Phương sách dùng người thời Lý - Trần nhận diện từ di sản lịch sử
"Hiền tài là nguyên khí quốc gia", trong quá trình dựng nước và giữ nước, việc dùng người nói chung và việc sử dụng hiền tài nói riêng luôn được các triều đại tiến bộ đặc biệt quan tâm. Ngay trong giai đoạn mở đầu kỷ nguyên Đại Việt, ông cha ta cũng đã có những phương sách dùng người rất tài tình và đắc dụng.
Nhận thức của ông cha ta trong việc dùng người và sử dụng hiền tài
Ngay từ buổi đầu dựng nước, ông cha ta đã chú trọng đến việc “cầu hiền”, “cầu tài’’. Lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước đến khi họ Khúc dựng nền tự chủ, mặc dù nguồn tư liệu về giai đoạn này còn lại quá sơ lược, nhưng cũng đã cho thấy các danh nhân hào kiệt đã thực hiện chính sách thu phục lòng người, chiêu mộ tướng sĩ dưới ngọn cờ độc lập. Chính sách thu phục lòng người, dựa vào dân chúng cũng đã được các danh nhân, vương triều kế tiếp như: Lý Bí, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn tiếp tục thực thi ở các mức độ khác nhau. Vì vậy, đã thu hút được nhiều người tài tham gia công cuộc dựng nước và giữ nước.
Trong thời Lý - Trần, mở đầu kỷ nguyên Đại Việt, ông cha ta luôn nhận thức vai trò và sức mạnh to lớn của dân, đồng thời khẳng định hiền tài là ở dân, hiền tài ở trong dân. Vì thế, các triều đại đều có chiếu cầu hiền, tiến hành tuyển chọn hiền tài ra gánh vác việc nước. Dưới triều Lý, như sử thần Lê Tung trong Việt giám thông khảo tổng luận đã nhận xét: “Lý Thái Tổ thuận lòng người, thừa cơ mở vận, có đại độ khoan nhân, có quy mô xa rộng, dời đô định vạc, kính trời yêu dân. Thái Tông trí dũng có đức hiếu học, học tập lễ văn. Thánh Tông yêu nhân dân, trọng việc ruộng, vỗ người xa, yêu người gần, đặt khoa bác học (thi cử - tác giả). Nhân Tông tính trời nhân hiếu, trọng kén chọn danh thần, xuống chiếu mở đường nói, cầu người hiền, nghe lời can. Thần Tông sửa sang chính sự, nhậm dụng hiền năng. Anh Tông đặt ra trường giảng võ để nghiêm võ bị... kể mặt chính trị cũng là kỹ càng. Song không phân biệt được kẻ gian tà, không công minh trong việc thưởng phạt, yêu dùng kẻ gian thần mà mở đường trọng cước (có lẽ là tà dâm - tác giả), sao mà tồi thế. Cao Tông buổi đầu chuyên dùng các hiền thần là Tô Hiến Thành, Lý Kính Tu, cùng nhau mưu tính việc chính trị, có lệnh chẩn bần, có chiếu cầu hiền, cho nên từ năm Thiên Tư gia thụy về trước chính sự còn khả quan. Từ thời Huệ Tông, vua yếu tôi mạnh, cái điềm mất nước (tức triều đại - tác giả) đã quyết định.
Sang thời Trần, theo Lê Tung, Thái Tông có đức nhân hậu, đánh giặc yên dân, mở khoa thi lấy người giỏi. Tể tướng thì chọn người tôn thất hiền năng, triều điển thì định ra lễ nghi hình luật. Chế độ nhà Trần từ đó thịnh. Nhân Tông nhân từ hòa nhã, xuống chiếu chẩn cấp cho người nghèo mà lòng dân cố kết, chọn tướng giỏi chống địch mà giặc Nguyên được dẹp yên. Anh Tông đặt ra cấp bậc ban cho văn võ, đặt quy thức khoa cử của sĩ nhân, trị đạo lấy nuôi dân làm kíp, chính sự lấy phong hiến làm đầu. Minh Tông tính trời khiêm hòa, để tâm vào thú hàn mặc, có thơ khuyên người hiền, có tài răn uống rượu, dường như cũng đáng khen. Song quan chế có phần nhũng tạp, hình phạt nhiều việc oan uổng, nhẹ dạ tin Khắc Chung là kẻ gian, để đến nỗi Quốc Chẩn bị chết, đó được xem là vết xấu của kẻ thông minh. Lê Tung cũng chỉ ra những hạn chế trong việc dùng người thời Dụ Tông dẫn đến sự sa sút của vương triều. Đối với các danh thần ông cũng ghi nhận những Trần Nhật Duật, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Phùng Tá Chu, Phạm Ngũ Lão, Đoàn Nhữ Hài, Trương Hán Siêu, Đinh Củng Viên, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Bá Quát... và nhiều trung thần khác, nhưng “vua đương thời có khi không dùng, cho nên chính trị không bằng đời cổ”, dẫn đến những biến cố sau đó.
Đào tạo và tuyển chọn hiền tài
Đây là một trong những nội dung quan trọng, được các vương triều thực thi vì quyền lợi của vương triều và quyền lợi dân tộc. Để xây dựng bộ máy nhà nước trung ương tập quyền, thời Lý - Trần đã tiến hành bổ dụng quan lại bằng hai con đường: nhiệm tử và thủ sĩ, tức là bổ dụng con cháu quý tộc và thông qua con đường thi cử. Chế độ nhiệm tử thịnh hành ở các triều Đinh, Lê, đến thời Lý trở đi mới bắt đầu dùng hình thức thi cử. Chế độ khoa cử bắt đầu từ thời Lý Nhân Tông nhằm tuyển quan lại, chọn người giỏi văn chương hoặc tuyển nhân viên vào các cơ quan trực thuộc triều đình. Theo sử cũ, năm 1075 triều đình xuống chiếu thi Minh kinh bác sĩ và Nho học tam trường. Đây là khoa thi đầu tiên chọn người vào Hàn lâm viện, mở đầu cho truyền thống khoa cử ở Việt Nam cho đến năm 1919, khoa thi cuối cùng của triều Nguyễn. Tiếp theo đó là các khoa thi tuyển người có tài văn học năm 1086, thi tam giáo năm 1195. Ngoài ra còn có các kỳ thi tuyển lại viên với các môn toán và hình luật. Tuy nhiên ở thời Lý, chế độ khoa cử mới chỉ thực hiện bước đầu. Mỗi khi nhà nước có nhu cầu thì mở khoa thi, chưa có quy định cụ thể về thời hạn. Nội dung các kỳ thi chủ yếu là thi về văn họa và tư tưởng, chưa gắn với các vấn đề “vĩ mô” của quốc gia. Mặc dù vậy, việc mở các kỳ thi là một bước tiến lớn so với trước đó. Không phải ngẫu nhiên mà Chu Khứ Phi trong Lĩnh Ngoại đại đáp ghi rằng “Giao Chỉ trọng khoa cử”.
Sang thời Trần, việc khoa cử được đẩy mạnh thêm một bước. Năm 1232, dưới thời Trần Thái Tông, khoa thi Thái học sinh (thời Duệ Tông gọi là tiến sĩ) đầu tiên được tổ chức lấy đủ ba bậc tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa). Theo quy định của nhà Trần, thái học sinh bảy năm thi một lần, chỉ lấy 30 người. Những thuộc quan ở tam quán, tướng phủ học sinh và những người có tước phẩm đều được vào thi cả. Cùng với chế độ khoa cử, việc triển khai hệ thống giáo dục cũng được chú trọng. Vào giai đoạn cuối đời Trần, khi quyền bính đã nằm trong tay họ Hồ, triều đình đã ban chiếu khuyến học rất đáng chú ý: “Đời xưa, nước có nhà học, đảng có nhà tự, toại có nhà tường, là để tỏ rõ giáo hóa, giữ gìn phong tục, ý trẫm rất chuộng như vậy. Nay quy chế ở kinh đô đã đủ, mà ở châu huyện thì còn thiếu, làm thế nào để rộng đường giáo hóa cho dân. Nên lệnh cho các phủ, lộ Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông đều đặt một học quan, ban cho quan điền theo thứ bậc khác nhau (...) Lộ quan và quan đốc học hãy dạy bảo học trò cho thành tài nghệ, cứ đến cuối năm thì chọn người ưu tú tiến cử lên triều đình, trẫm sẽ thân hành thi chọn và cất nhắc”. Ngô Sĩ Liên đã nhận xét: “Bây giờ có chiếu lệnh này, còn gì tốt đẹp bằng thế nữa... Nhưng lệnh này không thấy thi hành, vì chẳng bao lâu sau vương triều Trần đã nhường chỗ cho vương triều Hồ”. Nhờ những chính sách đó, đúng như nhận xét của Ngô Sĩ Liên: “Tầng lớp nho sĩ nối nhau vào triều, nhân tài nở rộ”.
Ngoài hình thức thi trên đây, dưới triều Trần còn tiến hành thi tuyển lại viên và thi tuyển võ quan, lập Giảng Võ đường, đào tạo đội ngũ quan lại chỉ huy quân đội.
Dưới thời Lý - Trần, việc bổ nhiệm theo hình thức nhiệm tử còn rất phổ biến. Hầu hết các chức vị chủ chốt đều do tôn thất nắm giữ. Điển hình trong việc này là nhà Trần. Chính vì vậy, trong giai đoạn đầu, các vương hầu họ Trần, ngoài việc nắm giữ những vị trí trọng yếu ở triều đình còn được phân phong đi trấn trị các nơi như: Quốc Khang coi Diễn Châu, Nhật Duật coi Thanh Hóa, Quang Khải coi Nghệ An, Khánh Dư coi Vân Đồn... Về sau định lệ này mới dần được thay đổi.
Hình thức truyền ngôi thời Trần cũng khác với thời Lý. Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư đã nhận xét: “Gia pháp họ Trần, con đã lớn thì cho nối ngôi chính, còn cha lui ở cung Thánh từ xưng là Thái Thượng hoàng, cùng trông coi chính sự. Thực ra truyền ngôi chỉ để yên việc sau, phòng lúc vội vàng, chứ mọi việc đều do Thượng hoàng quyết định”. Điều này là một trong những đặc thù của nhà Trần, không chỉ gắn liền với ý thức bảo vệ quyền lợi dòng họ mà còn là sự đảm bảo hoạt động tập thể ở vị trí tối cao. Thượng hoàng là người kèm cặp vua và cũng là người xử lý việc nước với vua. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại sự việc dưới thời Anh Tông khi Thượng hoàng từ Thiên Trường trở về bắt gặp vua uống rượu say đã lập tức trở lại Thiên Trường lệnh điểm danh. Nhờ Đoàn Nhữ Hài dâng biểu tạ tội, vua mới được tha và bảo: “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm còn sống mà ngươi còn như thế huống chi sau này!”. Đấy là phương sách mà nhà Trần thực thi nhằm bồi đắp khả năng cho người đứng đầu vương triều.
Trong lịch sử phương thức cầu hiền, tiến cử cũng luôn được coi trọng. Sử cũ còn ghi:
Năm 1076, Lý Nhân Tông xuống chiếu cầu lời nói thẳng, cất nhắc những người hiền lương có tài văn võ cho quản quân dân. Chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám.
Năm 1182, Lý Cao Tông xuống chiếu cầu người hiền lương.
Năm 1253 Trần Thái Tông xuống chiếu vời nho sĩ trong nước đến Quốc học viện giảng Tứ thư, Ngũ kinh.
Năm 1272, Trần Thánh Tông xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, có thể giảng bàn ý nhĩa của Tứ thư, Ngũ kinh, sung vào hầu nơi vua đọc sách...
Đây là hình thức mà các triều đại Lý - Trần sử dụng nhằm khai thác khả năng tiềm tàng trong dân chúng và điều chỉnh các chính sách, biện pháp thống trị. Xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội thời bấy giờ, Nhà nước không chỉ chú trọng đến tầng lớp quý tộc tôn thất mà còn có chính sách đối với tầng lớp bình dân và ngay cả tầng lớp gia nô. Thời Trần, chế độ điền trang, thái ấp khá thịnh hành và trở thành chỗ dựa quan trọng của nhà nước, trong đó gia nô có vị trí nhất định. Trần Nhân Tông đã nói về họ: “Ngày thường có kẻ hầu cận hai bên, lúc Nhà nước hoạn nạn thì chỉ có bọn ấy đi theo thôi”.
Sử cũ đã từng ghi nhận công lao những người thuộc tầng lớp bình dân như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lôi trong các cuộc kháng chiến. Các sử thần triều Lê khi đánh giá về tài năng của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cũng đã không quên khi ghi nhận: Ông khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước như Dã Tượng, Yết Kiêu, có công dẹp giặc Ô Mã Nhi.
Đề bạt và sắp xếp quan lại theo năng lực và sở trường cá nhân
Dưới thời Lý - Trần, nhìn chung có sự nhất quán trong việc dùng người, phù hợp với từng lĩnh vực như chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa. Thời Lý, các vua đầu triều rất chú trọng dùng người tài giỏi ngoài dòng họ, Lý Thường Kiệt là một ví dụ . Ông tên thật là Ngô Tuấn, một người tài giỏi nhiều mưu lược được ban quốc tính họ Lý, từng được phong Phụ quốc Thái úy, thống lĩnh quân đội. Nhiều vị đại sư tài danh như Vạn Hạnh, Huệ Sinh, Mãn Giác, Chân Không, Khánh Hưng đều được trọng dụng, tham gia bàn việc nước...Việc trọng dụng các nhà sư thực chất là trọng dụng tầng lớp trí thức, bởi họ là tầng lớp trí thức nhất lúc bấy giờ.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại sự kiện năm 1179, triều đình đã khảo xét công trạng các quan và phân loại: người giữ chức siêng năng, tài cán mà không thạo chữ nghĩa làm một loại, người có chữ nghĩa tài cán làm một loại, người tuổi cao hạnh thuần làm một loại, cứ theo chức vụ mà trao chức vị trị dân, coi quân, để cho quan chức không lạm nhũng.
Đến thời Trần, mặc dù quý tộc, tôn thất rất được trọng dụng, nhưng trong dùng người, các vua Trần luôn chú ý tài năng, phẩm hạnh, những người có khả năng giúp đời, cứu nước. Sử cũ còn ghi lại câu chuyện về Đoàn Nhữ Hài được cất nhắc lên quan to (lời của Đại Việt sử ký toàn thư), khi còn rất trẻ và bị những người ghen ăn tức ở chế giễu: Khẩu tồn nhũ xú Đoàn trung tán (Đoàn trung tán miệng còn hơi sữa), nhưng Anh Tông đã biết sử dụng: Vua đối với người tôn thất như Bảo Hưng, thân yêu hết mực, nhưng không trao cho việc chính sự vì không có tài. Còn như Đoàn Nhữ Hài chỉ là một nho sinh thôi, nhưng vì có tài nên không ngại trong việc ủy dụng nhanh vọt. Trong khi đó nhiều bậc cận thần do có công lao phụng sự nhưng tài năng hạn chế như Nguyễn Sĩ Cố, Chu Bộ, vua chỉ ban cho tước vị, bổng lộc mà thực chất không có quyền hành gì. Sử cũ ghi: “Có lần Thượng hoàng chầu Nhân Tông ở chùa Sùng Nghiêm. Nhân Tông bảo: Quốc phụ được đấy. Thượng hoàng bảo: Nếu lấy ngôi thứ mà bàn, thì Quốc phụ được rồi, chỉ hiềm hắn nghiện rượu thôi. Nhân Tông im lặng, rồi không dùng”. Có thể khái quát về cách dùng người của vương triều này như lời Trần Minh Tông lúc cuối đời: “Người làm vua dùng người, không phải là có tình riêng với người đó, mà chỉ nghĩ là người đó hiền thôi. Bởi vì người đó theo tấm lòng của ta, làm việc cho ta, chịu nhọc cho ta, ta cho đó là hiền mà dùng vậy. Nếu ta không hiền thì những người ta dùng cũng không hiền như Kiệt, Trụ đối với Phi Liêm và Ác Lai vậy”.
Trong quá trình sử dụng quan lại, dưới thời Lý - Trần quan lại thường xuyên được kiểm tra nhân cách và năng lực theo hình thức khảo kháo. Hình thức này được định ra từ năm 1051 và từ năm 1162 thì thành lệ. Trên cơ sở đó mà bố trí vị trí, thăng phẩm hàm. Nhiều biện pháp nhằm kiểm tra đức hạnh của quan lại được thi hành, ví dụ việc vua Trần mang vàng bạc thử lòng thanh liêm của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bính, Phí Trực (quan xử án), Trần Thì Kiến (kiểm pháp quan)...
Đãi ngộ, thưởng phạt trong dùng người
Đây là biện pháp gắn liền với việc trọng dụng nhân tài và dùng người. Dưới thời Lý - Trần, việc dùng người bao giờ cũng gắn liền với chính sách đãi ngộ như bổng lộc, đánh giá công trạng, khen thưởng, xét tội và phạt. Chính sách đãi ngộ được ban hành từ thời Lý, vì chưa có chế độ lương bổng nên chủ yếu là ban thực ấp như các triều Đinh, Lê trước đó. Sang thời Trần, ngoài chế độ thái ấp cho vương hầu còn định ra chế độ lương theo từng chức việc. Đây là bước phát triển trong quá trình xây dựng bộ máy nhà nước trung ương tập quyền, đồng thời nói như Ngô Sĩ Liên, là làm cho đội ngũ quan lại giữ thanh liêm, chống nhiễu sách nhân dân, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó các vương triều còn có quy định chặt chẽ trong việc khảo quan để định chế độ thưởng phạt. Năm 1246 định rằng, cứ 15 năm thì xét duyệt một lần. Ai làm việc 10 năm thì được thăng tước một cấp, làm việc 15 năm thì được thăng chức một bậc. Chức quan nào khuyết thì chức chánh phó kiêm thêm, nếu chức chánh phó đều khuyết thì viên quan khác kiêm quản, đợi khi nào đủ hạn mới bổ đúng chức vụ. Đối với các địa phương, lệ quy định: An phủ sứ ở các lộ, sau khi đã đủ niên hạn, được xét duyệt thì vào An phủ sứ ở Thiên Trường (quê hương Nhà Trần), đợi đủ niên hạn, qua một lần khảo công, làm việc ở thẩm hình viện rồi mới được làm An phủ sứ ở Kinh đô. Các hình thức khen thưởng cũng rất phong phú bao gồm phong chức tước, ban tặng vật chất và tinh thần, ghi công trạng (kể cả thân nhân của họ)... Các vị vua Thời Lý - Trần thường am hiểu văn chương. Sử cũ còn ghi lại nhiều áng văn chương mà vua ban tặng cho các công thần.
Bên cạnh khen thưởng, dưới thời Lý - Trần cũng đã định ra chế độ phạt đối với tội lỗi của quan chức, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Có thể thấy hàng loạt câu chuyện liên quan đến Trần Khánh Dư, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu… Sử cũ cũng còn ghi lại những vị quan thanh liêm, luôn giữ kỷ cương phép nước như Trần Thủ Độ.
Tuy nhiên, trong thời kỳ này, không ít những lời nói thẳng như nhiều sớ biểu dâng triều đình không được lắng nghe như Thất trảm sớ của Chu Văn An, Trương Đỗ với 3 lần can vua khi bình Chiêm. Trên thực tế, không ít danh thần, nho sĩ bị giáng chức vì những lời nói thẳng, thậm chí bị chém đầu như Nguyễn Bẩm dâng thư cuối đời Trần bị Hồ Quý Ly trừng phạt.
Trong giai đoạn mạt kỳ của các vương triều đã bộc lộ không ít hạn chế trong chính sách dùng người. Đó là thời kỳ nói như Ngô Sĩ Liên: vua thì thích làm tiền, các quan phần nhiều hám quan chức, buôn hình ngục. Chính điều đó đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy vong của các vương triều này trong lịch sử.
PGS. TS. Lâm Bá Nam
Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học
Khoa học Xã hội và Nhân văn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực