"Siêu pháo đài bay" B52 thất trận
Với ý đồ giành thắng lợi quân sự, gây sức ép buộc chúng ta phải đàm phán ký Hiệp định hòa bình theo điều kiện của Mỹ; đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam; làm tê liệt ý chí chiến đấu, quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta; đe dọa phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới, từ ngày 18 đến 29-12-1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã phát động cuộc tập kích bằng không quân chiến lược vào Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc.
Thực hiện âm mưu này, đế quốc Mỹ đã huy động số lượng lớn máy bay, tàu chiến và các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất trong thời điểm đó vào chiến dịch. Đây là cuộc huy động lực lượng tập kích đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1972. Tất cả các loại máy bay, tàu chiến và vũ khí, khí tài quân Mỹ sử dụng trong chiến dịch này đều được cải tiến ở trình độ cao hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Đặc biệt, không quân Mỹ đã sử dụng máy bay ném bom chiến lược B52, còn được gọi là “siêu pháo đài bay” B52 - thần tượng của không lực Hoa Kỳ. Đây là loại máy bay ném bom phản lực hạng nặng do hãng Boeing của Hoa Kỳ sản xuất theo đơn đặt hàng của Lầu Năm góc để làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân trong chiến tranh toàn cầu.
Qua 8 lần cải tiến, đến tháng 10-1962 khi hãng Boeing sản xuất 122 chiếc B52 H bàn giao cho Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ (SAC), Mỹ đã sản xuất tổng cộng 744 chiếc B52. Đến những năm đầu của thế kỷ XXI, B52 vẫn là vũ khí chiến lược và được trang bị tên lửa hành trình loại A6M-86B để tiến công từ xa với cự ly 2.500 km.
Về tính năng kỹ chiến thuật của máy bay B52 G/H: Kíp bay gồm 6 người, sải cánh 56,39 m, chiều dài 49,05 m, chiều cao 12,40 m. Trọng lượng cất cánh tối đa: 221.350 kg, vận tốc: Vmax = 960km/h, Vtb = 820 km/h. Bay ở độ cao tối đa là 16.765 m, thông thường là 10.000-13.000 m. Tầm bay xa: 12.000 km (B52 G), 16.000 km (B52 H).
Máy bay B52 được trang bị 8 động cơ tua bin phản lực, nên có sức chịu đựng rất lớn, nếu chỉ bị thương, hoặc gãy 2-3 động cơ, B52 vẫn có thể bay về căn cứ gần nhất, hoặc thoát ra vùng an toàn để tổ lái nhảy dù. Vì vậy, muốn bắn rơi tại chỗ B52, phải bắn thật chính xác.
Về tải trọng vũ khí, B52 mang được 108 quả bom loại 250 kg, tương đương 18 đến 30 tấn (gấp 10 lần một máy bay cường kích), có thể mang 12-20 quả tên lửa hành trình ALEM hoặc 8 tên lửa hành trình (tàng hình) ACM, 4 pháo 20 mm hoặc một pháo 20 mm 6 nòng.
Máy bay B52 được trang bị thiết bị tác chiến điện tử AN/ALQ 117, 122, 153, 172 (12-16 máy gây nhiễu tích cực); tên lửa chống rađa HARM, thiết bị phóng nhiễu tiêu cực ALE 24 (21 bộ), thiết bị gây nhiễu hồng ngoại (12 bộ) AL-20; hệ thống quan sát vô tuyến truyền hình AVQ-22 và quan sát hồng ngoại ELIR AAQ-6, hệ thống dẫn đường từ vệ tinh NAVSTAR; hệ thống quan sát quang điện tử AN/AQS-151, rađa cảnh giới ALR-46, máy tính điện tử ASQ-151, ASQ-38...
B52 có thể bay liên tục 9 giờ không cần tiếp dầu, nếu được tiếp dầu còn có thể bay xa hơn hoặc có thể vượt chặng đường 18.000-20.000 km.
Ở chiến trường Việt Nam, không quân Mỹ sử dụng các loại máy bay B52 đã được cải tiến nhiều lần (gồm 4 loại B52 D, F, G, H) để tăng số lượng bom mang theo và khả năng tác chiến điện tử, Mỹ cũng đã sử dụng máy bay B52 mang bom thường để làm nhiệm vụ yểm trợ chiến thuật cho lục quân Mỹ.
Ngày 18-6-1965, lần đầu tiên B52 tham chiến ở Việt Nam. 30 chiếc B52 F cất cánh từ Guam đến ném bom khu vực Bến Cát ở miền Nam Việt Nam, vượt quãng đường 8.850 km trong 12 giờ bay.
Ngày 11-4-1968, lần đầu tiên máy bay B52 ném bom ở miền Bắc Việt Nam tại khu vực đèo Mụ Giạ, Quảng Bình.
Ngày 10-4-1972, máy bay B52 ném bom xuống thành phố Vinh, mở đầu cho các hoạt động của lực lượng không quân chiến lược trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai.
Trong thời gian tham chiến ở Việt Nam, B52 đã thực hiện 124.532 phi vụ, ném 2.674.745 tấn bom, tức là nhiều hơn cả số bom mà Mỹ đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai (2.057.000 tấn). Cường độ hoạt động của B52 tăng dần theo mức độ leo thang chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Năm 1965, B52 thực hiện trung bình 300 phi vụ/tháng thì năm 1966 là 600-800 phi vụ/tháng, và năm 1968 ở khu vực Khe Sanh là 1.800 phi vụ/tháng. Năm 1972, Mỹ đã sử dụng tới gần 200 chiếc B52 (tức là gần 50% máy bay B52 của lực lượng không quân chiến lược trên chiến trường và đạt mức hoạt động tối đa vào tháng 5-1972: 3.150 phi vụ/tháng (trung bình 105 phi vụ/ngày).
Tính riêng trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, trút xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc nước ta xấp xỉ 15.000 tấn bom, đạn. Riêng Thủ đô Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 441 lần chiếc máy bay B52, trút xuống hơn 10 nghìn tấn bom, đạn.
Về lực lượng, thực sự là lực lượng của ta có hạn và không thể so sánh được với lực lượng của Mỹ.
Cuối năm 1972, Quân chủng Phòng không - Không quân có 3 nhiệm vụ rất nặng nề, vừa trực tiếp tham gia trong đội hình tác chiến quân binh chủng hợp thành ở mặt trận Quảng Trị, vừa phải bố trí lực lượng tham gia bảo vệ giao thông trên mặt trận Quân khu 4, đồng thời phải sẵn sàng đánh trả một cuộc tập kích đường không quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng.
Lực lượng phòng không phân tán nhiều nơi để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trên các chiến trường. Khu vực Hà Nội, Hải Phòng chỉ có 5 trung đoàn tên lửa, 6 trung đoàn pháo cao xạ (không kể 8 trung đoàn pháo cao xạ của Quân khu 3, Quân khu Việt Bắc); 4 trung đoàn không quân, trong đó có 2 trung đoàn MIG21, rađa chỉ có 4 trung đoàn rải khắp miền Bắc. Ngoài ra, lực lượng phòng không của dân quân tự vệ 9 tỉnh có 1.316 khẩu pháo cao xạ các loại. Nếu so sánh đơn thuần về số lượng vũ khí, trang bị thì rõ ràng đây là một sự chênh lệch quá lớn và phần thắng chắc chắn thuộc về Mỹ.
Tuy nhiên, với ý chí sắt đá, tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta mà nòng cốt là bộ đội Phòng không - Không quân, đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, “siêu pháo đài bay” B52 thất trận và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất với 81 máy bay bị quân và dân ta bắn rơi, trong đó có 34 máy bay B52 (16 chiếc rơi tại chỗ). Đi đôi với tổn thất về máy bay, phía Mỹ còn phải chịu tổn thất không bù đắp được, chỉ hơn 10 ngày, không quân Mỹ đã mất hàng trăm phi công, hầu hết là những phi công kỳ cựu, đã có hàng nghìn giờ bay, là nguồn nhân lực tác chiến bậc cao của quân đội Mỹ. Không chịu nổi những thất bại nặng nề, ngày 30-12-1972, Tổng thống Mỹ R. Nixon đã phải tuyên bố chấm dứt ném bom, ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pari và chấp nhận mọi điều khoản trong Hiệp định về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã thỏa thuận trước đó.
Đại tá ĐIỀN VĂN CHUẨN
Quân chủng Phòng không - Không quân
(Lược trích: “Cuộc đọ sức của không quân chiến lược Mỹ với lực lượng phòng không Thủ đô Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972 - Những số liệu và sự kiện” trong sách 40 năm nhớ lại trận Điện Biên Phủ trên không, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 50-54. Tên bài do Tạp chí Nhịp cầu Tri thức đặt)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực