Sinh viên ngày càng lười đọc sách

Ngày đăng: 15/04/2015 - 08:04

Đọc sách là điều cần thiết giúp sinh viên (SV) tự học. Thế nhưng hiện nay, do sự tiện dụng của mạng internet khiến giới trẻ ngày càng thờ ơ với sách.

sinhvienngaycangluoidocsach

Thư viện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thưa vắng người đọc - Ảnh: Quang Hải

Thư viện vắng bóng người đọc

Khảo sát tại thư viện các trường đại học (ĐH) lớn của Hà Nội như: ĐH Sư phạm 1, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn… có thể nhận thấy ngay tình trạng thưa vắng người đọc. Thư viện rộng rãi, khang trang, sách thì nhiều mà người đọc thì ít.

Theo khảo sát 100 SV của Trường ĐH Tự nhiên ĐH Quốc gia Hà Nội thì chỉ có khoảng 30% SV tiếp cận thông tin từ sách, số còn lại chủ yếu sử dụng mạng internet. Tương tự ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng chỉ có khoảng 25% SV thường xuyên đọc sách. Tuy nhiên, thời lượng dành cho việc đọc sách chỉ chiếm khoảng từ 10 - 15% thời gian học tập của SV. Trong khi đó, yêu cầu của việc đào tạo theo tín chỉ thì phần lớn thời gian, SV phải dành cho việc tự học.

Chị Nguyễn Thị Thủy, Phó trưởng phòng Phục vụ bạn đọc, Trung tâm Thông tin thư viện ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Thư viện trường có khoảng 11 triệu đầu sách. Tổng lượt đọc sách tài liệu năm 2014 là hơn 309.000, giảm 15% so với năm ngoái. Các sách nhân văn thường được đọc nhiều hơn sách tự nhiên. Tuy nhiên, SV tới thư viện đọc sách ngày càng ít nên nhà trường đang có quyết định cắt giảm số nhân viên phục vụ thư viện và đầu tư thêm những trang thiết bị hiện đại như máy tính kết nối internet…”.

Do không thuận tiện?

Lý giải về việc “ít đọc hơn trước”, nhiều SV sẽ viện ra rất nhiều lý do như thiếu thời gian, tiền bạc và áp lực học tập... Bạn Lê Thị Mai Sương, SV năm 3 Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Trước đây, mình cũng tới thư viện đọc sách nhưng từ khi có smartphone, mình hay vào mạng internet đọc tin tức nhiều hơn. Đọc sách cũng rất thú vị nhưng nó mất nhiều thời gian, phải lên thư viện mượn sách rồi phải tranh thủ đọc để đi trả, trong khi đó internet cái gì cũng có và có thể đọc bất cứ lúc nào.”

Th.s Phan Quốc Hải, Trưởng khoa Báo chí truyền thông ĐH Khoa học Huế cho rằng: “SV hiện nay rất ít đọc sách, thậm chí có một bộ phận không nhỏ không biết đến khái niệm đọc sách là gì. Một bộ phận lớn SV hiện nay đọc sách rất thụ động, nghĩa là họ chỉ đọc khi có yêu cầu của giảng viên để thuyết trình, làm bài tập nhóm, thảo luận, kiểm tra... hoặc đọc theo kiểu phong trào, nói chung là để đối phó và phục vụ cho việc học một cách tức thời, họ chưa xem đọc sách như là công việc chính của việc học tập theo hệ tín chỉ như hiện nay”.

Theo ThS. Phan Quốc Hải, có nhiều lý do khiến cho việc đọc sách của SV ít dần như: không có môi trường đọc sách, phương tiện đọc kém, số lượng sách ít, chưa hay, chưa sát với chương trình học ở các thư viện hoặc công tác phục vụ, trả mượn sách ở một số nơi chưa tốt… Bên cạnh đó sự phát triển của nhiều phương tiện điện tử khác nhau là nguồn khai thác thông tin thuận tiện hơn sách khiến người đọc thưa vắng dần.

“Để cải thiện thực trạng này, cần tạo môi trường học tập và đọc sách một cách chủ động, hướng các em học sinh đọc sách tích cực và giáo dục các em về những giá trị lớn lao của việc đọc sách ngay từ thời còn học tiểu học và phổ thông. Đổi mới hơn nữa phương pháp giảng dạy, nâng cao sự chủ động của người học qua việc tiếp thu các kỹ năng, kiến thức từ sách…”, ông Hải đề xuất.

Theo Số liệu thống kê của Cục Xuất bản, bình quân mỗi năm, 1 người Việt Nam đọc được 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo. Trong đó loại sách được giới trẻ đọc nhiều nhất là truyện tranh (60%), kế đến là truyện ngắn (50%), truyện dịch (35%), tiểu thuyết trong nước (30%) và thơ (20%).

Quang Hải

Theo Báo Thanh niên


 

Bình luận