Sau 5 năm có chỉ thị bảo hộ quyền tác giả, xâm phạm vẫn tràn lan

Ngày đăng: 05/06/2014 - 15:06

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 36/2008/CT-TTg về tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan được ban hành, nhiều hoạt động thúc đẩy công tác bảo hộ bản quyền tác giả đã được tổ chức, tuy nhiên kết quả thực thi vẫn chưa được như mong muốn.

clip image001

Táo quân, một trong những chương trình của VTV thường bị sao chép lậu, xâm phạm bản quyền.

Tình trạng xâm phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều lĩnh vực, trong đó có những vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số và internet…

Sáng 22-5-2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết năm năm thực hiện Chỉ thị này tại ba điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Hơn 100 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, khách quan về tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan ở nhiều lĩnh vực hiện nay. Vi phạm bản quyền diễn ra với các hình thức và mức độ khác nhau đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sáng tạo, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội và tiến trình hội nhập của đất nước.

Sự phát triển của internet, cùng với sự đa dạng của các sản phẩm số đã mang lại nhiều thông tin, phương tiện thưởng thức thuận tiện cho con người. Nhưng bên cạnh đó người ta dễ chia sẻ các sản phẩm phim ảnh, âm nhạc, sách, các tệp dữ liệu… qua mạng mà chưa được phép của chủ sở hữu quyền tác giả trên internet.

Tình trạng vi phạm bản quyền hiện diễn ra ở hầu hết các loại hình được bảo hộ. Đại diện Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: “Các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và Chỉ thị 36/2008/CT-TTg nói riêng đã từng bước phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Tuy nhiên, đánh giá khách quan trong lĩnh vực truyền hình, thực trạng là bản quyền chương trình truyền hình của Đài THVN đang bị vi phạm khá phức tạp và nghiêm trọng. Sự vi phạm diễn ra ở nhiều dạng thức khác nhau như: tự ý lấy chương trình VTV mà không xin phép, thỏa thuận; tiếp sóng chương trình VTV nhưng đến phần quảng cáo thì cắt sóng để chèn quảng cáo của mình hoặc tự ý chèn banner quảng cáo trong chương trình…”

Ngay từ khi có chỉ thị, nhiều cơ quan, ban ngành, địa phương đã triển khai, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, cơ sở cụ thể. Mặc dù vậy, việc thực hiện bảo hộ quyền tác giả vẫn chưa thật sự đạt kết quả như mong muốn bởi lâu nay, tâm lý sử dụng miễn phí, chưa có ý thức thực hiện nghĩa vụ pháp lý khi sử dụng tác quyền âm nhạc, phim ảnh… đã ăn sâu vào nếp nghĩ, thói quen của người dân.

Hơn nữa nhận thức của đại bộ phận người sử dụng đến nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan còn hạn chế. Ngoài ý thức, nhận thức pháp luật của cá nhân, tổ chức kinh doanh còn yếu kém thì bộ máy thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng còn thiếu và yếu, chưa có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan.

Tại TP. Cần Thơ, từ năm 2010 đến quý I năm 2014, Thanh tra chuyên ngành đã kiểm tra hơn 1.000 cơ sở, cảnh cáo và nhắc nhở hơn 400 lượt cơ sở và ra quyết định xử phạt 271 lượt cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên những vụ việc, cơ sở bị xử phạt nêu trên chỉ là “bề nổi” của “tảng băng” chìm.

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất đây là lĩnh vực mới nên nhận thức của người dân nói chung, của những người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan nói riêng còn hạn chế. Vì vậy mà công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng có quyền và nghĩa vụ liên quan nói riêng và công chúng nói chung. Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm kịp thời; quy hoạch lại hệ thống tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan để bảo đảm cho hệ thống này hoạt động có hiệu quả, tránh chồng chéo về nhiệm vụ; nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trong môi trường kỹ thuật số; Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trong môi trường kỹ thuật số…

Chỉ thị 36 của Thủ tướng Chính phủ đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, góp phần thực thi pháp luật và từng bước thực hiện nghĩa vụ pháp lý khi khai thác, sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan.

Một số địa phương đã triển khai sâu rộng tới các đối tượng có quyền và nghĩa vụ liên quan, đặc biệt là các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng tác phẩm, chương trình ghi hình, chương trình phát sóng…

Tuy nhiên việc triển khai chưa đạt yêu cầu “quyết liệt” như tinh thần Chỉ thị nên kết quả chưa thực sự đồng nhất giữa các địa phương, bộ, ngành. Trong môi trường kỹ thuật số hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức về mặt pháp lý cũng như việc thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, vai trò và sự kiên quyết hơn nữa của các cơ quan chỉ đạo từ trung ương đến địa phương.

BÍCH HIỆP

Theo Nhân Dân


 

Bình luận