Thành phố xứng đáng với vinh dự được mang tên Bác Hồ
Trong tâm khảm của bao thế hệ người Việt Nam chúng ta đã khắc ghi cái tên Thành phố Hồ Chí Minh được đặt cho thành phố Sài Gòn. Có lẽ chẳng mấy người, nhất là lớp người cao tuổi lại không nhớ đến đoạn thơ sau trong bài Ta đi tới của nhà thơ Tố Hữu (1920-2002) viết tháng 8-1954: “Ai đi Nam Bộ, Tiền Giang, Hậu Giang/ Ai vô Thành phố Hồ Chí Minh, rực rỡ tên vàng”.
Lịch sử hiện đại đã ghi lại một sự kiện quan trọng: Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I, ngày 28-10-1946, đồng chí Nguyễn Văn Tạo, đại biểu Quốc hội tỉnh Rạch Giá thay mặt các đại biểu miền Nam phát biểu trước Quốc hội. Đồng chí đã báo cáo về tình hình Nam Bộ kháng chiến, khẳng định ý chí sắt đá của quân, dân “Thành đồng của Tổ quốc”, trong đó có đồng bào thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn quyết tâm chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược để giữ vững nền độc lập, tự do của đất nước vừa mới giành được. Đồng chí nhắc tới những vụ thảm sát đẫm máu mới của kẻ thù tại Sài Gòn và các tỉnh Vĩnh Xuân, Bình Thành, Cao Lãnh; đồng thời xúc động nhắc tới các vị đại biểu Quốc hội miền Nam vắng mặt tại kỳ họp này của Quốc hội. Đó là luật sư Thái Văn Lung đã bị địch tra tấn đến chết trong Khám Lớn Sài Gòn; là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và nhiều nhà yêu nước khác còn đang bị địch giam cầm tại địa ngục trần gian Côn Đảo. Đồng chí còn bày tỏ sự tín nhiệm, trung thành và ủng hộ tuyệt đối Chủ tịch Hồ Chí Minh - người công dân số 1 của Tổ quốc đã sáng suốt đưa nước nhà ra khỏi vòng nô lệ và chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua gian nguy, tiến lên. Nhà báo, nhà cách mạng lão thành Huỳnh Văn Tiểng nhớ lại: Khi đồng chí Nguyễn Văn Tạo bước xuống diễn đàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng dậy ôm hôn thắm thiết đồng chí như ôm hôn đồng bào Nam Bộ anh dũng. Người xúc động nói mấy lời tâm huyết, sâu sắc như chân lý lịch sử: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi. Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”1. Chính trong phiên họp này, thể theo nguyện vọng của đại đa số đại biểu, Quốc hội đã quyết định tôn vinh Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh vinh quang.
Như vậy là về cơ bản, xem như Quốc hội đã quyết định việc thành phố Sài Gòn được vinh dự mang tên Bác, chỉ có điều là Quốc hội chưa ra văn bản.
Ngày 2-7-1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI - Quốc hội chung của cả nước, vấn đề nói trên lại được Quốc hội thảo luận và nhanh chóng được các đại biểu Quốc hội hoàn toàn nhất trí, thông qua Nghị quyết về việc chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết khẳng định: “Nhân dân thành phố Sài Gòn - Gia Định luôn luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người” và “trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, thành phố Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập được nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
Thế là vừa chẵn 30 năm, kể từ kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I (10-1946) đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI (7-1976), thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức mang tên Bác. Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng bào Sài Gòn cũng như đồng bào các tỉnh, thành phố trong cả nước đã không tiếc máu xương, nhất tề đứng lên chống bọn xâm lược và bè lũ bán nước, dám “Đầu dám thay đầu, chân nối chân” (Tố Hữu), khiến cho chúng phải nhiều phen khiếp đảm.
Ngược dòng thời gian, chúng ta đều biết, chỉ 5 năm sau khi khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, ngày 25-8-1945, nhân dân Sài Gòn đã cùng đồng bào cả nước vùng lên giành chính quyền, chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp trong hơn 80 năm. Rồi Nam Bộ kháng chiến, tiếp đến cuộc trường chinh khói lửa đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, người Sài Gòn càng thể hiện bản chất anh hùng, kiên cường, bất khuất của mình. Chỉ tính trong 30 năm, qua hai cuộc kháng chiến thần thánh nói trên, hàng vạn người con ưu tú của thành phố đã ngã xuống. Có thể nói, Sài Gòn đã góp phần hết sức to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).
Với những thành tích, chiến công tuyệt vời đó, Sài Gòn - Gia Định thật xứng đáng với cái tên Thành phố Hồ Chí Minh mà Quốc hội khóa VI đã chính thức tặng cho thành phố “đi trước, về sau”, ngoan cường, anh dũng ấy.
Thời gian đi nhanh vùn vụt, thấm thoắt từ Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử đến nay đã 37 năm, trong đó có 26 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Biết bao thay đổi kỳ diệu đã diễn ra ở Thành phố mang tên Bác. Trên con đường hướng tới phồn vinh, hạnh phúc, Thành phố đã và đang đi lên bằng chính đôi chân vững vàng, bằng nội lực của mình và sự động viên, tiếp sức của cả nước. Hiện nay, Thành phố có 2.095,5 km2 diện tích, với số dân hơn 7 triệu người. Từ một thành phố nặng về tiêu thụ là chủ yếu, nay đã trở thành một trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất nước, góp vào ngân sách quốc gia xấp xỉ 40%. Công nghiệp Thành phố đã chiếm hơn một nửa giá trị sản lượng cả nước. Đây là sự đổi đời to lớn, đánh dấu kết quả của sự phấn đấu kiên trì, dẻo dai và đầy sáng tạo của đồng bào, đồng chí Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguời dân Thành phố Hồ Chí Minh có quyền tự hào về những thành tựu không nhỏ mà thành phố đã đạt được về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, v.v. trong 26 năm đổi mới, góp phần tô điểm cho bức tranh toàn cảnh về công cuộc đổi mới đất nước ngày càng tươi sáng, đẹp đẽ, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Tuy vậy, Thành phố vẫn còn đang ngổn ngang, bộn bề với bao khó khăn, thách thức mới và những vấn đề bức xúc, cấp thiết đặt ra, đòi hỏi phải giải quyết kịp thời, đạt hiệu quả cao. Chúng ta tin tưởng rằng Thành phố sẽ không tự bằng lòng với những thành quả đạt được. Nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề, đòi hỏi phải có quyết tâm lớn và những bước đi cụ thể, thiết thực, chắc chắn. Có như vậy thì Thành phố mang tên Bác mới có thể “đi trước và về đích trước” trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập nhanh với khu vực và quốc tế, đáp ứng lòng mong mỏi và kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân ta.
Niềm tin sắt đá sẽ tạo đà cho Thành phố tiến xa hơn nữa, thành công hơn nữa.
Nguyễn Huy Thông
Nhà văn, nguyên Vụ trưởng Văn phòng Quốc hội
1. Hồi ký của cán bộ Văn phòng Quốc hội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 27.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực