Tư tưởng của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin về Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng Cộng sản

Ngày đăng: 10/02/2015 - 08:02

Sự quan tâm sâu sắc của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin -  các lãnh tụ của giai cấp công nhân quốc tế - về Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng thể hiện sự gắn bó chặt chẽ giữa hoạt động lý luận và hoạt động thực tiễn cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động của các ông. Qua các tác phẩm Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản, Tuyên ngôn thành lập Hội Liên hiệp công nhân quốc tế và Điều lệ tạm thời của Hội Liên hiệp công nhân quốc tế và Điều lệ tạm thời của Hội liên hiệp công nhân quốc tế do C.Mác và Ph.Ăngghen khởi thảo, cũng như của một số đảng công nhân ở Tây Âu nửa cuối thế kỷ XIX, đã thể hiện hết sức rõ tư tưởng của các ông xung quanh vấn đề Cương lĩnh, Điều lệ Đảng.

Mac-Anghen-Lenin

Trong quá trình xây dựng nền tảng lý luận cho chủ nghĩa xã hội khoa học, C.Mác và Ph.Ăngghen rất chú ý tới công tác tuyên truyền và xây dựng tổ chức trong phong trào công nhân. Năm 1835, tổ chức "Đồng minh những người chính nghĩa" được thành lập ở Pari, đã mời C. Mác và Ph. Ăngghen tham gia, nhưng các ông đã từ chối, vì tổ chức này chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng tiểu tư sản của Vaitơlinh. Song, để tạo mối liên hệ rộng rãi giữa hoạt động lý luận và hoạt động cách mạng, thực tiễn, năm 1846 các ông thành lập" Ủy ban thông tấn cộng sản" Bruyxen. Thông qua Ủy ban này các ông gây ảnh hưởng tích cực về mặt lý luận đối với phong trào công nhân, trong đó "Đồng minh những người chính nghĩa" đã tiếp thu những cơ sở lý luận của Mác. Mùa xuân năm 1847, những người lãnh đạo Đồng minh những người chính nghĩa đề nghị C.Mác và Ph.Ăngghen tham gia cải tổ Đồng minh và xây dựng cho nó một cương lĩnh mới. C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhận lời tham gia với một số điều kiện nhất định. Tháng 6-1847, Đại hội "Đồng minh những người chính nghĩa" được nhóm họp ở Luân Đôn. Theo đề nghị của C.Mác và Ph.Ăngghen, "Đồng minh những người chính nghĩa" được đổi tên thành "Đồng minh những người cộng sản". Đại hội lần thứ nhất này của Đồng minh những cộng sản đánh dấu bước chuyển biến lớn về mặt tư tưởng và tổ chức của phong trào công nhân quốc tế.

Đại hội lần thứ hai của Đồng minh những người  cộng sản được triệu tập từ ngày 29-11 đến ngày 8-12-1847 dưới sự lãnh đạo của C.Mác và Ph.Ăngghen. Đại hội có sự tham gia của đại biểu công nhân các nước Anh, Đức, Pháp, Bỉ, Ba Lan, Thụy Sỹ... Đại hội có nhiệm vụ thảo luận và thông qua Điều lệ của Đồng minh những người cộng sản và giao cho C.Mác và Ph.Ăngghen thảo ra Cương lĩnh của Đồng minh dưới hình thức một bản Tuyên ngôn. Bản Điều lệ của Đồng minh những người cộng sản do Mác và Ăngghen khởi thảo có tên là: Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản. Điều lệ có 10 chương gồm 50 điều thể hiện những nội dung hết sức cơ bản  của một tổ chức cách mạng, chiến đấu của giai cấp công nhân quốc tế.

Qua nội dung của bản Điều lệ ta nhận thấy tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về bộ luật cơ bản của Đảng Cộng sản phải thể hiện những vấn đề sau:

1. Về tôn chỉ, mục đích của Đảng: Tại Điều lệ 1 Chương 1 của Điều lệ quy định: "Mục đích của Liên đoàn là: lật đổ giai cấp tư sản, lập nền thống trị của giai cấp vô sản, tiêu diệt xã hội cũ, tư sản, dựa trên sự đối kháng giai cấp, và xây dựng một xã hội mới không có giai cấp và không có chế độ tư hữu"1 . Sự quy định có thể được xem như là tuyên ngôn rút gọn về mục đích cuối cùng của Đảng Cộng sản. Sự phát triển về sau này của các Đảng Cộng sản, do hoàn cảnh khác nhau, việc thể hiện tôn chỉ, mục đích không giống nhau, song đều phải thể hiện mục tiêu cuối cùng mà Đảng phải hướng tới.

