham muốn tầm thường, giữ vững bản lĩnh, ý chí cách mạng làm cho kẻ thù phải nể phục. Vì vậy, để việc kiểm điểm đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, không xảy ra hiện tượng “đánh trống bỏ dùi”, làm qua loa lấy lệ, thì mỗi đảng viên dù bất cứ cương vị nào phải nâng cao lòng tự trọng. Với tinh thần đó, thiết nghĩ các cấp ủy đảng cần tuyên truyền, khơi dậy lòng tự trọng của mỗi đảng viên, có vậy việc kiểm điểm lần này mới đi tới đích được.


Theo Tạp chí Xây dựng Đảng


Bình luận