Tác giả: PGS.TS. Phan Huy Đường (Chủ biên)
Số trang: 196 trang
Giá tiền: 35.000đ
Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc mở cửa các loại thị trường, trong đó có thị trường dịch vụ, thị trường lao động theo các cam kết gia nhập các tổ chức quốc tế là một tất yếu khách quan. Đi cùng với hàng hoá, dịch vụ, vốn, công nghệ là lực lượng lao động người nước ngoài đến Việt Nam làm việc. Đặc biệt, dòng lao động nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam làm việc có tác động tích cực đến tăng trưởng của nền kinh tế, ứng dụng các tiến bộ công nghệ, kinh nghiệm quản lý, gia tăng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước, v.v., đồng thời cũng mang lại những hiệu ứng ngoài mong muốn như: gia tăng áp lực việc làm trong nước, xung đột giữa lao động Việt Nam với lao động nhập cư, trật tự xã hội khó quản lý, an ninh, quốc phòng có thể bị xâm phạm, bí mật quốc gia có thể bị lộ, v.v.. Trước thực trạng trên, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách trong việc quản lý, sử dụng lao động người nước ngoài, nhưng việc thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách đó còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan còn tỏ ra lúng túng, bị động, chưa phát huy được đầy đủ vai trò của mình trong việc quản lý lao động nước ngoài một cách hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để kịp thời nắm bắt cơ hội, chủ động đối phó với thách thức, hiệu ứng tiêu cực cũng như những hạn chế, bất cập trong chính sách quản lý như đã đề cập, vấn đề cấp bách hiện nay là Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách về quản lý lao động nước ngoài chất lượng cao nhằm tạo đà tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.
Cuốn sách Quản lý nhà nước về lao động nước ngoài chất lượng cao ở Việt Nam là kết quả nghiên cứu của một nhóm tác giả Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện từ năm 2011 đến nay. Cuốn sách trình bày một cách có hệ thống những vấn đề chung về quản lý lao động nước ngoài chất lượng cao; giải thích rõ vì sao lại ngày càng có nhiều lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc và thực trạng công tác quản lý về mặt nhà nước đối với lực lượng lao động này hiện nay ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng nêu kinh nghiệm của một số nước về việc quản lý người lao động nước ngoài. Trên cơ sở phân tích kỹ thực trạng lao động nước ngoài ở Việt Nam hiện nay, nhóm tác giả cuốn sách đã đưa ra những dự báo về xu hướng lao động nước ngoài chất lượng cao sẽ đến Việt Nam trong thời gian tới và đưa ra một số định hướng và giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước đối với lực lượng lao động này, đặc biệt là trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới.
Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn và đông đảo độc giả quan tâm đến vấn đề này.
Phạm Thị Thinh