Từ ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến ý chí quyết tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong thời kỳ mới

Ngày đăng: 13/04/2015 - 10:04

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã qua đời, nhưng Người đã để lại cho chúng ta bản Di chúc lịch sử, trong đó vừa chứa đựng những tư tưởng lớn của Người về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng như­­ phong trào cách mạng thế giới, vừa thể hiện trách nhiệm và tình thương yêu bao la của Người đối với đồng bào, đồng chí, anh em trong nước và bạn bè quốc tế. Một trong những nội dung thể hiện rõ tư tưởng, tình cảm, ý chí, quyết tâm, tinh thần lạc quan cách mạng của Người trong bản Di chúc lịch sử là niềm tin chiến thắng và ý chí quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Từ thực tiễn tình hình quốc tế và trong nước, từ bản chất, âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đối với nước ta, nhất là từ tương quan so sánh lực lượng địch ta ở thời điểm đó, Người đã dự  báo: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người"1, và Người đã khẳng định niềm tin sắt đá rằng: "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn"2.

Niềm tin sắt đá của Người về thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bắt nguồn từ những cơ sở khách quan khoa học. Đó là, đường lối chính trị, quân sự, biểu hiện tập trung ở đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện và đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng. Đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc sáng suốt, tài tình của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, tập trung ở "Bộ thống soái" lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh. Đó là ý chí quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ trên cả hai miền Nam Bắc và mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia anh em, là sự cổ vũ, ủng hộ, giúp đỡ vô tư­, có hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa, của anh em, bè bạn trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Đó là sức mạnh tổng hợp của dân tộc ta được kết hợp chặt chẽ với sức mạnh thời đại, sức mạnh của truyền thống kết hợp với sức mạnh hiện tại, sức mạnh của tiền tuyến lớn miền Nam và hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Niềm tin, ý chí quyết tâm và chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của Người đã thôi thúc, cổ vũ, động viên cả nước lên đường với tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", "Cuộc đời đẹp nhất là ở trên trận tuyến chống quân thù", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược". Dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, với tinh thần không quản ngại khó khăn, gian khổ, chiến đấu, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ trên cả hai miền Nam Bắc, chúng ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nhất là thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, của chiến dịch Quảng Trị năm 1972 đã tạo nên so sánh lực lượng hoàn toàn có lợi cho ta cả về thế và lực để chúng ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng Đại thắng mùa Xuân lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện trọn vẹn mong ­­ước của Người.

Thực hiện Di chúc của Người, trong những năm qua, sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu to lớn.

Sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, nhất là trên các địa bàn chiến lược, biên giới, hải đảo được tăng cường một bước. Theo đó, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc đã được tăng cường thêm, làm tăng thêm khả năng giữ vững hòa bình để đưa đất nước phát triển, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần ngăn chặn, loại trừ nguy cơ chiến tranh và tăng cường khả năng đối phó thắng lợi các tình huống chiến tranh nếu xảy ra.

Thực hiện quan điểm chỉ đạo "Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, không ngừng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh, nhân dân phù hợp với hoàn cảnh mới"3, trong những năm qua, nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập tự chủ, tự lực tự cường, từng bước hiện đại được chú trọng triển khai xây dựng toàn diện, rộng khắp, có chiều sâu, có bước phát triển mới cả về tiềm lực quốc phòng và thế trận quốc phòng.

Tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân bao gồm cả lực lượng tiềm tàng và lực lượng hiện hữu trên các mặt kinh tế, chính trị, tinh thần, khoa học công nghệ và quân sự, nhất là trên các địa bàn chiến lược được nâng lên một bước. Thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã được triển khai rộng khắp, chặt chẽ và liên hoàn, nhất là sau khi có Nghị quyết về "Chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030", tiềm lực và thế trận quốc phòng trên biển đã được triển khai xây dựng ngày càng toàn diện và vững chắc hơn.

Chất lượng xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) được nâng cao một bước. Đã nhận thức ngày càng rõ hơn, đầy đủ hơn và sâu sắc hơn rằng, việc xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) là một thành phần trong thế trận quốc phòng toàn dân, đảm bảo phòng thủ trên một địa bàn, một hướng nhất định cả thời bình và thời chiến. Qua thực tiễn xây dựng khu vực phòng thủ đã xác định ngày càng rõ hơn tính chất tổng hợp, toàn diện của một tổ chức phòng thủ, khu vực phòng thủ. Trên cơ sở đó đã thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tổ chức triển khai xây dựng khu vực phòng thủ của các cấp, các ngành về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và quân sự.

Thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân đã kết hợp chặt chẽ với nhau trong thế trận chung bảo vệ Tổ quốc cả cấp vĩ mô và vi mô, trên phạm vi cả nước và từng địa phương cơ sở, nhất là ở vùng xung yếu, trọng điểm (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ), khu vực biên giới, thành phố lớn, làm gia tăng đáng kể sức mạnh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Trong những năm qua, đối ngoại quốc phòng đã được đẩy mạnh và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đối ngoại quốc phòng đã kết hợp tốt với hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, nâng cao vị thế đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và phát triển đất nước. Đồng thời, đã giúp phần tạo thế vững chắc cho hoạt động đối ngoại của Đảng, của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước phát triển.

Việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với xây dựng, củng cố quốc phòng được triển khai toàn diện ở tất cả các cấp, các ngành, các địa bàn, đặc biệt ở vùng trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược, kế hoạch củng cố quốc phòng, nhất là trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, làm cho kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh gắn bó với nhau ngày càng chặt chẽ hơn. Các khu kinh tế - quốc phòng và các khu quốc phòng - kinh tế đã được củng cố, phát triển thêm một bước quan trọng, vừa tạo thế trận, "phên dậu" và sức mạnh bảo vệ tại chỗ, nhất là trên các địa bàn, các hướng chiến lược, đặc biệt là trên biên giới phía Bắc và địa bàn Tây Nguyên, vừa góp phần quan trọng ổn định dân cư, phát triển kinh tế, văn hóa, ổn định chính trị - xã hội trên các địa bàn chiến lược.

Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng được giữ vững và tăng cường một bước. Đã tiếp tục bổ sung, hoàn thiện một bước quan trọng cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng và lực lượng vũ trang nhân dân, tăng cường chức năng tham mưu của Quân ủy Trung ương, của Bộ Quốc phòng trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Đã tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự địa phương chủ trì phối hợp với các ban, ngành làm tham mưu và nòng cốt trong xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ núi rừng, trong tổ chức thực hiện sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng trên phạm vi cả nước, cũng như từng địa phương cơ sở nói chung. Tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong quân đội thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong đó đã chú trọng đào tạo, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ các cấp. Trong thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng đã từng bước thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tập trung xây dựng quy chế thống nhất quản lý, phối hợp hoạt động quốc phòng với an ninh, đối ngoại.

Trong giai đoạn mới, trước sự tác động của tình hình thế giới, khu vực với sự vận động, biến đổi phức tạp, nhanh chóng, khó dự lường; trước sự tác động của tình hình trong nước cùng với những thời cơ, thuận lợi là những khó khăn, nguy cơ, thách thức đan xen; trước những âm mưu, thủ đoạn và hành động chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch; trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa bên cạnh những thuận lợi cơ bản, chắc chắn cũng phải trải qua những khó khăn, thách thức mới.

Trong những điều kiện đó, để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, biến ý chí quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước thành ý chí quyết tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải quan tâm đến một số vấn đề chủ yếu sau đây:

- Cần nhận thức đầy đủ hơn về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới được thể hiện trong "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" và được tiếp tục nhấn mạnh trong các Văn kiện Đại hội Đảng, trên cơ sở đó quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố tiềm lực và thế trận quốc phòng trên các mặt kinh tế, chính trị, tinh thần, khoa học công nghệ và quân sự, nhất là trên các địa bàn chiến lược.

- Tiếp tục triển khai việc giáo dục quốc phòng toàn dân theo quan điểm mới về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm công dân trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là cơ sở. Làm cho cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành nhận thức và quán triệt đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" và các quan điểm trong các Nghị quyết Đại hội Đảng.

- Chú trọng xây dựng "thế trận lòng dân" làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc. Bản chất nền quốc phòng của dân, do dân và vì dân đòi hỏi phải tạo dựng được một "thế trận lòng dân" thực sự vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Trong điều kiện mới của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, các thế lực thù địch đã và đang ráo riết thực hiện những biện pháp "đánh vào lòng người", lợi dụng những vấn đề "dân tộc", "tôn giáo", "dân chủ", "nhân quyền" nhằm làm suy yếu cơ sở chính trị - xã hội của nền quốc phòng toàn dân, gây mất ổn định chính trị - xã hội, làm cho dân xa Đảng, đối lập dân với Đảng, thì vấn đề xây dựng "thế trận lòng dân" vừa là đòi hỏi bức thiết của tình hình, vừa đặt ra yêu cầu phải có nội dung và phương thức xây dựng mới phù hợp hơn.

- Mở rộng quan hệ đối ngoại quân sự, quốc phòng và nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại quân sự, quốc phòng, nhất là trong điều kiện nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần có nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và có chiến lược, kế hoạch hoạt động cụ thể, phù hợp nhằm đem lại hiệu quả thiết thực. Tăng cường đấu tranh quốc phòng trong điều kiện mới.

- Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong điều kiện Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, đối ngoại là yêu cầu khách quan, đòi hỏi phải được giải quyết hợp lý, cụ thể trong từng bước đi, trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước. Cần thống nhất nhận thức và giải quyết tốt mối quan hệ quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, những phát triển mới của tình hình và yêu cầu mới của mối quan hệ đó khi Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và tham gia ngày càng nhiều vào các tổ chức diễn đàn quốc tế, khu vực.

Thiếu tướng, PGS. TS. Nguyễn Vĩnh Thắng

Trích trong “Một số vấn đề về bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới”,

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2014.

1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 623, 612.

3. Tài liệu học tập Nghị quyết lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2003, tr. 47.


Bình luận