Tố Hữu – Nhà văn hóa hóa lớn của Đảng và dân tộc (Kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Tố Hữu (9-12-2002 – 9-12-2012)
Người ta biết nhiều về Tố Hữu là một nhà thơ lớn của dân tộc và của Đảng. Bởi sự nghiệp thơ ông là khúc ca say của tâm hồn, cảm xúc, tình cảm hòa đồng với một thời đại anh hùng, gắn liền với những thắng lợi mang ý nghĩa chiến lược của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, người ta tôn vinh ông - Tố Hữu: “Lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam”. Sự tôn vinh ông như vậy là hoàn toàn đúng, nhưng chưa đủ. Tố Hữu còn là nhà lý luận văn hóa, hay nói rộng ra là nhà văn hóa lớn của Đảng và dân tộc. Ông không chỉ làm thơ mà còn làm lý luận về văn hóa, là nhà chỉ đạo sự phát triển văn hóa Việt Nam.
Làm thơ ai cũng có tuyên ngôn cho thơ mình. Đó là nàng thơ gắn liền với tình yêu. Nàng thơ gắn liền với cái đẹp. nàng thơ là những nỗi niểm cảm xúc, hoài vọng, mộng tưởng siêu hình và hữu hình…
Tố Hữu dâng nàng thơ cho Đảng, cho nhân dân và để ban tặng cho chính mình. Mà cái chính mình của Tố Hữu lại hoàn toàn dâng hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Ta hãy điểm lại hành trang của Tố Hữu:
“Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi?”
Nào đâu ông đã nhận ra mình, chưa biết mình là ai, chưa biết mình sẽ đi đến đâu. Ông chỉ nhận ra chính mình khi được giác ngộ cách mạng và nhiệt thành đi theo cách mạng:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim”
Và:
“Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi”
“Mặt trời chân lý” là lý tưởng của Đảng.
Anh Lưu, anh Diễu là những chiến sĩ cộng sản trực tiếp giác ngộ cách mạng cho Tố Hữu từ những năm ông 17, 18 tuổi.
Và cũng từ đó hình thành nhà cách mạng, nhà thơ, nhà văn hóa Tố Hữu.
Trở lại với tuyên ngôn của những người làm thơ, Tố Hữu đã nhận ra mình, đã có con đường và sự nghiệp của mình, quan niệm thơ ca của ông là quan điểm văn hóa của Đảng; của dân tộc:
“Nhân dân là bể
Văn nghệ là thuyền
Thuyền xô sóng dậy
Sóng đẩy thuyền đi
Thuyền ra khơi xa
Gió căng buồm lộng
Buồm là lao động
Gió là Đảng ta”.
Khi làm Bí thư Trung ương Đảng, trọng trách của Đảng giao cho là trọng, nhưng là nhà thơ, nhà văn hóa, ông biết điều hòa mối quan hệ này:
“Làm Bí thư hoài có bí... thơ?
Rằng: Thơ với Đảng nặng duyên tơ
Thuyền bơi có lái, qua mưa gió
Không lái thuyền trôi, lạc bến bờ”...
Thơ là cuộc đời, là cuộc sống của chính mình, là sự gắn liền với những nỗi niềm riêng tư. Song ta tưởng, góc trời riêng chỉ dành cho ta, do ta độc hưởng, thì với Tố Hữu, ông vẫn có sự chia sẻ có lý, có tình mà ai cũng chấp nhận được:
Mà nói vậy: “Trái tim anh đó
Rất chân thật, chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ, và phần để em yêu
Em xấu hổ: Thế cũng nhiều anh nhỉ”.
Tố Hữu phát biểu tuyên ngôn - quan niệm thơ của mình cũng là quan điểm về văn hóa, văn nghệ cách mạng Việt Nam.
Ta còn nhớ trong lịch sử văn hóa cách mạng Việt Nam có hai cuộc tranh luận trên mặt trận văn hóa tư tưởng và quan điểm nghệ thuật:
Một: Cuộc tranh luận giữa quan điểm văn nghệ “Nghệ thuật vị nghệ thuật”, đứng đầu là Hoài Thanh, và quan điểm “Nghệ thuật vị nhân sinh”, đứng đầu là Hải Triều. Cuộc đấu tranh giữa hai quan điểm văn nghệ đối lập này kéo dài suốt thời kỳ mặt trận dân chủ (1936 - 1939) và kết cục là sự chiến thắng của quan điểm “Nghệ thuật vị nhân sinh” của Hải Triều.
Hai: Cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn - Giai phẩm. Các nhà văn thuộc nhóm này tiếp tục quan điểm văn nghệ lệch lạc, phê phán các sáng tác của Tố Hữu.Năm 1958, Tố Hữu có bài tổng kết về cuộc đấu tranh này với nhan đề: “Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn - Giai phẩm trên mặt trận văn nghệ”.Tố Hữu khẳng định đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng là hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt. Văn hóa, văn nghệ của Đảng thực sự là một mặt trận tư tưởng văn hóa sắc bén, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Tố Hữu có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu, các bài nói chuyện, trả lời phỏng vấn báo chí…về lý luận văn nghệ, về chiến lược phát triển văn hóa của Đảng từ những năm 1949. Nhưng mãi đến năm 1973, ông mới ra tập sách “Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, với thời đại ta”, gồm 24 bài. Tập sách của ông chia làm hai phần:
Phần một, đề cập đến các vấn đề lớn mang tính nguyên tắc, quan điểm và chiến lược phát triển văn hóa của Đảng qua các thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Phần hai, Tố Hữu đề cập đến đặc trưng và sự phát triển của các loại hình nghệ thuật như: Sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, văn học…Đặc biệt ở thể loại thơ ca, tâm sự của ông về thơ là quan niệm thơ ca cách mạng.
Cùng với “Đề cương văn hóa” của Đảng do đồng chí Trường Chinh khởi thảo, tập sách “Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ” của đồng chí Phạm Văn Đồng, cuốn “Xây dựng một nền văn hóa lớn xứng đáng với nhân dân ta, với thời đại ta” của Tố Hữu, luôn được các văn nghệ sĩ quan niệm, đánh giá là định hướng về quan điểm và thực tế sáng tạo nghệ thuật.
Năm 1981, Tố Hữu ra tiếp tập lý luận văn nghệ “Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật” bao gồm các bài viết từ 1970 đến cuối đời. Ông vẫn thủy chung như nhất trong mối quan hệ giữa văn nghệ với chính trị, giữa thơ với Đảng:
“Rằng thơ với Đảng nặng duyên tơ”.
Rằng: “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí”.Mặt khác, ông còn đề cập đến những vấn đề thời sự đang đặt ra, định hướng chiến lược về phát triển văn hóa Việt Nam và là khúc dạo đầu về lý luận trong sự đổi mới nghệ thuật, và tư duy nghệ thuật mới, bắt nhịp với sự tiến bộ, phát triển của cách mạng Việt Nam, xu thế phát triển của nhân loại.
Tư tưởng văn hóa nghệ thuật của ông, những sáng tác của ông mà ta mới khái quát, điểm lại ở đây, chắc chắn là chưa đầy đủ, nhưng đủ để ta khẳng định: Tố Hữu là một trong những nhà văn hóa lớn của Đảng và dân tộc.
Nhà thơ Tố Hữu được thừa hưởng văn minh văn hóa dân tộc từ gia đình, quê hương; được tiếp thu văn minh văn hóa hiện đại và cách mạng của thời đại. Ông là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân tộc, của Đảng. Năm 2002, ông mất. Đến nay đã chẵn 10 năm, ông đi vào thế giới bình yên, cõi vĩnh hằng.Thi đàn ngừng “Một tiếng đờn”. Nhân dân mất người nghệ sĩ dân gian “Suốt đời tôi nguyện làm người hát rong trong nhân dân”. Đảng ta mất đi người chiến sĩ văn hóa tiên phong từ ngày đầu khởi nghiệp. Nhưng thơ ông, tiếng ca say của ông, tư tưởng văn hóa, văn nghệ của ông còn ngân vang mãi trong lòng dân, lòng Đảng.
Nguyễn Mạnh Hùng
Trường Đại học Hồng Đức
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực