Ở nước ta, Ngân hàng trung ương Việt Nam dưới tên gọi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra đời và phát triển không giống như nguồn gốc ra đời truyền thống của các ngân hàng trung ương trên thế giới, do hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế của một quốc gia vừa phải chiến đấu chống lại sự xâm lược của các thế lực bên ngoài, vừa phải xây dựng một đất nước độc lập phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự ra đời của Ngân hàng quốc gia Việt Nam là một bước ngoặt trong lịch sử tiền tệ - tài chính của Việt Nam.
Quá trình xây dựng và hoàn thiện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gắn liền với quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế ở Việt Nam. Trước năm 1986, trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam vận hành theo cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lúc đó hoạt động như ngân hàng một cấp với chức năng thực thi các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước, vừa làm nhiệm vụ quản lý vừa làm nhiệm vụ kinh doanh.
Từ sau Đại hội VI của Đảng năm 1986, cơ chế quản lý kinh tế của Việt Nam đã chuyển dần sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa với hệ thống ngân hàng hai cấp có sự tách bạch chức năng quản lý nhà nước và nghiệp vụ ngân hàng trung ương của Ngân hàng nhà nước và chức năng kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng nhà nước đã mang tính chất của một ngân hàng trung ương rõ nét hơn
Về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các chức năng: Tham gia xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Xây dựng chính sách tiền tệ quốc gia; Xây dựng các dự án luật và các văn bản dưới luật về tiền tệ và tín dụng; Thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác.
Tổ chức quản lý tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong những nội dung được phân tích, nghiên cứu trong cuốn sách Quản lý nhà nước đối với tiền tệ, tín dụng - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn của các tác giả PGS.TS. Trần Đình Ty và TS. Nguyễn Văn Cường. Cuốn sách còn đề cập một số nội dung quản lý nhà nước đối với tiền tệ, tín dụng trong thời gian qua và đề ra các giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước đối với tiền tệ, tín dụng ở Việt Nam, trên cơ sở cung cấp kiến thức chung về tiền tệ, quy luật lưu thông tiền tệ, những vấn đề về tín dụng, cung cấp cơ sở lý luận quản lý nhà nước đối với tiền tệ, tín dụng cùng những thông tin khái quát về vị trí, chức năng và kinh nghiệm xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động ngân hàng trung ương của một số nước trên thế giới. Sách gồm 204 trang, giá 30.000đ.
GIAO LINH