Sửa đổi, bổ sung Điều 2 Dự thảo Hiến pháp

Ngày đăng: 29/03/2013 - 08:03

Trong lịch sử nước Việt Nam độc lập, kể từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay đã có bốn bản hiến pháp được ban hành vào những năm 1946, 1959, 1980 và 1992. Riêng Hiến pháp 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001. Mỗi bản hiến pháp đều có ý nghĩa đánh dấu một giai đoạn phát triển và trưởng thành của đất nước, của dân tộc. 

hnghi sua doi hien phap 92-2 resize2

Một trong những nội dung cơ bản, quan trọng của Hiến pháp là chế độ chính trị, trong đó khẳng định chính thể của nhà nước và cách thức tổ chức quyền lực nhà nước. Điều 2 Dự thảo Hiến pháp quy định:

“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công,  hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Xem xét quy định của Điều 2 trong Dự thảo Hiến pháp cho thấy, chỉ bổ sung thêm từ “kiểm soát”, còn lại là giữ nguyên như quy định trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001)1. Có thể thấy rằng, quy định về nhà nước được thiết kế trong chế định chế độ chính trị của Hiến pháp nhằm mục đích bảo đảm cho bộ máy nhà nước được tổ chức và vận hành theo đúng bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa và đáp ứng yêu cầu của nhân dân về một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Chính vì vậy, khi nghiên cứu nhằm mục đích sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, việc quan trọng là xác định lại quy định về nhà nước được diễn đạt trong Điều 2 Dự thảo Hiến pháp về bản chất và cách thức tổ chức quyền lực nhà nước với yêu cầu thể hiện vị trí pháp lý của Nhà nước trong hệ thống chính trị và tương quan với nhân dân hay chưa để trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp khoa học nhằm hoàn thiện Điều 2 của Dự thảo Hiến pháp.

Để có cơ sở sửa đổi, bổ sung Điều 2 của Dự thảo Hiến pháp, bài viết này tập trung phân tích, đưa ra các giải pháp mang tính khoa học nhằm thiết kế lại Điều 2 của Dự thảo Hiến pháp, bảo đảm thể hiện được quyền lực của nhân dân, của Nhà nước và bản chất nhà nước xã hội chủ nghĩa.

1. Cơ sở lý luận và thực tiễn để xem xét sửa đổi Điều 2 của Hiến pháp năm 1992

Về lý luận, Điều 2 của Dự thảo Hiến pháp quy định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Với quy định này, cần phải khẳng định nhân dân có phải là chủ thể cao nhất của quyền lực nhà nước hay không? Quyền lực của nhân dân là quyền lực xã hội, quyền lực do các cơ quan nhà nước có được là quyền lực nhà nước mang tính chính trị. Nhân dân mà Hiến pháp quy định ở đây là những ai, là những chủ thể cụ thể nào? “Nền tảng của nhân dân” được nói đến là những nhóm người nào? Và vì sao lại phải xác định nền tảng, có nên đưa vào Hiến pháp cụm từ “nền tảng” nữa không? Có cần phải nêu bản chất giai cấp của Nhà nước theo cách quy định của Điều 2 của Dự thảo Hiến pháp hay không?

Nhiều nhà khoa học qua các nghiên cứu của mình đã chứng minh rằng, khi đã ghi nhận quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước bị chi phối bởi nguyên tắc thống nhất quyền lực. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, khi quyền lực đang nằm trong nhân dân thì quyền lực đó mang tính xã hội, nhà nước có được quyền lực đó từ nhân dân nên xét về nguồn gốc, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, song xét theo cách thức tổ chức thì khi đã tổ chức thành nhà nước, các cơ quan nhà nước hoạt động không còn mang tính đại diện cho dân nữa mà cho chính lợi ích của nhà nước (hay nói cách khác, đó là đại diện cho chính đảng của họ). Do đó, bản chất và lợi ích của nhà nước (của đảng cầm quyền hoặc liên minh các đảng phái như một số nước khác), của cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, thẩm phán, kiểm sát viên nếu không tương đồng với quyền lợi của nhân dân thì nhà nước không phát huy được vai trò, sứ mệnh đã đặt ra khi được thiết kế. Hơn nữa, khi thiết kế và mô tả từ nhân dân trong Hiến pháp thì cần phải xác định rõ nhân dân là ai. Cách diễn tả trong Hiến pháp chỉ ra nhân dân song liền đó là cụm từ “mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Như vậy, vấn đề phải giải quyết ở đây, nhân dân và giai cấp trong nhân dân - giai cấp giữ vai trò nền tảng và đội ngũ - đội ngũ giữ vai trò nền tảng cần được thể hiện như thế nào trong Hiến pháp.

Nghiên cứu một cách khách quan, trong điều kiện vấn đề dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, giai cấp và tầng lớp đang có những diễn biến phức tạp thì quy định trong Hiến pháp về nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, hơn nữa, nhà nước đó lại là nhà nước mang tính pháp quyền xã hội chủ nghĩa được xem là một ưu điểm của kỹ thuật lập hiến. Đây là thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới, thể hiện cả đổi mới tư duy lập hiến và đổi mới chính trị. Thế nhưng, nhìn vào khía cạnh giải quyết mối quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp thì việc quy định “nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” trong Hiến pháp đòi hỏi phải nghiên cứu một cách thấu đáo lý luận về vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp trong thời kỳ đổi mới - xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng nền kinh tế thị trường. Cụ thể:

- Cần xem xét giai cấp trên cơ sở những đặc điểm về đạo đức theo định nghĩa của C. Saint Simon, hay những đặc điểm về chính trị của F. Gizo, O. Terri và O. Mine, hoặc đặc điểm về địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế của V.I. Lênin, hay nói đến giai cấp là ngay lập tức phân chia thành giai cấp cơ bản và giai cấp không cơ bản của C. Mác để từ đó xác định vấn đề đấu tranh giai cấp là quy luật xã hội quan trọng, là động lực phát triển xã hội, nhưng điều đó không loại trừ vai trò của các nhân tố khác.

- Cần nghiên cứu vấn đề phân tầng xã hội để thấy rằng đã tồn tại quan niệm: “Sự phân biệt giai cấp chỉ duy nhất theo tiêu chí sở hữu không phải là sự phân biệt có tính chất năng động” (M. Weber). Trái với việc coi giai cấp là chủ thể của “hành động xã hội”, lý thuyết phân tầng xã hội đã đưa ra lý luận chia xã hội căn cứ theo một hoặc nhiều đặc điểm hiện hữu ở mỗi nhóm nhưng mức độ hiện hữu có sự khác nhau (ví dụ uy tín khác nhau, mức độ thu nhập khác nhau, v.v.). Do đó, theo lý luận này, phạm trù lợi ích không tồn tại và nếu có tồn tại thì không phải là đặc trưng của giai cấp.

- Cần xem đến vấn đề lý luận của các nhà xã hội học Nga khi quan niệm trong xã hội hậu công nghiệp không còn sự bóc lột lao động làm thuê bởi vì giá trị cơ bản được tạo ra bởi lao động trí tuệ và quyền lực chính trị đang được chuyển vào tay trí thức. Do đó, cùng với sự hình thành và phân hóa giai cấp, tầng lớp trí thức ngày càng phát triển mạnh, giữ vai trò quan trọng trong xã hội.

- Cần xem đến quan điểm của các nhà xã hội học Mỹ khi họ không đồng ý với việc coi thường khái niệm “giai cấp”. Bên cạnh đó, theo nhà xã hội học Anh - GS. A. Giddens thì: “Quan niệm của C. Mác về giai cấp chỉ ra sự bất bình đẳng kinh tế mà sự bất bình đẳng đó là nhân tố khách quan của chế độ xã hội. Thành phần giai cấp bị quy định không phải bởi các quan niệm của con người về vị trí xã hội của mình, mà bởi các điều kiện khách quan; các điều kiện đó cho phép một nhóm này có được ưu thế hơn nhóm khác trong việc tiếp cận của cải, vật chất… Có thể ảnh hưởng của các khác biệt giai cấp không nhiều như Mác đã nêu, nhưng chỉ có một số ít lĩnh vực của đời sống xã hội là không chịu ảnh hưởng của chúng”2.

2. Những vấn đề cần sửa đổi của Điều 2 Dự thảo Hiến pháp

Về bản chất và cơ sở xã hội của nhà nước

 Nhìn vào bức tranh toàn cảnh về giai cấp và tầng lớp trong xã hội hiện nay ở Việt Nam cần phải thừa nhận sự hợp lý của việc tiếp cận giai cấp trong chính trị, đồng thời không tuyệt đối hóa cuộc đấu tranh giai cấp hoặc phủ nhận sự tồn tại của nó. Tiến trình đổi mới đất nước cho thấy, ngoài các giai tầng cơ bản, đang hình thành đội ngũ doanh nhân, lực lượng có vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước. Do vậy, trong điều kiện đổi mới, Hiến pháp có cần phải xác định bản chất giai cấp của Nhà nước và giai cấp, tầng lớp nền tảng trong xã hội không? Đây là vấn đề cần cân nhắc bởi có hai quan điểm rất rõ nét đang tồn tại.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần phải xác định bản chất nhà nước và giai cấp, tầng lớp nền tảng trong xã hội làm cơ sở xã hội cho nhà nước phát triển. Đây là cách diễn tả mà các bản hiến pháp xã hội chủ nghĩa thường thể hiện.

Quan niệm thứ hai khẳng định, không cần phải tuyên bố bản chất giai cấp của Nhà nước trong Hiến pháp. Các bản hiến pháp khẳng định chủ quyền nhân dân thường không tuyên bố bản chất giai cấp trong Hiến pháp. Theo quan niệm này, nếu tuyên bố bản chất giai cấp của Nhà nước trong Hiến pháp thì sẽ mâu thuẫn với chủ thuyết chủ quyền nhân dân - nhân dân là chủ thể cao nhất của quyền lực nhà nước, nhân dân là con số cộng của tất cả con người mang quốc tịch của một nhà nước.

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn về nhà nước và giai cấp, tầng lớp trong nhà nước, cần nhận thức nhà nước tồn tại trong xã hội, giai cấp và tầng lớp cũng tồn tại trong xã hội và tác động đến sự biến đổi xã hội. Đó chính là cơ sở xã hội để nhà nước tồn tại. Xã hội nào sẽ quyết định bản chất của nhà nước đó. Việc thể hiện bản chất giai cấp của nhà nước trong Hiến pháp với sự ghi nhận giai cấp và tầng lớp nền tảng như trong Hiến pháp hiện hành và Dự thảo Hiến pháp đã thể hiện được bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa (đây là ưu điểm của việc quy định trong Hiến pháp). Tuy nhiên, tuyên bố về bản chất giai cấp trong Hiến pháp cũng cần cân nhắc những hạn chế không tránh khỏi. Bởi lẽ để bảo đảm tính công bằng trong việc ghi nhận các giá trị xã hội của nhà nước và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân thì việc quy định nền tảng nhân dân không thỏa mãn yêu cầu Hiến pháp phải không làm ảnh hưởng đến bất kỳ tầng lớp nhân dân yêu nước nào. Hơn nữa, Việt Nam đang xác định mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là mục tiêu đòi hỏi phát huy tối đa các nguồn lực trong nước và quốc tế. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được nếu biết huy động sức mạnh và sự đóng góp công sức của toàn thể nhân dân, với nhiều tầng lớp, nhóm lợi ích trong xã hội, được Hiến pháp ghi nhận vị trí pháp lý, bảo vệ, động viên. Do đó, để khắc phục những trở ngại, ảnh hưởng tiêu cực đến việc huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và bảo đảm cho các tầng lớp, đội ngũ khác trong xã hội hăng hái đóng góp xây dựng đất nước, nên chăng Hiến pháp không nên quá nhấn mạnh đến bản chất nhà nước thông qua việc khẳng định lực lượng “nền tảng” trong nhân dân. Hơn nữa, việc khẳng định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” cũng đã thể hiện được bản chất của Nhà nước và cơ sở xã hội rộng rãi của Nhà nước rồi.

Với lập luận trên, theo chúng tôi không nên đưa cụm từ “mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” vào Điều 2 Dự thảo Hiến pháp và thể hiện lại như sau: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.

Về cách thức tổ chức bộ máy nhà nước

Đoạn 2 của Điều 2 Dự thảo Hiến pháp quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Theo tôi đây là cách diễn đạt thành công về cách thức tổ chức bộ máy nhà nước theo chủ thuyết quyền lực nhà nước phải được Hiến pháp giới hạn khi phân định, đồng thời có sự kiểm soát giữa các nhánh quyền lực. Tuy nhiên, để bảo đảm cách thức tổ chức quyền lực nhà nước như vậy thì các điều quy định về Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cũng cần chú ý bảo đảm yếu tố cân bằng, đối trọng và độc lập giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm cho cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát được thực hiện đúng nghĩa. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được thể hiện hợp lý trong Dự thảo bởi: Điều 74 (sửa đổi, bổ sung Điều 83) quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Như vậy, Quốc hội vẫn đang được Dự thảo Hiến pháp thiết kế là cơ quan có quyền năng rất lớn trong cơ cấu nhà nước. Quy định như vậy có ưu điểm đề cao phương thức thực hiện dân chủ đại diện - nhân dân ủy quyền cho Quốc hội. Song hạn chế là chưa khắc phục được xu hướng tập quyền vào Quốc hội, đồng thời vẫn chú trọng phương thức dân chủ đại diện trong thực hiện quyền lực và tạo vị thế không cân bằng giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Bên cạnh đó, cũng không nên quy định trong trường hợp đặc biệt Quốc hội có quyền thành lập tòa án đặc biệt.  Sự trung tính của cụm từ “trong tình hình đặc biệt” vô hình chung gây khó khăn cho Quốc hội khi quyết định trong điều kiện nào thì thành lập toà án đặc biệt3. Do vậy, muốn đoạn 2 của Điều 2 dự thảo Hiến pháp không mâu thuẫn với các điều khác và bảo đảm cho sự kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm soát quyền lập pháp có hiệu quả, đòi hỏi Hiến pháp cân nhắc trao quyền kiểm soát lập pháp cho nhánh tư pháp và thiết lập cơ quan tài phán hiến pháp độc lập, bảo đảm cho quyền lực nhà nước được kiểm soát trong quá trình các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

PGS. TS. Trương Thị Hồng Hà

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

1. Xem Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và các Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992), Sđd, tr.199.

2. Dẫn theo GS. TSKH. V.F.Kolomiitsev: Giai cấp: khái niệm đã lỗi thời?, tạp chí Tri thức xã hội - nhân văn (Nga), số 1 năm 2008.

3. Xem Điều 107 (sửa đổi, bổ sung Điều 126, Điều 127) Dự thảo Hiến pháp.

Bình luận