Quyết tâm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ngày đăng: 25/11/2022 - 00:11

Tham nhũng là vấn đề phức tạp của mọi quốc gia trên thế giới, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển kinh tế, xã hội với các mức độ khác nhau. Ở Việt Nam, thời gian qua, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, bất kể đó là ai, đã và đang đảm nhiệm chức vụ gì, dù nghỉ hưu hay đang đương nhiệm, từ Trung ương đến địa phương... để làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị.

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, ngày 30/6/2022. (Ảnh minh họa: Đăng Khoa)

Tuy nhiên bất chấp thực tế nêu trên, các thế lực thù địch, phản động không ngừng xuyên tạc, bịa đặt những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, phủ nhận những thành quả mà chúng ta đã đạt được. Thực tế này đòi hỏi phải kịp thời nhận diện và đấu tranh, phê phán những luận điệu sai trái, phủ nhận công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

Thời gian qua, trong khi toàn Đảng, toàn dân ta đang quyết liệt đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng thì các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động, bất mãn trong nước và nước ngoài ra sức xuyên tạc, chống phá bằng những luận điệu xuyên tạc rằng "Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng thành công", "tham nhũng là căn bệnh kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền, thuộc bản chất thể chế không thể thay đổi được"... Chúng vu cáo Đảng ta đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh", làm "nhụt chí" người khác, kích động, xúi giục, dùng chiêu bài lợi dụng dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận tung tin sai sự thật gây hoang mang, hoài nghi trong nhân dân, tác động để cán bộ, đảng viên "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Mục tiêu chúng muốn hướng tới là hòng phá hoại, gây cản trở tới công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng và nhân dân ta đang tiến hành một cách quyết liệt; hạ uy tín tiến tới phủ định vị trí cầm quyền, vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi Việt Nam phải từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cần khẳng định rằng tham nhũng là hiện tượng mang tính xã hội, nảy sinh trong hệ thống chính trị và xuất phát từ nguyên nhân kinh tế. V.I.Lênin cho rằng, bản chất của tham nhũng là lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để tư lợi cá nhân, sống ích kỷ, ăn bám trên sức lao động của người khác.

Đây là cái ung nhọt, sự cố hữu trong những người có chức có quyền, gây ảnh hưởng sự tồn vong của chế độ. Với bản chất như vậy, tham nhũng xuất hiện ở bất kỳ chế độ chính trị nào, kể cả các nước phát triển có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh, trình độ quản lý kinh tế, xã hội cao hay các nước có hệ thống pháp luật, trình độ quản lý kinh tế, xã hội thấp hơn. Việc cho rằng, tham nhũng chỉ có ở các nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo là hoàn toàn sai lầm, phản khoa học và chủ quan duy ý chí.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, ở Việt Nam hiện nay, tệ tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô vụ án ngày càng lớn và mức độ ngày càng trầm trọng.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, ở Việt Nam hiện nay, tệ tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô vụ án ngày càng lớn và mức độ ngày càng trầm trọng.

Nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi tham nhũng phổ biến là: Nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu các tổ chức, cá nhân nhằm đòi hỏi quyền lợi; tham ô tài sản, dùng tài sản công để biếu xén; lập quỹ trái phép hoặc sử dụng ngân sách không đúng quy định để hưởng lợi;...

Quy mô các vụ án tham nhũng rất đa dạng, từ tham nhũng cá nhân tới tham nhũng tập thể, tham nhũng không có tổ chức tới tham nhũng có tổ chức, diễn ra trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được Đảng, Nhà nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh, có bước phát triển mới. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt, hiệu quả, với những chuyển biến mới.

Thực tiễn cho thấy Đảng, Nhà nước ta có đầy đủ phẩm chất và năng lực để lãnh đạo hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng bởi Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng chân chính, coi trọng vai trò của nhân dân, thực hành dân chủ rộng rãi, tạo mọi điều kiện để người dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, từ đó củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việt Nam còn là thành viên tham gia tích cực Chương trình hành động chống tham nhũng châu Á-Thái Bình Dương (năm 2004); ký kết Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng (năm 2009).

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII, cùng với các văn bản, quy định được xây dựng, ban hành, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng.

Cụ thể, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo diễn ra vào ngày 18/11 vừa qua đã cho thấy những kết quả nổi bật: Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, có bước chuyển biến mới, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.474 vụ/4.646 bị can, truy tố 2.157 vụ/4.564 bị can, xét xử sơ thẩm 2.198 vụ/4.620 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó về tham nhũng đã khởi tố mới 414 vụ án/939 bị can). Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 10 vụ án/37 bị can; đã kết thúc điều tra 16 vụ án/248 bị can, kết luận điều tra bổ sung 8 vụ án/148 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 13 vụ án/122 bị can; xét xử sơ thẩm 10 vụ án/101 bị cáo; xét xử phúc thẩm 9 vụ án/66 bị cáo.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.474 vụ/4.646 bị can, truy tố 2.157 vụ/4.564 bị can, xét xử sơ thẩm 2.198 vụ/4.620 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó về tham nhũng đã khởi tố mới 414 vụ án/939 bị can). Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 10 vụ án/37 bị can; đã kết thúc điều tra 16 vụ án/248 bị can, kết luận điều tra bổ sung 8 vụ án/148 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 13 vụ án/122 bị can; xét xử sơ thẩm 10 vụ án/101 bị cáo; xét xử phúc thẩm 9 vụ án/66 bị cáo.

Các cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, như: Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát,... Khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (đã khởi tố, điều tra 15 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có bốn Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy). Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo xét xử kịp thời một số vụ án trọng điểm theo kế hoạch như: (1) Vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ quan, đơn vị; (2) Vụ án xảy ra trong việc thực hiện Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; (3) Vụ án xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác, Cục Quản lý Dược-Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan; (4) Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Nhận hối lộ" xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển, Bộ đội Biên phòng; (5) Vụ án xảy ra tại Tổng công ty sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương; (6) Vụ án "Buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả; đưa hối lộ; nhận hối lộ…" xảy ra tại Đồng Nai và một số địa phương; (7) Vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận;...

Tuy nhiên, vẫn cần thẳng thắn nhìn nhận rằng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại và thách thức. Với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, tham nhũng khiến cho kinh tế chậm phát triển, gây thiệt hại cho ngân sách, thất thoát tài sản của nhân dân, làm rối loạn nền kinh tế, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Có những vụ án tham nhũng về kinh tế gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ càng tinh vi, phức tạp, khó lường, không chỉ diễn ra trong nước mà vượt ra cả phạm vi quốc tế, không chỉ trong khu vực Nhà nước mà cả ở khu vực ngoài Nhà nước, không chỉ một vài cá nhân vi phạm mà đã có nhiều tập thể vi phạm, hình thành các nhóm lợi ích, làm mất tiền, tài sản của Nhà nước, mà còn làm mất cán bộ, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nghiêm trọng hơn, tham nhũng là biểu hiện sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, nguy cơ gây mục ruỗng bộ máy chính quyền các cấp, làm xấu đi hình ảnh của chế độ, suy giảm lòng tin của nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước ta đang hướng tới.

Phòng, chống tham nhũng được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí có hiệu lực, hiệu quả; đồng thời làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong đấu tranh, nhận diện, vạch mặt những đối tượng có mưu đồ chính trị chống phá an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xuyên tạc bản chất của chế độ, kêu gọi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ tiên tiến, từ đó tăng năng suất lao động, với chất lượng lao động ngày càng cao, tạo nhiều của cải vật chất cho xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, quản lý, luân chuyển tài sản ở các cơ quan công quyền hết sức chặt chẽ, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng nếp sống đạo đức lành mạnh trong xã hội, người dân chủ động nhận diện, đấu tranh chống tham nhũng; phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giáo dục đảng viên duy trì lối sống trong sạch, lành mạnh, giữ vững kỷ cương, kỷ luật; kiên quyết không tham nhũng, tiêu cực và quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo Nhân dân điện tử

Bình luận