Tổ chức xã hội truyền thống của người Cơ Tu
Tổ chức xã hội là một trong những thành tố quan trọng của văn hoá tộc người, là chất kết dính cộng đồng, hướng đến sự vận hành trôi chảy của cấu trúc xã hội.Trong nhân học, tổ chức xã hội là một trong những hướng nghiên cứu được nhiều học giả lựa chọn. Nội hàm của mảng học thuật này rất phong phú khiến ranh giới các vấn đề cụ thể của nó với các mảng học thuật khác không dễ tách bạch được.
Tổ chức xã hội truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng như đa số trên thế giới và ở Việt Nam đều phản ánh thành phần cấu trúc, cơ chế hoạt động, hay thiết chế tồn tại cụ thể của hệ thống các quan hệ, tập hợp liên kết cá nhân trong cộng đồng nhằm đạt được một mục đích nhất định nào đó. Dựa vào các nguyên lý về dòng máu hay quan hệ công xã láng giềng, mà tổ chức xã hội đã được xem xét ở nhiều cấp độ khác nhau như nhóm gia đình, dòng họ, bản làng…
Trong xu thế đổi mới, giao lưu hội nhập hiện nay, hầu hết các tổ chức xã hội đều không giữ được những khuôn mẫu truyền thống của mình. Sự thay đổi đó biểu hiện nhiều xu thế vận động mới của văn hóa, xã hội, con người, trong đó có mặt tích cực và cả mặt hạn chế. Nghiên cứu tổ chức xã hội truyền thống của một tộc người cụ thể, như người Cơ tu ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hiện nay là một trong những công việc góp phần cho sự tiếp cận vấn đề lý luận cũng như thực tiễn nghiên cứu có nhiều ý nghĩa hơn.
Với dân số khoảng 61.588 người, phân bố chủ yếu ở hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, Cơ tu là một trong những dân tộc thiểu số còn lưu giữ được nhiều yếu tố văn hóa bản địa trong tổng số 54 dân tộc đang sinh sống trên đất nước Việt Nam. Từ những hợp phần gia đình, dòng họ, bản làng, bức tranh tổ chức xã hội truyền thống của tộc người dần được hiện lên với những cấu trúc, quy mô và cơ chế hoạt động khác nhau. ở mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh, tổ chức xã hội đó thể hiện những dấu ấn tiếp biến trong cấu trúc hoạt động và chức năng của mình. Trong bối cảnh hiện tại, những thay đổi về bản chất, cấu trúc, chức năng, quan hệ gia đình, dòng họ, bản làng cộng đồng người Cơ tu đang là những xu thế biến đổi tất yếu của một tộc người. Tuy nhiên, điểm tất yếu đó không phải bao giờ cũng mang đến những thuận lợi hay sự hòa hợp với xu thế, bối cảnh của sự thay đổi. Việc nhận diện chính xác những giá trị trong tổ chức xã hội truyền thống tộc người là những khởi đầu thuận lợi, và hữu hiệu trong việc xác định mối quan hệ giữa cơ chế vận hành theo tập quán pháp với hình thái quản lý nhà nước; nhằm giảm thiểu những khoảng cách, sự chồng chéo, va chạm giữa hai hình thức quản lý; đặc biệt, có thể tạo nên những nhân tố thúc đẩy sự phát triển thông qua chính sách, hệ thống quản lý của Nhà nước.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “tổ chức xã hội” không đơn thuần là một đối tượng nghiên cứu độc lập của một ngành khoa học nào, mà cơ bản, những vấn đề thuộc về hoặc liên quan đến tổ chức xã hội cũng là các đối tượng thu hút được sự quan tâm của các học giả ở nhiều ngành khoa học khác nhau. Điều này cho thấy tổ chức xã hội và các vấn đề liên quan có ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến mọi sự tồn tại, biến đổi và phát triển của tộc người.
Những nghiên cứu sớm nhất về tổ chức xã hội của các dân tộc ở Việt Nam không được nêu thành một công trình với tên gọi cụ thể là tổ chức xã hội, nhưng vấn đề này từ sớm đã được đề cập, đan xen trong các trang viết về lĩnh vực dân tộc học ở Việt Nam của các học giả ngoài nước. Tuy nhiên những nghiên cứu đã được công bố của các học giả nước ngoài về cơ bản không đi sâu vào bất cứ một lĩnh vực dân tộc học cụ thể nào. Họ chủ yếu khái quát một số tộc người thiểu số Việt Nam qua các tín ngưỡng cổ truyền, phong tục tập quán..., và đâu đó trong các trang viết là một vài nét điểm xuyết về tổ chức xã hội của tộc người.
Đối với các học giả trong nước, bên cạnh các nghiên cứu về lịch sử tộc người, văn hóa vật chất, sinh hoạt kinh tế, tín ngưỡng tôn giáo..., cũng không có nhiều công trình mang tên gọi cụ thể là “tổ chức xã hội”. Tuy nhiên đã có nhiều nghiên cứu đề cập đến vấn đề này. Và tùy vào từng mức độ khác nhau, việc nghiên cứu đó đã được tiến hành đối với các vùng, các tộc người trong toàn quốc, ở cả người Kinh cũng như 53 dân tộc anh em. Quá trình nghiên cứu này đã trải qua một chặng đường khá dài với sự đóng góp công sức và trí tuệ của các thế hệ những người nghiên cứu. Những chuyên khảo ngắn hoặc dài về từng dân tộc, các công trình có phổ rộng hay nghiên cứu liên quan, các bài viết, luận án, sách, báo cáo khoa học về lĩnh vực tổ chức xã hội là những thành tựu cơ bản về lĩnh vực này của giới dân tộc học Việt Nam. Đây là sự đóng góp không nhỏ cho thực tiễn, cũng như cho khoa học về mặt lý luận “đặc biệt là đối với nghiên cứu xã hội tiền nhà nước, sự hình thành nhà nước sơ khai, các loại hình lịch sử công xã, sự phát triển chế độ sở hữu, sự chuyển biến từ quan hệ huyết thống sang quan hệ láng giềng, sự tiến hóa từ xã hội nguyên thủy sang xã hội có giai cấp…”[1].
Tuy vậy, trên thực tế, lĩnh vực nghiên cứu về tổ chức xã hội ở nước ta vẫn chưa đồng đều trên diện rộng. Nhiều dân tộc chỉ mới được dành cho một vài chục trang, thậm chí chỉ mấy trang viết về mảng tổ chức xã hội. Tài liệu, thông tin về các dạng thức tổ chức xã hội, cũng như nội dung hoạt động, sự biến đổi qua các thời kỳ của nó trong lịch sử tộc người của các dân tộc vẫn chưa đầy đủ. Đặc biệt là những hạn chế như chưa thống nhất về mặt thuật ngữ, luận giải nội dung/tính chất của khái niệm “tổ chức xã hội”, vậy nên các vấn đề thuộc phạm vi nghiên cứu của lĩnh vực này khá đa dạng. Bên cạnh đó, các công trình đã công bố từ trước đến nay dường như thiên về dân tộc học người Việt, cụ thể là mảng đề tài về tổ chức xã hội làng xã của người Việt, mà chủ yếu là vùng trung du ở Bắc Bộ, còn miền Trung và đặc biệt là Nam Bộ chưa có nhiều nghiên cứu.
Dân tộc Cơ tu là một trong những tộc người tiêu biểu của nhóm Môn - Khơme ở miền Trung Việt Nam. Cùng với công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp ở Đông Dương, người Cơ tu và các tộc người thiểu số khác ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên và bắc miền Trung nói riêng dần được biết đến bởi các học giả nước ngoài trên rất nhiều khía cạnh như: văn hóa, địa chính trị, hôn nhân, tín ngưỡng… Nhưng những nguồn tư liệu trong thời kỳ này của các học giả nước ngoài (chủ yếu là Pháp), đều ít nhiều phục vụ cho chính quyền thực dân và công cuộc khai thác thuộc địa.
Các công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước về người Cơ tu đã giới thiệu khái quát văn hóa người Cơ tu ở Việt Nam trên các phương diện đời sống văn hóa xã hội tộc người, bằng các phương pháp tiếp cận và các mục đích nghiên cứu khác nhau. Nhìn chung, phần lớn các nghiên cứu đều tập trung vào người Cơ tu ở tỉnh Quảng Nam mà chưa quan tâm nhiều đến người Cơ tu ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, việc cuốn sách chọn người Cơ tu ở đây làm đối tượng quan tâm chính, sẽ cung cấp thêm các thông tin nhằm góp phần hoàn chỉnh bức tranh về văn hóa người Cơ tu ở Việt Nam nói chung một cách khách quan, đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, đối với các nghiên cứu đã được công bố trước đó, không có một công trình nào mang tên gọi cụ thể là “tổ chức xã hội người Cơ tu”, tuy rằng nội hàm của vấn đề này có được đề cập đến trong một số tác phẩm sách, bài viết hoặc báo cáo khoa học nghiên cứu về các lĩnh vực của văn hóa tộc người. Cuốn sách này tuy không phải là một sự đột phá trong nghiên cứu về người Cơ tu vì tất cả các vấn đề của tộc người đã được đề cập, nhưng ở khía cạnh lý luận, đây là công trình đầu tiên luận giải và hệ thống một cách đầy đủ các đơn vị cấu thành nên tổ chức xã hội truyền thống của tộc người, cũng như đặt vấn đề nghiên cứu ấy vào bối cảnh hiện tại. Vì vậy, công trình này góp phần khẳng định những giá trị văn hoá của tộc người qua cơ chế tổ chức xã hội truyền thống, góp phần phát huy những giá trị văn hóa cần kế thừa, cải biến để lồng ghép; kết hợp với hình thức quản lý xã hội hiện tại, nhằm tìm kiếm một mô hình tối ưu, phát huy được điểm tích cực của các hình thức quản lý xã hội đó, cũng như phục vụ cho sự nghiệp quản lý bền vững cộng đồng dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
TS. Trần Thị Mai An
Trích trong cuốn Tổ chức xã hội truyền thống của người Cơ Tu
ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế,
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 8-2014
[1]. Lưu Hùng: “Về việc nghiên cứu tổ chức và quan hệ xã hội các dân tộc”, Tạp chí Dân tộc học, số 1, 1994, tr. 51.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực