Phong cách tư duy của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Ngày đăng: 16/12/2013 - 09:12

Phong cách tư duy của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một bộ phận trong hệ thống chỉnh thể phong cách của ông, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Nghiên cứu, làm rõ bản chất, đặc trưng, giá trị phong cách tư duy của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh để vận dụng vào xây dựng phong cách tư duy khoa học, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, quản lý hiện nay có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

31

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự ở miền Nam năm 1967 - Ảnh chụp lại từ tư liệu

       Phong cách tư duy của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một bộ phận quan trọng trong phong cách Nguyễn Chí Thanh, phản ánh tập trung ở hệ thống các bài nói, bài viết và cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng. Tuy nhiên, phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh còn ít được nghiên cứu, đề cập trong các sách báo, tài liệu. Trung tướng, PGS. Nguyễn Đình Ước trong bài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, bước đầu đã phác thảo những nét lớn về phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh: Một người cộng sản kiên cường, trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; sống và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại. Đại tá Lê Hải Triều trong sách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã khái quát phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh như sau: Là người có hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, có tư duy biện chứng và khoa học, sự mẫn cảm đặc biệt về chính trị, nhuần nhuyễn trong gắn liền lý luận với thực tiễn; đã nắm vững và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn chiến tranh cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc sắc của phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh là luôn tìm tòi, phát hiện những nhân tố mới, tìm cách xây dựng những điển hình tập thể và cá nhân, rồi kịp thời rút kinh nghiệm. Sau khi đã rút kinh nghiệm chắc chắn, khẳng định được tính đúng đắn của sự đổi mới thì lập tức nhân điển hình, xây dựng mở rộng ra thành phong trào. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài Đồng chí Nguyễn Chí Thanh - một đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một vị tướng tài ba của quân đội ta và Đại tướng Văn Tiến Dũng trong bài Một người con trung hiếu, mẫu mực của Đảng ta và nhân dân ta, đều thống nhất cho rằng, đặc trưng phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh là: Sắc sảo, độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo, lý luận gắn liền với thực tiễn, quyết chiến, quyết thắng. Chúng tôi cho rằng, nhận định khái quát của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng về cơ bản đã phản ánh đúng bản chất, đặc trưng phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh. Có thể khẳng định rằng: Nét đặc sắc của phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh là: Nhận dạng nhanh, tính chính xác cao, sắc sảo, mềm dẻo, độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo, gắn lý luận với thực tiễn, quyết chiến, quyết thắng; vừa có tính độc đáo, rất riêng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vừa có tính phổ biến, mang tính giá trị bền vững của phong cách tư duy khoa học, cách mạng; chúng ta ai cũng có thể học tập và làm theo.

Tinh thần xông xáo, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thể hiện ở chỗ “đâu cần là có, đâu khó là đến”, “có lợi cho cách mạng là làm”, ngay cả lúc ốm mệt, giờ nghỉ, hễ có việc “cần làm ngay” là Đại tướng “đi ngay, đến ngay, giải quyết ngay”.

Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, đổi mới trong phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh được thể hiện ở chỗ: không giáo điều, rập khuôn máy móc, không bắt chước, không phụ thuộc, theo đuôi; luôn suy nghĩ và hành động độc lập, quyết đoán với cách nhìn mới, phương pháp và hình thức mới.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó nhưng giàu truyền thống cách mạng, Nguyễn Chí Thanh (Nguyễn Vịnh) đã sớm có tinh thần yêu nước, căm thù bọn thực dân, phong kiến. Do được tận mắt chứng kiến nỗi khổ nhục của đồng bào ta và tội ác tày trời của bọn thực dân, phong kiến, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia các cuộc đình công đòi chủ trả tiền công cho người lao động từ khi 17 tuổi. Trải qua thử thách trong đấu tranh chính trị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (3-1937), được bầu giữ nhiều chức vụ, từ bí thư chi bộ đến Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực của người lãnh đạo tài ba, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã lãnh đạo phong trào cách mạng ở tỉnh Thừa Thiên giành nhiều thắng lợi, phá tan mọi âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, mở ra sự phát triển mới của khu vực, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Khi bị bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã gan góc chịu đựng tra tấn cực hình, tìm cách đấu tranh chống bọn cai ngục, nêu gương sáng để anh em học tập, noi theo, được các đồng chí trong tù tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, cuộc đấu tranh trong nhà tù đã diễn ra quyết liệt, buộc cai ngục phải từng bước nhượng bộ. Lo sợ trước nguy cơ bạo động có thể xảy ra, thực dân Pháp đã đày Nguyễn Chí Thanh và một số đồng chí khác đi nhà tù Lao Bảo (10-1940). Cai ngục Pháp và tay sai đã dùng mọi mánh khóe để dụ dỗ đồng chí đầu hàng. Vượt qua đòn roi và sự dụ dỗ của địch, Nguyễn Chí Thanh đã đoàn kết, vận động anh em trong tù đấu tranh quyết liệt, liên tục tuyệt thực 14 ngày, buộc chúng phải nhượng bộ, phải “đối xử tử tế” với tù nhân “cộng sản”. Sau lần đó, đồng chí bị đày đi Buôn Ma Thuột. Năm 1941, Nguyễn Chí Thanh và một số đồng chí khác đã tổ chức vượt ngục thành công, trở về thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thừa Thiên, tiếp tục đưa phong trào cách mạng ở địa phương phát triển. Trước sự vận động và biến đổi mau lẹ của tình hình, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ta đã triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bàn nhiều vấn đề hệ trọng. Tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được bổ sung vào danh sách Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chính thức mang tên Nguyễn Chí Thanh (thay cho tên Nguyễn Vịnh), được Trung ương chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Năm 1950, đồng chí được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh điều động vào quân đội, giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Quân ủy và một số nhiệm vụ quan trọng khác.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã đem hết sức mình cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy lãnh đạo các lực lượng vũ trang nhân dân, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Những cống hiến của đồng chí về lãnh đạo quân đội, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau khi hòa bình lập lại, Nguyễn Chí Thanh đã viết một loạt bài về củng cố, xây dựng quân đội về chính trị. Tư duy nhất quán, xuyên suốt của Đại tướng thể hiện ở chỗ: Đảng Cộng sản Việt Nam là người sáng lập, tổ chức, lãnh đạo quân đội; mọi chiến công của quân đội không tách rời sự lãnh đạo của Đảng. Đồng chí khẳng định: Quân đội ta là quân đội của Đảng, của nhân dân, suốt đời vì Đảng, vì nhân dân phục vụ. Tư duy chiến lược quân sự của Đại tướng là ra sức chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện, quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Đại tướng đã đề ra bảy nguyên tắc công tác đảng, công tác chính trị. Đó là những nguyên tắc mang ý nghĩa chiến lược, thể hiện tầm tư duy biện chứng sâu sắc, mang ý nghĩa lâu dài, có giá trị bất biến đối với quân đội cách mạng. Bảy nguyên tắc công tác đảng, công tác chính trị thể hiện rõ tư duy chính trị sắc bén, bản lĩnh vững vàng, sự am hiểu sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Cuối năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng phân công làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Với phong cách tư duy sắc sảo, mềm dẻo, độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo, lý luận gắn với thực tiễn, quyết chiến, quyết thắng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, gắn bó với nông dân, cùng họ xắn quần lội ruộng, xem xét việc canh tác, khảo sát các nơi nghèo khó, rút kinh nghiệm các nơi làm ăn khá, lắng nghe ý kiến của nông dân và các nhà khoa học... Trên cơ sở đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo mở rộng sản xuất, phá “xiềng ba sào”, phát động phong trào thi đua “gió Đại Phong”. Tuy Đại tướng “làm nông nghiệp” chỉ một thời gian ngắn, nhưng đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc.

Năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Đảng điều vào miền Nam, cùng Trung ương Cục trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong chỉ đạo chiến đấu, qua các bài viết, bài nói, tư duy quân sự chiến lược của Đại tướng thể hiện ở chỗ: Tìm phương pháp, biện pháp, cách thức đánh Mỹ, diệt ngụy, bảo vệ và phát triển lực lượng cách mạng, tiến tới giành thắng lợi. Để giải quyết vấn đề này, theo Đại tướng, việc làm đầu tiên có ý nghĩa quyết định là hạ quyết tâm đánh Mỹ, theo đó, phải trả lời được câu hỏi: Làm gì và làm như thế nào để thắng Mỹ? Vốn có phong cách tư duy khoa học, lại nhạy cảm, hiểu biết tường tận thực tiễn chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tìm được lời giải đáp chính xác, khái quát khẩu hiệu chỉ đạo, nêu phương châm hành động: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”. Trên cơ sở tư duy biện chứng duy vật sắc sảo, Đại tướng đã phân tích, so sánh thế và lực của ta và địch trên chiến trường rất sâu sắc, mang tầm chiến lược, “nhìn xa, trông rộng”, song lại rất thực tiễn.

Đại tướng còn viết nhiều bài luận, ký tên “Hạ sĩ Trường Sơn” có tiếng vang lớn. Bằng nhiều con số chiến lược “biết nói”, Đại tướng luôn nghiền ngẫm, so sánh lực lượng địch - ta, thông qua phân tích, mổ xẻ thực tiễn để khái quát, nâng lên tầm tư duy lý luận, những nhận định, kết luận mà Đại tướng rút ra đều có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn sâu sắc, hiệu quả.

Trong phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh, tính thiết thực, tính lý luận gắn với thực tiễn thể hiện rất rõ. Đồng chí luôn xông xáo, bám sát cơ sở và nắm chắc tình hình đơn vị; mọi quyết định, chủ trương, biện pháp của Đại tướng đều xuất phát từ tình hình thực tiễn, hướng đến giải quyết các vấn đề thực tiễn, nhất là những vấn đề nổi cộm. Đại tướng luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải bám sát thực tiễn sinh hoạt, huấn luyện, chiến đấu của bộ đội mà tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Theo Đại tướng: “Con người mácxít, lêninnít là con người rất lý luận, rất nguyên tắc, song lý luận và nguyên tắc phải đi từ cuộc sống và xâm nhập vào cuộc sống”. “Nếu thực tiễn tách rời lý luận là thực tiễn mù”, “chỉ có lý luận thống nhất với thực tiễn mới là lý luận chính xác, khoa học”1. Do đó, mỗi bài nói, bài viết của cán bộ chỉ có giá trị khi nó phản ánh sinh động thực tiễn và có giá trị chỉ đạo thực tiễn. Đại tướng căn dặn cán bộ, đảng viên phải đi sâu, đi sát bộ đội, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với họ, có như vậy mới hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, từ đó mà đề xuất chủ trương, biện pháp phù hợp. Đại tướng phê phán thói quen làm việc công chức “sáng vác ô đi, chiều vác ô về”, lề lối làm việc bàn giấy, “ít đi cơ sở”, “không hiểu cơ sở” nên thường “ba hoa, sáo rỗng”, “đại khái, chung chung”.

Là người của cơ sở, gắn sát với thực tế đơn vị, am hiểu tường tận tình hình chiến trường, Đại tướng luôn căn dặn cán bộ, đảng viên: Việc gì có lợi cho cách mạng, dù khó khăn đến mấy đều phải cố gắng làm; khi đã quyết làm, phải tìm biện pháp tốt nhất, phải luôn chủ động, sáng tạo, cụ thể và thiết thực. Là người trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, có sự trải nghiệm thực tiễn sâu sắc từ những bài học thành công và thất bại, Đại tướng cho rằng, suy đến cùng, mọi vấn đề đều do con người quyết định. Tâm huyết của Đại tướng là làm cách nào tốt nhất để chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và giữ cán bộ của Đảng. Khi một cán bộ, đảng viên, chiến sĩ chưa hoàn thành nhiệm vụ, Đại tướng coi đó là trách nhiệm của mình.

Tính thiết thực của lý luận là phải gắn với thực tiễn, là một nét đặc trưng nổi bật của phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh. Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng đã toát lên điều đó. Ông luôn đứng trên “mảnh đất thực tiễn” của cách mạng Việt Nam để vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, kinh nghiệm đánh giặc của nước ngoài vào Việt Nam cho phù hợp, những đề xuất mới từ một vấn đề cũ, dám từ bỏ lối mòn trong thói quen, nếp nghĩ, dám nhận lấy trách nhiệm khai phá con đường mới, cách làm mới... đã phản ánh rõ nét đặc sắc phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã học và trưởng thành từ “trường đại học” cuộc đời, người thầy vĩ đại là Đảng Cộng sản, quân đội, nhân dân và Bác Hồ kính yêu, bài học xuyên suốt là suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân với cái tâm trong sáng, cái tầm trí tuệ uyên thâm, với đức tính khiêm tốn, giản dị, chân tình; thủy chung, trọn vẹn tấm lòng với Đảng, với nhân dân, đất nước, với đồng chí, đồng đội. Tính năng động, sáng tạo của phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh dựa chắc trên nền tảng tư duy biện chứng và thực tiễn cách mạng phong phú. Những suy tư, tìm tòi, phát hiện của ông luôn phản ánh đúng tình hình vận động, biến đổi của thực tiễn đất nước và quân đội. Trong lĩnh vực nào cũng vậy, phong cách tư duy của Đại tướng có những nét riêng, độc đáo: sắc sảo, mềm dẻo, độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo... không chỉ trong tư duy, ý thức mà cả trong hành động cách mạng, trong xây dựng phong trào, trong đánh giặc và sản xuất... Phong cách tư duy của Đại tướng vừa có giá trị độc đáo riêng, vừa có giá trị bền vững và phổ biến. Nghiên cứu, học tập phong cách tư duy của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là việc làm cần thiết để xây dựng phong cách tư duy khoa học cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ, góp phần chiến thắng “giặc đói nghèo”, “giặc nội xâm”; phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiện nay.

Đại tá, PGS. TS. NGUYỄN BÁ DƯƠNG

Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự

Bộ Quốc phòng

 

1. Nguyễn Chí Thanh: Những bài chọn lọc về quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr. 309.

 

Bình luận