Sáng tạo của cách mạng Việt Nam trong vận dụng những bài học Cách mạng tháng Mười

Ngày đăng: 15/11/2022 - 00:11

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đưa nhân dân lao động Nga và các dân tộc sống tại nước Nga từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước. Cách mạng Tháng Mười và Lênin đã cống hiến cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế những nguyên tắc lý luận quan trọng, những bài học kinh nghiệm quý báu vể đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng, làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác. Cách mạng Việt Nam đã vận dụng thành công bài học về chuẩn bị lực lượng cách mạng và chớp thời cơ.

1. Chuẩn bị lực lượng chính trị

Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi nhờ trước hết có Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, tập hợp được đông đảo nhân dân lao động. Sau Đại hội Đảng lần thứ VI (8/1917), những người bônsêvích vẫn không ngừng lôi kéo đa số quần chúng công nhân và nhân dân về phía mình. Chính sách khủng bố, chống nhân dân của giai cấp tư sản và sự phản bội hoàn toàn của Đảng Mensêvích và Đảng Xã hội cách mạng càng làm cho công nhân và các tầng lớp nhân dân hướng theo ngọn cờ cách mạng của Đảng Bônsêvích. Việc đập tan vụ phiến loạn của tướng Coócnilốp vào tháng 8/1917 là một thắng lợi quan trọng của Đảng Bônsêvích, đánh dấu bước chuyển lớn khi đa số công nhân và nhân dân quyết định ngả về phía Đảng Bônsêvích, kiên quyết chặn đứng cuộc đảo chính phản động âm mưu thiết lập chế độ độc tài quân sự của giai cấp tư sản. Từ đó, các Xôviết được hồi sinh - bônsêvích hóa. Đó là thắng lợi của việc xây dựng lực lượng, tiến tới “một cao trào quần chúng sâu sắc” của một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là rất cần thiết và quan trọng nhưng chưa đủ mà cần tập hợp, tổ chức và vận động được nhân dân ủng hộ và tham gia đường lối của Đảng. Vì vậy, xây dựng được đội quân chính trị và vũ trang hùng hậu từ quần chúng nhân dân tham gia cách mạng, thực hiện các nhiệm vụ của cuộc cách mạng cũng là một bài học quan trọng làm nên thành công của Cách mạng Tháng Mười. Xác định được tầm quan trọng của quần chúng nhân dân đối với sự thành công của cách mạng, Đảng Bônsêvích xác định nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn Đảng lúc này là đấu tranh giành đa số giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân, thành lập  đội quân chính trị đông đảo và đủ sức lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản, cô lập và đánh bại các đảng thoả hiệp Mensêvích và xã hội cách mạng. Chỉ có như thế, khẩu hiệu của Đảng “tất cả chính quyền cho các Xôviết” mới trở thành hiện thực thắng lợi. Đó là một nhiệm vụ hoàn toàn không dễ dàng, bởi tính chất tiểu tư sản của nước Nga và đông đảo một bộ phận quần chúng thành thị cũng như nông thôn còn trong vòng ảnh hưởng của các đảng thoả hiệp. Vì vậy, những người Bônsêvích đã kiên trì đi vào quần chúng công nhân và nhân dân để giáo dục, vận động và tập hợp quần chúng ủng hộ Đảng và tích cực thực hiện khẩu hiệu của Đảng. Đảng nhận thức được rằng chỉ có thông qua đấu tranh, hoạt động cách mạng và tổ chức mới có thể giáo dục và tuyên truyền cho quần chúng. Vì vậy, Đảng đã tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh của quần chúng qua đó quần chúng có sự trưởng thành cả về mặt nhận thức, lý luận cũng như kinh nghiệm đấu tranh. Lênin nói rằng cuộc cách mạng Nga 1905 là một cuộc tập dượt quan trọng đối với quần chúng tham gia cách mạng “đã đóng góp hết sức nhiều vào việc giáo dục chính trị cho quần chúng công nhân và nông dân, vừa về mặt làm cho đội tiên phong của họ nhận thức được những điều mới nhất của chủ nghĩa xã hội phương Tây, lại vừa về mặt hành động cách mạng của quần chúng. Nếu không có cuộc “tổng diễn tập” năm 1905 đó, thì có lẽ đã không thể có được những cuộc cách mạng 1917, tức là cuộc cách mạng tư sản tháng Hai và cuộc cách mạng vô sản tháng Mười”1. Cách mạng Tháng Mười thành công vì nó là một cuộc cách mạng có tính chất nhân dân sâu sắc, là sự nổi dậy của đông đảo quần chúng dưới khẩu hiệu “công nông binh liên hiệp lại” không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo hay thành phần dân tộc. Trong thư gửi các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương ngày 24/10/1917, Lênin viết “Tôi đang cố sức thuyết phục các đồng chí của chúng ta thấy rằng hiện nay tất cả vận mệnh chỉ còn treo trên sợi tóc, trước mắt chúng ta là những vấn đề không một đại hội nào quyết định được, chỉ có nhân dân, quần chúng, cuộc đấu tranh của quần chúng vũ trang mới quyết định được”2.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga cho thấy sức sức mạnh sáng tạo của con người, của giai cấp vô sản và quần chúng nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh tự giải phóng và mở đầu một sự nghiệp kiến tạo xã hội mới chưa từng có khuôn mẫu trong lịch sử hiện thực của nhân loại. Đồng thời, cuộc cách mạng này cũng chứng tỏ do biết tập hợp, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân mà cách mạng mới thắng lợi, đây thực sự là cuộc cách mạng của những người nghèo khổ, vì những người nghèo khổ. Thành công của cách mạng là do: “Dưới ánh sáng của Luận cương, Đảng Bônsêvích đã tập hợp đội ngũ toàn Đảng, xây dựng thành công một đội quân chính trị ngày càng đông đảo và đủ sức đánh bại các thế lực chống đối, tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng 10”3. Lênin đã nhiều lần nhấn mạnh về sức mạnh của quần chúng, của việc tập hợp lực lượng đối với sự thành công của cách mạng: “Chúng ta đã giành được đa số trong giai cấp đứng làm đội tiền phong của cách mạng, đội tiền phong của nhân dân và có khả năng lôi cuốn quần chúng theo mình. Chúng ta đã giành được đa số trong nhân dân…Thắng lợi chắc chắn thuộc về ta”4; “Công nhân Nga có lẽ sẽ không thể giành được chính quyền từ tay giai cấp tư sản nếu không được cảm tình và tín nhiệm của những quần chúng bị áp bức ở miền ngoại vi nước Nga”5.  

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi trước hết cũng nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhưng trực tiếp là sự chuẩn bị lực lượng chính trị, vũ trang để giành chính quyền khi thời cơ xuất hiện nên đã thành công mau lẹ và ít đổ máu. Đảng đã chuẩn bị lực lượng cách mạng từ rất sớm. Ngay từ khi mới ra đời, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng; Sách lược vắn tắt của Đảng, chủ trương chuẩn bị lực lượng chính trị bằng việc đoàn kết rộng rãi các giai cấp, tầng lớp nhân dân và các tổ chức đảng phái yêu nước, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Sách lược xác định: “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa c.m đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến”6.  Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng (từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935), đã thông qua Nghị quyết về công tác phản đế liên minh. Nghị quyết khẳng định: “Đảng Cộng sản phải dùng hết, kéo hết các lực lượng phản đế xứ Đông Dương ra mưu cuộc vận động dân tộc giải phóng. Mặt trận phản đế bao hàm chẳng những quần chúng công nhân, nông dân lao động, dân nghèo thành thị, mà cả các lớp, các phần tử lẻ tẻ, cấp tiến trong các giai cấp khác, các lớp lao động người dân tộc thiểu số, người ngoại quốc… Không phân biệt chủng tộc, nam nữ, tôn giáo, xu hướng chính trị, đảng phái, hễ ai có tính chất phản đế là có thể kéo vào Mặt trận phản đế”7. Ngày 26/7/1936, Hội nghị các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Chỉ huy ở ngoài họp tại Thượng Hải (Trung Quốc). Hội nghị quán triệt chiến lược và sách lược trong các Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, chủ trương lập Mặt trận thống nhất nhân dân Đông Dương8. Hội nghị Trung ương tháng 11/1940 đổi tên Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương thành Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp - Nhật ở Đông Dương. Hội nghị Trung ương tám (5/1941) chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh). Tháng 10/1941, Tổng bộ Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ nói rõ tôn chỉ, mục đích của Mặt trận Việt Minh: “Liên hiệp hết thảy các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật, giành quyền độc lập cho xứ sở”9.

Như vậy, thống nhất lực lượng cách mạng của toàn dân; động viên, cổ vũ nhiệt thành yêu nước của nhân dân; kiện toàn các tổ chức cứu quốc; lãnh đạo quần chúng chống khủng bố trắng và giành quyền sống hằng ngày là sự chuẩn bị lực lượng chính trị thiết thực, hiệu quả cho Cách mạng Tháng Tám của Đảng ta.

2. Chuẩn bị lực lượng vũ trang

Cách mạng Tháng Mười Nga đã để lại cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cho các dân tộc đang đấu tranh để tự giải phóng nhiều bài học quý báu về nghệ thuật đấu tranh giành và giữ chính quyền, vai trò lãnh đạo của chính Đảng vô sản cầm quyền, về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Học thuyết Mác - Lênin chỉ ra rằng: Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là giành chính quyền. Giai cấp vô sản muốn giành chính quyền, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản thì phải tổ chức ra một lực lượng vũ trang cách mạng của giai cấp vô sản, được xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Theo V.I. Lênin, Đảng Cộng sản phải lãnh đạo chặt chẽ lực lượng vũ trang về mọi mặt, trong mọi tình huống. Người khẳng định, sự lãnh đạo đó là tất yếu khách quan, là một quy luật nhằm làm cho lực lượng vũ trang tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc. V.I. Lênin căn dặn: “Hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của đất nước và của Hồng quân như chăm lo đến con ngươi trong mắt mình”10

Sức mạnh của lực lượng vũ trang là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: con người, vũ khí, trang bị, nghệ thuật, cách đánh…; trong đó, chính trị - tinh thần là một yếu tố có ý nghĩa quyết định. Khi bàn về vấn đề này, V.I. Lênin nhấn mạnh: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”11Thấm nhuần và vận dụng sáng tạo những thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga và tư tưởng của V.I. Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam; tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân là: “người trước, súng sau”; nhiệm vụ quân sự phải phục tùng nhiệm vụ chính trị; “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”12.

Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng rộng rãi đến xây dựng lực lượng vũ trang tập trung, phối hợp lực lượng chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương trên các mặt trận. Tháng 9/1939, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thông cáo cho các cấp bộ nhận định: “Hoàn cảnh Đông Dương sẽ tiến bước đến vấn đề dân tộc giải phóng”13. Đầu tháng 9/1939, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp Hội nghị, xác định mục tiêu trước mắt của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc. Phát triển các tổ chức nửa quân sự và quân sự, đào tạo các cán bộ chính trị và quân sự, mua sắm vũ khí; xây dựng chiến khu, vận động binh lính địch, huấn luyện cho nhân dân công tác phá hoại và làm vườn không nhà trống; phát động chiến tranh du kích và giành chính quyền địa phương…

 Từ các cuộc khởi nghĩa, lực lượng vũ trang địa phương lần lượt ra đời. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940) dẫn tới sự ra đời của Đội du kích Bắc Sơn. Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940) dẫn tới sự xuất hiện nhiều tổ chức vũ trang với tên chung là Quân du kích Nam Kỳ. Cuộc binh biến Đô Lương (01/1941), báo hiệu thời kỳ đấu tranh giành chính quyền bắt đầu ở cả ba miền. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941) nhận định : “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”14, vì thế chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân ta. Nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt và chuẩn bị phát động chiến tranh du kích, ngày 22/12/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Cũng với sức mạnh áp đảo về chính trị, lực lượng vũ trang đã góp phần quan trọng đưa sự nghiệp khởi nghĩa vũ trang của toàn dân đến thắng lợi.

3. Sử dụng bạo lực cách mạng thích hợp khi thời cơ đến

Cách mạng Tháng Tám và Cách mạng Tháng Mười đều là những cuộc cách mạng có tính chất nhân dân sâu sắc, là sự nổi dậy của đông đảo quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của chính đảng cách mạng. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tương đồng vẫn có sự khác biệt trong chuẩn bị lực lượng: đội quân chính trị của Cách mạng Tháng Mười là công, nông, binh với khẩu hiệu “công, nông, binh liên hiệp”; còn đội quân chính trị của Cách mạng Tháng Tám thì có sự mở rộng đáng kể thành phần, với hạt nhân là Mặt trận Việt Minh, quy tụ được tất cả các giai tầng yêu nước trong xã hội, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, dân tộc hay tôn giáo...

Cách mạng Tháng Mười và Cách mạng Tháng Tám cùng sử dụng bạo lực cách mạng. Trong Cách mạng Tháng Mười, Lênin dựa vào lực lượng vũ trang là chủ yếu thì ở Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã có những sáng tạo độc đáo trên cơ sở kế thừa và phát huy bài học của Cách mạng Tháng Mười. Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã tích cực chuẩn bị lực lượng vũ trang, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, các đội du kích, đội tự vệ và tự vệ chiến đấu nhưng khi thời cơ chín muồi, Người đã chỉ đạo cuộc tổng khởi nghĩa với lực lượng chính trị của toàn dân (do các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh làm nòng cốt) là chủ yếu, lấy các lực lượng vũ trang làm chỗ dựa; phát huy tính chủ động sáng tạo của từng địa phương và nhanh chóng kết thúc khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Thực tế Cách mạng Tháng Tám chứng minh rằng những đội quân chính trị đông đảo của quần chúng, có lãnh đạo chặt chẽ, có khẩu hiệu đấu tranh đúng đắn bằng vũ khí thô sơ của mình đã đóng vai trò quyết định trong việc đập tan chính quyền địch ở các địa phương, xây dựng thành công chính quyền cách mạng. Đây là phương thức khởi nghĩa hiếm thấy trong lịch sử cách mạng thế giới.

 Nắm vững, vận dụng sáng tạo những bài học từ Cách mạng Tháng Mười, hơn 86 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị. Đó là bài học xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Lênin khẳng định: “cái ngày vĩ đại ấy càng cách xa chúng ta, thì ý nghĩa của cuộc cáng mạng vô sản ở Nga càng trở nên rõ rệt, chúng ta càng suy ngẫm sâu về toàn bộ kinh nghiệm thực tiễn của công tác của chúng ta”15. Càng đi vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta càng thấm thía ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga trên mỗi bước đường, đặc biệt là những kinh nghiệm mà cuộc cách mạng này đã để lại cho hôm nay. “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại… là vô cùng sâu sắc”16.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn nguyên giá trị đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên toàn thế giới, đặc biệt là với cách mạng Việt Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam, dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng từ Cách mạng Tháng Tám đến nay chứng minh sự đúng đắn và sức sống bất diệt của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mà Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã khơi nguồn.

1. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.38, tr.367-368.

2. Lênin, Stalin: Về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1967, tr. 42.

3. Lênin: Toàn tậpSđd, tr.3, tr.81.

4. Lênin: Toàn tậpSđd, tr.34, tr. 324

5. Lênin, Stalin: Về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng MườiSđd, tr.230.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 2, tr.4.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tậpSđd, tập 5. tr.85.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tậpSđd, tập 6, tr.222.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tậpSđd, tập 7, tr.149.

10. V. I. Lê-nin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Maxcơva, 1978, tập 12, tr. 136-137.

11. V. I. Lê-nin Toàn tậpSđd, tập 41, tr. 147.

12. Hồ Chí MinhToàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 217.

13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 6, tr.756.

14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 7, tr.129.

15. Lênin: Toàn tậpSđd, tập 44, tr. 179.

16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr. 180.

Theo Tạp chí Chính trị và Phát triển

Bình luận