Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc

Ngày đăng: 16/12/2013 - 11:12

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại, nhà chiến lược quân sự thiên tài của Đảng và dân tộc ta, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, luôn quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị, tinh thần. Theo Người, chính trị là hồn cốt, là yếu tố quyết định sức mạnh của quân đội.

6786quandoi

Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đạo đức cách mạng. Người dạy: “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”1. Người coi đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng. Theo Người, “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”2. Lý giải mối quan hệ giữa đức và tài, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “... phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”3. Đức và tài như hai chân của một con người. Tuy nhiên, đức bao giờ cũng phải có trước. Người dạy: “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn… Chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước tài”4.

Bồi dưỡng ý thức chính trị và xây dựng bản chất cách mạng cho các lực lượng vũ trang nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng phẩm chất chính trị, đạo đức, tinh thần cách mạng cho lực lượng vũ trang nhân dân. Theo Người, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng. Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến chiến lược “trồng người”, xây dựng đội quân cách mạng vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Người cho rằng, trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân rất cần cả con người và vũ khí, vũ khí càng hiện đại càng tốt, nhưng điều quyết định là con người cầm vũ khí theo quan điểm “người trước súng sau”. Vì vậy, Người thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị, có tri thức quân sự, có trình độ văn hóa, có đạo đức cách mạng, có sức khỏe, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ của một đội quân chiến đấu, sản xuất và công tác.

Trong đấu tranh vũ trang, yếu tố quan trọng hàng đầu là đường lối chiến lược quân sự, nhưng đường lối đó chỉ có sức mạnh thực sự khi được thực hiện bởi những con người trung thành, dũng cảm, toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Đó là những quân nhân cách mạng có lòng yêu nước nồng nàn, giác ngộ dân tộc, giác ngộ giai cấp, có lý tưởng cách mạng, có ý chí tiến công, có kỷ luật nghiêm, có bản lĩnh chiến đấu cao. Phê phán tư tưởng quân sự đơn thuần, Hồ Chí Minh nêu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị. Người căn dặn: “Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”5.

Chính trị theo quan điểm Hồ Chí Minh không chỉ là đường lối, chính sách của Đảng, còn là bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tinh thần, ý chí, nghị lực, quyết tâm chiến đấu hy sinh của cán bộ, đảng viên. Trong xây dựng con người nói chung, tiến hành chiến tranh cách mạng nói riêng, Hồ Chí Minh đã nêu lên một quan điểm hết sức quan trọng, đó là quan điểm “tinh thần chiến thắng vật chất”. Người nói: “Chúng ta đem tinh thần mà chiến thắng vật chất, chúng ta vì nước, vì dân mà chịu khổ, một cái khổ rất có giá trị, thì vật chất càng khổ tinh thần càng sướng”6. Trong đấu tranh vũ trang và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi nhân tố chính trị, tinh thần là nhân tố quyết định hàng đầu. Người nói: “Chúng ta phải dùng tinh thần hăng hái của toàn dân để tìm cách giải quyết sự thiếu kém vật chất”7. Tinh thần quyết chiến quyết thắng của bộ đội tập trung ở chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, một yếu tố đạo đức mới. Đó là lòng dũng cảm, đức hy sinh cao độ, không lùi bước trước bất kỳ gian khổ, hy sinh nào, kết hợp chất anh hùng với trí thông minh sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công việc. Nếu quân đội ta chỉ có anh hùng không thôi thì không thể thắng các đế quốc hùng mạnh như Pháp, Nhật, Mỹ. Chúng ta thắng mọi kẻ thù, đánh bại các thế lực ngoại xâm vì chúng ta anh hùng, thông minh và đầy đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, tinh thần theo sự giáo dục của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Yếu tố hàng đầu của chính trị trong xây dựng lực lượng vũ trang là xây dựng lòng trung thành với Đảng, hiếu với dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”8. Đây là phẩm chất chính trị - đạo đức hàng đầu, chủ chốt nhất, chi phối các phẩm chất đạo đức khác. Một cán bộ, chiến sĩ có lòng trung thành với Đảng, hiếu với dân thì sẽ thực hiện tốt cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; yêu thương nhau như ruột thịt, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Chính trị, đạo đức của cán bộ, chiến sĩ còn là tinh thần yêu nước chân chính, tinh thần quốc tế vô sản cao cả, luôn luôn đoàn kết với nhân dân. Cán bộ và chiến sĩ phải luôn luôn khiêm tốn, luôn luôn cố gắng. Phải phát huy bản chất và truyền thống cách mạng. Phải luôn luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng mọi kẻ thù xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm xây dựng tinh thần dân chủ, kỷ luật trong lực lượng vũ trang. Người dạy: Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật.

Sức mạnh của quân đội là sức mạnh từ những con người cụ thể. Tuy nhiên, trong đó cán bộ quyết định mọi việc. Trong lực lượng vũ trang, đạo đức của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cốt cán giữ một vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng xây dựng đạo đức của người tướng gồm trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung.

“Trí là phải có óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng.

Tín là phải làm cho người ta tin mình. Thí dụ đã hứa thưởng thì phải thưởng. Tín cũng còn nghĩa là tự tin vào sức mình nữa, nhưng không phải là tự mãn tự cao.

Dũng là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh.

Nhân là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cam cộng khổ với họ. Đối với địch hàng, ta phải khoan dung.

Liêm là chớ tham của, chớ tham sắc, tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế, chớ tham danh vọng, tham sống.

Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng”9.

Niềm tin là một thành tố của chính trị, tinh thần; là điểm tựa tinh thần của mỗi người. Xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị cần xây dựng niềm tin. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng bộ đội phải có niềm tin. Tin vào chính mình. Tin vào sức mạnh của nhân dân. Phải tin tưởng vững chắc là ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Người chỉ rõ: “…còn phân vân: tàu địch to, tàu ta nhỏ; tàu bay địch nhiều, súng ta ít liệu có đánh được không là biểu hiện của quyết tâm chưa cao. Tuy không dám tự nhận là sợ địch nhưng chính đã sợ địch”10. Ta phải có lòng tin sắt đá ở Đảng. Đảng đã nói: “Nhất định đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” là nhất định thắng. Rồi tin vào sức mạnh chính nghĩa, vào những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc và sự ủng hộ của lực lượng cách mạng và tiến bộ thế giới. Về niềm tin và sức mạnh tinh thần, tại Đại hội II của Đảng, Người đã chỉ rõ: “Lực lượng ta và địch so le nhiều như thế, cho nên lúc đó có người cho rằng: Cuộc kháng chiến của ta là “châu chấu đấu voi”.

Chỉ nhìn về vật chất, chỉ nhìn ở hiện trạng, chỉ lấy con mắt hẹp hòi mà xem, thì như thế thật. Vì để chống máy bay và đại bác của địch, lúc đó ta phải dùng gậy tầm vông. Nhưng Đảng ta theo chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng ta không những nhìn vào hiện tại, mà lại nhìn vào tương lai, chúng ta tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần chúng, của dân tộc. Cho nên chúng ta quả quyết trả lời những người lừng chừng và bi quan kia rằng:

Nay tuy châu chấu đấu voi,

Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra.

Sự thật đã chứng tỏ rằng “voi” thực dân đã bắt đầu lòi ruột, mà bộ đội ta đã trưởng thành như con hổ oai hùng”11.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh chính trị, tinh thần, đạo đức đã đem lại chiến thắng cho quân đội ta: “Dù lúc đầu sức địch mạnh như vậy, sức ta yếu như vậy, mà ta vẫn gan góc kháng chiến, vẫn tranh được nhiều thắng lợi, và tin chắc ta sẽ tranh được thắng lợi cuối cùng. Đó là vì ta có chính nghĩa, vì quân ta dũng cảm, dân ta đoàn kết và quật cường, vì ta được nhân dân Pháp và phe dân chủ thế giới ủng hộ. Mà cũng chính vì chiến lược ta đúng”12.

Xây dựng phẩm chất chính trị, đạo đức, tinh thần cho quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh là bài học quý báu, đem lại thắng lợi oanh liệt của dân tộc, quân đội và Đảng ta. Điều đó càng có ý nghĩa, giá trị to lớn trong giai đoạn hiện nay khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03 - CT/TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

PGS.TS. Bùi Đình Phong

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.9, tr.354.

2, 6, 9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.292-293, 176, 594-595.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.399.

4, 5, 7, 11, 12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.269, 217, 28, 29, 30.

8, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.435, 574.

 

 

Bình luận