Hàn Quốc là quốc gia nằm ở phía nam của Bán đảo Triều Tiên. Hơn nửa thế kỷ kể từ sau ngày lập quốc (năm 1948), Hàn Quốc từ một đất nước nghèo, lại đứng trước nhiều khó khăn, đã từng bước xác lập vị thế khá vững chắc trên chính trường khu vực và thế giới với một nền kinh tế năng động, có sức lôi cuốn, hấp dẫn, đã và đang là thách thức với các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới. Trong quãng thời gian ấy, giai đoạn 1961-1993 được coi là giai đoạn cất cánh kinh tế, có tính bước ngoặt và nhảy vọt của đất nước này.
Cuốn sách Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Hàn Quốc (1961-1993) và kinh nghiệm đối với Việt Nam là công trình nghiên cứu khoa học công phu và nghiêm túc của TS. Hoàng Văn Hiển - Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường đại học Khoa học Huế, trình bày có hệ thống toàn bộ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Hàn Quốc trong những năm 1961-1993 gồm các nội dung: bối cảnh quốc tế, trong nước và các thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá với hai mô hình chiến lược hướng nội và hướng ngoại bao gồm quan điểm chiến lược, cơ cấu, cơ chế, chính sách, biện pháp…; nêu những thành tựu tiêu biểu về kinh tế - xã hội và những hạn chế cơ bản của Hàn Quốc trong hơn ba thập niên công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; xác định các điều kiện và yếu tố bên trong, bên ngoài tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn này; rút ra những đặc điểm, quy luật phát triển chung, những kinh nghiệm phát triển (cả thành công và không thành công) của quốc gia này và trong chừng mực nhất định, có thể tham khảo, vận dụng trong sự nghiệp đổi mới của Việt Nam hiện nay, trong đó có bài toán khó: vấn đề thực hiện tăng trưởng kinh tế đi đôi với công bằng xã hội.
Sách gồm 364 trang, giá 49.000đ.