Tác giả: TS. Trương Thị Mỹ Nhân
Số trang: 312 trang
Giá tiền: 52.000 đồng
Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tự do hóa tài chính là xu thế tất yếu và mang lại nhiều lợi ích cho mỗi quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Nhờ tự do hóa tài chính, nhiều nước đang phát triển đã thu hút được lượng vốn đầu tư rất lớn và tiếp nhận nền tảng công nghệ hiện đại từ các nước công nghiệp phát triển để mở rộng sản xuất kinh doanh và thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, dòng vốn vào tăng mạnh cũng gây khó khăn cho các cơ quan quản lý tài chính trong việc duy trì ổn định giá trị bản tệ và ngăn chặn nguy cơ đào thoát của dòng vốn đầu tư.
Những năm qua, toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển cả về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện với những tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen rất phức tạp. Trong hai thập kỷ gần đây, thế giới đã chứng kiến những cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á năm 1997 và khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ Mỹ năm 2008. Một trong những nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng trên là tự do hóa tài chính. Ngoài những tác động tích cực như mở rộng các tiện ích của hệ thống tài chính ngân hàng, tăng quy mô dòng vốn và đầu tư, góp phần cải thiện các cân đối vĩ mô của nền kinh tế…, tự do hóa tài chính có thể dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn, khó lường và tác động tiêu cực tới sự phát triển bền vững của mọi nền kinh tế, từ các nước đang phát triển đến các nền kinh tế đầu tàu của thế giới.
Cuốn sách Tác động của tự do hóa tài chính đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam của TS. Trương Thị Mỹ Nhân, sẽ đề ra các mục tiêu, quan điểm và giải pháp tiếp tục thực hiện quá trình tự do tài chính góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở nước ta giai đoạn đến năm 2020.
Nội dung sách trình bày cơ sở lý luận và thực tiễn về tác động của tự do hóa tài chính đối với tăng trưởng kinh tế, những kinh nghiệm tự do hóa tài chính đối với tăng trưởng kinh tế của một số nước và bài học rút ra cho Việt Nam. Tác giả cũng đưa ra các phân tích, đánh giá rất chi tiết về diễn biến quá trình tự do hóa tài chính ở nước ta giai đoạn 1990 -2010, những tác động tích cực cũng như tiêu cực của tự do hóa tài chính đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam thời kỳ vừa qua.
Cuốn sách gồm ba chương:
Chương I:
Cơ sở lý luận và thực tiễn về tác động của tự do hóa tài chính đối với tăng trưởng kinh tế.
Chương II:
Thực trạng tác động của tự do hóa tài chính đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.
Chương III:
Mục tiêu, quan điểm và giải pháp tiếp tục thực hiện tự do hóa tài chính góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đến năm 2020.