Suy nghĩ về văn hóa giao thông
Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn giao thông, nhưng những con số thống kê về tai nạn giao thông ở nước ta thời gian qua vẫn khiến chúng ta giật mình. Thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra đã được ví với thiệt hại của chiến tranh hay sóng thần ở Nhật Bản! Một giải pháp căn cơ cho tình hình này là xây dựng, nâng cao ý thức văn hóa của người tham gia giao thông.
Nhức nhối những con số
Trong tháng 5-2013, cả nước đã xảy ra 893 vụ tai nạn giao thông, làm chết 805 người và làm bị thương 521 người. Tính chung 5 tháng đầu năm 2013, cả nước đã xảy ra 4.602 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.138 người và làm bị thương 2.870 người. Bình quân mỗi ngày trong 5 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn cả nước xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người và làm bị thương 19 người1. Chỉ riêng trong tuần đầu tiên của tháng 6-2013, cả nước đã xảy ra 339 vụ tai nạn giao thông, làm chết 151 người, làm bị thương 232 người. Đặc biệt, trong 3 ngày đầu tháng 6, đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông thảm khốc, cướp đi sinh mạng 16 người, làm bị thương hơn 50 người.
Vượt đèn đỏ tại ngã tư Hùng Vương - Lê Hồng Phong (Hà Nội) sáng 27-6-2013. Ảnh: Văn Doãn Đức Minh
Ngày 21-10-2012, tại phiên họp Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói: “Tai nạn giao thông, chín tháng chết bằng một sư đoàn… làm mất sức chiến đấu mấy sư đoàn nữa, so với chiến tranh thì thiệt hại quá lớn”. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đánh giá, tai nạn giao thông ở nước ta đã thật sự trở thành quốc nạn, là thảm họa không kém gì sóng thần ở Nhật Bản!
Rất nhiều người nước ngoài sinh sống, làm việc lâu năm ở Việt Nam đã nói rằng, mọi sinh hoạt ở Việt Nam, thậm chí khó như… ăn mắm tôm cũng có thể làm quen được, nhưng riêng vấn đề giao thông thì… không thể!
Thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra là vô cùng lớn: Tính mạng con người, tài sản công dân, ngân sách nhà nước, và thực tế đã làm xấu đi hình ảnh một Việt Nam thân thiện, thanh bình trong mắt bạn bè quốc tế. Đầu tháng 6-2013, Tiến sĩ khảo cổ học Nishimura Masanari (48 tuổi, Đại họcOsaka, Nhật Bản) bị xe tải đâm trên quốc lộ 5 đoạn qua huyện Gia Lâm, Hà Nội. Dù được cấp cứu kịp thời, song nhà khảo cổ học có hơn 20 năm gắn bó với ViệtNamđã không qua khỏi. Cuối năm 2006, Giáo sư Seymour Papert, một nhà khoa học nổi tiếng thế giới làm việc tại Viện Công nghệMassachusetts(Mỹ) đã bị một xe máy đâm khi ông đang đi bộ qua đường phố Hà Nội, gây chấn thương sọ não. Tháng 8-2001, vụ tai nạn giao thông trên cầu Thăng Long, Hà Nội đã khiến ông Kuznetsov Kirin, tùy viên Đại sứ quán Nga thiệt mạng…
Ngày 20-5-2011, xảy ra một trong những vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại Việt Nam: Tàu du lịch Dìn Ký BD 0913 bị chìm trên sông Sài Gòn thuộc khu vực xã Bình Nhâm, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương làm 16 người thiệt mạng, trong đó có 4 người Trung Quốc, gây đau khổ cho biết bao người.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình tai nạn giao thông nhức nhối như hiện nay: Công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều hạn chế; kết cấu hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp tốc độ phát triển của xã hội; chế tài xử lý vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe; công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ cơ quan chức năng chưa quyết liệt, nhiều nơi còn xảy ra tiêu cực, thiếu nghiêm minh… Tuy nhiên, theo chúng tôi, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông diễn ra nghiêm trọng chính là ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt.
Các cơ quan chức năng cho rằng, nguyên nhân của hơn 80% số vụ tai nạn giao thông là do ý thức kém của người tham gia giao thông. Trên đường phố, nhất là ở các thành phố lớn, chúng ta liên tục chứng kiến những hình ảnh phản cảm, như người tham gia giao thông cố tình vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đường cấm; lấn làn, lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu... Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ vừa qua, tai nạn giao thông lại xảy ra nhiều ở khu vực nông thôn. Không ít vụ tai nạn giao thông chết người xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện uống rượu bia, không chấp hành luật lệ giao thông, ứng xử kiểu “đường ta ta cứ đi”!, “đèn đỏ ta cứ vượt”!
Nâng cao ý thức văn hóa của người tham gia giao thông
Trong y học, để chữa bệnh cứu người, trước hết, bác sĩ phải tìm ra bệnh. Ở đây, khi chúng ta đã xác định được nguyên nhân của hơn 80% số vụ tai nạn giao thông là do ý thức kém của người tham gia giao thông thì giải pháp sẽ phải tập trung “chữa trị”, giải quyết căn bản nguyên nhân này. Ai cũng hiểu, vấn đề quan trọng nhất là cần nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức văn hóa khi tham gia giao thông của người dân, tuy nhiên, điều này đòi hỏi một quá trình công phu, lâu dài, bao gồm cả việc khắc phục bất cập về kết cấu hạ tầng và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông. Cả hệ thống chính trị, nhà trường, gia đình... phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và đặc biệt là văn hóa giao thông, nhằm tạo thói quen hành xử có văn hóa, coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh của người tham gia giao thông. Để tạo ra sự chuyển biến thật sự về ý thức của người tham gia giao thông, cần phải triển khai quyết liệt, phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp, cả trước mắt và lâu dài.
