Sức mạnh nội sinh của văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Ngày đăng: 11/04/2014 - 07:04

Thăng Long - Hà Nội là Thủ đô văn hiến, trái tim thiêng liêng của cả nước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, người Hà Nội đã xây đắp nên những giá trị văn hóa đặc sắc, những truyền thống tốt đẹp, tạo nên sức mạnh, nguồn lực nội sinh to lớn đưa Thủ đô vượt qua mọi thử thách, khó khăn, nhịp bước cùng thời đại.

Thang Long

Trong 3 thập kỷ qua, vai trò to lớn của văn hóa đã được khẳng định trong nhiều công trình khoa học và trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Nhiều nghị quyết của Đảng về văn hóa đã ra đời, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Các quan điểm đó vừa là sự kế thừa các tư tưởng về văn hóa của cha ông, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự tiếp thu các thành tựu mới của tư duy nhân loại về văn hóa cuối thế kỷ XX, đồng thời cũng xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ lịch sử mới.

Cùng với việc phát huy chủ nghĩa yêu nước truyền thống và tinh thần cách mạng của dân tộc, 15 năm qua chúng ta từng bước tiếp nhận những giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại, đó là ý thức tự do, tinh thần dân chủ và tầm nhìn toàn cầu. Điều đó rõ ràng đã nâng cao năng lực nội sinh của mỗi con người và của toàn xã hội. Sự phát triển các năng lực nội sinh đó của người dân là nhân tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội trong mấy thập kỷ qua.

Sự khẳng định năng lực nội sinh của văn hóa thực ra không mới đối với truyền thống của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến. Khi cha ông ta khẳng định “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” thì tư tưởng cơ bản trong đó vẫn là sự khẳng định sức mạnh nội sinh của văn hóa Việt Nam - một nền văn hóa có chiều dài hàng nghìn năm lịch sử.

Thủ đô Hà Nội từ lâu đã trở thành trung tâm văn hóa, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và cũng là nơi tỏa sáng ra mọi miền đất nước. Có lẽ so với rất nhiều địa phương thì tài nguyên thiên nhiên của Hà Nội không nhiều. Dân cư cũng chưa phải đông nhất nước. Nhưng với một vị trí chính trị và địa lý thuận lợi, từ lâu Hà Nội đã trở thành “chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” (Chiếu dời đô - Lý Công Uẩn).

Từ Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử. Nhưng âm thanh chủ đạo vẫn là tiếng nói hào hùng, là hào khí Thăng Long. Chính cái hào khí đó đã tạo nên cái âm vang chung trong bài thơ “thần” Nam quốc sơn hà Nam đế cư, của Bình Ngô đại cáo, của Tuyên ngôn độc lập. Cái hào khí đó thực ra cũng là hào khí Đông A, hào khí của dân tộc Việt Nam, một dân tộc thường xuyên được nung nấu bởi khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Bàn về sức mạnh nội sinh của văn hóa Thăng Long - Hà Nội là bàn về những giá trị tiêu biểu, những đỉnh cao của văn hóa Việt Nam suốt hơn 10 thế kỷ qua. Thăng Long - Hà Nội đã trải qua nhiều biến động lớn. Nhưng cùng với các biến cố có tác động sâu sắc đến sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội như việc dời đô từ Hoa Lư về Đại La, việc chiến thắng quân Tống, Nguyên, Minh, Thanh để tạo nên sự thịnh trị của văn hóa Đại Việt, còn có một biến cố cực kỳ quan trọng. Đó là sự thành lập nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945. Với sự kiện lịch sử đó, văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng bước sang một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Ít có địa danh nào lại quy tụ được nhiều chứng tích lịch sử của đất nước như ở Hà Nội. Nếu trước đây, nhiều chứng tích văn hóa vật thể của Thăng Long - Hà Nội chỉ nằm trong trí tưởng tượng của nhiều người, trong các truyền thuyết và giả thiết, thì ngày nay, các giá trị đó đang hiện về trước mắt mọi người với những nét hào quang rực rỡ. Nơi đây, mỗi mảnh đất, tên đường đều như nhắc lại các chiến công của cha anh, dù là chiến công trên các lĩnh vực quân sự, chính trị hay văn hóa. Vấn đề là làm sao để những chiến công đó sống lại trong lòng mọi người. Nói cách khác, phải làm sao để con người hiện tại có thể nghe và hiểu tiếng nói, nỗi lòng của người xưa. Không nghe và hiểu tiếng nói của lịch sử thì làm sao có thể yêu và tự hào về lịch sử.

Nét tiêu biểu của văn hóa nghệ thuật Thăng Long từ lâu là sự gắn bó máu thịt với vận mệnh của dân tộc. Toàn bộ thơ văn Lý - Trần là sự khẳng định ý thức tự lực tự cường của dân tộc, thể hiện tính nhân văn và tinh thần phục hưng của dân tộc.

Văn hóa Thăng Long không chỉ là đỉnh cao về trí tuệ, mà còn là đỉnh cao của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Toàn bộ thơ văn Lý - Trần, dù là của nhà nho, nhà sư hay của vua chúa, quan lại, đều khắc khoải nỗi niềm đối với thân phận con người, đặc biệt là những người bất hạnh trong xã hội. Chính tại Thăng Long, trong Bình Ngô đại cáo và trong hàng loạt tác phẩm khác, Nguyễn Trãi đã khẳng định triết lý nhân nghĩa của nền văn hóa Việt Nam. Khi giai cấp phong kiến Việt Nam đã bộc lộ các hiện tượng suy thoái, thì chính các nhà văn hóa tiêu biểu của đất Thăng Long đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh. Đó là tiếng nói của Chu Văn An, Lê Quát, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương. Việc xuất hiện một loạt tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ đấu tranh cho quyền sống, quyền hạnh phúc của con người ở thế kỷ XIX đều gắn với mảnh đất Thăng Long. Nhiều tác phẩm trong số đó đã trở thành mẫu mực trong nền văn học cổ điển của dân tộc ta.

Những thành tựu rực rỡ của văn hóa Thăng Long đang trở thành điểm tựa cho sự hình thành và phát triển của văn hóa Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh. Từ nhiều thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa mới đã diễn ra khá mạnh mẽ. Cùng với chủ nghĩa yêu nước truyền thống, tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã được nảy mầm và ngày càng phát triển trong con người và văn hóa Thủ đô. Nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng của Trung ương Đảng và Chính phủ về các lĩnh vực đời sống và về văn hóa được ra đời từ Hà Nội. Nhiều đại hội văn hóa, nghệ thuật cũng diễn ra tại Hà Nội. Hà Nội thực sự đã trở thành trái tim và trí tuệ của cả nước.

Hơn bất cứ địa phương nào khác, Hà Nội có một đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ lớn (bao gồm các trí thức, văn nghệ sĩ trung ương và địa phương), trong đó có những trí thức, văn nghệ sĩ đầu đàn mà tên tuổi và sự nghiệp của họ đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Nhiều cơ quan khoa học, các viện nghiên cứu lớn, các trường đại học lớn đều tập trung tại Hà Nội. Có thể nói đó là tiềm lực vô tận cho sự phát triển văn hóa Thủ đô và không phải chỉ văn hóa, mà còn đối với tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Có phải từ sau Cách mạng tháng Tám, đặc biệt từ sau ngày giải phóng Thủ đô, cho đến giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ, Hà Nội vẫn được coi là điểm tựa vững chắc cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của cả nước hay không? Người Hà Nội đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đi tiên phong trong mọi phong trào nhằm xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc và chi viện cho cách mạng ở miền Nam.

Các hoạt động giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật ở Hà Nội đã góp phần hình thành một đội ngũ đông đảo các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học nghệ thuật, các nhà sư phạm, các bác sĩ có lương tâm và tay nghề cao... Chính những con người đó đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước khi hòa bình được lập lại trên phạm vi cả nước.

Có lẽ sức mạnh nội sinh của văn hóa Hà Nội được thể hiện rõ rệt nhất trong cuộc phản công chống lại cuộc tập kích trên không của không lực Hoa Kỳ cuối năm 1972. Nhằm triệt phá mọi sự chi viện về tinh thần và vật chất cho cách mạng ở miền Nam, đế quốc Mỹ đã liều lĩnh dùng hàng trăm máy bay B52 ném bom bắn phá ác liệt Hà Nội. Giặc Mỹ huênh hoang tuyên bố sẽ đưa miền Bắc “trở về thời kỳ đồ đá”. Hà Nội và cả nước đã lên tiếng. Bằng tinh thần dũng cảm và trí tuệ phi thường, Hà Nội đã đánh trả quyết liệt. Nhiều mất mát hy sinh đã diễn ra trên đất Hà Nội suốt 12 ngày đêm, nhưng cũng đã xuất hiện nhiều gương sáng tuyệt vời. Nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, một người con đã từng gắn bó nhiều năm với Hà Nội, nay đang sống xa Hà Nội, đã ghi lại những hoài niệm đẹp đẽ của mình về Hà Nội như sau: “Những ngày sống ở Hà Nội có “một thời đạn bom, một thời hòa bình”, chúng tôi mới hiểu rõ con người Hà Nội, tấm lòng Hà Nội... Mấy chục năm chiến tranh triền miên, gạch vỡ, ngói tan, nhưng lòng người, cốt cách con người Hà Nội vẫn vẹn nguyên hào khí của Thăng Long. Hơn thế, cái chất người không gì phá vỡ, còn được bồi đắp phù sa của niềm tin tất thắng, niềm tin có căn cứ khoa học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam khơi dậy…

Dáng vẻ trí tuệ, tâm hồn, khí phách người Hà Nội bộc lộ ở đỉnh cao 12 ngày đêm đối mặt với pháo đài bay siêu hạng B52, cánh cụp cánh xòe F111. Bom hủy diệt ném xuống Khâm Thiên, An Dương Vương, Yên Phụ, Văn Điển, Gia Lâm, Đông Anh... Cả Hà Nội chìm trong biển lửa. Loài người tiến bộ nín thở dõi theo. Vậy mà Hà Nội của chúng ta đã tạo nên kỳ tích Thủ đô của lương tri và phẩm giá loài người”1.

Gần 30 năm qua, từ sau đổi mới, Hà Nội cùng cả nước đang trải qua nhiều biến động dữ dội. Đó là các biến động trên lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, do chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và do hội nhập quốc tế tạo nên, với nhiều thời cơ nhưng cũng lắm thách thức. Tất cả những vấn đề đó đều tác động đến đời sống văn hóa của Thủ đô và đều đòi hỏi phải tập trung cao độ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa ở Thủ đô. Hãy nhớ lại từ năm 1962, khi cả nước còn tập trung cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi đời sống văn hóa của đất nước đang ở đỉnh cao, một phóng viên tờ báo Nhân đạo của Pháp tại Hà Nội có phỏng vấn Bác Hồ: “Sau hòa bình, nước Việt Nam sẽ đặc biệt quan tâm vấn đề gì?”, Người đã trả lời: “Có lẽ cần phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa”2, và trong Di chúc thiêng liêng được khởi thảo từ năm 1965, vấn đề con người, giáo dục và phát triển con người, đặc biệt bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, vẫn được Người đề lên hàng đầu.

Từ khi đổi mới, đặc biệt từ sau Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, văn hóa Thủ đô vẫn nằm trong tốp các địa phương có trình độ cao về dân trí, về bảo vệ, tôn tạo các di sản văn hóa, về xây dựng văn hóa ở các khu dân cư. Hơn bất cứ địa phương nào khác, Hà Nội có một đội ngũ lớn các trí thức, văn nghệ sĩ mà sự nghiệp sáng tạo của họ đã được khẳng định. Nhưng có lẽ cũng giống như nhiều địa phương khác, chúng ta vẫn chưa xây dựng được văn hóa đô thị, văn hóa công sở. Tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống vẫn khá nghiêm trọng nhưng chưa có biện pháp khắc phục. Tội phạm xã hội vẫn gia tăng, môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái vẫn bị ô nhiễm. Có một câu hỏi mà tôi đã đặt ra tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về văn hóa, do Ban Bí thư tổ chức vừa qua: liệu các cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành đã thực sự hiểu và thấm nhuần các quan điểm mới của Đảng ta về văn hóa chưa? Tại sao có lúc, có nơi người ta sẵn sàng hy sinh cái văn hóa để làm kinh tế, sẵn sàng từ bỏ danh hiệu di sản văn hóa để lấy chỗ làm kinh doanh. Liệu câu hỏi đó có cần thiết đặt ra đối với Hà Nội không?

Tại Hội nghị tổng kết về văn hóa do Ban Bí thư triệu tập, một lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: từ mấy năm nay thành phố có chủ trương đưa những người được tặng các danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú và những người được giải thưởng khoa học nhà nước vào diện được Ban bảo vệ sức khỏe của thành phố chăm sóc. Liệu đó có phải là một kinh nghiệm hay giúp chúng ta trở về với chính sách trọng dụng hiền tài của cha ông không? Để xây dựng và phát triển văn hóa, đòi hỏi phải có một đội ngũ các chuyên gia, các trí thức, các văn nghệ sĩ tài năng và tâm huyết. Đó là vốn quý của xã hội, đặc biệt trong thời đại ngày nay, khi nhân loại đang nói nhiều đến kinh tế tri thức. Để những tài năng và tâm huyết đó hoạt động, sáng tạo nên các giá trị cần thiết cho xã hội lại cần có chất xúc tác. Chất xúc tác đó chính là các chủ trương, chính sách của Nhà nước nhằm khích lệ, động viên, đánh giá đúng các tài năng và biết tôn trọng các tài năng. Từ lâu Lênin đã căn dặn: Tài năng là rất hiếm. Cần biết tôn trọng tài năng.

Đã có một thời kỳ lịch sử lâu dài, Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ và tỏa sáng của các giá trị văn hóa Việt Nam, là đỉnh cao của văn hóa thời Đại Việt và thời đại Hồ Chí Minh. Đã có thời kỳ nhân loại tiến bộ coi Hà Nội là “thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Những nhận xét khách quan đó đã được chúng ta nhiều lần nhắc lại trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, như một lời tri ân đối với tiền nhân. Trong tình hình hiện nay, làm được những điều như tiền nhân đã làm, quả thực không dễ. Nhưng đó lại là mệnh lệnh của cuộc sống, là khát vọng đang cháy bỏng của trái tim hàng triệu người dân Thủ đô, của mấy chục vạn đảng viên cộng sản và đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Và hơn thế nữa, đó còn là điều mong mỏi thiết tha của hơn 90 triệu người Việt Nam và gần 4 triệu đảng viên cộng sản Việt Nam. Lịch sử luôn chứng minh rằng một sự phục hưng, chấn hưng nền văn hóa có thể tạo nên sự phát triển kỳ diệu của một đất nước, của một vùng miền. Trái lại, sự suy thoái về văn hóa, đặc biệt trên lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống, chẳng những không thể tạo nên sự phát triển, mà còn tạo nên sự phản phát triển, sự sụp đổ. Lời kêu gọi của đại văn hào M. Gorki xem ra hoàn toàn có lý khi ông viết: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi “Hỡi các công dân! Văn hóa lâm nguy””.

 

GS, TS. Trần Văn Bính

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

*****

1. Trích bút ký Hà Nội ơi! Lắng sâu nỗi nhớ của Lê Văn Thảo, báo Nhân dân cuối tuần, ngày 8-10-2000.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.13, tr.190.

 

Bình luận