2. Về tư cách đảng viên, hội viên: Từ rất sớm, trong lịch sử Đảng Cộng sản C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ những tiêu chuẩn và điều kiện trở thành đảng viên của Đảng như: phải thừa nhận chủ nghĩa cộng sản; có nghị lực và lòng nhiệt tình phấn đấu theo tôn chỉ mục đích của Đảng; phục tùng nghị quyết  của Đảng; không tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội chống cộng sản; được một chi bộ kết nạp. Vấn đề tư cách đảng viên của Đảng bao giờ cũng là vấn đề quan trọng bậc nhất của Đảng Cộng sản. Nó là cơ sở để xây dựng nên tòa lâu đài của Đảng. Cũng chính trên vấn đề tư cách đảng viên của Đảng, về sau này, tại Đại hội II của Đảng Công nhân  dân chủ - xã hội Nga, tháng 7-1903, V.I. Lênin và các đồng chí của ông đã đấu tranh quyết liệt với L. Máctốp về đảng viên của Đảng trở thành ranh giới để phân biệt người cách mạng hay người cơ hội về mặt tổ chức trong Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga. Rõ ràng, khi soạn thảo và đưa ra công thức của mình, rằng:"Tất cả những người nào thừa nhận cương lĩnh của đảng và ủng hộ đảng bằng nhưng phương tiện vật chất cũng như bằng cách tự mình tham gia một trong những tổ chức của đảng, thì được coi là đảng viên của đảng"2. Lênin đã nghiên cứu và kế thừa Bản Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen khởi thảo. Mặc dù ở Điều 2, Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản, nói về điều kiện hội viên, C.Mác và Ph.Ăngghen chưa quy định việc đóng góp vật chất cho Liên đoàn, song có hai điểm đặc biệt quan trọng đã được đề cập: Hội viên phải thừa nhận chủ nghĩa cộng sản, phấn đấu theo tôn chỉ, mục đích của Đảng và được một chi bộ kết nạp. Điều này có nghĩa là, tổ chức đảng không phải là một câu lạc bộ, người muốn vào Đảng phải tự nguyện và được tổ chức đồng ý kết nạp. Và như vậy đảng viên phải hoạt động trong một chi bộ đảng. Đây chính là điểm mấu chốt, cốt tử phân biệt rạch ròi quan điểm cơ hội hay không cơ hội xung quanh vấn đề tổ chức của Đảng, mà V.I. Lênin đã đấu tranh bảo vệ đến cùng trong quá trình xây dựng Đảng Bônsêvích Nga, sau là Đảng Cộng sản Nga và Đảng Cộng sản Liên Xô. Tại Đại hội I của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga, đối lập với công thức của V.I. Lênin về điều kiện trở thành đảng viên của Đảng, L. Mác tốp và những người đồng chí của ông ta đưa ra công thức: "Tất cả những người nào thừa nhận cương lĩnh của đảng, ủng hộ đảng bằng những phương tiện vật chất và tự mình giúp đỡ đảng một cách đều đặn, dưới sự chỉ đạo của một  trong những tổ chức của đảng thì đều được coi là đảng viên của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga"3.

Sự khác biệt căn bản trong công thức của V.I. Lênin và công thức của L. Mác tốp chính là ở chỗ: V.I. Lê nin yêu cầu đảng viên phải tự giác gia nhập một tổ chức của Đảng, chịu sự quản lý của tổ chức  đảng, còn Mác tốp thì không đòi hỏi đảng viên phải như vậy, đảng viên không chịu sự quản lý của một tổ chức đảng, mà chỉ đặt dưới sự chỉ đạo của một tổ chức đảng nào đó. Chính V.I.Lê nin đã hỏi L. Mác tốp rằng: bằng cách nào để tổ chức đảng có thể chỉ đạo được một người nằm ngoài tổ chức của mình? Rõ ràng là Máctốp đã rời bỏ tư tưởng của C.Mác và Ph. Ăng ghen, theo Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản, về điều kiện và tiêu chuẩn trở thành đảng viên của Đảng. Đáng tiếc là công thức của Máctốp, do tương quan lực lượng trong Đại hội II, đã được Đại hội thông qua, còn công thức của V.I. Lênin chưa được chấp nhận. Song, lịch sử, xây dựng  các chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân theo tinh thần của cách mạng đã khẳng định tính đúng đắn của công thức của V.I. Lênin và công thức ấy trở thành một trong những nguyên tắc xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân trong thời đại cách mạng vô sản. Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm tiếp thu và vận dụng các nguyên tắc đó vào xây dựng đảng, để trở thành một Đảng Mác - Lênin kiên cường và lớn mạnh như ngày nay.

3. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng: Bất kỳ một tổ chức chính trị - xã hội nào cũng đều được thiếp lập và hoạt động theo những nguyên tắc nhất định. Đảng Cộng sản là chính đảng của giai cấp công nhân, đương nhiên phải được tổ chức theo những nguyên tắc xác định. Điểm đáng chú ý trong nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Liên đoàn những người cộng sản thể hiện trong Bản điều lệ, trên những điểm sau: Một là, toàn bộ Liên đoàn được tổ chức thành một hệ thống, từ thấp lên cao. Bắt đầu từ chi bộ đến khu bộ, tổng khu bộ, Ban Chấp hành Trung ương và Đại hội đại biểu Liên đoàn. Hệ thống đó được vận hành theo nguyên tắc: tổ chức cấp dưới phục tùng tổ chức cấp trên, toàn Liên đoàn phục vụ Đại hội đại biểu của Liên đoàn và phục tùng Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan chấp hành quyền lực của Liên đoàn, giữa hai kỳ Đại hội. Hai là, ở các chi bộ đảng của Liên đoàn, đảng viên trực tiếp bầu ra chủ tịch và phó chủ tịch của chi bộ. Các chủ tịch và phó chủ tịch chi bộ là ủy viên đương nhiên của Ban Chấp hành Khu bộ. Ban Chấp hành Khu bộ bầu ra người lãnh đạo của Khu bộ trong số ủy viên Ban Chấp hành.

Các Khu bộ cử ra đại biểu dự Đại hội Liên đoàn căn cứ theo số lượng đảng viên của Khu bộ. Đại hội của Liên đoàn là cơ quan: "có quyền lực lập pháp đối với toàn Liên đoàn. Tất cả những đề nghị về sửa đổi điều lệ được chuyển qua các tổng khu bộ lên Ban Chấp hành Trung ương và cuối cùng được đưa ra Đại hội"4 . Song, Đại hội không bầu ra Ban Chấp hành Trung ương của Liên đoàn, mà chỉ định ra địa phương mà Ban Chấp hành Trung ương sẽ đóng trụ sở trong năm tới. Ban Chấp hành Trung ương đóng trụ sở ở địa phương nào thì Khu bộ ở đó sẽ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương của toàn Liên đoàn. Ban Chấp hành Trung ương được tham dự Đại hội của Liên đoàn, nhưng không được quyền biểu quyết trong Đại hội. Nguyên tắc này bảo đảm  quyền dân chủ trực tiếp rất cao của các thành viên trong Liên đoàn. Mỗi năm một, tất cả tổ chức của Đảng, từ chi bộ đến toàn Liên đoàn, đều tiến hành Đại hội vào những tháng được quy định trước, tháng 7 và tháng 8. Chi bộ thực sự là nơi cử ra những đại biểu tiêu  biểu  cho Liên đoàn. Bất kỳ đảng viên nào, dù giữ cương vị cao đến mấy trong cơ cấu tổ chức của Liên đoàn, đều phải trải qua bầu cử dân chủ từ chi bộ. Nếu không được sự tín nhiệm từ chi bộ thì không thể có cơ hội tham gia vào cuộc bầu cử của Đại hội cấp trên. Đây chính là điểm đặc sắc thể hiện tinh thần dân chủ rất cao của Liên đoàn. Nguyên tắc này về sau không thấy được vận dụng trong tổ chức của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga, cũng như ở các Đảng Cộng sản thành lập sau này.

Về tính tập trung trong tổ chức của Liên đoàn, C. Mác và Ph. Ăngghen cũng đã có những thiết kế khởi thảo rất đáng chú ý. Bản Điều lệ quy định rằng, tổ chức đảng cấp dưới phải phục tùng tổ chức đảng cấp trên. Ví dụ, Ban Chấp hành Khu bộ là cơ quan chấp hành quyền lực đối với tất cả các chi bộ thuộc Khu bộ. Đại hội là cơ quan lập pháp của toàn Liên đoàn; Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan chấp hành quyền lực của Liên đoàn giữa hai kỳ đại hội... Như vậy, về mặt tổ chức, quyền lực được tập trung cao nhất vào Đại hội của Liên đoàn, kể cả Ban Chấp hành Trung ương cũng không có quyền chi phối các quyết định của Đại hội. Nhưng sau Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương sẽ được Khu bộ nơi Ban Chấp hành Trung ương đóng trụ sở bầu ra và các tổ chức trong Liên đoàn phải phục tùng Ban Chấp hành Trung ương.

Tóm lại, về thuật ngữ, Bản Điều lệ chưa nói Đảng được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, nhưng qua những quy định hoạt động của Liên đoàn thì thấy, Liên đoàn bảo đảm tính dân chủ rộng rãi cho các thành viên của Liên đoàn, nhưng tập trung cao quyền lực chính trị của Đảng vào Đại hội và vào Ban Chấp hành Trung ương của Đảng.

Xung quanh nguyên tắc tổ chức của Đảng, tại Đại hội III của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga, Lênin và các đồng chí của ông đã kiên trì đấu tranh với chủ nghĩa cơ hội trong Đảng để bảo vệ chế độ tập trung trong Đảng. Chắc chắn V.I. Lênin đã nghiên cứu và vận dụng nguyên tắc xây dựng hệ thống tổ chức như C. Mác và Ph. Ăngghen đã nêu trong Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản, ở chỗ: các tổ chức đảng cấp dưới phải phục tùng Đại hội. Ở đây chỉ có một điểm khác biệt trong tư tưởng của V.I. Lênin so với Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản là: Theo V.I. Lênin Đại hội của Đảng phải bầu ra Ban Chấp hành Trung ương. Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội, có quyền quyết định  đối với các tổ chức đảng cấp dưới. Nhưng trong tư tưởng C.Mác và Ph.Ăngghen thì Ban Chấp hành Trung ương không do Đại hội bầu, mà do  Khu bộ, nơi Ban Chấp hành Trung ương đóng trụ sở bầu ra. Ban Chấp hành Trung ương không có quyền chỉ định tổ chức đảng cấp dưới, việc chỉ định tổ chức đảng cấp dưới, ví dụ các Tổng Khu bộ, phải do Đại hội của Liên đoàn. Ở đây, về hình thức thì không có khác biệt lớn, nhưng về nội dung và ý nghĩa thì có sự khác biệt không nhỏ. C. Mác và Ph. Ăngghen rất chú ý đến việc xây dựng đảng từ cơ sở, bảo đảm các quyền của tổ chức chi bộ, Khu bộ và hạn chế quyền, hoặc không mở rộng quyền của Ban Chấp hành Trung ương. Tư tưởng của V.I. Lênin, do điều kiện lịch  sử đòi hỏi, luôn luôn hướng tới xây dựng một chính đảng tập trung thống nhất cao độ, đủ sức dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh sinh tử với chế độ Nga Hoàng và giai cấp tư sản Nga đầu thế kỷ XX. Song cũng chính V.I. Lênin đã từng chỉ ra rằng, trong điều kiện có tự do chính trị thì cần phải thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi. Chế độ dân chủ rộng rãi bảo đảm cho Đảng lựa chọn và bố trí đúng đắn cán bộ, đảng viên, đồng thời kiểm tra thường xuyên và chặt chẽ cán bộ của Đảng. Nhưng trong điều kiện không có tự do chính trị, việc thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi là dại dột trước chế độ chuyên chế và không thể  thực hiện được. Nghiên cứu vấn đề tập trung dân chủ trong tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen và V.I. Lênin đặt ra  cho các đảng cộng sản cầm quyền hiện nay nói chung, Đảng cộng sản Việt Nam, nói riêng một vấn đề cần suy nghĩ: chúng ta có tự do chính trị (đương nhiên vẫn luôn phải đấu tranh chống các thế lực thù địch), chúng ta thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi trong Đảng như thế nào, để đảm bảo cho mỗi đảng viên thật sự có quyền dân chủ, mỗi cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng đều phải được "đo" sự tín nhiệm của mình từ các tổ chức cơ sở của Đảng. Nếu không vượt qua "cửa ải" cơ sở thì những đảng viên đó không thể nào có thể tham gia vào các cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng. Đồng thời với việc tập trung quyền lực chính trị của toàn Đảng vào Đại hội đại biểu toàn quốc, cũng cần phải giới thiệu quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương phải được kiểm soát thường xuyên, từ phía các tổ chức cơ sở của Đảng. Nghiên cứu tư tưởng của C.Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin  về Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng gợi cho chúng ta những suy nghĩ sâu hơn một bước lý luận của các ông về Đảng của giai cấp công nhân, trong điều kiện đời sống xã hội đòi hỏi phải mở rộng dân chủ để tiến cùng thời đại.

PGS.TS. NGÔ HUY  TIẾP

Học viện Xây dựng Đảng - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Trích trong "Nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác xây dựng Đảng hiện nay",

Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2014.

1.4, C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia , Hà Nội, 2005, t.4, tr. 732.

2.3, V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ Mátxcơva, 1979, t.8, tr. 268.



Bình luận