"Đảng là mỗi chúng ta"

Ngày đăng: 26/07/2012 - 11:07

Sinh thời, Bác Hồ nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc…”. Đó chính là Người nói về công tác cán bộ của Đảng. Vì vậy, nếu tiến hành công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa cơ bản, vừa cấp bách hiện nay mà lại không giải quyết tốt vấn đề có tính mấu chốt - quyết định là phải chỉnh đốn đổi mới đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng sẽ là thiếu sót, thậm chí là sai lầm. Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa: “Đảng là gì? Đảng là mỗi chúng ta. Đảng lớn lên do mỗi chúng ta lớn lên. Tiếp thu và đào thải, nhận vào và đưa ra là lẽ bình thường, là quy luật phát triển và tiến bộ của Đảng, sự tiến bộ đó không ai ngăn cản được” (Hồ Chí Minh, về xây dựng Đảng, NXB Sự thật H 1980 tr.65-103).

Liên hệ thực tiễn, hằng ngày quần chúng nhân dân tiếp xúc với Đảng, chính là tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, đảng viên đang sống, đang làm việc với mọi người trong xã hội. Thông qua làm việc, giao tiếp với cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân sẽ giám sát và sẽ đo được độ trong sạch, sự bền vững, uy tín, năng lực lãnh đạo, sức mạnh chiến đấu của Đảng. Vì thế, Bác Hồ căn dặn các cán bộ, đảng viên: “… Tư tưởng và hành động của mỗi đồng chí rất có quan hệ đến toàn quốc. Nếu một người sơ suất là có thể hỏng việc to, sai một ly là đi một dặm” (Sđd, tr65; 103). Lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng bị giảm sút sẽ là nguy cơ dẫn đến mất dần quần chúng trong điều kiện Đảng cầm quyền, trước tiên chính là do các cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành có chức, có quyền gây ra. Vì vậy, thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải kiên quyết “thanh toán” tình trạng có một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút ý chí chiến đấu, mất vai trò tiên phong, gương mẫu, ngại tham gia công tác Đảng, thu vén cá nhân, thấy việc đúng không bảo vệ, thấy việc sai không dám đấu tranh. Kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức chính trị và năng lực hoạt động thực tiễn của nhiều cán bộ, đảng viên còn lúng túng, bất cập.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XI, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: Từng đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác gương mẫu làm trước; tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại. Thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình là nhiệm vụ rất quan trọng và thường xuyên đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Qua đó để giáo dục, rèn luyện chính mình, xứng đáng là người cán bộ, đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên” là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành, tin cậy của nhân dân.

                                                                               Phạm Như Hùng

                                                                                 Theo QĐND

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả