Phương pháp “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh với việc bảo vệ chủ quyền đất nước

Ngày đăng: 12/06/2014 - 15:06

"Dĩ bất biến ứng vạn biến" (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi) là tư tưởng, phương pháp cách mạng của Hồ Chí Minh. Tiếp cận từ khía cạnh văn hóa, "dĩ bất biến ứng vạn biến" là một sự trả lời, sự thích ứng, một sự ứng phó của một cộng đồng cư dân, trước những thách thức của những điều kiện địa lý - khí hậu, và sau đó là sự trả lời, ứng phó trước những thách thức của những điều kiện xã hội - lịch sử. "Dĩ bất biến ứng vạn biến" được coi là nguyên tắc, phép biện chứng, phương châm xem xét và hành động số một của Hồ Chí Minh trong giải quyết những vấn đề chiến lược, sách lược, đặc biệt là trong vấn đề ngoại giao. Nó là một khía cạnh trong phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh.

di bat bien

Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cộng hòa Pháp, tại sân bay Lơ Buốcgơ, ngày 22-6-1946

Trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của mình, Hồ Chí Minh xác định cái bất biến là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; là tự do, hạnh phúc của nhân dân, “không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Đó cũng là mục đích duy nhất, là “ham muốn tột bậc” của Người. Cái bất biến nhìn rộng ra còn được hiểu, nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.

Cái bất biến là chiến lược, mục tiêu, lý tưởng, còn cái vạn biến là con đường, cách làm, cách nhìn, cách xử lý, bước đi, nhịp độ. Chỉ đạo chiến lược, vận dụng sách lược, hình thức, biện pháp cách mạng thì phải hết sức linh hoạt, thay đổi cho phù hợp với tình thế cụ thể, vì thế giới và con người đều luôn đổi mới và phát triển. Thậm chí trong trường hợp đặc biệt như “đêm trước” của Cách mạng tháng Tám do “sự thay đổi về kinh tế, chính trị Đông Dương, sự thay đổi thái độ, lực lượng các giai cấp Đông Dương, buộc Đảng ta phải thay đổi chính sách cách mạng ở Đông Dương cho hợp với nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân Đông Dương, cho hợp với tình hình thay đổi”1. Mặt khác, trong khi nắm cái bất biến đồng thời phải luôn luôn biết vạn biến nhưng “vạn biến” không xa rời, làm tổn hại cái “bất biến”; “vạn biến” đến đâu, như thế nào là tùy thuộc vào hoàn cảnh, lực lượng, tình hình cụ thể mỗi lúc, mỗi nơi cho phép.

“Dĩ bất biến ứng vạn biến” là giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài, không thể chỉ biết mục tiêu trước mắt mà quên mục tiêu lâu dài; không thể chỉ biết mục tiêu lâu dài mà không biết giành thắng lợi từng bước, vì những mục tiêu trước mắt. Trong đấu tranh ngoại giao, đó chính là phương pháp thỏa hiệp có nguyên tắc, “bước một bước ngắn hơn để có sức mà bước một bước dài hơn”2 hoặc biết lùi một bước để tiến hai bước theo cách nói của Lênin.

“Dĩ bất biến ứng vạn biến” là quan điểm, phương pháp cách mạng, phương pháp ngoại giao, là sự vận dụng tổng hợp các nguyên tắc, quy luật của phép biện chứng duy vật. Hồ Chí Minh đã vận dụng phương pháp này không chỉ là một khoa học mà còn là một nghệ thuật đầy sáng tạo. Chính nhờ vậy, Người đã vượt qua được mọi hiểm nghèo đối với bản thân mình cũng như đưa cách mạng vượt qua những thời kỳ như “ngàn cân treo sợi tóc”; có lúc tiến lúc thoái, lúc đi thẳng lúc đi vòng, nhưng cuối cùng đi đến mục tiêu giữ vững độc lập, chủ quyền,  thống nhất cho Tổ quốc, đưa nhân dân lên con đường tự do, hạnh phúc.

Hòa hoãn với Pháp để gạt Tưởng khỏi nước ta, chuẩn bị mọi điều kiện có thể đánh Pháp về sau bằng việc ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 là một ví dụ điển hình. Chúng ta đều biết ngày 28-2-1946, Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết giữa Đại sứ Pháp và Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Tưởng Giới Thạch. Theo Hiệp ước, Pháp nhường cho Tưởng một số quyền lợi về kinh tế, chính trị như hủy bỏ cai trị ngoài pháp quyền của Pháp trên đất Trung Quốc, nhường cho Tưởng một “khu đặc biệt” để tự do buôn bán và có quyền kiểm soát thuế quan ở cảng Hải Phòng, bán cho Tưởng đoạn đường sắt từ Hồ Kiều đến Côn Minh. Còn Tưởng nhường cho quân đội Pháp quyền thay thế quân đội Tưởng chiếm đóng ở phía Bắc Đông Dương, từ vĩ tuyến 16 trở ra, làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật.

Hiệp ước Hoa - Pháp đã đặt nhân dân ta trước sự lựa chọn một trong hai con đường, hoặc là cầm vũ khí chiến đấu chống thực dân Pháp, không cho chúng đổ bộ lên miền Bắc, hoặc là hòa hoãn nhân nhượng Pháp để tránh tình trạng phải đối phó một lúc với nhiều kẻ thù, đẩy 20 vạn quân Tưởng khỏi miền Bắc, tranh thủ thời gian hòa hoãn, tiếp tục củng cố và phát triển lực lượng cách mạng, chuẩn bị mọi mặt bước vào cuộc chiến đấu lâu dài khi tình thế bắt buộc.

Chỉ thị “Tình hình và chủ trương” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 3-3-1946 đã chỉ rõ: “Vấn đề lúc này, không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận định một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng”3.

Hiệp định sơ bộ được ký kết ngày 6-3-1946 khẳng định được những nội dung “bất biến” như: Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ riêng, nghị viện riêng, quân đội riêng, tài chính riêng. Việc thống nhất ba kỳ do nhân dân Việt Nam trực tiếp phán quyết. Chúng ta phải nhân nhượng cho Pháp đem 15.000 quân ra miền Bắc thay thế quân Tưởng giải giáp quân đội Nhật, nhưng điều có ý nghĩa quan trọng nhất là ta đã tránh được cuộc đụng đầu bất lợi phải chống lại nhiều kẻ thù cùng một lúc, đẩy được 20 vạn quân Tưởng cùng bọn tay sai của chúng ra khỏi nước ta, giành thêm thời gian hòa bình cần thiết để củng cố chính quyền cách mạng, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, phát triển lực lượng vũ trang nhằm chuẩn bị lực lượng mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp về sau.

Tạm ước 14-9-1946 cũng cho thấy phương pháp “dĩ bất biến ứng vạn biến” rất linh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một tình thế hiểm nghèo. Sau khi ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, ta đã thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, trong khi đó, thực dân Pháp ra sức phá hoại nhiều điều khoản của Hiệp định. Song song với việc chiếm đóng trái phép nhiều nơi ở miền Bắc, tiếp tục càn quét, mở nhiều cuộc tiến công quân ta ở miền Nam, thực dân Pháp đã tỏ thái độ thiếu thiện chí, bộc lộ dã tâm phá hoại tại Hội nghị trù bị ở Đà Lạt (từ 19-4 đến 11-5-1946).

Ngày 31-5-1946, phái đoàn Việt Nam do Phạm văn Đồng dẫn đầu lên đường sang Pháp đàm phán. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lên đường sang thăm nước Pháp với tư cách thượng khách của Chính phủ Pháp. Trước khi lên đường, nói chuyện cùng đồng bào, Người khẳng định lại điều “bất biến” là “chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”4. Người gửi thư cho đồng bào Nam Bộ nêu rõ: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”5.

Lập trường của Pháp ở Hội nghị Phôngtennơblô không khác gì ở Hội nghị trù bị Đà Lạt là đòi đặt lại chế độ toàn quyền ở Việt Nam, tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, Việt Nam không có ngoại giao riêng. Cuộc đàm phán kéo dài hơn hai tháng (từ 6-7 đến 10-9-1946), cuối cùng cũng như Hội nghị trù bị Đà Lạt, đã không đi đến thỏa thuận nào do lập trường hai bên xa nhau.

Cuộc đàm phán kết thúc vào ngày 10-9-1946. Tình hình bang giao hai nước Việt - Pháp rất căng thẳng. Nguy cơ một cuộc chiến tranh đến gần. Tình thế  đặt ra là cần có quyết định nhanh chóng trên cơ sở giữ được những vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, trước một kẻ thù đầy dã tâm tái chiếm nước ta, bắt nhân dân ta trở lại cuộc sống nô lệ, chúng ta không thể đòi hỏi được tất cả. Điều quan trọng là không nhân nhượng những gì thuộc về nguyên tắc nhưng đồng thời có điều kiện kéo dài thời gian hòa hoãn để xây dựng, củng cố thêm lực lượng, làm cho nhân dân Pháp, nhân dân thế giới hiểu rõ thiện chí hòa bình của Việt Nam và dã tâm xâm lược của Pháp. Chính vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với đại diện Chính phủ Pháp là Moutet, Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại, bản Tạm ước 14-9-1946. Nội dung bản Tạm ước khẳng định lại Chính phủ hai nước cam kết tiếp tục chính sách hợp tác như Hiệp định sơ bộ đã nêu và nhân nhượng cho người Pháp một số quyền lợi về kinh tế, văn hóa, nhưng vẫn giữ vững những nguyên tắc “bất biến”. Nhưng đây cũng là giới hạn cuối cùng của sự nhân nhượng. Đảng ta khẳng định: “Sự thật đã chứng rằng: thực dân Pháp ngang nhiên khiêu hấn. Chúng định dùng võ lực bắt ta phải nhượng bộ. Nhưng không khi nào ta chịu. Tạm ước 14-9 là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc”6.

Đánh giá kết quả của hai lần đàm phán, trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ở đây cũng cần nhắc lại Hiệp định 6-3-1946Tạm ước 14-9-1946, vì việc này cũng làm cho nhiều người thắc mắc và cho đó là chính sách quá hữu. Nhưng các đồng chí và đồng bào Nam Bộ thì cho là đúng. Mà đúng thật. Vì đồng bào và đồng chí ở Nam đã khéo lợi dụng dịp đó để xây dựng và phát triển lực lượng của mình… Chúng ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà, cho nên chúng ta đã ép lòng mà nhân nhượng để giữ hòa bình. Dù thực dân Pháp đã bội ước, đã gây chiến tranh, nhưng gần một năm tạm hòa bình đã cho chúng ta thời giờ để xây dựng lực lượng căn bản”7.

Hơn 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt từ khi giành được chính quyền về tay nhân dân, trong mỗi bước đi lên, cách mạng Việt Nam phải đối phó với muôn vàn sự biến đổi, đòi hỏi trí tuệ, bản lĩnh, sự sáng suốt, tỉnh táo, nhạy bén của Đảng để thay đổi cách thức đấu tranh cho thích hợp với những điều kiện lịch sử cụ thể mà cuộc đấu tranh lúc này hay lúc khác đặt ra.

Hiện nay, việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải dương - 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, cùng hàng trăm tàu và máy bay hộ tống các loại, trong đó có nhiều tàu quân sự, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam, đi ngược lại luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc, ảnh hưởng đến lòng tin chiến lược và tuyên bố hợp tác giữa hai đảng, hai nhà nước, làm tổn thương tình cảm của nhân dân hai nước.

Cả thế giới đều biết Trung Quốc ôm mộng bá chủ Biển Đông bằng đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) phi lý, “nói một đường làm một nẻo”, đe dọa, lấn át các nước nhỏ trong khu vực. Với bề dày kinh nghiệm đấu tranh chống những kẻ thù hung bạo, hiện nay chúng ta phải biết vận dụng sáng tạo phương pháp “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ với những mưu đồ xảo quyệt của Trung Quốc. Chúng ta phải khẳng định một cách mạnh mẽ rằng: Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta đã và phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới, vì họ quyết tâm dùng vũ lực độc chiếm Biển Đông một cách phi lý, ngăn cản con đường lưu thông hàng hải quốc tế trên Biển Đông.

Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình thật sự, trong độc lập tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chứ không phải thứ hòa bình giả hiệu, “hòa bình, hữu nghị viển vông” như tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chúng ta rất quý trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc nhưng phải trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Chúng ta không chỉ đấu tranh vì hòa bình, độc lập của dân tộc ta mà còn có nghĩa vụ bảo vệ  hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta sẵn sàng chấp nhận hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, nhất định không chịu để Trung Quốc muốn làm gì thì làm, nhất định buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải dương - 981 ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc phải rút vô điều kiện giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam thì chúng ta mới có thể ngồi đàm phán với họ. Đó là “vạn biến” trong tình hình hiện nay.

Trung Quốc phải biết rằng, họ có thể đưa hàng trăm tàu chiến xâm phạm lãnh hải, lãnh thổ Việt Nam. Họ có thể dùng các loại tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính… tăng cường đe dọa ngư dân Việt Nam và các chiến sĩ Việt Nam làm nhiệm vụ chấp pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhưng họ quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm bảo vệ chủ quyền của quân dân Việt Nam. Họ càng thô bạo thì càng bị cộng đồng quốc tế cô lập, phản đối.

Toàn dân và toàn quân ta cả trong nước và ở nước ngoài đoàn kết một lòng, phát huy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, không sợ hy sinh gian khổ, bằng sức mạnh tổng hợp và mọi biện pháp có thể, kiên quyết bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đó là điều “bất biến”. Hễ là người Việt Nam, dù sống trong nước hay định cư ở nước ngoài, bằng những cách thức phù hợp, phải tỏ rõ lòng yêu nước của mình. Ai cũng phải đứng lên, ra sức chống hành động xâm phạm biển đảo Việt Nam của Trung Quốc, để giữ gìn non sông gấm vóc mà cha ông để lại.

Chúng ta có chính nghĩa, có sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong nước và ngoài nước, có truyền thống đấu tranh bất khuất, lại có sự đồng tình ủng hộ rộng lớn của các nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân tiến bộ toàn thế giới kể cả những người có tư tưởng tiến bộ ở Trung Quốc, chúng ta nhất định thắng.

Trước tình hình mới, chúng ta quyết đồng tâm nhất trí, vượt mọi gian khổ, hy sinh, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của dân tộc là buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải dương - 981 ra khỏi vùng biển chủ quyền Việt Nam, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của dân tộc theo tinh thần các vua Hùng đã có công dựng nước, toàn dân, toàn quân ta phải cùng nhau giữ lấy nước, không để mất một tấc đất của Tổ quốc.

PGS. TS. BÙI ĐÌNH PHONG

Viện Hồ Chí Minh

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.118, 119.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.8, tr.43-44.

4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.272, 280.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.8, tr.148.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.27-28.

Bình luận