Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) : Xây dựng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ phù hợp với tình hình mới
Quán triệt 5 quan điểm, 6 nhóm nhiệm vụ và các giải pháp mà Nghị quyết TƯ9 (khóa XI) đề ra, trên cơ sở kế thừa những thành tựu Nghị quyết TƯ5 (khóa VIII), theo đề xuất của một số công trình khoa học, sự nghiệp văn hóa trong quân đội nên xác định: Xây dựng con người mới trong lực lượng vũ trang chính là tiếp tục xây dựng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ phù hợp với tình hình mới.
Bộ đội Cụ Hồ là khái niệm ra đời từ trong kháng chiến chống Pháp, tiếp tục được khẳng định trong kháng chiến chống Mỹ và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Dẫu phẩm chất đó có trong tất cả những người lính, nhưng trong đời sống tinh thần của dân tộc, nó đã trở thành một hình tượng cao quý ôm trùm những giá trị văn hóa căn bản nhất: Từ nhân dân mà ra, với dân như con em trong nhà, trung thực, dũng cảm, giàu đức hy sinh như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng! Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trở thành một di sản văn hóa của quá khứ và hiện tại dẫu phi vật thể nhưng là một báu vật không chỉ của quân đội mà của cả quốc gia dân tộc, được lịch sử và nhân dân tôn vinh.
Vẻ đẹp của Bộ đội Cụ Hồ là một hiện tượng lịch sử phổ biến, khách quan. Trên cơ sở con người Việt Nam từ cái gốc của bản sắc dân tộc, được va đập, hun đúc, trưởng thành trong cuộc sống và chiến đấu vô cùng gian khổ ác liệt. Có được một hình tượng Bộ đội Cụ Hồ như ngày hôm nay là một quá trình không thể không kể đến sự tác động của văn hóa. Trong tư duy sáng tạo của Đảng, quân đội đã sớm hình thành một “binh chủng” gồm tất cả các loại hình văn hóa, văn học-nghệ thuật, với nhiều cơ quan, đơn vị sáng tạo và phổ biến văn hóa. Từ thực tế của cuộc sống chiến đấu, họ đã sáng tác, phổ biến, bồi dưỡng, giáo dục và xây dựng thành công hình tượng Bộ đội Cụ Hồ. Diễn giải việc này cho thấy, một thanh niên từ nông thôn hay thành thị, vào bộ đội, ngoài hành trang có được về văn hóa như những câu chuyện cổ tích, những bài hát dân ca, những câu ca dao… Họ được làm quen ngay với 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Cho dù những văn bản này ra đời rất sớm, từ những ngày thành lập quân đội, nhưng đấy là những tác phẩm văn hóa có giá trị độc đáo, chính nó là động tác đầu tiên chuyển biến người thanh niên bình thường thành một anh bộ đội. Và ngay từ những ngày đầu tiên ấy, văn hóa, văn học-nghệ thuật đã có những tác động mạnh mẽ vào đời sống chiến sĩ trên những chặng đường hành quân. Chỉ riêng về âm nhạc giai đoạn này cho thấy đi theo những năm tháng nhọc nhằn, gian khổ, hy sinh của người lính, họ đã có: Cùng nhau đi hồng binh, Đoàn vệ quốc quân, Hành quân xa, Vì nhân dân quên mình, Diệt phát xít, Tiến quân ca… Đó là những người bạn đường, tiếng gọi, sự động viên, khi nó hóa thân vào người lính nó là sự hiện diện của văn hóa, một sức mạnh tinh thần trong mỗi con người cụ thể, nó sẽ định hướng, điều khiển anh bộ đội hành động theo hướng tích cực.
Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ luôn được tôn vinh trên sân khấu biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quân đội. Tiết mục ca múa "Dưới cờ quyết thắng" do Đoàn ca múa nhạc Quân đội trình diễn. Ảnh: Trung Trực |
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, văn hóa, văn học-nghệ thuật về đề tài chiến tranh và quân đội xác lập những kỷ lục mới, tiếp tục ra đời hàng nghìn tác phẩm văn học-nghệ thuật chất lượng cao. Về văn hóa (chủ yếu báo chí, tuyên truyền) xây dựng thành công các hình tượng anh hùng như: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn… Lĩnh vực âm nhạc còn thành công nhiều trong các ca khúc bất hủ và đẹp tuyệt vời về người lính trong chống Pháp: Giải phóng Điện Biên, Hò kéo pháo, Bộ đội về làng, Quê em miền trung du… Nhiều tác phẩm cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Nguồn dinh dưỡng tinh thần dồi dào đó đóng góp tích cực cho việc xây dựng hình tượng Bộ đội Cụ Hồ thành một vẻ đẹp thuần khiết, hấp dẫn. Thấy rõ một quy trình như một vòng tuần hoàn của một cơ thể: Từ hiện thực về người lính, sáng tác thành tác phẩm và được đưa về phục vụ bộ đội và nhân dân. Nền nếp ấy là một sáng tạo của công tác văn hóa quân đội.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, văn hóa, văn học-nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang tiếp tục lấy cảm hứng từ những người lính trên các mặt trận, bổ sung, làm giàu hơn nhiều hình tượng người lính. Lúc này, họ không chỉ là những chiến binh dũng cảm mà còn là những người lính thông minh, hiểu biết và giỏi giang trong những cuộc đấu trí với kẻ thù trên mặt đất, trên không và trên biển. Có thể nói, đó là đặc điểm mới của hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến chống Mỹ. Hình tượng đó đi vào sáng tác các tác phẩm. Sự thật anh hùng đó đã được các loại hình văn hoá, văn học nghệ thuật lên tiếng ghi nhận, ngợi ca trên tất cả các mặt trận. Tiêu biểu cho những tác phẩm tiêu biểu đó phải kể đến: Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây; Tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật); Năm anh em trên một chiếc xe tăng (Hữu Thỉnh) và đặc biệt là Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân… Những tác phẩm này đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thành những bài hát bất hủ. Hàng ngàn tác phẩm như vậy lại được đưa về phục vụ bộ đội, theo người lính đến mọi nẻo của cuộc sống ở mặt trận, tự nó chuyển hóa thành sức mạnh tinh thần trong quân đội.
Có được hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, nhân vật trung tâm của văn hóa, văn học-nghệ thuật là thắng lợi về tư duy lãnh đạo của Đảng trong lực lượng vũ trang, qua các nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng trong đó có Nghị quyết TƯ5 (khóa VIII). Là sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống làm công tác văn hóa, văn học-nghệ thuật, sự đóng góp của hàng ngàn văn nghệ sĩ quân đội và cả nước.
Giữa tháng 5-2014, trên cơ sở của thành tựu Nghị quyết TƯ5 (khóa VIII), Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết TƯ9 (khóa XI) về phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới của Cách mạng. Thực hiện Nghị quyết TƯ9 (khóa XI) trong quân đội cần xác định: Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những đòi hỏi rất mới trước lực lượng vũ trang. Ngày nay, chiến tranh nếu xảy ra sẽ sử dụng công nghệ cao, chiến tranh chủ yếu trên không và trên biển. Đưa Nghị quyết TƯ9 (khóa XI) vào đời sống quân đội, cơ bản là nhiệm vụ xây dựng nguồn lực với trọng tâm xây dựng con người mới trong quân đội, phù hợp với yêu cầu của tình hình đất nước. Rất nhiều nhiệm vụ đặt ra, rất nhiều công việc phải làm. Nhưng có lẽ tựu trung là tiếp tục xây dựng bổ sung, nâng tầm hình tượng Bộ đội Cụ Hồ với những phẩm chất mới. Ngoài tình yêu quê hương đất nước, ngoài ý chí, lòng dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho Tổ quốc, còn là vấn đề trí tuệ, kỹ năng làm chủ khoa học-kỹ thuật hiện đại, đủ sức đánh thắng kẻ thù trên mọi tình huống, địa hình. Vấn đề đặt ra là phải có con người mới, phải có những hình tượng mới trong văn hóa, văn học-nghệ thuật về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong ngày hôm nay. Việc đó không lạ, nhưng là đòi hỏi rất cao và cấp thiết đặt ra cho công tác văn hóa trong quân đội, các học viện, nhà trường, các trung tâm nghiên cứu khoa học và là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.
Đại tá, nhà văn PHẠM HOA
Theo QĐND
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực