Sức mạnh Trường Sa
Trường Sa là vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông, là lá chắn vững vàng trước phong ba bão táp cho đất Mẹ yêu thương. Ở nơi ấy, có những chiến sĩ hải quân đang ngày đêm đối mặt với sóng gió biển khơi bảo vệ chủ quyền và canh giữ sự bình yên cho Tổ quốc. Trong những ngày đầu tháng 5, Biển Đông đang căng thẳng do Trung Quốc đưa giàn khoan Hải dương - 981 vào thềm lục địa của nước ta, chúng tôi may mắn được đi công tác Trường Sa, được chứng kiến cuộc sống, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, những vất vả, gian khổ và ý chí kiên trung, sắt đá của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Đến Trường Sa mới thấm thía một chân lý giản dị, sức mạnh Trường Sa không chỉ ở tinh thần chiến đấu mà còn ở những công việc đời thường của cuộc sinh tồn; và hơn hết là ở tình đoàn kết quân - dân.
"Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"
Ở Trường Sa, việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu là việc làm thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao kỹ năng cũng như tinh thần của người lính. Tuy nhiên, đó không phải là công việc duy nhất của họ. Để có được diện mạo một quần đảo tươi đẹp và ngày càng được mở rộng hơn là nhờ công sức cải tạo cát san hô thành đất để trồng trọt, là những giọt mồ hôi thấm đẫm từng tấc đất trên đảo. Đảo Sơn Ca - là một đảo nổi thuộc cụmNamYết (một phần của xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa) - có hình bầu dục, nằm theo trục tây bắc - đông nam với địa hình nhô cao ở giữa và thoải dần về thềm san hô bao quanh. Bước đi quanh bờ kè trên đảo, ta mới thấy được ý chí và nghị lực phi thường của con người ViệtNamnói chung và của người chiến sĩ hải quân nói riêng. Đảo đang được mở rộng từng ngày, bằng đôi bàn tay và khối óc của người chiến sĩ, một diện tích hàng ngàn mét vuông lấn ra bãi san hô trước mặt đảo đã được cán bộ, chiến sĩ ở đây vừa hoàn thành và bắt đầu đến công đoạn cải tạo đất trồng cây. Đảo Sơn Ca không có nguồn nước ngọt tự nhiên. Đất đai trên đảo là cát san hô phủ một lớp mùn mỏng nhưng nhờ bàn tay cải tạo của các thế hệ chiến sĩ nên khá màu mỡ. Cây cối ở đây xanh tốt với các loài bàng vuông, muống biển, phi lao, sồi và một số loài cây ăn quả được trồng mới như bưởi, mít, na, ổi… các loại rau xanh như rau muống, rau dền, rau sam, rau thơm, ớt… được các chiến sĩ “quy hoạch” tập trung lại và che chắn rất cẩn thận. Sản lượng rau xanh và thực phẩm sản xuất ra đã bảo đảm được một phần nhu cầu trên đảo. Rất nhiều đảo nổi trên quần đảo Trường Sa đã bước đầu cung cấp một phần hoặc toàn bộ nhu cầu rau xanh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.
Trong quần đảo Trường Sa, đảo Sinh Tồn Đông được coi là “vương quốc cổ xưa nhất” của cây bàng vuông. Ai đã từng một lần được đến với Trường Sa đều háo hức được tận mắt nhìn thấy hoa và quả của loài cây này. Đảo Sinh Tồn Đông nằm trên một nền san hô ngập nước và có chiều dài khoảng gần 200 m, chiều rộng khoảng gần 100 m và được bao bọc bởi bờ cát san hô. Hai đầu của đảo có hai doi cát dài thường di chuyển theo mùa nhưng cơ bản đều nằm ở hai đầu của đảo. Trên đảo không có giếng nước ngọt, đất đai chỉ là cát san hô nên hầu như không trồng được rau xanh nhưng chính những khó khăn đó đã hun đúc nên sự đoàn kết, tự lực tự cường, chủ động cải tạo đất đai, tăng gia sản xuất của các chiến sĩ để đáp ứng một phần nhu cầu về thực phẩm và rau xanh trên đảo. Phía đông của đảo, có rất nhiều cây bàng vuông cổ thụ luôn xanh tốt quanh năm. Cây bàng vuông trên đảo Sinh Tồn Đông cao chừng 7-10 m, cành lá sum xuê, xanh tốt. Cánh hoa bàng vuông có màu trắng, nhị hoa mảnh, gốc hoa có một lá bắc nhỏ, cuống hoa dài khoảng 4 cm, lá đài màu xanh lục. Quả có đường kính khoảng 8-10 cm, hình đèn lồng 4 cạnh vuông, bên trong là lớp xơ xốp dày bao bọc hạt to chừng quả trứng gà so. Khi chúng tôi đến đây, bàng vuông đang bắt đầu vào mùa đơm hoa kết quả, những trái bàng xanh mơn mởn, trông như những chiếc đèn lồng biếc treo cao. Chính những quả bàng vuông ấy đã tô điểm thêm cho hòn đảo một vẻ đẹp duyên dáng và đáng yêu hơn. Đối với lính đảo Trường Sa, quả bàng vuông rất quý bởi nó là ngọn nguồn của sự sống và từ lâu đã là “biểu tượng” mỗi khi nhắc đến Trường Sa. Vì vậy, mỗi người ra đến đây đều có ý thức trân trọng, nâng niu từng bông hoa, chùm quả bàng vuông như bảo vệ hình ảnh, vẻ đẹp của quần đảo thân thương.
Thắm tình đoàn kết quân dân
Trong bất cứ cuộc hành trình đi thăm quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa Lớn là điểm đến quan trọng, hấp dẫn không thể bỏ qua. Trường Sa Lớn nổi lên như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa biển khơi bao la. Từ xa, hòn đảo hiện ra trước mắt ta thật rộng lớn, được bao phủ bởi màu xanh của cây cối. Đảo Trường Sa Lớn là một đảo san hô thuộc cụm Trường Sa, là thị trấn của huyện đảo Trường Sa. Chính vì vậy mà đây cũng là hòn đảo trù phú và có nhiều cán bộ, chiến sĩ và người dân nhất. Đảo Trường Sa Lớn nằm cách bán đảo CamRanh khoảng 254 hải lý. Đảo có dạng hình tam giác vuông với cạnh huyền nằm theo hướng đông bắc - tây nam. Đảo dài khoảng 630 m, chỗ rộng nhất khoảng 300 m và có diện tích khoảng 0,2 km2 (xếp thứ tư trong quần đảo). Trên đảo có cơ sở vật chất hạ tầng khá đầy đủ và hiện đại, với Ủy ban nhân dân, nhà chỉ huy, ngọn hải đăng, cầu tàu, đường băng, chùa, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nhà tưởng niệm Bác Hồ, nhà khách, trường tiểu học… Đây là một trong số ít đảo thuộc quần đảo Trường Sa có người dân sinh sống, với gần chục hộ gia đình. Chúng tôi có dịp ngồi trò chuyện với một trong các hộ dân đang sinh sống trên đảo. Hai anh chị ra đảo từ ngày mới cưới và bây giờ đã có hai con (con gái đầu 4 tuổi, con trai út 2 tuổi). Qua tâm sự họ cho biết cuộc sống ngày đầu mới ra đảo rất khó khăn vì chưa quen nhưng bây giờ rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Cán bộ, chiến sĩ và chính quyền thị trấn rất quan tâm chăm lo cho cuộc sống của các hộ gia đình cùng cố gắng xây dựng đảo ngày càng to đẹp hơn, phát triển hơn với mong ước một ngày không xa, nơi đây sẽ trở nên sầm uất không thua kém những thị trấn trong đất liền. Nhìn hai đứa trẻ nước da khỏe khoắn rám nắng hồn nhiên nô đùa mới thấy hạnh phúc và niềm vui của những người ở đất liền đang hiện diện thật thiêng liêng. Có lẽ, chính những đứa trẻ là nhịp cầu nối liền đất Mẹ với đảo xa, gắn chặt hơn mối quan hệ bền chặt thắm tình quân - dân.
"Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước"
Với nhiều người, được dự buổi lễ chào cờ trên quần đảo Trường Sa là vinh dự lớn, một dấu ấn không thể phai mờ. Được cất tiếng hát bài Tiến quân ca giữa biển trời bao la và ngước mắt lên nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong cái nắng gió mặn mòi của biển cả khiến cho nhiều khóe mắt long lanh xúc động. Tiếng hát cất lên hòa lẫn với tiếng gió, tiếng sóng biển rì rào bay vút lên bầu trời trong xanh vang mãi, xa mãi.
Đến mỗi hòn đảo, chúng tôi được chứng kiến tinh thần hăng say tập luyện, sự rắn rỏi của những chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, ẩn trong khuôn mặt rám nắng của các anh là ánh mắt ngời sáng, tự tin và cũng rất đỗi yêu thương. Tâm sự với những người lính trên đảo Trường Sa Lớn về cuộc sống và tình hình đang căng thẳng trên Biển Đông những ngày qua, các chiến sĩ cho biết: dù đời sống người lính vẫn còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn luôn lạc quan và với tinh thần của người lính Cụ Hồ là luôn tự lực, tự cường, phấn đấu rèn luyện ý chí sắt đá, chủ động nâng cao chất lượng huấn luyện, không ngại gian khổ, hy sinh, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương. Một niềm tin thường trực về cuộc sống, về hòa bình và tình hữu nghị giữa các quốc gia trên vùng Biển Đông luôn song hành với quyết tâm sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc
Rời xa những cảm xúc hân hoan, tự hào, tâm trạng mỗi người như lắng lại khi đến bãi cạn Cô Lin, phía xa xa là đảo Gạc Ma - bị Trung Quốc chiếm đóng sau trận hải chiến không cân sức năm 1988. Những nén hương thơm, những bông hoa cúc vàng tươi thắm được thả xuống biển khơi như gửi gắm tâm sự, lời biết ơn từ đáy lòng của mỗi người dân đất Việt đối với sự hy sinh, cống hiến của các anh cho Tổ quốc. Nhìn lá “cờ in máu chiến thắng mang hồn nước” tung bay trên những hòn đảo ở đây, lòng mọi người lại dấy lên niềm tự hào, những khát vọng to lớn về một đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường như ước nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời.
Những ai đã từng đến với Trường Sa khi trở về đất liền đều luôn tâm niệm câu nói của đồng chí Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải - Chủ nhiệm Chính trị Hải quân: “Con người ở Trường Sa kiêu hãnh, vững vàng lắm... Ra thăm đảo, chẳng cần mang quà gì, hãy mang “chính ta” ra biển. Tất nhiên, ở Trường Sa, có nhiều cái khác rất cần, nhưng cần nhất vẫn là “khát vọng biển, khát vọng dấn thân” và “mỗi người hãy là những viên đá lấp lánh bồi đắp thêm cho quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc ngày càng rộng và dài hơn”. Chúng ta nguyện sẽ là những “viên đá” sáng ngời, mang ý chí, tinh thần, sức mạnh của người lính và nhân dân trên quần đảo Trường Sa truyền đến với triệu triệu người dân đất Việt ở trong và ngoài nước, cũng như đến với bạn bè quốc tế.
TRẦN VĂN TRỌNG
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực