Cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế đã và đang trở thành một trong những nhân tố quan trọng, mang tính quyết định trong các hoạt động ngoại giao của một quốc gia. Ở Việt Nam, trong những năm qua, công tác ngoại giao kinh tế đã có chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai các hoạt động kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế còn chưa thực sự sáng tạo, nhạy bén, nhất là trong bối cảnh thách thức nổi lên chưa có tiền lệ; chưa phát huy hết tiềm năng hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược; nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngoại giao kinh tế còn chưa đầy đủ…
Cuốn sách chuyên khảo Ngoại giao kinh tế và những vấn đề đặt ra trong hội nhập quốc tế của Việt Nam do TS. Nguyễn Thị Thanh Vân biên soạn, gồm 7 chương, tập trung làm rõ khái niệm, nội hàm, hình thái biểu hiện và tác dụng của ngoại giao kinh tế; viện trợ, hợp tác và trừng phạt kinh tế trong ngoại giao kinh tế; ngoại giao kinh tế với lợi ích quốc gia và kinh tế chính trị quốc tế; thực tiễn ngoại giao kinh tế ở một số nước và những bài học tham khảo đối với Việt Nam; những nhận thức của Việt Nam về ngoại giao kinh tế; ngoại giao kinh tế và ngoại giao tổng thể của Việt Nam hiện nay; triển vọng và dự báo về ngoại giao kinh tế; phương hướng xây dựng mô hình ngoại giao kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.