Phong trào “Ba sẵn sàng” - Một sáng tạo, niềm tự hào của thanh niên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước*

Ngày đăng: 07/04/2015 - 15:04

Trải qua hơn bảy thập kỷ hoạt động và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã lập nhiều chiến công to lớn dựng xây nên truyền thống vẻ vang của Đoàn bằng những hoạt động sáng tạo mang lại sức mạnh mới, niềm tự hào cho thanh niên. “Ba sẵn sàng” là một trong hàng trăm phong trào thể hiện tính sáng tạo, sức vươn lên của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

1. Cách đây hơn 40 năm, tại mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, Thành Đoàn Hà Nội đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng”, thắp sáng ngọn lửa hào hùng, khơi dậy phong trào cách mạng cho đoàn viên, thanh niên Thủ đô, phong trào đã trở thành cao trào cách mạng trong cả nước.

Năm 1964, tuổi trẻ cùng nhân dân miền Bắc đang hăng say lao động sản xuất, quyết tâm hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cho cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam. Giữa lúc đó, đế quốc Mỹ ngang nhiên đem quân đánh phá miền Bắc nước ta. Mục đích của Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại này là: “Phá hoại tiềm lực kinh tế và quốc phòng, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; ngăn chặn nguồn chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam; uy hiếp tinh thần, làm lung lay ý chí chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta ở cả hai miền Nam Bắc”1.

Nhiệm vụ của quân và dân miền Bắc lúc này nặng nề và khó khăn hơn bất cứ lúc nào. Một mặt, miền Bắc vừa phải trực tiếp đối đầu với bom đạn của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc, mặt khác vẫn phải tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và bảo đảm chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong hoàn cảnh đó, lòng yêu nước, tinh thần tự lực dân tộc của tuổi trẻ miền Bắc được dâng cao.

Ngày 9-8-1964, Thành Đoàn Hà Nội đã chính thức phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với nội dung:

“Sẵn sàng chiến đấu dũng cảm,

Sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang,

Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến”.

Do đáp ứng kịp thời yêu cầu của cách mạng và đúng nguyện vọng của tuổi trẻ nên phong trào “Ba sẵn sàng” đã thu hút được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo thanh niên Thủ đô, nhanh chóng lan rộng thành phong trào thanh niên toàn miền Bắc.

Ngay từ khi ra đời cũng như trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, phong trào “Ba sẵn sàng” luôn đưa ra những nội dung phong phú, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm lý của tuổi trẻ và yêu cầu của đất nước.

Những ngày đầu tháng 8-1964, đế quốc Mỹ đẩy thêm một bước cuộc chiến tranh ở miền Nam và bắt đầu cuộc đánh phá ở một số tỉnh miền Bắc nước ta. Đảng lúc này xác định: “Chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc ta”. Vì thế, nội dung của phong trào “Ba sẵn sàng” lúc đó chủ yếu nhằm vào mục tiêu chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu. Cả ba nội dung “sẵn sàng” đều nhằm trang bị cho đoàn viên, thanh niên ý thức thường trực sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Để phục vụ cho mục tiêu lớn của cách mạng, Thành Đoàn Hà Nội đã phát động phong trào luyện tập quân sự và hành quân vũ trang trong đoàn viên, tiêu biểu nhất là phong trào “Vai trăm cân, chân vạn dặm” được khơi nguồn từ cuộc biểu dương lực lượng của 26 vạn đoàn viên, thanh niên Thành phố Hà Nội đêm 9-8-1964.

Từ năm 1965, đế quốc Mỹ tiếp tục leo thang chiến tranh đánh phá trên phạm vi toàn miền Bắc. Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (khóa III) họp tháng 5-1965 đã đề ra nhiệm vụ của Đoàn lúc này là: “Đoàn kết mọi lực lượng thanh niên yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tổ chức vận động 4 triệu đoàn viên, thanh niên miền Bắc tiến lên hàng đầu trên mặt trận sản xuất, chiến đấu, học tập và xây dựng cuộc sống mới, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược trong bất kỳ tình huống nào để bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam và đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội2.

Nhiệm vụ mới đó đã chỉ ra cho các cấp bộ Đoàn và toàn thể đoàn viên, thanh niên phương hướng hành động trên cả ba mặt: sản xuất và bảo vệ sản xuất; chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu; học tập và rèn luyện.

Đứng trước yêu cầu mới của cuộc chiến đấu, Thành Đoàn Hà Nội đã quyết định đẩy mạnh phong trào “Ba sẵn sàng” lên thành cao trào. Từ đó, nội dung của phong trào không còn tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu như trước nữa mà đã thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Đó là:

Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang.

Sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào.

Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến.

Nội dung mới rõ ràng, đầy đủ của “Ba sẵn sàng” đã chỉ rõ cho thanh niên thấy được nhiệm vụ của họ trong cuộc chiến đấu cam go này là vô cùng to lớn.

Để phát huy cao độ tiềm năng to lớn của sức trẻ trong thanh niên, ngoài việc bổ sung nội dung của phong trào “Ba sẵn sàng” cho phù hợp với yêu cầu tình hình mới, Thành Đoàn Hà Nội còn đề ra những nội dung hoạt động cụ thể cho đoàn viên, thanh niên trong từng ngành, từng giới, từng lĩnh vực.

Đối với thanh niên công nhân, nhiệm vụ “Ba sẵn sàng” lúc đó là tăng năng suất lao động bằng các khẩu hiệu: “Bớt người thêm việc”, “Tăng thêm sản phẩm chống Mỹ”, “Ngày thanh niên quản lý”, “Kỹ thuật cao, lao động giỏi”, “Ngày giờ công cao, quy trình thao tác tiên tiến”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”..., tổ chức các đội thanh niên xung phong để đảm đương các kế hoạch đột xuất.

Đặc biệt, phong trào “Hai mũi tiến công thắng Mỹ” đã đưa đoàn viên, thanh niên công nhân đột kích vào các khâu yếu của sản xuất, tạo ra một khí thế lao động mới.

Năm 1972, đế quốc Mỹ đánh phá trở lại miền Bắc, nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu của thanh niên công nhân lúc này được đặt ra với yêu cầu cao nhất từ trước tới nay. Khẩu hiệu “Tay búa, tay súng” đã trở thành khẩu hiệu chung trong mọi hành động của công nhân. Mục tiêu của thanh niên lúc này là phấn đấu trở thành “Thanh niên kiên cường thắng Mỹ”. Thành Đoàn đã đề ra nhiều hình thức tổ chức thích hợp trong hoàn cảnh mới như: các đội cảm tử bảo vệ dòng điện, bảo vệ lò thép, cảm tử trong sản xuất, các “đội xung kích trong vận chuyển máy móc, nguyên vật liệu”, những “Đầu xe thanh niên kiên cường thắng Mỹ”, “Bến phà thanh niên kiên cường thắng Mỹ”...

Phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên nông thôn tập thể, ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể cũng đề ra những nội dung thích hợp để phát huy sức lao động sáng tạo của đoàn viên, thanh niên. Các phong trào tiêu biểu như: “Cánh đồng 5 tấn lúa, 90 tấn rau thắng Mỹ”, “Ba mũi nhọn xung kích thắng Mỹ”, “Đàn lợn 100kg”... Cùng với việc tham gia sản xuất thì khẩu hiệu bao trùm của thanh niên nông thôn là “Tay cày, tay súng”, vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ sản xuất, bảo vệ quê hương khi có máy bay địch bắn phá. Mỗi thanh niên nông thôn đều trở thành một chiến sĩ trên chiến trường quê hương.

Với thanh niên trường học, phong trào “Hai tốt” (thi đua dạy tốt, học tốt) đã trở thành mục tiêu phấn đấu chung của thầy và trò. Bên cạnh đó, Đoàn còn tổ chức trong thanh niên trường học phong trào “Xây dựng nền nếp học tốt, dạy tốt và tham gia lao động sản xuất”. Hầu hết ở các cơ sở, đoàn thanh niên đều đã hưởng ứng phong trào bằng việc áp dụng phương thức vừa học vừa làm, phục vụ nhu cầu của cuộc kháng chiến.

Thông qua tìm hiểu một số nội dung hoạt động của phong trào “Ba sẵn sàng”, chúng ta có thể thấy được sự nhạy bén, linh hoạt và sáng tạo của các cấp lãnh đạo Đoàn, đặc biệt là Thành Đoàn Hà Nội trong công tác chỉ đạo phong trào. Chính sự linh hoạt và sáng tạo đó đã tạo nên một phần quan trọng sự thành công của phong trào quần chúng được duy trì trong một khoảng thời gian dài. Phong trào đã thu hút được sự tham gia tự nguyện của đông đảo đoàn viên, thanh niên và chiếm được cảm tình cũng như lòng tin tưởng của Đảng và nhân dân. Vì thế, trong hơn 10 năm tồn tại, phong trào “Ba sẵn sàng” luôn phát huy cao độ sức trẻ trong đoàn viên, thanh niên Thủ đô. Các phong trào thi đua, các khẩu hiệu và mục tiêu phấn đấu đều đạt kết quả cao, góp phần thiết thực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Năm 1965, khi phong trào phát động được một năm, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Quốc khánh 2-9, Bác Hồ đã gửi thư cho thanh niên, Bác đánh giá cao phong trào “Ba sẵn sàng” trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước: “... theo tiếng gọi của Tổ quốc, thanh niên cả nước ta càng giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều thành tích xuất sắc.

Hàng triệu thanh niên miền Bắc đã hăng hái tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”. Hàng vạn cháu trai và gái đã tình nguyện vào các đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước”3.

Khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976), Đảng ta đã nhấn mạnh: “Một trong những bài học thành công là công tác thanh vận của Đảng, qua phong trào “Ba sẵn sàng” của miền Bắc và phong trào “Năm xung phong” ở miền Nam, đã đưa hàng triệu thanh niên đi vào mũi nhọn cuộc chiến đấu, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại”4.

Đánh giá phong trào “Ba sẵn sàng”, Hội nghị đại biểu Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh diễn ra vào ngày 23-2-1971 đã khẳng định:

“Hàng ngàn tập thể và cá nhân “Ba sẵn sàng” trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất, học tập và xây dựng cuộc sống mới, đã trở thành người lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng, anh hùng lao động và anh hùng các lực lượng vũ trang... Rất nhiều con người, sự việc, hành động anh hùng mà tấm gương hy sinh anh dũng cho độc lập, tự do, cho chủ nghĩa xã hội, đã tiêu biểu cho những phẩm chất cao đẹp của thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh”5.

Như vậy, “Ba sẵn sàng” là cao trào cách mạng của thanh niên. Với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khí thế “Ba sẵn sàng” được bộc lộ trên mọi lĩnh vực: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên làm”. “Ba sẵn sàng” chính là lực lượng hậu bị vô tận, bổ sung cho quân đội chiến đấu, là trường học rèn luyện tinh thần cách mạng của thế hệ trẻ, nhất là thanh niên trong các đội thanh niên xung phong.

Phong trào “Ba sẵn sàng” ra đời thể hiện trách nhiệm của một thế hệ thanh niên trước vận mệnh dân tộc khi “Chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người dân Việt Nam yêu nước, cứu nước là đồng nghĩa với cứu nhà, cứu hạnh phúc tương lai của tuổi trẻ”6.

2. “Ba sẵn sàng” bắt nguồn từ cuộc sống, từ nhu cầu nóng bỏng cứu nguy vận mệnh của đất nước, nhanh chóng đi vào cuộc sống và được cuộc sống đón nhận, nuôi dưỡng phong trào mang đặc trưng rất thanh niên, làm rạng rỡ truyền thống của Đoàn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. “Ba sẵn sàng” do chính thanh niên khởi xướng được Đảng lãnh đạo và xã hội cổ vũ, thừa nhận. Vì vậy, sức mạnh của “Ba sẵn sàng” là sức mạnh của trí tuệ, sức lực của cả thế hệ thanh niên nước ta thời kỳ đó. Hàng triệu thanh niên tự nguyện đi tới những nơi khó khăn, gian khổ nhất, nhận những công việc nguy hiểm nhất vì lý tưởng độc lập cho dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc. Từ trong gian khổ, ác liệt đó, chủ nghĩa anh hùng cách mạng thanh niên ngời sáng. “Ba sẵn sàng” trở thành thước đo nhân cách, phẩm giá thanh niên, thước đo lòng hy sinh, đức trung thành, quả cảm của thanh niên nơi tuyến đầu chống Mỹ cũng như lao động sản xuất, say mê học tập, nghiên cứu, sáng tạo của thanh niên. Phong trào “Ba sẵn sàng” đã trở thành nội dung hoạt động sôi nổi, đã rèn luyện, cung cấp cho Đảng hàng vạn đảng viên ưu tú trẻ tuổi. “Ba sẵn sàng” là phong trào cách mạng được Đảng tin cậy trao gửi những nhiệm vụ, sứ mệnh hết sức nặng nề nhưng rất vinh quang. Từ phong trào “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ đã tạo ra lớp thanh niên những nét đặc trưng về bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chủ động, sáng tạo, tô đậm truyền thống hào hùng của tuổi trẻ Việt Nam.

“Ba sẵn sàng” là phong trào toàn diện thu hút đông đảo các tầng lớp thanh niên công nhân, nông dân, quân đội, công an, học sinh, sinh viên, phụ nữ, các dân tộc, tôn giáo... Chỉ trong một thời gian ngắn, 20 vạn thanh niên Hà Nội đã tình nguyện “Ba sẵn sàng”, trong đó có hơn 8 vạn đoàn viên, thanh niên đã nộp đơn tình nguyện nhập ngũ ngay trong tuần lễ đầu tiên.

Chính từ hoạt động trong phong trào “Ba sẵn sàng” đã làm cho đội ngũ cán bộ, đoàn viên chủ động, sáng tạo, năng động, linh hoạt trong cuộc sống và công việc. Bên cạnh đó, “Ba sẵn sàng” làm cho hoạt động của Đoàn có sinh khí, thấm đượm tình đồng chí, đồng đội, hết sức vô tư, trong sáng và lành mạnh của tuổi trẻ. “Ba sẵn sàng” giúp thanh niên bỏ qua mọi sự so đo, toan tính, cân nhắc thiệt hơn, lợi ích riêng tư để dâng hiến sức trẻ cho Tổ quốc. “Ba sẵn sàng” - nơi khởi nguồn sức mạnh của thanh niên đã nâng giá trị tuổi trẻ lên ngang tầm thời đại, xứng danh với truyền thống vẻ vang của dân tộc anh hùng. “Ba sẵn sàng” là sản phẩm lịch sử của một dân tộc kiên cường, một Đảng quang vinh sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù mạnh nhất thời đại, bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.

“Ba sẵn sàng” trở thành một phong trào rộng lớn kéo dài hơn 10 năm đã khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng căm thù thực dân đế quốc, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi cháy bỏng, chính đáng của tuổi trẻ muốn xông vào tuyến lửa giết giặc lập công. “Ba sẵn sàng” đã đi vào cuộc sống, ngày một trở nên phong phú và sôi động còn nhờ vào sự sáng tạo các hình thức nuôi dưỡng phong trào. Phong trào này đã thực sự mang một tầm khái quát cao, vừa có tính thiết thực, vừa có tính lãng mạn cách mạng, phù hợp với tâm lý tuổi trẻ.

Phong trào được khởi xướng từ Hà Nội và nhanh chóng mở rộng ra cả nước, nhất là trường học, cơ quan... Thanh niên có chương trình hành động, có biểu dương, khen thưởng, đặc biệt lúc đó Bác Hồ đã tặng nhiều huy hiệu của Người cho thanh niên “Ba sẵn sàng”. Phong trào được nuôi dưỡng bằng nhiều hoạt động cụ thể, với nhiều hình thức phong phú như thành lập các đoàn thanh niên xung phong chống Mỹ phục vụ tiền tuyến, thanh niên xung phong phục vụ làm giao thông ở tuyến lửa từ Bắc vào Nam, phong trào các đội xung kích đảm nhiệm các công trình. Từ năm 1965 đến năm 1975, các đội thanh niên xung phong đã “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, “Tiếng hát át tiếng bom” luôn là phương châm hành động của họ. “Hơn 100 con đường với chiều dài hơn 4.000 km được mở, 2.500 trọng điểm ác liệt được giữ vững, hơn 10.000 tấn bom mìn được tháo gỡ”7.

Phong trào “Ba sẵn sàng” được gắn liền với phong trào “Năm xung phong” ở miền Nam, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ đã tạo nên bản anh hùng ca tuyệt đẹp, hòa nhập với nhau sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

3. Phong trào “Ba sẵn sàng” thực sự là cuộc vận động cách mạng rộng lớn, sâu sắc của thanh niên, là chiến trường lập công của tuổi trẻ, là trường bồi dưỡng một lớp “thế hệ thanh niên anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng”. Động lực và sức mạnh “Ba sẵn sàng” bắt nguồn trước hết từ chỗ phong trào đã đáp ứng nguyện vọng sâu xa của tuổi trẻ và đã trở thành tình cảm thiêng liêng, thôi thúc thanh niên muốn được cống hiến nhiều nhất sức lực, trí tuệ của tuổi xuân cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với ba nội dung của phong trào, tuổi trẻ cả nước đã cùng với toàn Đảng, toàn dân mang ra trận ý chí và niềm tin quyết thắng, kịp thời bảo đảm cho tiền tuyến sức mạnh đánh thắng kẻ thù trong mọi tình huống. Thật cảm động và tự hào biết bao trong những năm chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, hy sinh, với quyết tâm “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”, nhân dân và tuổi trẻ cả nước cùng ra trận, hướng mọi suy nghĩ và hành động của mình, dồn sức người, sức của, tạo sức mạnh chiến đấu cho mặt trận với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Tinh thần đó đã được thể hiện sục sôi trên tất cả các mặt trận lao động - sản xuất, học tập và chiến đấu ngoài tiền tuyến cũng như hậu phương, ở đó xuất hiện bao tấm gương sáng ngời của lớp lớp nam nữ thanh niên, nhiều người đã tình nguyện viết đơn bằng máu, xin được nhập ngũ trước tuổi... với niềm tự hào, khát khao cháy bỏng là sớm được tòng quân ra trận. Và còn biết bao thanh niên đã kịp thời có mặt trên các trận địa, trên những trọng điểm kẻ thù đánh phá ác liệt ngày đêm, sẵn sàng lát đường, bắc cầu cho xe băng qua, chi viện kịp thời, thường xuyên, bảo đảm cho tiền tuyến ăn no đánh thắng. Cuộc chiến đấu càng quyết liệt, tinh thần và khí thế “Ba sẵn sàng” của thanh niên càng được biểu hiện sinh động trên tất cả các mặt trận sản xuất, chiến đấu.

Suốt những năm tháng gian khổ của chiến tranh, hàng vạn đoàn viên, thanh niên trong các đội thanh niên xung phong cơ sở và tập trung luôn có mặt ở những nơi nguy hiểm nhất như: Ngã ba Đồng Lộc, Bình Trị Thiên khói lửa, đường mòn Hồ Chí Minh. Hàng vạn thanh niên ngày đêm xả thân vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những hành động, những tấm gương đó chính là niềm tự hào của thanh niên cả nước thời đánh Mỹ.

Hơn bốn thập kỷ đã đi qua, kể từ khi khởi động phong trào “Ba sẵn sàng” đến nay đất nước biết bao đổi thay. Lịch sử đã sang trang nhưng tinh thần và những kinh nghiệm quý báu của “Ba sẵn sàng” còn tồn tại mãi mãi. Thế hệ trẻ hôm nay cần phải nắm bắt và phát huy quá khứ, biến quá khứ thành động lực và là cây cầu nối giữa hiện tại và tương lai. Bước vào thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, triệt để, nỗ lực thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Với ý chí vươn lên không cam chịu đói nghèo, tụt hậu, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hôm nay cùng toàn dân phấn đấu hoàn thành xuất sắc sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thế hệ trẻ hôm nay có trách nhiệm và có đầy đủ phẩm chất, tài năng để kế thừa, phát huy khí thế, sức mạnh “Ba sẵn sàng” lên một tầm cao mới với nội dung, hình thức mới trong hoàn cảnh của thời đại mới. Tinh thần “Ba sẵn sàng” sẽ còn trường tồn, góp phần cổ vũ và khích lệ, đưa quá khứ về với hiện tại, giúp cho thanh niên ngày càng xứng đáng là lớp người trẻ tuổi làm chủ nước nhà, xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.

NGUYỄN QUANG LIỆU

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Trích trong “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - Những chặng đường phát triển”,

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2014.

* Bài viết in trong sách: Việt Nam trong tiến trình thống nhất đất nước, đổi mới và hội nhập, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.

1. Lê Mậu Hãn (Chủ biên): Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997, t.III, tr. 214.

2. Trích bài phát biểu của đồng chí Vũ Quang, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (khóa III), tháng 5-1965.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.618.

4, 6. Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hà Nội, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1997, tr.51, 32.

5. Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1986, tr. 87.

7. Trích bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Trường - Trưởng Ban đại diện Đoàn Thanh niên xung phong tình nguyện Tháng Tám Thủ đô.


Bình luận