Nội dung cuốn sách không chỉ đề cập đến những vấn đề khái quát về nông nghiệp Việt Nam sau hơn 25 năm đổi mới, mà còn đưa ra những đề xuất về một nền nông nghiệp mới và những giải pháp chiến lược cho việc phát triển nông nghiệp giá trị gia tăng cao trong tương lai.
Trong cuốn sách, theo tác giả, để thực hiện các nhiệm vụ đa dạng và quan trọng đặt ra cho ngành nông nghiệp trong giai đoạn phát triển mới, xuất phát từ các bài học thành công và chưa thành công của quá trình phát triển nông nghiệp Việt Nam trong hơn 25 năm đổi mới, có thể xây dựng một số quan điểm chính cho giai đoạn phát triển nông nghiệp theo chiều sâu như sau: Huy động cơ chế thị trường, lấy nhu cầu làm định hướng phát triển và chủ động tạo ra nhu cầu; Phát huy lợi thế so sánh và tạo ra lợi thế cạnh tranh cả ở tầm quốc gia và ở mỗi địa phương, mỗi ngành hàng; Tạo ra hiệu ứng lan tỏa giữa nông nghiệp và các ngành kinh tế khác, liên kết hiệu quả giữa các vùng, miền và giữa các ngành kinh tế, gắn kết thị trường trong nước và thị trường quốc tế; Tạo ra động lực cho mọi tác nhân liên quan trong ngành nông nghiệp chủ động phát huy nội lực tham gia đầu tư và phát triển; Phát huy giá trị gia tăng ở mọi khâu, mọi lĩnh vực trong toàn ngành nông nghiệp; Bảo đảm phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường trước mọi biến động bảo đảm quyền lợi cho các thế hệ tương lai.
Từ đó, tác giả đưa ra các giải pháp chiến lược cho việc phát triển nông nghiệp giá trị gia tăng cao là: Đầu tư phát triển khoa học và công nghệ; Phát triển tài nguyên con người; Đổi mới công tác quy hoạch, đầu tư tập trung, tăng cường liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị; Xây dựng cơ sở và dịch vụ hạ tầng; Nâng cao năng lực thể chế cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Những nghiên cứu, đề xuất và giải pháp chiến lược được đưa ra trong cuốn sách sẽ tạo đà cho ngành nông nghiệp Việt Nam bứt phá, vươn lên, đồng thời đem lại nhiều cơ hội để người nông dân nâng cao thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Ngọc Huệ