Văn hóa giao thông là ý thức của con người trong quá trình xây dựng, sử dụng các công trình, phương tiện giao thông, trong thực thi pháp luật và ứng xử khi tham gia giao thông. Ý thức văn hóa khi tham gia giao thông, trước hết phải chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông; biết nhường nhịn nhau khi đường ùn tắc, khi va chạm; giúp đỡ người già, phụ nữ, trẻ em… và người bị tai nạn. Văn hóa giao thông không bỗng nhiên mà có. Để hình thành văn hóa giao thông, theo chúng tôi, cần có ba môi trường tốt: gia đình, nhà trường và xã hội.
Trong gia đình, bố, mẹ phải là tấm gương về chấp hành luật lệ giao thông để con cái noi theo. Bố, mẹ điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu… sẽ ảnh hưởng không tốt đến ý thức của trẻ em, và chắc chắn chúng sẽ tự hỏi hoặc nói thẳng với bố, mẹ rằng: Tại sao người lớn không nghe lời cô giáo dạy?
Ở trường học, học sinh các cấp học đã, đang được thầy cô giáo giảng dạy về chủ đề giao thông, văn hóa giao thông. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều môn học khác, học sinh chủ yếu được học “chay”, ít có điều kiện để thực hành nên khi ra đường còn nhiều lúng túng, thấy khác nhiều với những gì được học trong nhà trường.
Môi trường xã hội có vai trò đặc biệt đến việc hình thành, nâng cao ý thức văn hóa giao thông của người dân, nhưng hiện nay, môi trường rộng lớn này của chúng ta chưa thực sự tốt, thậm chí, có nhiều điều ảnh hưởng tiêu cực đến người tham gia giao thông. Các cơ quan chức năng chưa làm tốt trách nhiệm của mình, như hiện tượng mãi lộ của cảnh sát, thanh tra giao thông trên các tuyến đường diễn ra rất công khai, dẫn tới việc lái xe “nhờn”, coi thường luật pháp. Chế tài xử lý vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe. Nhiều xe công “cậy” biển xanh, cảnh sát giao thông thường “nương tay” nên coi thường luật lệ; lãnh đạo không nhắc nhở, phê bình lái xe khi vi phạm, lâu trở thành chuyện… bình thường!
Xuất phát từ tình hình tai nạn giao thông không ngừng gia tăng trong nhiều năm, ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị lấy “văn hóa giao thông làm khâu đột phá” và tập trung các giải pháp để thực hiện quyết liệt, tạo ra chuyển biến thật sự trong ý thức người tham gia giao thông.
Năm 2013 được ngành giao thông chọn là năm nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành luật lệ giao thông nhằm hạn chế, kéo giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, những số liệu về tình hình tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm nêu trên đã khiến người dân thực sự lo ngại. Trên đường phố, chúng ta bắt gặp những “khẩu hiệu” do lái xe “sáng tác” rất thực tế, có phần hài hước nhưng đã đánh trúng vào ý thức của người tham gia giao thông, sẽ rất hiệu quả, như: “Một người sai làn cả ngàn người khổ”; “Nhanh một phút, chậm cả đời!”. Hay trong cabin, người lái xe tự khuyên nhủ mình: “Nghĩ về em, anh nhẹ nhàng tay lái. Thương mẹ già, con êm ái chân ga!”.
Thay cho lời kết bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu kết quả một cuộc thăm dò ý kiến bạn đọc trên Website của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia http://www.antoangiaothong.gov.vn, tính đến 15 giờ ngày 26-6-2013. Nội dung cuộc thăm dò: Theo bạn để ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn giao thông, cần:
1. Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, đẩy mạnh phong trào chống tiêu cực khi làm nhiệm vụ.
2. Xử lý điểm đen về tai nạn giao thông.
3. Tăng cường chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông.
4. Nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước.
5. Nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
6. Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện giao thông.
7. Tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện.
8. Tất cả các ý kiến trên.
Kết quả thăm dò cho thấy: 47% người được thăm dò chọn phương án 8: “Tất cả các ý kiến trên”; 20% chọn phương án 5: “Nâng cao ý thức người tham gia giao thông”; 13% chọn phương án 1: “Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, đẩy mạnh phong trào chống tiêu cực khi làm nhiệm vụ”…
Với phương án 8, “tổng hợp” tất cả các phương án được nêu nên đạt tỷ lệ người ủng hộ cao nhất là đương nhiên. Ở đây, chúng ta cùng quan tâm đến phương án 5, đứng thứ hai với 20% ý kiến ủng hộ là giải pháp: “Nâng cao ý thức người tham gia giao thông”. Thực tế này như một đòi hỏi cấp bách: chúng ta phải làm tốt hơn, có hiệu quả hơn công tác tuyên truyền, bằng nhiều kênh khác nhau, để cùng các biện pháp khác trong ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội nhằm nâng cao ý thức văn hóa của người tham gia giao thông, để tai nạn giao thông không còn là nỗi ám ảnh đối với mọi người.
VĂN TIẾN BẰNG
Ban Tuyên giáo Trung ương
1. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2013 của Tổng cục Thống kê.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực