Từ góc nhìn khoa học và hiện đại, cuốn sách của TS. Lưu Văn An mang đến cho bạn đọc một cái nhìn mới mẻ và khái quát về lịch sử chính trị Việt Nam từ thời kỳ dựng nước đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945.
Nội dung của cuốn sách tập trung khẳng định: Thể chế chính trị là một bộ phận quan trọng của kiến trúc thượng tầng, phản ánh điều kiện kinh tế - xã hội nảy sinh nhưng cũng chịu tác động mạnh mẽ của chế độ chính trị và mang dấu ấn giai cấp cầm quyền. Suốt chiều dài lịch sử 2 nghìn năm, giai cấp phong kiến Việt Nam đứng ở vị trí trung tâm xã hội, thể chế chính trị mà nó duy trì là thể chế quân chủ phong kiến tập quyền. Thể chế chính trị thực dân nửa phong kiến là mô hình chính trị đặc biệt trong lịch sử thể chế chính trị nước ta, nét mới của nó so với thể chế phong kiến cũ là việc xuất hiện các tổ chức dân cử như: Viện dân biểu Bắc kỳ, Hội đồng quản hạt Nam kỳ..., đó là những thiết chế dân chủ lừa gạt nhân dân, thực chất là công cụ của chính quyền thực dân.
Thể chế chính trị mà chúng ta đang xây dựng hiện nay là thể chế dân chủ, khác hẳn về bản chất so với thể chế phong kiến, tuy nhiên những kinh nghiệm cai trị của các vị vua anh minh, các hình thức tổ chức bộ máy nhà nước và cả những sai lầm, thất bại của một số triều đại là những bài học có ý nghĩa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.