Quan tâm xây dựng văn hóa trong chính trị

Ngày đăng: 10/07/2014 - 16:07

Nghị quyết Trung ương (TW) 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã chỉ ra “thành tựu chưa tương xứng” của văn hóa so với các thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… sau 15 năm thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nội dung nghị quyết lần này tiếp tục khẳng định phải nhận thức đúng, đặt đúng vai trò của văn hóa. Văn hóa cần phải ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Nếu không làm được như vậy, sự phát triển đất nước sẽ không đảm bảo bền vững. Khi đó, kinh tế có thể phát triển, nhưng khoảng cách giàu nghèo tăng, bất bình đẳng trong xã hội nới rộng, văn hóa xuống cấp, kéo theo những tệ nạn xã hội phát triển, dân chủ và công bằng bị hạn chế. Đó không phải là điều mà Đảng ta mong đợi khi hướng tới xây dựng một đất nước Việt Nam phát triển giàu mạnh, một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

van hoa trong CTMột cảnh trong vở “Đêm trắng” của Nhà hát Chèo Quân đội thể hiện thái độ kiên quyết của Bác Hồ

đối với những cán bộ tham ô, thoái hóa. Ảnh: Đào Thế.

Như vậy, lần này, điều mà lâu nay xã hội mong mỏi đã được thể hiện rất rõ trong quan điểm của Đảng về văn hóa: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Trong các nhiệm vụ của văn hóa, vấn đề xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được coi là nhiệm vụ số một. Bất cứ một quốc gia nào cũng phải chú trọng đến con người. Đây là tài sản quý giá, đồng thời là nguồn lực để phát triển của mỗi quốc gia. Bởi vậy, xây dựng con người Việt Nam vừa có trí tuệ vừa có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, có trách nhiệm cao với bản thân, gia đình, xã hội; có tầm vóc, thể lực, sức khỏe… là mục tiêu, là nhiệm vụ mà Đảng ta yêu cầu phải thực hiện thật tốt. Cùng gắn liền với nhiệm vụ xây dựng con người là nhiệm vụ “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế”. Nghị quyết đã đặt vấn đề “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị”. Không chỉ thế, còn phải “xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế”. Ở đây có vấn đề quan trọng là hiểu như thế nào về “Xây dựng văn hóa trong chính trị”? Nghị quyết đã chỉ ra: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; Coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên…”.

Như vậy, văn hóa trong chính trị là văn hóa trong các tổ chức thuộc hệ thống chính trị của Đảng, văn hóa của những con người trong tổ chức chính trị, cụ thể là đảng viên, đoàn viên, cán bộ, công chức… Cũng có thể hiểu rằng, nghị quyết đã chú trọng đến con người công dân Việt Nam nói chung, đồng thời nhấn mạnh đến “văn hóa của bộ phận lãnh đạo”, những người tuy số lượng ít so với toàn dân, nhưng là lực lượng quan trọng lãnh đạo xã hội; là người quyết định vận mệnh của xã hội, đất nước.

Văn hóa của những người lãnh đạo thể hiện: “Có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân…”. Văn hóa đó thể hiện trong thái độ phục vụ nhân dân, là “công bộc” (đầy tớ) của nhân dân như Bác Hồ đã khẳng định. Những đảng viên, công chức suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đất nước, làm suy thoái môi trường văn hóa và làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Đây đó trong số những “đầy tớ” của nhân dân có những dinh cơ đồ sộ trị giá nhiều chục, nhiều trăm tỷ đồng, trong khi không lý giải được nguồn gốc tài sản. Đây đó có những đảng viên, công chức có chút quyền lực đã nhận hối lộ, biếu xén… làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình, ảnh hưởng đến thể diện của đất nước trong con mắt người nước ngoài. Đây đó có những cán bộ có chức, có quyền, có nhiều tiền nhưng vẫn cố tình làm trái pháp luật chỉ vì “lợi ích nhóm”, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, làm thất thoát của Nhà nước nhiều nghìn tỷ đồng, bản thân họ thân bại, danh liệt, vướng vào vòng lao lý… Những hiện tượng đó chỉ có thể cắt nghĩa bằng việc họ yếu kém về văn hóa lãnh đạo, họ chưa đủ tầm văn hóa, tầm sáng suốt trước những cám dỗ vật chất, tiền bạc.

Trong Nghị quyết TW4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng ta đã nhận định và cảnh báo: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Vì vậy, xây dựng văn hóa trong chính trị chính là phải hướng đến xây dựng văn hóa trong các tổ chức chính trị, mà trong đó những con người trong các tổ chức ấy cần phải được quan tâm hàng đầu, nhất là những con người trong tổ chức đảng, những người nắm giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan công quyền.

Số lượng đảng viên, công chức tuy chỉ là một bộ phận nhỏ so với toàn bộ dân cư của đất nước, nhưng là lực lượng quan trọng, là những người trực tiếp “lo” cho sự phát triền bền vững và cường thịnh của đất nước. Các bậc cha ông chúng ta tổng kết: “Một người lo bằng kho người làm”. Nếu những người “lo” đó không được trang bị đầy đủ các phẩm chất trí tuệ, đạo đức, văn hóa thì hậu quả mà họ gây ra sẽ là vô cùng to lớn trong đời sống chính trị, kinh tế của đất nước.

PGS, TS. VŨ NHO

Bộ Giáo dục và Đào tạo

(Theo QĐND cuối tuần)

 

 

 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả