Phong trào “Ba đảm đang” trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước
“Ba đảm đang” là một cuộc vận động cách mạng sâu rộng trong phụ nữ miền Bắc, một điển hình thành công về phương thức phát huy vai trò của phụ nữ trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do. Những thành công của phong trào “Ba đảm đang” không chỉ có giá trị trong việc giáo dục và phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam, mà còn gợi mở cho việc xác định phương thức phát huy vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
1. Từ phong trào “Ba nhiệm vụ” của phụ nữ huyện Đan Phượng đến cuộc vận động “Ba đảm đang” trên toàn miền Bắc
Từ đầu năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cả nước có chiến tranh. Chống Mỹ, cứu nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng nhất của toàn dân tộc.
Trong bối cảnh một bộ phận lớn nam giới ra tiền tuyến, việc phát huy cao độ truyền thống cách mạng, trí sáng tạo và khả năng lao động của phụ nữ ở hậu phương là một yêu cầu đặc biệt quan trọng.
Nhạy cảm trước sự biến chuyển của tình hình đất nước, một ngày sau sự kiện Mỹ đánh bom, bắn phá một số nơi trên miền Bắc (05/8/1964), Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra Nghị quyết về công tác của Hội trong tình hình mới nhằm làm cho cán bộ, hội viên nhận thức rõ nhiệm vụ, tập trung mọi lực lượng làm tròn vai trò hậu phương lớn miền Bắc, cùng Nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược1.
Phát huy truyền thống cần cù, dũng cảm và khả năng lao động dồi dào của phụ nữ trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước, cùng truyền thống cách mạng của phụ nữ Việt Nam hình thành và phát triển kể từ khi có Đảng, lại được gợi mở bởi nhiều phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Ba sẵn sàng”, phụ nữ miền Bắc quyết xả thân vì nghĩa lớn. Nhiều nữ thanh niên viết đơn tình nguyện “Ba sẵn sàng”, xung phong làm thêm những công việc vốn của nam giới, sẵn sàng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu…
Đặc biệt, Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông2 (nay là Hà Nội) sớm đề xuất phong trào “Ba nhiệm vụ”, thể hiện ý chí và nguyện vọng của đông đảo phụ nữ trên địa bàn “cửa ngõ Thủ đô”. Ngày 18/02/1965, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ huyện họp hội nghị mở rộng với 130 đảng viên nữ để phổ biến tình hình và xác định nhiệm vụ mới của phụ nữ địa phương. Chị em bàn bạc sôi nổi và đi đến quyết nghị phụ nữ phải làm “Ba nhiệm vụ” để sẵn sàng thay thế anh em đi chiến đấu.
Sáng 08/3/1965, một ngày sau khi Mỹ chính thức tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đông đảo phụ nữ trong huyện tập trung tại Trường Phổ thông cấp II xã Đan Phượng nghe phát động phong trào.
Hội Phụ nữ Đan Phượng gửi quyết tâm thư lên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Đông3, hứa thực hiện “Ba nhiệm vụ” trước mắt4.
Phong trào phụ nữ huyện Đan Phượng phát triển sôi nổi, được đưa tin trên báo Nhân dân và sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, như một nhân tố mới xuất hiện trong phong trào phụ nữ miền Bắc lúc đó. Huyện Đan Phượng được đồng bào và chiến sĩ cả nước biết đến với tên gọi “Quê hương người gái đảm”.
Sớm nắm bắt tình hình thực tế, phát hiện kịp thời những nhân tố mới, nhất là tâm tư, nguyện vọng và khả năng cách mạng của phụ nữ, Ban Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đề xuất với Trung ương Đảng việc phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” và nhận được sự đồng ý của Bộ Chính trị. Ngày 18/3/1965, Trung ương Hội “kêu gọi chị em hãy nhiệt liệt hưởng ứng chủ trương của Trung ương Hội phát động phong trào “Ba đảm nhiệm””5.
Ngày 22/3/1965, Ban Thường trực Trung ương Hội ra Chỉ thị số 03/CT về mở cuộc vận động “Ba đảm nhiệm”. Cuộc vận động được các cấp hội triển khai mạnh mẽ đến từng cơ sở, được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương ủng hộ, được toàn thể Nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt. Đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thường xuyên bám sát cơ sở, kịp thời động viên, thúc đẩy phong trào phát triển ngày càng sâu rộng.
Theo gợi ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đổi tên phong trào “Ba đảm nhiệm” thành phong trào “Ba đảm đang”6. Người kêu gọi: “Chị em phụ nữ hãy thực hiện thật tốt “Ba đảm đang” góp phần đắc lực đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”7. Trước khi qua đời, Người còn căn dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”8.
2. Phong trào “Ba đảm đang” - Trận địa lập công của phụ nữ miền Bắc trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước
Cuộc vận động “Ba đảm đang” thực sự là một phong trào cách mạng sâu rộng, mau chóng phát triển thành cao trào với sự tham gia một cách tự giác và có tổ chức của đông đảo phụ nữ. Chỉ trong hơn một tháng kể từ khi phát động, đã có 1,7 triệu chị em ghi tên phấn đấu “Ba đảm đang”.
Với trung tâm là phong trào “Ba đảm đang”, các tầng lớp phụ nữ miền Bắc tỏa ra trong các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực sản xuất và chiến đấu: “Ba sẵn sàng”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, “Hai tốt”, “Tiếng hát át tiếng bom”... để cống hiến và trưởng thành. Thời đó, Tổng Bí thư Lê Duẩn từng phát biểu: “Lo việc nước, phụ nữ làm trụ cột; mà lo việc nhà, phụ nữ cũng làm trụ cột”9.
Hình ảnh người phụ nữ “Ba đảm đang” đã đi vào lịch sử như một biểu tượng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, và đi vào thi ca nhạc họa như những dấu ấn không bao giờ phai nhạt. Từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi, trên ruộng đồng, trong xưởng máy, ngoài trận địa…, đâu đâu cũng có phụ nữ “Ba đảm đang”.
Phụ nữ nông dân “Ba đảm đang”, “Tay cày, tay súng” trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, coi “ruộng rẫy là chiến trường”, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”; ra sức học tập và ứng dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hăng say cải tiến nông cụ, làm thủy lợi, phân bón, thả bèo dâu, san lấp hố bom, cải tạo ruộng đồng, thâm canh tăng năng suất, làm ruộng cao sản…, là chủ nhân của những “Cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ”.
Phụ nữ công nhân trên mặt trận sản xuất công nghiệp “Tay búa, tay súng”, ngày đêm bám máy trong mọi tình huống; ra sức thi đua “năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều”, “luyện tay nghề thi thợ giỏi”. Thay cho nam giới đi chiến đấu, nữ công nhân phấn đấu “Giỏi một nghề, biết nhiều việc”, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch hằng năm…
Trên mặt trận giao thông vận tải, những đơn vị nữ thanh niên xung phong ngày đêm đi mở đường, “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, trong mưa bom bão đạn vẫn giữ vững lời thề: “Tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắc”; không chỉ làm đường cho xe cơ giới, mà còn dùng mọi phương tiện thô sơ đưa hàng ra tiền tuyến…, hoàn thành xuất sắc “nhiệm vụ trung tâm đột xuất” của thời kỳ có chiến tranh phá hoại.
Trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục, từ những cô giáo mầm non đến những giảng viên trên giảng đường đại học, dù trong điều kiện trường lớp phải sơ tán và phân tán, lớp học trong nhà hầm, dưới lòng đất, thiếu thốn mọi bề, sống đạm bạc về vật chất nhưng luôn phong phú về tinh thần, với niềm say mê nghiên cứu, giảng dạy và tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, kiên trì thi đua “Hai tốt”.
Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, những nữ văn nghệ sĩ không quản ngại khó khăn gian khổ và hy sinh ác liệt, bám sát thực tiễn, sáng tác văn, thơ, nhạc, họa... phản ánh chân thật và hùng hồn cuộc sống sản xuất và chiến đấu, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc. Các đoàn nghệ thuật đến tận xưởng máy, về nông thôn, ra trận địa biểu diễn phục vụ công nhân, nông dân, bộ đội. Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” mang lại niềm lạc quan, tin tưởng, tiếp thêm sức mạnh vào thắng lợi cuối cùng.
Những tháng năm đánh Mỹ, nơi đâu trên miền Bắc Việt Nam cũng xuất hiện những đơn vị mang tên “Ba đảm đang”: lớp học bổ túc, phân xưởng sản xuất, cửa hàng mậu dịch, hợp tác xã, cánh đồng, bệnh viện…
“Ba đảm đang” là nhân tố quan trọng bảo đảm thành công cho việc chuyển hướng xây dựng kinh tế miền Bắc trong chiến tranh, làm cho miền Bắc đứng vững trước những thử thách khắc nghiệt và hoàn thành xuất sắc vai trò “quyết định nhất” trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
“Ba đảm đang” góp phần to lớn bảo đảm nguồn sức mạnh vật chất để cung cấp cho chiến trường. Gái đảm đang ở hậu phương để trai xung phong ra mặt trận, tiếp nối nhau vào chiến trường đánh Mỹ10. Miền Bắc có điều kiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến với khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người!”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”.
“Ba đảm đang” còn tạo ra nguồn sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn. Phụ nữ chăm lo việc gia đình và xã hội, trở thành nguồn động viên lớn lao, làm cho người lên đường nhập ngũ “yên tâm vững bước”, người trên đường hành quân “chân cứng đá mềm”, người chiến đấu ngoài mặt trận giữ vững lời thề “Đánh thắng giặc Mỹ mới về quê hương”.
“Ba đảm đang” còn là hậu phương tại chỗ, điểm tựa vững chắc của cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc. Đông đảo nữ thanh niên vào dân quân tự vệ, làm hầm hào phòng tránh máy bay oanh tạc, làm nhiệm vụ cứu thương, cứu sập hầm, tuần tra canh gác, bảo vệ trật tự trị an, tiếp lương tải đạn ra trận địa pháo cho bộ đội; đặc biệt là trực tiếp chiến đấu bắn máy bay Mỹ, góp phần hình thành thế trận của chiến tranh nhân dân với một lưới lửa phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều hướng, đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Khẳng định công lao của phụ nữ, kịp thời động viên phong trào, ngày 20/10/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và Chính phủ tặng phụ nữ Việt Nam 12 chữ vàng: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ, cứu nước”.
Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc, phụ nữ nổi lên với những ấn tượng mạnh mẽ như thời kỳ này: 42 cá nhân và 9 tập thể được tuyên dương danh hiệu Anh hùng, 5.000 chiến sĩ thi đua toàn quốc, 1.718 người được thưởng huy hiệu Bác Hồ và gần 4 triệu người đạt danh hiệu “Ba đảm đang”. Hiệu quả của phong trào đã thể hiện hùng hồn sức mạnh và năng lực sáng tạo của phụ nữ Việt Nam.
3. “Ba đảm đang” - Kinh nghiệm về phương thức phát động và duy trì phong trào phụ nữ lâu dài
“Ba đảm đang” không chỉ là cơ hội để phụ nữ Việt Nam cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, mà còn là điều kiện để họ vươn lên tự khẳng định mình trong cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng thật sự. Đó là một phong trào mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ, giải phóng con người. Chính vì thế, phong trào “Ba đảm đang” không chỉ là một cuộc vận động vì sự nghiệp cứu nước nói chung, mà còn vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ nói riêng.
Giải phóng phụ nữ là một cuộc cách mạng của toàn dân, nhưng trước hết, bản thân phụ nữ phải có một phong trào đấu tranh tự giải phóng.
Chỉ có thể phát động một phong trào phụ nữ khi đáp ứng đúng ý chí, nguyện vọng của nữ giới. Điểm xuất phát của phong trào là khát vọng của nữ giới, phù hợp với tâm lý, tình cảm và năng lực của giới. Chiến đấu cho độc lập, tự do là ý chí và nguyện vọng của phụ nữ. Đó là một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của phong trào, làm cho phong trào có sức sống mãnh liệt và đáp ứng được yêu cầu khách quan của lịch sử, của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Thực tiễn phong trào “Ba đảm đang” cho thấy, khi nắm bắt đúng khát vọng của phụ nữ trong một điều kiện lịch sử cụ thể, mạnh dạn phát động phong trào, tự quần chúng sẽ sáng tạo ra những hình thức và cách thức hành động hiệu quả nhất.
Thực tiễn phong trào “Ba đảm đang” cũng cho thấy, để phát động, duy trì và phát triển một phong trào phụ nữ cần phải có một tổ chức cách mạng của giới với một đội ngũ cán bộ tận tụy, tiêu biểu cho quyền lợi và nguyện vọng của chị em, làm trung tâm tập hợp và hướng dẫn quần chúng phụ nữ đấu tranh và chăm sóc, bảo vệ quyền lợi thiết thân của nữ giới. Những nỗ lực không mệt mỏi của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với một đội ngũ cán bộ tận tụy, từ Trung ương đến cơ sở đã làm cho phong trào “Ba đảm đang” được nuôi dưỡng, phát triển với khí thế sục sôi suốt một thập kỷ, góp phần đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nêu rõ: “Hội Liên hiệp Phụ nữ phải là trụ cột trong công việc tập hợp lực lượng phụ nữ, phát huy khả năng tiềm tàng của chị em đóng góp vào sự nghiệp cách mạng nói chung và sự nghiệp giải phóng phụ nữ nói riêng”11.
Chỉ có tổ chức cách mạng của nữ giới dưới sự lãnh đạo của Đảng mới bảo đảm được nhiệm vụ đó. Chính vì vậy, phải thường xuyên phát triển và củng cố tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ ở tất cả các cấp, các ngành; xây dựng một đội ngũ cán bộ Hội có tâm và có tầm, không phải như một công chức nhà nước chuyên nghiệp, mà trước hết là một con người của phong trào quần chúng. Chỉ có một đội ngũ cán bộ như vậy, Hội mới đủ khả năng quy tụ lực lượng và sức mạnh của quần chúng phụ nữ để tự phấn đấu cho nguyện vọng của họ. Điều đó cũng đòi hỏi sự quan tâm của các cấp ủy đảng tương đương và ban cán sự đảng các cấp của Hội.
“Ba đảm đang” đã trả lời biết bao câu hỏi: Có đánh Mỹ hay không? Dựa vào đâu và lấy sức đâu để thắng giặc? Trí tuệ và sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trước những thách đố của lịch sử như thế nào?
“Ba đảm đang” là một điển hình thành công về phát huy vai trò phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Phong trào “Ba đảm đang” vừa là một sản phẩm của lịch sử, lại vừa góp phần làm ra lịch sử chiến đấu anh dũng và chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc trong cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước vĩ đại.
Dù phong trào đã đi vào lịch sử của thế kỷ XX, nhưng tinh thần “Ba đảm đang” vẫn còn sống mãi, không chỉ ở việc phát huy truyền thống, thắp sáng những phong trào và hành động của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, mà còn ở những kinh nghiệm về phương thức phát động và duy trì một phong trào phụ nữ lâu dài.
1 . Nghị quyết về nhiệm vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, năm 1964, lưu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 321.
2. Từ ngày 08/4/1965, hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây được hợp nhất thành tỉnh Hà Tây theo Nghị quyết số 113-NQ/TW của Bộ Chính trị (Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, t. 26, tr. 144).
3. Hiện chưa tìm được văn bản gốc thư quyết tâm của Hội Phụ nữ Đan Phượng, nên chưa xác định chính xác thời gian gửi, nhưng chắc chắn là trước ngày 18/3/1965, vì ngày 18/3/1965, báo Nhân dân đã đưa tin về sự kiện này.
4. Nội dung “Ba nhiệm vụ” trước mắt: 1- Gánh vác thêm phần việc lao động của chồng con, anh em, hoàn thành mọi nhiệm vụ sản xuất ở địa phương, để chồng con, anh em yên tâm, sẵn sàng đi chiến đấu; 2- Khuyến khích chồng con, anh em gia nhập bộ đội hoặc tiếp tục ở lại bộ đội chiến đấu cho đến ngày không còn một tên lính Mỹ trên đất nước; 3- Tích cực tham gia mọi công tác chính quyền, đoàn thể, bảo vệ trị an, phục vụ chiến đấu ở địa phương, đồng thời sẵn sàng gia nhập bộ đội, chiến đấu giết giặc khi Tổ quốc cần nữ thanh niên tham gia (Báo Nhân dân số 4002, ngày 18/3/1965, tr. 1).
5. Nội dung “Ba đảm nhiệm”: 1- Đảm nhiệm sản xuất thay thế cho chồng con đi chiến đấu; 2- Đảm nhiệm gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu; 3- Đảm nhiệm sẵn sàng phục vụ chiến đấu khi cần thiết (Báo Nhân dân số 4003, ngày 19/3/1965, tr. 1).
6. Nội dung “Ba đảm đang”: 1) Đảm đang sản xuất và công tác; thay thế cho chồng, con đi chiến đấu; 2) Đảm đang việc gia đình cho chồng, con, anh em tòng quân và phục vụ lâu dài trong quân đội; 3) Đảm đang phục vụ chiến đấu, tham gia dân quân tự vệ, tập luyện quân sự để sẵn sàng chiến đấu; phục vụ bộ đội, công an, dân quân tự vệ khi chiến đấu (Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 14, tr. 782).
7, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 578; t. 15, tr. 617.
9, 11. Lời phát biểu của các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương tại Hội nghị Tổng kết công tác phụ vận, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1972, tr. 6.
10. Trong những đợt hoạt động lớn ở miền Nam, chỉ tính riêng bộ đội chủ lực, miền Bắc đã chi viện khoảng 11 vạn quân cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, 12 vạn quân cho cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 và 15 vạn quân cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Theo Tạp chí Nhịp cầu tri thức
PGS.TS. Vũ Quang Hiển
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực