Ngày nay, các biện pháp trừng phạt kinh tế được Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây xem là “vũ khí” mạnh trong quan hệ quốc tế, có khả năng thống trị bối cảnh chính trị thế giới để ứng phó với những thách thức địa chính trị. Việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đầu tiên được ghi nhận vào năm 432 trước Công nguyên, khi Athens cấm các thương nhân từ Megara đến các khu chợ của mình nhằm bóp nghẹt nền kinh tế của thành phố đối thủ. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ XX, việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế mới trở nên phổ biến hơn. Hội Quốc liên, tổ chức tiền thân của Liên hợp quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia mà tổ chức này muốn quốc gia đó phải tuân thủ một mục tiêu chính sách đối ngoại cụ thể. Vũ khí kinh tế dường như là một sự lựa chọn tàn khốc nhằm chống lại toàn bộ kết cấu xã hội; từ đó gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế và phúc lợi nhân đạo của quốc gia bị trừng phạt.
Sự xuất hiện của các biện pháp trừng phạt kinh tế là dấu hiệu cho thấy sự trỗi dậy của cách tiếp cận tự do đặc biệt đối với xung đột thế giới, một cách tiếp cận vẫn còn tồn tại và phát huy sức mạnh tới tận ngày nay. Các biện pháp trừng phạt kinh tế đã làm thay đổi ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, tạo ra những cách thức mới để định hình và thao túng kết cấu nền kinh tế thế giới, và thay đổi tiến trình của luật pháp quốc tế. Chúng nhanh chóng trở thành ý tưởng ở Hoa Kỳ và các nền dân chủ lớn nhất châu Âu. Nhưng sau đó cũng như bây giờ, các biện pháp trừng phạt kinh tế đã làm dấy lên sự phản đối. Kể từ khi bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ nhất vào năm 1914 cho tới khi Liên hợp quốc được thành lập năm 1945, câu hỏi liệu thế giới đã thực sự an toàn trước các biện pháp trừng phạt kinh tế hay chưa vẫn chưa có đáp án.
Cuốn sách Vũ khí kinh tế: Sự trỗi dậy của các biện pháp trừng phạt kinh tế như một công cụ chiến tranh hiện đại của tác giả Nicholas Mulder, do Yale University Press (Hoa Kỳ) xuất bản năm 2022, phác họa bức tranh toàn cảnh về nguồn gốc hình thành và cách vận hành của vũ khí kinh tế xuyên suốt giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh thế giới cho đến tận ngày nay. Truy tìm việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế từ các cuộc phong tỏa trong Chiến tranh thế giới thứ nhất đến việc kiểm soát các đế chế thuộc địa…, tác giả Nicholas Mulder sử dụng nghiên cứu lưu trữ sâu rộng về lịch sử chính trị, kinh tế, pháp lý và quân sự để tiết lộ cách thức một công cụ cưỡng chế thời chiến đã được Hội Quốc liên thông qua như một công cụ gìn giữ hòa bình. Nghiên cứu kịp thời này đã làm sáng tỏ lý do tại sao các biện pháp trừng phạt kinh tế được nhiều người coi là một hình thức chiến tranh và tại sao những hậu quả không lường trước được của chúng lại to lớn đến vậy.