Quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia
Nhằm tăng cường sức mạnh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia (BGQG); bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; xây dựng BGQG hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc BGQG, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh (QP, AN) đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước; ngày 28- 9-2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33 - NQ/TW về Chiến lược bảo vệ BGQG.
Ðây là một quyết sách chiến lược, kịp thời, thể hiện quyết tâm và các chủ trương, biện pháp mạnh mẽ trong phòng ngừa, kiên quyết ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, an ninh BGQG.
Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực; trong đó, có nhiệm vụ bảo vệ BGQG. Tuy nhiên, hiện nay, các thế lực thù địch đang tiếp tục đẩy mạnh chống phá ta về nhiều mặt, trong khi ở nhiều địa phương thuộc khu vực biên giới, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập; tình trạng di cư tự do, ô nhiễm môi trường qua biên giới, tội phạm về ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới; xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại... tiếp tục gia tăng với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, thiên tai, thảm họa ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, làm thay đổi hiện trạng đường biên, mốc quốc giới. Ðặc biệt, không ít dự án đầu tư, hợp tác kinh tế được triển khai ở khu vực biên giới đối diện với Việt Nam đang tác động, ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài đến QP, AN và quản lý, bảo vệ BGQG.
Trên biển, đến nay, dù cơ bản đã xác định đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, chế độ pháp lý, quy chế quản lý, bảo vệ các vùng biển Việt Nam phù hợp Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, song, việc quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển và quản lý, bảo vệ các vùng biển còn nhiều khó khăn, thách thức. Chủ quyền biên giới, an ninh hàng hải, hàng không và phát triển kinh tế biển của Việt Nam có nguy cơ bị đe dọa. Không chỉ vậy, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề Biển Ðông để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng như công tác quản lý, bảo vệ BGQG...
Trước bối cảnh tình hình trên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW (Nghị quyết 33) về Chiến lược bảo vệ BGQG. Ðây là một quyết sách chiến lược, kịp thời, thể hiện quyết tâm và các chủ trương, biện pháp mạnh mẽ nhằm phòng ngừa, kiên quyết ngăn chặn, xử lý thắng lợi các tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, an ninh BGQG, không để bị động, bất ngờ về chiến lược. Mục tiêu chung của Chiến lược là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, BGQG; bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng BGQG hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc BGQG; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với củng cố, tăng cường QP, AN, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước.
Chiến lược bảo vệ BGQG cũng xác định các quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc chiến lược, phương châm, nhiệm vụ và giải pháp; trong đó, xác định rõ: Quản lý, bảo vệ BGQG là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, "mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống"; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; bộ đội biên phòng (BÐBP) là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững BGQG. Nghị quyết cũng đặt vấn đề phải ổn định tổ chức biên chế và xác định BÐBP là một Quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, BÐBP là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại, trong đó, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại.
Cùng với đó, Nghị quyết tiếp tục khẳng định giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ BGQG; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong bảo vệ BGQG. Tập trung xây dựng, củng cố cơ sở chính trị vững mạnh, tạo nên nền tảng vững chắc để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới. Ðẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh gắn với bảo đảm QP, AN, xây dựng lực lượng toàn dân bảo vệ biên giới rộng khắp, trong đó, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BÐBP là lực lượng chuyên trách. Tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân trong bảo vệ BGQG. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương thức, phương án tổ chức, quản lý bảo vệ BGQG trong tình hình mới và xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG...
Ðể Chiến lược bảo vệ BGQG sớm đi vào thực tế cuộc sống, Bộ Chính trị giao cho các tỉnh ủy, thành ủy; các tỉnh, thành phố biên giới, các Ban đảng, Ban cán sự đảng, đảng đoàn và đảng ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, học tập và tổ chức thực hiện Nghị quyết phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao. Ðảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng để ban hành Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bảo đảm ngân sách và chỉ đạo huy động nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Ðảng đoàn MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội có trách nhiệm chỉ đạo đẩy mạnh vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện Nghị quyết, Quân ủy T.Ư chủ trì, phối hợp với Ðảng ủy Công an T.Ư, Ban Tuyên giáo T.Ư, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, Văn phòng T.Ư Ðảng và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc T.Ư tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết tổng kết và định kỳ hằng năm báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện Nghị quyết…
Đối với BÐBP, để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ BGQG, Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh BÐBP xác định cần làm tốt một số nội dung sau:
Một là, Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh BÐBP tích cực, chủ động tham mưu cho Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng xây dựng và báo cáo Ban Tuyên giáo T.Ư triển khai kế hoạch quán triệt, học tập nghiêm túc Chiến lược bảo vệ BGQG trong toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân; tham mưu cho Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng báo cáo Nhà nước, Chính phủ ban hành kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33. Trong đó, tập trung cho đầu tư xây dựng, phát triển các cụm dân cư biên giới, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân làm nền tảng cho sự nghiệp củng cố QP, AN và quản lý, bảo vệ BGQG. Ðồng thời, tiếp tục tăng cường trách nhiệm trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh BGQG, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở khu vực biên giới, vùng biển; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố QP, AN, giữa xây dựng hệ thống chính trị với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở khu vực biên giới, vùng biển.
Hai là, tăng cường hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ủy, thành ủy và UBND các tỉnh, thành phố có biên giới triển khai kế hoạch quán triệt, học tập và thực hiện Chiến lược bảo vệ BGQG; tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và xây dựng hệ thống chính trị các cấp ở khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt. Tăng cường chỉ đạo phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm đường biên giới, phá hoại mốc quốc giới, bảo vệ Ðảng, chính quyền, nhân dân và các mục tiêu chính trị, kinh tế, QP, AN ở khu vực biên giới.
Ba là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố lực lượng bảo vệ biên giới rộng khắp theo phương châm nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt và BÐBP là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG. Xây dựng BÐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới.
Bốn là, mở rộng và đưa quan hệ hợp tác với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng và lực lượng chức năng của các nước có liên quan đi vào chiều sâu. Phấn đấu hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia và phân định biên giới trên biển với các nước láng giềng. Xây dựng và quản lý, bảo vệ biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Năm là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với các loại tội phạm; nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, xuyên biên giới. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống nhằm quản lý, bảo vệ vững chắc BGQG và giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
BT: Kiều Trang
Theo Nhân dân điện tử
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực