Quá trình xâm lược miền Nam và sử dụng chất độc hóa học của đế quốc Mỹ
Việc sử dụng các chất độc hóa học của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã được Mỹ tính toán rất kỹ lưỡng, có hệ thống, từng bước gia tăng theo quá trình can thiệp, xâm lược Việt Nam của chúng.
Máy bay Mỹ đang rải chất độc hóa học xuống chiến trường miền Nam.
Đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch xâm lược Việt Nam ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam thành công, viên sĩ quan cao cấp Gallagher của Mỹ đã mượn danh nghĩa Trưởng phái đoàn Đồng minh yêu cầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho giới tư bản Mỹ vào kinh doanh, buôn bán ở Việt Nam. Dưới con mắt của Mỹ, Đông Dương là một miếng mồi béo bở - mảnh đất giàu tài nguyên khoáng sản, hứa hẹn mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế lớn cho Mỹ nếu xâm chiếm được. Vì vậy, Mỹ đã từng bước thực hiện mưu đồ thôn tính Việt Nam. Năm 1947, Mỹ ép thực dân Pháp sử dụng Bảo Đại, giúp đỡ Bảo Đại xây dựng quân đội, chính quyền chống lại cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam, vừa để cho Mỹ có điều kiện can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh Việt Nam, tiến tới hất cẳng Pháp. Năm 1949, khi thấy Pháp gặp khó khăn trong cuộc chiến tranh Đông Dương, Mỹ đã ép Pháp phải thừa nhận nền độc lập giả hiệu của Bảo Đại, thừa nhận chính quyền của Bảo Đại có quân đội riêng và ngoại giao rộng rãi để tiện cho Mỹ nắm và điều khiển Bảo Đại không phải qua tay Pháp. Tháng 2-1950, Chính phủ Mỹ chính thức công nhận Chính phủ bù nhìn Bảo Đại và ký hiệp định viện trợ quân sự cho chính quyền này. Năm 1951, Mỹ lại tiếp tục ký hiệp định viện trợ kinh tế và kỹ thuật với chính quyền Bảo Đại. Hiệp định này đã trở thành công cụ chủ yếu cho Mỹ để chúng can thiệp ngày càng sâu vào Việt Nam, nắm lấy quyền điều hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Bên cạnh những tác động về mặt kinh tế, về mặt chính trị, Mỹ còn nuôi con bài Ngô Đình Diệm, đưa Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng chính quyền Bảo Đại thay cho Nguyễn Phan Long (1950) nhưng không thành. Năm 1952, Mỹ tiếp tục ép Pháp đồng ý đưa Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng nhưng bị Pháp từ chối. Tháng 7-1954, lợi dụng sự khó khăn của Pháp đang lâm vào thế thất bại trên chiến trường Điện Biên Phủ, Mỹ đã lật đổ Bửu Lộc thân với Pháp, đưa Ngô Đình Diệm từ Mỹ về lập chính phủ bù nhìn ở miền Nam Việt Nam.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giai đoạn 1954 - 1960, Mỹ liên tiếp phá hoại Hiệp định Giơnevơ và ráo riết thực hiện chính sách thực dân mới xâm lược miền Nam Việt Nam. Đại diện Mỹ đã không ký vào bản Hiệp định này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Wilson tuyên bố rằng: Mỹ sẵn sàng phòng thủ đường ranh giới quân sự ở Việt Nam cũng như ở Triều Tiên. Mỹ đã lôi kéo một số nước thành lập Khối quân sự xâm lược Đông Nam á, bất chấp một số điều khoản của Hiệp định Giơnevơ và ngang ngược đặt miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia thuộc bảo hộ của Khối quân sự này.
Phá hoại Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ ra sức giúp đỡ Ngô Đình Diệm củng cố và xây dựng chính quyền, quân đội. Ngô Đình Diệm tuyên bố phản đối hiệp thương tổng tuyển cử hai miền, ra sức đàn áp, khủng bố, trả thù cán bộ tham gia kháng chiến, tiêu diệt các cơ sở cách mạng và đàn áp nguyện vọng hòa bình, thống nhất đất nước của các tầng lớp nhân dân miền Nam. Chúng dùng nhiều thủ đoạn thâm độc như “tố cộng”, “diệt cộng”, lê máy chém đi khắp miền Nam uy hiếp, giết hại đồng bào và các chiến sĩ cách mạng như các vụ Chợ Được, Vĩnh Trinh, Hương Điền, Tân Lập… Trong giai đoạn này, Mỹ sử dụng các chất độc, hơi độc hóa học có tính chất thăm dò, thí nghiệm và gây chiến tranh tâm lý khủng bố tinh thần kháng chiến của nhân dân miền Nam như vụ đầu độc ở trại giam Phú Lợi tháng 12-1958.
Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1965, sau khi đế quốc Mỹ đã áp đặt được bộ máy thống trị của chúng ở miền Nam Việt Nam, Mỹ và Diệm vừa tiếp tục công cuộc bình định ở miền Nam, vừa ra sức chuẩn bị tiến công miền Bắc. Có lúc, địch lấy việc chuẩn bị tiến công ra miền Bắc làm mục tiêu chủ yếu. Nhưng phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam ngày càng dâng cao, đấu tranh chính trị và binh vận ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chiến thắng Phước Thành (1960), ấp Bắc (1963) đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng miền Nam và sự phá sản các chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của Mỹ cùng các chiến thắng Bình Giã (1-1965), Ba Gia, Sông Bé, Đồng Xoài (5-5-1965), buộc Mỹ và Diệm phải dồn sức đối phó, bỏ kế hoạch Bắc tiến. Do đó, âm mưu và các thủ đoạn chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong giai đoạn này là tập trung lực lượng bình định miền Nam trong vòng 18 tháng đến bình định có trọng điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara cùng với hàng triệu quân Sài Gòn được trang bị đầy đủ các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, hỏa lực Mỹ nhằm tiêu diệt các lực lượng vũ trang cách mạng, dồn dân với quy mô lớn vào các ấp chiến lược để cô lập và tiêu diệt phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam, trước hết là lực lượng vũ trang.
Hỗ trợ thực hiện âm mưu và các thủ đoạn chiến lược đó, đế quốc Mỹ đã sử dụng chất độc, hơi độc hóa học kết hợp với các biện pháp khác triệt phá nguồn lực bảo đảm cho chiến tranh của ta, dồn dân lập ấp, tách lực lượng vũ trang cách mạng ra khỏi quần chúng nhân dân để tiêu diệt. Chính viên Trưởng phái đoàn MACV là Bradley của Mỹ cũng phải thừa nhận muốn dập tắt được phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam thì phải tiêu diệt cán bộ, tiêu diệt lực lượng vũ trang bằng phương pháp tách Việt cộng ra khỏi nhân dân với nhiều thủ đoạn như lập ấp chiến lược, tát nước bắt cá… Hoạt động sử dụng các chất độc hóa học phổ biến của Mỹ giai đoạn này là phá hoại hoa màu trên nương rẫy và nhiều vùng sản xuất lương thực, phát quang cây cối, rừng rậm dọc hai bên bờ sông, các trục đường giao thông lớn, khu căn cứ đóng quân để khủng bố nhân dân, làm cho nhân dân bị đói khổ, bệnh tật phải vào các ấp chiến lược của chúng. Địch cho đây là phương pháp tốt nhất, ít tổn hao xương máu và thiệt hại cho chúng để chống lại cuộc chiến tranh du kích, chiến tranh giải phóng của quân và dân miền Nam. Theo tính toán đó, Mỹ đã sử dụng một số lượng lớn các chất độc hóa học, tập trung phun rải phá hoại hoa màu trong các vùng căn cứ cách mạng ở rừng núi, các vùng nông thôn đồng bằng có phong trào đấu tranh phát triển; phát quang các trục đường giao thông thủy, bộ để đối phó với các hoạt động quân sự của bộ đội ta. Bên cạnh hình thức dùng các loại máy bay phun rải các chất độc hóa học tàn phá mùa màng, cây trái, phát quang các căn cứ địa cách mạng, địch còn lẻ tẻ sử dụng lựu đạn có chứa các chất độc đánh vào hầm hào của bộ đội và nhân dân miền Nam.
Giai đoạn từ năm 1965 trở đi, do bị thất bại liên tiếp và nặng nề về mọi mặt, đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược chiến tranh từ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” rồi “Việt Nam hóa chiến tranh” với đặc điểm nổi bật là tăng cường đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân hòng làm suy yếu tiềm lực chiến tranh, hạn chế sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, suy giảm ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam; đồng thời mở những cuộc phản công chiến lược quân sự lớn có trọng tâm, trọng điểm trên chiến trường miền Nam nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng và các cơ quan đầu não kháng chiến, giành lại thế chủ động trên chiến trường, nhanh chóng rút ra khỏi cuộc chiến tranh.
Với mưu đồ đó, bên cạnh mở các cuộc oanh tạc dữ dội bằng không quân vào các mục tiêu kinh tế, chính trị, quân sự trên chiến trường miền Bắc thì tại chiến trường miền Nam, từ tháng 11-1965 đến tháng 3-1966, quân viễn chinh Mỹ và quân đội Sài Gòn đã mở hàng chục cuộc phản công quy mô cấp sư đoàn và nhiều cuộc hành quân càn quét từ 5 đến 8 tiểu đoàn với nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại ở khu vực đồng bằng Liên khu V. Sử dụng chất độc hóa học hỗ trợ cho các mục đích chiến tranh của Mỹ trong thời gian này cũng tập trung chủ yếu ở Liên khu V nhằm phá hoại kinh tế trong các vùng trọng điểm, các vùng tranh chấp, vùng giáp ranh phần lớn thuộc phía Tây các tỉnh Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum…, phát quang quy mô lớn các trục đường sông, đường vận chuyển chiến lược như các đường 14, 16, 19… hoặc trên các khu vực căn cứ kháng chiến của ta (chủ yếu là đường xe thồ). Nhưng “chiến thuật 5 mũi tiến công” của Westmoreland, cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất đều bị quân và dân miền Nam đánh bại. Như vậy, kế hoạch quân sự lớn đầu tiên trong “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ nhằm giành lại quyền chủ động chiến trường, xoay chuyển cục diện chiến tranh với hàng triệu quân viễn chinh Mỹ và quân một số nước đồng minh của Mỹ, quân đội Sài Gòn đã hoàn toàn thất bại.
Để đối phó có hiệu quả với sự tấn công của các lực lượng vũ trang cách mạng trong mùa mưa, địch thực hiện kế hoạch phòng thủ dự phòng nhằm khôi phục lại thực lực, xúc tiến chuẩn bị cho cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai. Quân địch ít sử dụng chất độc hóa học trong thời gian này. Ngược lại, quân và dân miền Nam vẫn kiên quyết không ngừng tiến công tiêu diệt sinh lực địch và giành được những thắng lợi lớn như ở Xuân Sơn (Bình Định), Plâyme (Tây Nguyên), Cà Nhum (Thủ Dầu Một), Cần Đảm, Cần Lê (trên đường 13)… Tiêu biểu, quân và dân Trị Thiên đã đánh bại cuộc hành quân Hastings của quân Mỹ và Sài Gòn, tiêu diệt hàng ngàn tên Mỹ và phương tiện chiến tranh các loại. Mở đầu cuộc phản công mùa khô lần thứ hai (1966 - 1967) là cuộc hành quân Attleboro tháng 11-1966 đánh vào chiến khu Dương Minh Châu của ta (Bắc Tây Ninh). Suốt thời gian diễn ra cuộc hành quân, Mỹ đã sử dụng 15 tấn chất độc hóa học phun rải, đánh phá hỗ trợ cho các hoạt động tác chiến. Trong cuộc hành quân Junction City từ ngày 22-2 đến ngày 13-4-1967, Mỹ đã huy động trên 45.000 quân hầu hết các lực lượng cơ động của Mỹ và nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại khác (kể cả B52) cùng với 3.000 tấn chất độc, hơi độc vào phát quang, triệt phá các nguồn kinh tế trên các trục đường 13, 14, 22, các nương rẫy trong khu căn cứ. Quân đội Mỹ cũng dùng hơi độc để trực tiếp chi viện cho quá trình chiến đấu với nhiều hình thức như trong hành quân càn quét vào các làng, bản; khi có nguy cơ bị tiêu diệt hoặc phát hiện ra các mục tiêu của ta. Địch sử dụng các chất độc hóa học với các loại bom đạn thường để đánh phá bộ đội ta hoặc khi bị bộ đội ta tiến công, chúng dùng chất độc, hơi độc để ngăn chặn. Nhưng địch vẫn bị thất bại nặng nề, 5 mục đích của cuộc hành quân do Mỹ đề ra chẳng những không thực hiện được mà còn bị thiệt hại nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh. Đặc biệt là sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 của quân và dân toàn miền Nam, địch chuyển vào thế phòng ngự bị động. Trong năm 1969 và 6 tháng đầu năm 1970, mức độ sử dụng chất độc hóa học của Mỹ có giảm đi so với các năm 1967 - 1968, chủ yếu sử dụng chi viện cho chiến đấu phòng ngự của chúng, trong đó, phổ biến là sử dụng chất độc CS để ngăn chặn lực lượng vũ trang ta tiến công các căn cứ, ngăn chặn trong các chiến dịch, phá công tác chuẩn bị tiến công của Quân giải phóng. Trong chiến đấu, Mỹ sử dụng chất độc hóa học chủ yếu nhằm phát hiện các lực lượng vũ trang cách mạng rồi sử dụng các loại hỏa lực khác tập trung sát thương. Hoặc, dùng chất độc kết hợp với các biện pháp khác để bảo vệ các khu vực và tuyến phòng ngự của chúng, các khu vực dự định tác chiến của ta (khu chiến), lập vành đai trắng xung quanh các cứ điểm, căn cứ đóng quân của địch. Phát quang các trục đường vận chuyển của lực lượng kháng chiến trên các căn cứ, vùng giáp ranh nhằm phát hiện ra lực lượng ta rồi sử dụng hỏa lực khống chế tiêu diệt. Tập trung đánh phá các nguồn lợi kinh tế của nhân dân miền Nam với quy mô lớn liên tục và có tính chất hủy diệt từng vùng. Những nương rẫy trên các khu căn cứ kháng chiến, các khu vực và vùng giải phóng của ta đã bị phun rải các loại chất độc hóa học với mật độ cao và liên tục nhiều lần. Dùng chất độc hóa học kết hợp với các thủ đoạn khác nhằm gom dân, thực hiện bình định cấp tốc (kế hoạch phi Mỹ hóa, Việt Nam hóa chiến tranh). Trước đây, địch thường dùng thủ đoạn hành quân càn quét xúc dân theo kiểu trực thăng đổ xuống bốc dần đi (dân đi xong lại trở về) nhưng trong giai đoạn này, địch lại sử dụng chất độc, xe ủi san phẳng nhà cửa, ruộng vườn kết hợp phi pháo đánh phá ác liệt buộc nhân dân phải bỏ chạy theo chúng vào vùng giáp ranh hoặc ra vùng giải phóng. Cũng trong giai đoạn này, Mỹ bắt đầu tiến hành trang bị và chi viện vũ khí hóa học cho quân đội Sài Gòn trong chiến đấu.
Qua những phân tích trên có thể rút ra một số đặc điểm sau:
- Âm mưu và các thủ đoạn sử dụng chất độc hóa học của đế quốc Mỹ gắn rất chặt chẽ với âm mưu xâm lược thực dân kiểu mới qua các giai đoạn chiến lược chiến tranh của Mỹ.
- Mỗi một giai đoạn chiến lược chiến tranh, việc sử dụng các chất độc hóa học lại có những đặc điểm khác nhau, do phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam phát triển ngày càng cao, các lực lượng vũ trang miền Nam hoạt động ngày càng mạnh mẽ.
- Việc sử dụng chất độc hóa học của Mỹ vừa phục vụ cho âm mưu chiến lược lâu dài, vừa phục vụ cho những mục đích cụ thể từng chiến dịch và trong quá trình chiến đấu.
- Sử dụng chất độc hóa học vào mục đích phát quang, phá hoại kinh tế, đánh vào tiềm lực của ta ngày càng tăng (liên tục, rộng rãi, triệt để từng vùng).
Trích trong cuốn Nỗi đau da cam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực