Sáng kiến “i-house” và vấn đề đô thị xanh ở Việt Nam

Ngày đăng: 28/05/2012 - 10:05

 

 

 

 

Ngày 11-1-2012, Liên hợp quốc (LHQ) đã khởi động sáng kiến “i-house” cùng mạng lưới toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phát triển đô thị xanh, đồng thời thúc đẩy sự phối hợp và chia sẻ tri thức phát triển đô thị xanh và bền vững. Đây là vấn đề không mới ở nhiều nước trên thế giới, song đang rất cần được quan tâm đúng mức ở những nước đang phát triển như Việt Nam.

I-house” là các ngôi nhà được thiết kế đáp ứng các nhu cầu “xanh hóa” và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng. Nền tảng chia sẻ tri thức về “i-house” là i-build được Chương trình Định cư con người của  LHQ (UN-HABITAT) thúc đẩy sẽ chia sẻ các kỹ năng và thực tiễn tốt nhất về xây dựng nhà ở xanh tới các nước đang phát triển nhằm thúc đẩy tiến trình đô thị hóa bền vững.

Thành phố xanh mở ra nhiều cơ hội

UN-HABITAT cho rằng, hiện nay, nhu cầu xây dựng các ngôi nhà xanh bảo đảm môi trường bền vững là rất lớn ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, các nước này vẫn thiếu khả năng, ý chí, sự chia sẻ tri thức cũng như sự hỗ trợ về thể chế và quy chế để các tiêu chuẩn về bền vững và thân thiện với môi trường luôn được đề cao trong các dự án, các chương trình xây dựng và phát triển nhà ở đô thị cũng như nhà ở thuộc khu vực tư nhân.

Phó Tổng Thư ký LHQ kiêm Giám đốc UN-HABITAT, Tiến sĩ Joan Clos, nhấn mạnh trọng tâm của sáng kiến “i-house” là xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp và nâng cấp các khu ổ chuột ở các đô thị tại các nước đang phát triển cũng như cung cấp nhà ở cho người dân trong giai đoạn hậu khủng hoảng. Hiện nay, UN-HABITAT và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đang hỗ trợ Chính phủ Haiti thực hiện các chiến lược tái thiết và phát triển thủ đô Port-au-Prince bị tàn phá nghiêm trọng sau thảm họa động đất năm 2010.

Trước khi UN-HABITAT khởi động sáng kiến “i-house” nói trên, các tổ chức khác của LHQ cũng như nhiều nước trên thế giới đã kêu gọi và phát động thực hiện nhiều kế hoạch xây dựng các thành phố xanh. Có thể coi đây là lối thoát, mở ra nhiều cơ hội và hy vọng cho người dân đô thị trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên khan hiếm và môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay.

Tháng 9-2011, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) đã kêu gọi phát triển các thành phố xanh và bền vững hơn. Giám đốc về sản xuất và bảo vệ cây lương thực của FAO, ông Shivaji Pandey cảnh báo, các nước đang phát triển đang đứng trước nguy cơ bùng nổ “quả bom dân số mới” do sự phát triển nhanh chóng của các đô thị, tỷ lệ sinh tăng cao ở các đô thị và người dân ở các vùng nông thôn ồ ạt đổ về thành phố tìm việc làm. Vào năm 2025, khoảng 3,5 tỷ người, chiếm hơn một nửa dân số của các nước đang phát triển, sống ở các đô thị. Tại các nước đang phát triển, số người dân ở đô thị sống nghèo khổ có thể lên tới 1,4 tỷ người, chiếm 45% dân số đô thị vào năm 2020. Thực tế này thực sự là thách thức khổng lồ đối với các nước đang phát triển.

FAO khẳng định mô hình kinh tế vườn trong thành phố cũng là một con đường để thoát khỏi đói nghèo của người dân đô thị ở các nước đang phát triển. Khoảng 130 triệu người dân đô thị ở châu Phi và 230 triệu người dân đô thị ở Mỹ Latinh tham gia làm nông nghiệp, có thể cung cấp đủ lương thực cho gia đình họ. Chính phủ 20 nước đang phát triển đã yêu cầu sự hỗ trợ của FAO trong thập kỷ qua để phát triển “nông nghiệp trong thành phố” cho những cộng đồng dân cư đô thị thu nhập thấp. 450 hội làm vườn trong thành phố ở các nước trên thế giới đã được FAO hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tốt. Các khu vườn trong thủ đô Kinxasa của Cộng hòa dân chủ Cônggô đã sản xuất 85 nghìn tấn rau quả hằng năm, cung cấp 65% nhu cầu của thành phố này.

Kế hoạch phát triển các thành phố xanh cũng đã được khởi động ở một số nước. Tại Anh, Thủ tướng Gordon Brown vừa tiết lộ kế hoạch tạo ra những “thành phố xanh”, trong đó có việc đưa vào sử dụng rộng rãi ôtô chạy bằng điện. Anh đặt mục tiêu sẽ trở thành nước đi đầu thế giới trong việc sản xuất và xuất khẩu các loại ôtô chạy bằng điện. Các hội đồng địa phương sẽ được mời tham gia “đấu thầu” để được chọn trở thành “thành phố xanh” đầu tiên của Anh.

Ở châu Á, Bộ Tài chính Nhật Bản dự báo đến năm 2020, tỷ lệ dân cư sống tại đô thị sẽ chiếm tới 60-70%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nhiều lần khuyến nghị các nước cần tập trung vào quy hoạch và xây dựng “đô thị xanh”. Tại Inđônêxia, các khu đô thị mới lấy yếu tố “xanh” làm trung tâm đã trở thành xu thế phát triển mới. Các kiến trúc sư và kỹ sư Inđônêxia đã và đang nghiên cứu những “nguyên tắc xanh” trong thiết kế để các công trình đạt hiệu suất cao về sử dụng năng lượng, vật liệu...

Trong khi đó, ở Xingapo, từ năm 2009, chính phủ đã đưa ra cam kết: Toàn bộ các công trình xây dựng mới của khu vực nhà nước và công trình đang cải tạo lớn phải đạt điểm xanh cao nhất. Xingapo đã ban hành Luật quản lý công trình. Theo đó, các dự án có cải tạo trên 2.000 m2 tổng diện tích sàn hoặc xây mới phải đạt điểm xanh bắt buộc. Xingapo đã đạt được kết quả rất ấn tượng: Từ 17 dự án công trình “xanh” năm 2005 đã tăng lên 500 dự án trong năm 2010. Đặc biệt, tháng 2-2011, Xingapo được Tổ chức nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU) đánh giá là thành phố xanh nhất châu Á.

Một số quốc gia châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc cũng đã và đang chú trọng phát triển đô thị xanh nhằm đối phó với nguy cơ khủng hoảng môi trường và bảo đảm phát triển bền vững.

Việt Nam cần quan tâm "đô thị xanh"

Vấn đề đô thị xanh được xem là trọng tâm và mục tiêu phát triển trong quy hoạch của nhiều thành phố trên thế giới nhằm cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, khái niệm về đô thị xanh vẫn còn khá mới ở Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam chưa có một khái niệm rõ ràng, cụ thể về đô thị xanh. Mặc dù trong các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng đã đề cập đến phần xanh trong đô thị, đó là hệ thống cây xanh, mặt nước. Chẳng hạn như: tại Điều 33 Luật quy hoạch đô thị quy định không gian cây xanh, mặt nước, sân vườn là một nội dung cần thiết trong các đồ án quy hoạch… Ngoài ra, Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30-9-2009 của Bộ Xây dựng có một số nội dung quy định về cây xanh đô thị. Theo đó, quy định công viên cây xanh thuộc hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và đưa ra hai chỉ tiêu về cây xanh để làm căn cứ khi phân loại đô thị, đó là chỉ tiêu đất cây xanh đô thị (từ 5 đến 15 m2/người) và chỉ tiêu đất cây xanh công cộng khu vực nội thị (từ 3 đến 7 m2/người)… Trong những năm gần đây, vấn đề quy hoạch đô thị xanh đã có những chuyển biến tích cực, chính quyền các đô thị đã dần nhận ra vai trò của không gian xanh đô thị trong gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - con người - xã hội, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường sống và cảnh quan đô thị, dần trở thành mục tiêu trọng tâm hàng đầu trong quy hoạch phát triển đô thị theo hướng bền vững. Quyết định số 1259/QĐ-TTg về “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 26-7-2011 là một điển hình về quy hoạch đô thị xanh ở Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề phát triển đô thị xanh theo trào lưu chung của thế giới vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân về phát triển đô thị xanh còn rất hạn chế. Theo đó, cũng chưa có tiêu chí, khái niệm đầy đủ về vấn đề này cũng như các kế hoạch, chiến lược phát triển đô thị xanh.

Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra được khái niệm và các tiêu chuẩn về đô thị xanh áp dụng cho các đô thị Việt Nam. Trước hết, cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn để bổ sung và hoàn thiện hơn nữa nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị xanh hiện tại và tương lai. Ngoài cây xanh công cộng, cần quan tâm hơn nữa đến hệ thống cây xanh nằm trong các công trình tư nhân như nhà ở đơn lẻ, cơ quan...

Trong quy hoạch đô thị, cần phải đặt yếu tố xanh lên hàng đầu. Không gian xanh đô thị không chỉ có cây xanh đường phố, công viên mặt nước, mà cần phải có cái nhìn toàn diện hơn bao gồm các hành lang xanh, vành đai xanh, thị trấn sinh thái, công viên sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vùng trồng hoa, vùng bảo tồn cây xanh, trục xanh cảnh quan...

QUỐC TRUNG

 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả