Tác phong, lề lối công tác cán bộ Ðoàn

Ngày đăng: 11/03/2014 - 16:03

Thực hiện Chỉ thị số 01 ngày 17-5-2013 của Ban Thường vụ T.Ư Ðoàn về Tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Ðoàn và bám sát chủ đề công tác đoàn, phong trào thanh, thiếu nhi năm 2014 - Năm Thanh niên tình nguyện, Ban Bí thư T.Ư Ðoàn vừa ban hành hướng dẫn một số trọng tâm triển khai Chỉ thị 01 trong năm 2014. Có thể nói, Ban Bí thư T.Ư Ðoàn đang có những quan tâm cụ thể tới chất lượng, tác phong của người cán bộ đoàn trong giai đoạn hiện nay.

Tac phong can bo DoanCác cán bộ đoàn, hội TP Hồ Chí Minh tham gia các hoạt động tình nguyện vì trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

16 điều nên làm và không nên làm

Một trong những mục tiêu của hướng dẫn là cần quán triệt đầy đủ đến cán bộ đoàn chuyên trách và phổ biến rộng rãi đến cán bộ đoàn cơ sở, cán bộ không chuyên trách những nội dung chủ yếu của "8 điều nên làm" và "8 điều không nên làm"; lựa chọn được những điều cụ thể, phù hợp với yêu cầu rèn luyện đội ngũ cán bộ của đơn vị để đặt làm trọng tâm thực hiện. Ðáng chú ý, Ban Bí thư T.Ư Ðoàn quy định: Sử dụng quy định về "8 điều nên làm" và "8 điều không nên làm" để giám sát cán bộ và bổ sung nội dung kiểm điểm, đánh giá cuối năm theo quy định của cơ quan quản lý cán bộ các cấp.

Những điều nên làm đối với cán bộ đoàn chuyên trách, cán bộ giữ chức vụ từ bí thư Ðoàn cơ sở trở lên, gồm: Trách nhiệm về việc nhận thức đầy đủ trách nhiệm cá nhân trong tập thể, không đùn đẩy trách nhiệm; đề cao tính chủ động trong công tác; suy nghĩ tích cực, toàn diện và thận trọng; tham mưu hoặc chỉ đạo triển khai công việc đến nơi đến chốn; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá; nêu cao trách nhiệm trong bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài sản, phương tiện làm việc chung. Sáng tạo trong tổ chức các hoạt động của Ðoàn; tích cực hiến kế, đóng góp các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; tránh làm việc theo lối mòn. Sáng tạo trên cơ sở nắm chắc lý luận và hiểu biết thực tiễn, đổi mới để công việc thiết thực, hiệu quả hơn. Nội dung không nên làm, gồm không nên quan liêu, hành chính hóa: cần tránh việc chỉ chú trọng ban hành văn bản mà không chú trọng đôn đốc, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện; đánh giá, tham mưu báo cáo của cấp dưới thiếu cơ sở thực tiễn; thiếu quan tâm, gần gũi, lắng nghe ý kiến của đoàn viên, thanh thiếu nhi.

Nội dung nên làm đối với cán bộ đoàn không chuyên trách, ủy viên ban chấp hành Ðoàn cơ sở và chi đoàn, gồm: Xung kích đảm nhận thực hiện việc mới, việc khó, nhiệm vụ quan trọng của địa phương, cơ quan, đơn vị; xung kích thực hiện nếp sống văn hóa mới, nhất là trong việc cưới, việc tang, tổ chức và tham gia lễ hội. Gương mẫu: nhất là nói đi đôi với làm; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chấp hành nghiêm túc thời gian, bảo đảm tiến độ công việc. Nội dung không nên làm: Hình thức, đối phó, nhất là tránh triển khai công việc không sát sao, có hoạt động nhưng không rõ hiệu quả; triển khai các chương trình, mô hình công tác một cách rập khuôn, máy móc, không phù hợp với địa phương, đơn vị; vì thành tích nên báo cáo chung chung, thiếu kiểm chứng và đánh giá thiếu nghiêm túc.

Ban Bí thư T.Ư Ðoàn cũng đưa ra một số biện pháp cụ thể để đội ngũ cán bộ đoàn thực hiện. Ðáng chú ý là, mỗi tuần thêm ít nhất một giờ làm việc tình nguyện cho công việc của Ðoàn (ngoài giờ hành chính). Mỗi tháng tham dự ít nhất hai hoạt động tình nguyện của thanh niên. Trong năm có ít nhất một sáng kiến trong công tác được ghi nhận ở cấp cơ sở. Hạn chế uống rượu, bia và không uống rượu, bia trong giờ làm việc, vào buổi trưa.

Nhiều cán bộ đoàn làm việc, công tác phần lớn dựa vào kinh nghiệm và sự nhiệt tình, chưa được đào tạo và rèn luyện các kỹ năng. Tác phong, lề lối làm việc của một bộ phận cán bộ đoàn chưa nghiêm túc, chưa thực sự chuẩn mực trong phát ngôn; hành chính hóa các hoạt động của Ðoàn, có lúc nói và việc làm chưa thống nhất... Một số cán bộ đoàn chủ chốt còn hạn chế, chưa mạnh dạn và chưa hiệu quả trong việc tham gia ý kiến đối với công tác xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền. Ngoài ra, khả năng cụ thể hóa, năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy chưa tốt; thụ động trong tham mưu, đề xuất, phối hợp triển khai thực hiện. Có nơi, có lúc, việc chỉ đạo các hoạt động còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu, tính thiết thực và hiệu quả chưa cao.

Lê Trí Vũ

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Kiến An (Hải Phòng)

 

Cần triển khai nghiêm túc trong thực tế

Chủ trương đã có, văn bản cùng những tiêu chí cụ thể đã được ban hành. Vấn đề quan trọng của các cấp bộ đoàn cả nước là việc quán triệt, triển khai Chỉ thị số 01 và hướng dẫn này trong thực tế hoạt động của đội ngũ cán bộ đoàn. Một chủ trương đúng đắn nhưng chỉ thật sự có tác dụng khi được lan tỏa trong cuộc sống.

Trong thực tế hoạt động, phần lớn cán bộ đoàn đang phải nỗ lực qua nhiều khó khăn, khá vất vả và họ cũng được ví như những người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Có những cán bộ đoàn gắn bó với phong trào, gắn bó với thanh niên đến mức coi ngôi nhà, gia đình mình chỉ là nơi "để ngủ". Bởi ban ngày, họ bám sát, tổ chức, thực hiện các hoạt động. Tối đến, họ lại đến với thanh niên, đoàn viên để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các bạn trẻ. Ðó là những cán bộ đoàn tâm huyết với phong trào, trách nhiệm cao với thanh niên. Ðối với những con người này, có lẽ, Chỉ thị số 01 và hướng dẫn của Ban Bí thư T.Ư Ðoàn chưa thể bao quát được những việc, công sức, tâm huyết mà họ đã cống hiến cho công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu niên.

Tuy nhiên, có một thực tế khác là còn một bộ phận cán bộ đoàn chưa thật sự gắn bó với tổ chức, chưa sẵn sàng chịu thiệt thòi vì phong trào. Họ còn coi tổ chức đoàn là "trạm trung chuyển" để sau này có thể đến với những vị trí "đẹp" hơn. Vì vậy, những cống hiến với công tác đoàn của đối tượng này rất hạn chế, thậm chí hời hợt, hình thức, giả tạo. Ðây chính là những cán bộ đoàn cần tự mình thấu hiểu sâu sắc về vai trò của người cán bộ đoàn đối với thanh niên, đối với xã hội và cũng cần được quán triệt đầy đủ Chỉ thị số 01, hướng dẫn của T.Ư Ðoàn về rèn luyện tác phong, lề lối làm việc của cán bộ đoàn.

Ðể Chỉ thị và hướng dẫn của Ban Bí thư T.Ư Ðoàn không trở thành một văn bản, một chủ trương nhanh chóng bị lãng quên, các cấp bộ đoàn, các cơ sở đoàn, cần thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá cán bộ dựa trên những tiêu chí, biện pháp cụ thể đã được T.Ư Ðoàn triển khai. Ðối với những cán bộ đoàn làm việc hời hợt, đối phó, thiếu trách nhiệm, "đứng núi này trông núi nọ", cần có những hình thức nhắc nhở kịp thời, động viên họ trở thành những người có trách nhiệm với công việc của Ðoàn.

Cống hiến cho công tác đoàn và phong trào thanh niên với tinh thần và nhiệt huyết sẽ giúp cho bản thân mỗi cán bộ đoàn có được những kỹ năng, hành trang quan trọng, thiết thực cho con đường công tác sau này của mỗi người.

ÐINH HOÀNG ÐAN ANH

(Theo Nhân dân)


Hiện nay, khi các điều kiện về thông tin, khoa học ngày càng phát triển, yêu cầu và nhu cầu của thanh niên ngày càng đa dạng thì người cán bộ đoàn cần phải hội đủ nhiều phẩm chất, kỹ năng khác nhau. Người cán bộ đoàn giỏi phải là thủ lĩnh của thanh niên, đến được với thanh niên và được thanh niên lựa chọn. Muốn vậy, mỗi cán bộ đoàn cần biết lắng nghe thanh niên nói, hiểu rõ những tâm tư, nguyện vọng của họ. Cán bộ đoàn phải là người bạn sẵn lòng cởi mở và chân thành, hòa mình với thanh niên; luôn học hỏi để cung cấp, định hướng thông tin cho thanh niên; người đại diện và bảo vệ lợi ích cho đoàn viên, thanh niên. Ngoài ra, mỗi cán bộ đoàn cần biết tự nhìn nhận những hạn chế của bản thân để sửa đổi; tích cực nghiên cứu, đổi mới những hoạt động thiết thực, việc làm hiệu quả cho thanh niên và vì thanh niên.

Nguyễn Ðình Hùng

Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An


 

 

Bình luận