"Muốn thành công phải biết trước mọi chuyện"
Đó là lời căn dặn của Bác Hồ với Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ trước khi ông sang Pháp để đàm phán với Mỹ về Hiệp định Paris.
Dù đã qua 40 năm sự kiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết, ông Lưu Văn Lợi - nguyên Thư ký Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ vẫn nhớ như in các cuộc trao đổi khôn khéo nhưng kiên quyết của đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với đại diện Chính phủ Mỹ.
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ với nụ cười thắng lợi tại Hội nghị Paris. Ảnh tư liệu.
... Từ năm 1965, Bộ Chính trị và Bác Hồ đã có chủ trương kết hợp "đánh với đàm" trong kháng chiến chống Mỹ.
Nghị quyết lần thứ 13 của BCH TW khoá III tháng 1/1967 đã khẳng định: “Chúng ta tiến công địch về ngoại giao bây giờ là đúng lúc vì ta đã và đang thắng địch, thế của ta là thế mạnh. Trong tình hình quốc tế hiện nay với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động” .
Thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 đã làm nhụt ý chí xâm lược nước ta của Mỹ và buộc Tổng thống Mỹ Jonhson tuyên bố trên truyền hình ngày 31/3/1968 về việc Mỹ sẵn sàng đơn phương chấm dứt ném bom miền Bắc và chấp nhận thương lượng với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Bác Hồ và Bộ Chính trị trực tiếp chuẩn bị nhân sự cho cuộc đàm phán. Để đương đầu với những chính khách chuyên nghiệp, lọc lõi, mưu mô của Mỹ, đại diện đàm phán của Việt Nam cần có không chỉ ý chí cách mạng tiến công và tính kỷ luật cao, mà còn phải có trí tuệ, bản lĩnh, tính quyết đoán trách nhiệm cao, cương nhu hài hoà, khôn khéo.
Bác Hồ và Đảng ta đã trực tiếp giao cho Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Xuân Thủy làm Trưởng đoàn đàm phán, đồng thời Bác Hồ đã trực tiếp viết thư cho Bộ Chính trị đề nghị điện vào Trung ương Cục cho đồng chí Lê Đức Thọ khi đó đang là Phó Bí thư Trung ương Cục bàn giao công việc cho Bí thư Phạm Hùng rồi ra ngay Hà Nội để tham gia phái đoàn ta đi gặp đoàn đại biểu Mỹ.
Trước khi sang Paris, đồng chí Lê Đức Thọ đã gặp Bác Hồ. Người căn dặn đồng chí nhiều điều trong đó có lời nhắc nhở: “Muốn thành công phải biết trước mọi chuyện”. Để đàm phán với Mỹ, đánh giá Mỹ cho đúng đã rất khó, nhưng đâu chỉ có riêng Mỹ mà còn bao nhiêu nước khác nữa trong khu vực và quốc tế. Lợi ích các quốc gia đan xen, song trùng và đối kháng. Mỹ đã lợi dụng hoà hoãn Mỹ-Xô-Trung vào đầu những năm 1970 gây cho Việt Nam không ít trở ngại và khó khăn. Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã đặt ra nhiệm vụ cho mình trên bàn đàm phán là phải thật khôn khéo, để vừa giữ vững độc lập tự chủ, kiên định mục tiêu, giữ vững đoàn kết quốc tế và tranh thủ sự giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần cho cuộc kháng chiến của dân tộc.
Bên cạnh cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ có Bộ trưởng Xuân Thủy tài ba và cả một tập thể đoàn kết keo sơn một lòng với sự nghiệp chung của dân tộc. “Hai đoàn nhưng là một, một nhưng lại là hai”, đó là một trong những sáng tạo riêng của ngoại giao Việt Nam. Những sáng kiến và giải pháp quan trọng nhất đưa ra diễn đàn công khai ở Paris đều dành cho đoàn miền Nam do Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình làm Trưởng đoàn để khẳng định địa vị quốc tế của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và tranh thủ rộng rãi sự ủng hộ quốc tế.
Thực hiện chiến lược của Đảng, phá vỡ bế tắc đàm phán, đầu tháng 10/1972 Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã đưa ra bản dự thảo: “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”. Phía Mỹ đã hoan nghênh đề nghị của ta và đồng ý lấy dự thảo này để thảo luận và thoả thuận.
Khi cuộc đàm phán với Mỹ ởParisđang đi tới hồi kết thì H. Kissinger đã hỏi có tính khiêu khích Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ: “Vừa qua ngài đi qua Bắc Kinh và Mátxcơva, chắc các bạn của ngài đã nói về những yêu cầu của chúng tôi”. Đồng chí Lê Đức Thọ đã nói thẳng với Kissinger: “Bạn chúng tôi hết lòng ủng hộ chúng tôi, nhưng không làm thay chúng tôi”.
Tại phiên họp riêng từ 9h30 sáng 11/10/1972 tới gần 2 giờ sáng ngày hôm sau 12/10/1972 (phiên họp kéo dài nhất trong số các phiên họp của cả gần 5 năm đàm phán), nội dung Hiệp định do ta đưa ra về cơ bản đã được hai bên chấp nhận. Trong thông điệp ngày 20/10/1972 gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng thống Mỹ Nixon đã xác nhận văn bản Hiệp định coi như đã hoàn thành và cam kết Hiệp định sẽ được chính thức ký vào ngày 31/10/1972 tại Paris.
Tình hình đàm phán dường như đang tiến triển thuận lợi nhưng đồng chí Lê Đức Thọ cũng đã dự kiến những diễn biến phức tạp do các nhân tố khách quan, trong đó có mối quan hệ Mỹ - nguỵ. Đúng là phía Mỹ đã lật lọng thô bạo, viện cớ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu phản đối bản dự thảo Hiệp định nên Tổng thống Mỹ Nixon lại trả lời chưa thể ký Hiệp định như đã thỏa thuận. Ngày 23/11/1972, Kissinger đã đòi sửa 69 điều trong văn bản đã thỏa thuận, trong đó có một số vấn đề thuộc về nguyên tắc. Mỹ lại đòi rút quân Bắc ViệtNam, một nguyên tắc ta không bao giờ nhượng bộ.
Trong cuộc họp hẹp ngày 4/12/1972, đồng chí Lê Đức Thọ đã nói: “Chúng tôi cũng đã dự tính nếu không giải quyết được thì chiến tranh sẽ rất tàn khốc, có thể các ông sẽ đem B52 ném bom ồ ạt đất nước chúng tôi. Chúng tôi đã chịu đựng hàng triệu tấn bom đạn của Mỹ, nhưng chúng tôi không hề khiếp sợ, chúng tôi không chịu khuất phục, không chịu làm nô lệ. Cho nên những lời đe doạ của các ông và việc các ông không giữ đúng lời hứa chỉ chứng tỏ các ông không phải là những người đàm phán nghiêm chỉnh”.
Từ ngày 18 - 29/12/1972, Mỹ dùng B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác. Con át chủ bài B52 đã bị thất bại thảm hại nhờ quân và dân ta nhớ lời tiên đoán tài tình của Bác Hồ từ năm 1967 “Mỹ chỉ chịu thua dưới bầu trời Hà Nội”, đã giăng lưới lửa sẵn sàng chiến đấu, bắn rơi 81 máy bay chiến đấu trong đó có 34 chiếc B52, khiến Mỹ phải ngừng ném bom để quay trở lại đàm phán.
Trong buổi họp đầu tiên của đợt đàm phán cuối cùng bắt đầu từ ngày 8/1/1973, đồng chí Lê Đức Thọ đã mở đầu bằng những lời chỉ trích lên án mạnh mẽ cuộc ném bom Hà Nội 12 ngày đêm của Mỹ.
Cuộc họp riêng cuối cùng diễn ra ngày 13/1/1973, hai bên đã thỏa thuận nội dung bản Hiệp định Paris không có thay đổi gì về cơ bản và nguyên tắc. Ngày 23/1/1973, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và H.Kissinger đã ký tắt bản Hiệp định, chính là bản dự thảo hồi tháng 10/1972.
Sau gần 5 năm đàm phán (1968-1973), Hiệp định chính thức được ký ngày 27/1/1973. Theo đó, Mỹ phải rút hết quân đội ra khỏi Việt Nam. Điều này đã đúng như lời mong ước của Bác Hồ trong lời chúc Tết năm 1969 trước lúc Bác đi xa là “đánh cho Mỹ cút” và hai năm sau quân và dân ta đã hoàn thành nốt nhiệm vụ “đánh cho nguỵ nhào”, giang sơn thu về một mối thống nhất vào ngày lịch sử 30/4/1975.
Lưu Văn Lợi
Nguyên Thư ký Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ
Theo Chinhphu.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực