Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trường tồn theo thời gian
Năm 2012, Việt Nam và Lào kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 - 2012), 35 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác (1977 - 2012), và, cũng là “Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào”. 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, nhân dân hai nước Việt - Lào luôn kề vai sát cánh bên nhau trên tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước.
Quan hệ đoàn kết cao đẹp, trong sáng, thủy chung
Là hai nước láng giềng có nhiều nét tương đồng về văn hóa, Việt Nam và Lào đã chung tay viết nên những trang sử hào hùng của hai dân tộc. Tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai Đảng, hai nước Việt - Lào và sự gắn bó keo sơn giữa dân tộc Việt Nam và nhân dân các bộ tộc Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayson Phomvihan trực tiếp gây dựng nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai nước, cùng nhân dân hai nước quý trọng, nâng niu và dày công vun đắp.
Trải qua nhiều giai đoạn và biến cố của lịch sử, hai nước Việt Nam - Lào cùng tựa lưng vào dải Trường Sơn hùng vĩ, sát cánh bên nhau, xây đắp quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào cao đẹp, mẫu mực, thủy chung, hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Việt - Lào hai nước chúng ta - Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Chủ tịch Cayson Phomvihan cũng từng nói: “Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt lâu dài và toàn diện như vậy”.
Sau khi Việt Nam hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời vào năm 1975, quan hệ Việt - Lào đã chuyển sang giai đoạn mới. Đó là mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và hai Nhà nước mà bằng chứng sinh động là Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào được ký ngày 18-7-1977.
Tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trong thời kỳ mới. Trong các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, hai bên luôn khẳng định quan điểm nhất quán, tiếp tục coi trọng và dành mọi ưu tiên cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, coi đây là tài sản vô giá cần gìn giữ và truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau.
Quan điểm, chủ trương đó đã được thể hiện sinh động trên trên thực tế. Mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước không ngừng được củng cố và tăng cường trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng - an ninh, đối ngoại đến kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục - đào tạo và bảo vệ trật tự trị an tại khu vực biên giới hai nước, cùng hợp tác giúp nhau phát triển, góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định; hợp tác ngăn chặn và phòng, chống các tội phạm xuyên biên giới. Hai bên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hoạt động về vấn đề hội nhập quốc tế trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN, cũng như trong khuôn khổ ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Đặc biệt, hai nước hợp tác tốt và có hiệu quả trong việc thực hiện các dự án Hành lang Đông - Tây, hợp tác Tiểu vùng Mê Công và Ủy hội Mê Công. Hai bên đã thỏa thuận tăng cường hơn nữa sự hợp tác sẵn có, nhất là hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, nhằm góp phần củng cố tình đoàn kết và sự hợp tác trong ASEAN, vì hòa bình và phát triển của Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.
Quan hệ kinh tế không ngừng phát triển
Trong 35 năm qua, thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, trong đó trọng tâm là hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước đã có nhiều khởi sắc, đi vào chiều sâu; các dự án thuộc các lĩnh vực hợp tác, như thương mại và đầu tư, giao thông vận tải, nông nghiệp, thủy điện... được tạo điều kiện thuận lợi để triển khai; sự hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp hai nước được thúc đẩy, tăng cường.
Mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định trong một số lĩnh vực hợp tác, chưa khai thác được hết tiềm năng của mỗi bên, tuy nhiên, cần khẳng định rằng, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước liên tục phát triển và đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.
Năm 2011, trong quan hệ thương mại, giá trị xuất nhập khẩu Việt - Lào đạt 734 triệu USD, tăng 38,1%, nhập khẩu đạt 460 triệu USD tăng 57,5% so năm 2010. Hàng của Việt Nam chiếm từ 15% - 40% thị phần ở Lào (tùy theo vùng), xuất khẩu của Lào sang Việt Nam chiếm 30 - 50% xuất khẩu của Lào ra thị trường thế giới. Việt Nam xuất sang Lào vật liệu xây dựng, xăng, dầu, hàng nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng gia dụng; nhập của Lào một số mặt hàng, như gỗ, khoáng sản, nông sản… Hai nước khuyến khích thành lập các cặp chợ biên giới, các khu kinh tế, thương mại tại các cửa khẩu lớn và tích cực triển khai thực hiện các thỏa thuận về tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hàng hóa qua lại, trong đó có chính sách giảm thuế 50% cho hàng hóa có xuất xứ mỗi nước. Hai nước cũng xúc tiến hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong việc quá cảnh hàng hoá tiêu thụ tại nước thứ ba.
Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến năm 2011, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào với 424 dự án, trị giá 3,57 tỉ USD. Một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam, như dự án của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đắk Lắk... đã được triển khai nhanh, bước đầu có hiệu quả tích cực cả về kinh tế và an sinh xã hội.
Về giáo dục, đào tạo, hợp tác giáo dục, đào tạo giữa hai nước trong thời gian qua được triển khai theo đúng tinh thần Ðề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực", đáp ứng yêu cầu của cả hai nước. Năm 2011, Chính phủ Việt Nam dành 695 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam; Chính phủ Lào dành 40 suất học bổng đào tạo chính quy dài hạn tập trung cho cán bộ, học sinh Việt Nam. Hai ngành giáo dục Việt - Lào đã phối hợp tổ chức tuyển chọn học sinh Việt Nam và Lào sang học tập tại mỗi nước, theo tinh thần hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau vì mục tiêu nâng cao trình độ dân trí và thắt chặt tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.
Các lĩnh vực khác cũng được hai nước quan tâm như hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng, du lịch, văn hóa, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, du lịch. Hai bên tiếp tục thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận đã được ký kết, như Nghị định thư tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Việt Nam và Lào, Hiệp định vận tải qua biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Thỏa thuận 3 bên Việt Nam - Lào - Thái Lan về hoạt động vận tải khách du lịch bằng đường bộ, Hiệp định ba bên về tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Các dự án viện trợ Lào của Chính phủ Việt Nam trong những năm qua đã được hai bên phối hợp triển khai bảo đảm chất lượng, tiến độ và đạt kết quả tốt cho dù những biến động giá cả nguyên, nhiên vật liệu cũng gây những khó khăn nhất định đối với nhiều chủ dự án đầu tư.
Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước giai đoạn 2001- 2010 về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra. Hai bên đã có nhiều cố gắng thực hiện các thỏa thuận, cùng nhau giải quyết các vấn đề nảy sinh, tạo điều kiện hỗ trợ thiết thực trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Các địa phương, nhất là những địa phương có chung đường biên giới đã có nhiều hoạt động hợp tác phong phú, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau bằng khả năng của mình, góp phần tích cực vào việc củng cố và phát huy truyền thống tốt đẹp sẵn có.
Tương lai tốt đẹp
Năm 2012 là năm đặc biệt trong quan hệ Việt - Lào với nhiều sự kiện quan trọng của cả hai nước, mở ra triển vọng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững trong những năm tới. Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 2012 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang diễn ra sau các chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Chummaly Sayasone (tháng 8-2011), Thủ tướng Thongsing Thammavong (tháng 3-2011), Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotu (tháng 8-2011). Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thăm chính thức Lào trong tháng 6 và tháng 9 năm 2011. Các chuyến thăm cấp cao này không chỉ là những sự kiện chính trị quan trọng trong quan hệ hai nước, mà còn là những cuộc gặp giữa những người đồng chí, người bạn, người anh em thân thiết, thể hiện tình cảm sâu đậm của hai dân tộc cùng chung dòng sông Mê Công, đã, đang và luôn luôn sát cánh bên nhau trong đấu tranh bảo vệ, xây dựng đất nước.
Trong tất cả các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, hai bên đều khẳng định luôn coi trọng và dành mọi ưu tiên cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, coi đây là tài sản vô giá cần gìn giữ và truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau.
Lãnh đạo hai bên cũng cho biết sẽ tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp nhằm tăng cường sự gắn bó, tin cậy lẫn nhau trong quan hệ hợp tác hai nước. Hai bên nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đến kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai nước lên 2 tỉ USD vào năm 2015; khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường các dự án hợp tác thiết thực và thực chất, vì sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội của mỗi nước. Theo đó, dự báo, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào sẽ tăng mạnh trong những năm 2012 - 2015 với các ngành nông, lâm nghiệp, thủy điện và chế biến nông, lâm sản với tổng vốn đầu tư 5-6 tỉ USD vào năm 2015.
Bên cạnh đó, Việt Nam khẳng định ủng hộ Lào sớm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hỗ trợ Lào tổ chức thành công các sự kiện quốc tế quan trọng trong năm 2012. Đặc biệt, lãnh đạo hai nước đã chính thức công bố, khởi động "Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012". Theo đó, hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công các sự kiện trọng đại này với các nội dung sinh động hiệu quả, trong đó chú trọng tăng cường trao đổi đoàn ở các cấp, hợp tác giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, công tác giáo dục, tuyên truyền về lịch sử và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Theo Tạp chí Cộng sản
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực