Sách "cổ" tăng giá mạnh

Ngày đăng: 01/10/2011 - 08:10

Trong khi nhiều loại sách mới được giảm 20%, thậm chí đến 60% giá bìa thì không ít cuốn sách cũ, in cách đây hàng chục năm lại được bán với giá tiền triệu, gấp nhiều lần lúc xuất bản. 

Dọc theo những con phố như Phạm Văn Đồng, Láng hay Nguyễn Xí..., các hiệu sách với tấm biển “Giảm giá” đỏ rực, xuất hiện nhan nhản, dày đặc. Mức giảm chủ yếu từ 20% đến 50%, thậm chí một số cuốn được hạ 70% giá bìa. Đa phần là sách mới, giấy trắng tinh, bìa dày và còn thơm mùi mực in.

Bác Phạm Văn Nghĩa, bán sách hơn chục năm trên đường Láng tiết lộ, những quyển được giảm giá mạnh, từ 30% trở lên phần lớn là sách in lậu. Những loại này được nhập khá rẻ nên dù giảm tới 50%, người bán vẫn có lãi. Tuy nhiên, những cuốn như vậy thường không đảm bảo đầy đủ và chính xác về phần nội dung.

Nhiều loại sách mới được giảm giá từ 20% đến 70%. Ảnh: Xuân Ngọc

Trong khi đó, số lượng không nhỏ những quyển sách cũ, giấy đã ngả vàng, hoen ố, lại tăng giá gấp đôi, thậm chí vài trăm lần lúc xuất bản. Ghé chân vào một hiệu sách cũ trên đường Láng, cậu học sinh tên Long hỏi mua cuốn “Giải toán Vật lý 11” của tác giả Bùi Quang Hân chủ biên thì được ông chủ báo giá 60.000 đồng. Lật mặt sau của cuốn sách, Long thấy giá chỉ bằng phân nửa. Không chấp nhận bị “chặt chém”, cậu dắt xe đi nhưng độ nửa tiếng sau đã thấy quay lại. “Bác bán đắt quá nhưng cháu đi tìm mấy ngày hôm nay, mỗi cửa hàng của bác có đành mua thôi ạ”, Long than thở.

Theo ghi nhận, trên thị trường hiện nay có không ít cuốn sách cũ được bán với giá vài trăm nghìn đồng, thậm chí tiền triệu. Hiện nay, quyển Những năm tháng không thể nào quên, nội dung về tướng Võ Nguyên Giáp, của tác giả Hữu Mai, Nhà xuất bản (NXB) Quân đội Nhân dân từ năm 1974, giá 100.000 đồng; “Chuyện thường ngày ở huyện”, tác giả V. Ovetskin, NXB Tác phẩm mới năm 1978, được bán với 200.000 đồng, trong khi giá bìa là 3 đồng 75 hào; Từ điển Triết học, NXB Tiến Bộ - Matxcova, giá 500.000 đồng hay Almanach Những nền văn minh thế giới, NXB Văn hóa - Thông tin Hà Nội năm 1996, giá 2,5 triệu...

Không ít cuốn sách cũ có giá hàng trăm nghìn đến hàng triệu. Ảnh: Xuân Ngọc

Bác Đỗ Văn Phúng, chủ cửa hàng sách cũ trên đường Láng cho biết, những cuốn sách cũ được thu mua từ rất nhiều nguồn khác nhau: người mang đến bán, đồng nát, đội chuyên thu gom sách cũ từ các tỉnh thành... Mỗi tháng bác chỉ bán được vài quyển giá cao như vậy nhưng cũng lãi đến gần chục triệu đồng.

Chủ cửa hàng sách này nói thêm, bác bán sách cũ từ năm 2004, khách đến đây thường than đắt nhưng cần quyển nào cũng có. “Làm trong nghề, tôi luôn giữ nguyên tắc, với một đầu sách, khi chưa tìm được quyển thứ hai thì tôi sẽ không bao giờ bán quyển thứ nhất, dù là bao nhiêu tiền. Như cuốnAtlat giải phẫu, xuất bản gần một thế kỷ, có người trả 10 triệu đồng, tôi không bán”, bác Phú tâm sự.

Tuy nhiên, để kinh doanh được sách cũ phải là những người có trình độ, hiểu biết sâu sắc về sách. “Sách nhập về có phải loại mới mà lấy theo thị hiếu đâu. Cả đống sách cũ, mình phải biết tự đánh giá, phân loại, thậm chí nhớ quyển nào quý mà chưa có trong tay để đặt hàng tìm kiếm”, ông Nguyễn Văn Vĩnh, kinh doanh sách cũ trong phố Nguyễn Ngọc Nại, Thanh Xuân giãi bày.

Còn PGS Nguyễn Mạnh Quân, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân giải thích, thị trường sách hiện nay được chia thành 2 nhóm: sách cung cấp thông tin thời sự nên có thể giảm giá nhanh và mạnh khi sự kiện trôi qua. Còn những loại sách đã trở thành kinh điển, trang bị phương pháp, kiến thức căn bản... thì giá trị còn mãi.

“Những cuốn sách đã được khẳng định qua thời gian thì giá trị không chỉ nằm ở mặt câu chữ nữa mà đó còn là vấn đề lịch sử, mức độ quý hiếm... nên giá như vậy cũng là bình thường. Thậm chí, theo năm tháng, những quyển đó còn có thể đắt hơn nữa vì chúng mang là tư liệu nghiên cứu, bằng chứng lịch sử”, ông Quân chia sẻ.

Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, thực tế này thể hiện xã hội đang quay trở về giá trị đích thực. “Những quyển sách lâu đời, tư liệu quý luôn có giá. Ai dám bỏ số tiền lớn để mua sách, trang bị tri thức đáng trân trọng lắm. Còn chính người chọn lập nghiệp bằng cách này, biết trân trọng kiến thức và nhận ra xu hướng thời đại thật khôn ngoan”, nguyên phó thủ tướng nói.

Xuân Ngọc

Theo eVan

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả