"Đột phá” phát triển nhân lực, nhìn từ kinh nghiệm Đài Loan

Ngày đăng: 18/06/2012 - 08:06

Trong thế kỷ XX, Đài Loan là một trong những nền kinh tế năng động và phát triển nhanh nhất châu Á. Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công kinh tế của Đài Loan là có chiến lược phát triển nguồn nhân lực hợp lý. Trong đó, chú ý các yếu tố như: Phát triển nguồn nhân lực phù hợp với đặc trưng các giai đoạn phát triển kinh tế; thực thi các chính sách khôn ngoan về dân số, giáo dục và thu hút nhân tài từ bên ngoài…

dailoan

Đào tạo nhân lực: "Liệu cơm gắp mắm"

Từ năm 1949 tới nay, kinh tế Đài loan phát triển trải qua bốn giai đoạn chính: Thời kỳ khôi phục kinh tế (1949-1952); Thời kỳ phát triển lấy nông nghiệp nuôi công nghiệp (1952-1960); Thời kỳ kinh tế phát triển theo hướng chủ đạo xuất khẩu (1960-1986); Thời kỳ kinh tế chuyển mình (1986-nay). Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của Đài Loan là có chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp trong từng giai đoạn phát triển kinh tế; biết “liệu cơm, gắp mắm”, “thăm bệnh, bốc thuốc” cho phù hợp, tránh được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” và ngược lại.

Chẳng hạn, trong giai đoạn những năm 1960-1970 là giai đoạn kinh tế Đài Loan phát triển nhanh chủ yếu dựa vào các ngành gia công cần nhiều lao động hướng về xuất khẩu như: dệt may, giày da, dụng cụ thể thao… (giống Việt Nam hiện nay). Đặc điểm nhân lực giai đoạn này là lao động nông nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghiệp trên quy mô lớn; nhân khẩu nông thôn chuyển mạnh ra thành thị. Đài Loan xác định trọng điểm đào tạo và khai thác nguồn nhân lực thời kỳ này là làm cho nông dân thích ứng được với nhu cầu phát triển của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Theo đó, chú trọng phổ cập giáo dục tiểu, trung học; dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động.

Từ sau những năm 80 của thế kỷ XX, khi nền kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao hơn, nguồn lao động phổ thông trong nước thiếu, Đài Loan tích cực thúc đẩy việc chuyển dịch các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động ra các nước có nguồn nhân công dồi dào hơn trong khu vực.

Thu hút nhân tài: "Của nào, tiền ấy"

Bên cạnh việc đào tạo nhân lực phù hợp, Đài Loan còn rất thực dụng trong thu hút nhân tài ở hải ngoại. Sau nhiều năm cho phép lưu học sinh đến các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản… du học, những năm 1980, Đài Loan đã có một đội ngũ đông đảo trí thức làm việc ở nước ngoài. Để thu hút được người tài về nước làm việc, chính quyền Đài Loan đã thực hiện việc cho phép các doanh nghiệp, cơ quan trả mức lương cao đối với nhân tài là kiều bào, coi đây là một trong những “trọng điểm” của công tác khai thác nguồn nhân lực.

Chính quyền Đài Loan đã thực thi một số chính sách ưu đãi cụ thể như: Những người học tập ở nước ngoài về làm việc được hưởng mức lương cao hơn 1-2 bậc so với người có học vấn tương tự trong nước. Ngoài lương, còn được hỗ trợ tiền nghiên cứu khoa học, mua nhà…

Đối với những chuyên gia cao cấp tạm thời chưa thể về nước thì thông qua hình thức “học giả khách mời”, “giáo sư thỉnh giảng”… để mời họ về giảng dạy hoặc tham gia các công trình nghiên cứu, qua đó, đóng góp chất xám cho vùng lãnh thổ này.

Trong khoảng 20 năm qua, các ngành nghề hiện đại ở Đài Loan như: công nghiệp điện tử, viễn thông… phát triển được chủ yếu là nhờ vào các chuyên gia từ hải ngoại trở về. Đây cũng là nguyên nhân giúp Đài Loan vượt qua Hàn Quốc trong một số lĩnh vực công nghiệp tiên tiến, dù tổng thể nền giáo dục Đài Loan còn kém Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, khi kinh tế phát triển, giá nhân công trong nước cao và cung lao động không đủ cầu, để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngay từ năm 1987, Đài Loan đã cho phép mở dịch vụ tuyển dụng lao động nước ngoài. Đến năm 1992, tiếp tục mở cửa thị trường lao động lần thứ hai, thu hút tổng số 320 nghìn lao động nước ngoài. Hiện nay, người lao động nước ngoài làm việc tại Đài Loan chủ yếu đến từ các nước: Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia, Philíppin…

Nuôi dưỡng nguồn nhân lực: "Giáo dục là quốc sách"

Bên cạnh đào tạo, thu hút nhân lực, Đài Loan đã sớm quan tâm đến các chính sách dân số, giáo dục nhằm bảo đảm nguồn cung nhân lực chất lượng tốt, dài hạn cho sự phát triển vùng lãnh thổ này. Một trong những vấn đề nhân lực lớn nhất mà Đài Loan phải đối mặt trong những năm gần đây là tình trạng dân số già; nguồn cung lao động không đủ cầu. Theo đó, Đài Loan chú trọng thực hiện chiến lược dân số theo hướng nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm nguồn cung lao động. Đài Loan đã thúc đẩy các biện pháp giáo dục chăm sóc trẻ em mầm non, thông qua thực hiện sinh đẻ có kế hoạch để duy trì ổn định tăng trưởng dân số trong một thời gian dài; giảm bớt gánh nặng chi phí chăm sóc trẻ em cho các gia đình; giúp đỡ người già có cuộc sống ổn thỏa, thúc đẩy kế hoạch kéo dài tuổi trẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người già…

Bên cạnh đó, chính quyền chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các chiến lược giáo dục dài hạn. Theo đó, chú trọng tăng cường khả năng sáng tạo trong giáo dục, nâng cao chất lượng chương trình giảng dạy để phát huy tính sáng tạo cho học sinh. Thiết lập hệ thống giáo dục linh hoạt, tăng cường học đi đôi với hành, thúc đẩy giao lưu trao đổi nhân tài, thiết bị, tư vấn kỹ thuật, rút ngắn khoảng cách nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và giáo dục. Thực hiện cơ chế giao lưu cho giáo viên với các doanh nghiệp kết hợp với nhu cầu của giới doanh nghiệp để thúc đẩy công việc nghiên cứu và phát triển của giáo viên, lấy việc thực hiện chức năng hợp tác giữa học với làm việc để nâng cao thành tựu trong công tác giảng dạy và nghiên cứu.

Đồng thời, xây dựng cơ chế điều chỉnh linh hoạt trong việc tuyển sinh vào các khoa của các trường đại học, cao đẳng, để khi sinh viên ra trường có thể đáp ứng nhu cầu của người tuyển dụng. Tăng cường hợp tác giữa trường học với các ngành nghề, mời đại diện các ngành công nghiệp có liên quan tham gia vào thiết kế và đánh giá các môn học, đồng thời tăng cường thực hành trong việc dạy và học trong nhà trường…

Chính phủ chú trọng xây dựng hệ thống học tập suốt đời, thúc đẩy việc học tập qua mạng và tự mình đưa ra phương pháp học tập, để đáp ứng nhu cầu của các ngành nghề và cung cấp chương trình bổ túc trong học tập. Bên cạnh đó, tăng cường các khóa học cơ bản về tư vấn giáo dục và ngoại ngữ, nâng cao khả năng ngoại ngữ cơ bản và tăng cường trao đổi sinh viên quốc tế. Dạy tiếng Anh cho học sinh ngay từ bậc tiểu học, coi trọng nguồn giáo viên có thành tựu nghiên cứu và khả năng giảng dạy tiếng Anh. Bắt đầu từ bậc trung học trở đi, học sinh còn được tăng cường thêm ngoại ngữ thứ hai.

Ở bậc đại học, Đài Loan đẩy nhanh sự hợp tác các nguồn lực của các trường đại học trong nước và tăng cường hợp tác với các trường đại học danh tiếng trên thế giới, nâng cao khả năng nghiên cứu của các trường đại học trong nước, bồi dưỡng những kiến thức cần thiết về các ngành nghề cho học sinh.

Ngoài ra, Đài Loan còn xây dựng Chiến lược phát triển nhân lực trong các ngành nghề. Theo đó, phối hợp đào tạo nhân lực với sự phát triển kinh tế tri thức, kết hợp nguồn lực đào tạo của chính phủ và của tư nhân, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với chuyên môn, quản lý và ngành công nghệ cao.

Đài Loan đặc biệt chú trọng đào tạo nhân lực cho các ngành nghề “mới nổi”; phát triển các ngành khoa học kỹ thuật như: công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ, năng lượng mặt trời, thông tin không dây, chất bán dẫn, thông tin, phần mềm đa phương tiện, lập ra chương trình đào tạo đặc biệt để tăng cường nhân tài cho các ngành khoa học kỹ thuật trên.

 

tRẦN BÍCH


Bình luận