Thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém để vượt qua khó khăn, thách thức
Tuần qua, Kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII tiếp tục thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước khi các đại biểu QH dành hai ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước năm 2012 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
Từ Báo cáo cụ thể, chi tiết của Chính phủ, các đại biểu QH đã nêu lên nhiều ý kiến thẳng thắn về thực trạng, yếu kém; đồng thời đề xuất những vấn đề cụ thể với mong muốn góp phần đưa kinh tế đất nước vượt qua khó khăn, thách thức.
Thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém
Có thể nói tình hình kinh tế - xã hội chín tháng đầu năm 2012 có những chuyển biến tích cực, đúng hướng với việc đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 5,2%. Tuy nhiên, đất nước đối mặt với rất nhiều hạn chế, yếu kém đang cản trở quá trình phát triển, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân. Trong đó nợ xấu là một trong những nguyên nhân chính cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính rườm rà, cán bộ công chức nhũng nhiễu cũng là một trong những lực cản trở không nhỏ đến quá trình phát triển mà hệ lụy của nó không chỉ trong kinh tế mà còn trong các lĩnh vực khác như nghiên cứu khoa học, giáo dục, y tế.
Hiệu lực quản lý nhà nước, nhất là kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa có chế tài xử lý nghiêm các địa phương không chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ. Thí dụ trong xây dựng cơ bản, Báo cáo của Chính phủ đánh giá nợ đọng trong xây dựng cơ bản ở các địa phương rất nghiêm trọng, nguyên nhân là không chấp hành nghiêm quy định của Thủ tướng Chính phủ, tức là không có kinh phí nhưng vẫn mở mới công trình, dự án dẫn đến nợ xấu rất cao. Bên cạnh đó, theo Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã tiến hành thanh tra hơn 62.000 vụ, song mới phát hiện và chuyển cơ quan điều tra 464 vụ, chiếm 0,6% tổng số thanh tra. Có đại biểu Quốc hội băn khoăn: Phải chăng có xu hướng hành chính hóa các vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng hoặc có sự nắn dòng, bẻ ghi làm chuyển hướng kết quả thanh tra?
Tình trạng lãng phí là vấn đề được nhiều đại biểu QH đề cập. Lãng phí xảy ra muôn hình, vạn trạng ở khắp nơi, lãng phí trong sử dụng ngân sách, trong quản lý đất đai, trong khai thác tài nguyên, trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong mua sắm tài sản công, trong các dự án với nước ngoài. Một chủ trương đầu tư sai chôn vùi cả trăm triệu USD, cả nghìn tỷ đồng vào khu công nghiệp, khu chế xuất, sân bay, bến cảng. Không hiệu quả thì chỉ nhắc nhở hoặc rút kinh nghiệm. Ðó là lãng phí hữu hình đo, đếm được, còn những lãng phí vô hình giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, lãng phí chất xám, hàng chục nghìn luận án tiến sĩ, hàng trăm nghìn đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp quốc gia, bộ, ngành, địa phương được đóng bìa cứng, mạ chữ vàng, hoành tráng, xếp ngăn nắp như những vật trang trí cho các thư viện hoặc ở các viện nghiên cứu, chưa đầy 30% kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng hoặc ứng dụng một phần vào thực tiễn.
Ðời sống của nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nhiều đại biểu QH quan tâm. Do địa hình cư trú của đồng bào dân tộc là khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, địa hình chủ yếu có độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh, thường xuyên chịu tác động bởi thiên tai, lũ ống, lũ quét, rồi đất xấu, thiếu đất, thiếu nước, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, kinh tế kém phát triển nên đời sống đồng bào dân tộc hết sức khó khăn, thu nhập bình quân trên đầu người ở các xã đặc biệt khó khăn chỉ bằng 1/6 thu nhập bình quân của cả nước. Hơn 200 xã và hơn 8.000 thôn, bản chưa được sử dụng điện, gần 16.000 thôn, bản chưa đủ nhà trẻ, lớp mẫu giáo, tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở các xã đặc biệt khó khăn hơn 50%... Tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng thoát nghèo không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao...
Ðối với các yếu kém trong điều hành nền kinh tế, có ý kiến đại biểu QH nêu thẳng thắn về trách nhiệm của các bộ, ngành (đại biểu Chu Sơn Hà, Hà Nội). Cụ thể: Bộ Y tế buông lỏng quản lý nhà nước trong thời gian dài về dược liệu, như vừa qua kiểm tra 400 mẫu dược liệu có loại thuốc bốc nhầm, có loại trộn cả xi-măng, có loại ngâm tẩm hóa chất độc hại gây ung thư, thậm chí có cả các loại hóa chất mà không biết loại hóa chất đó là chất gì. Bộ Công thương và Bộ Tài chính buông lỏng quản lý tạm nhập tái xuất dầu, điển hình như chênh lệch giữa số tạm nhập với tái xuất xăng, dầu của Petrolimex năm 2010 lên đến 31.200 tấn, năm 2011 là 23.300 tấn và sáu tháng đầu năm 2012 là 65.600 tấn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn buông lỏng công tác quản lý đất đai kéo dài trong nhiều năm đối với hơn 10.000 ha đất của các nông trường, trạm, trại trực thuộc bộ nằm trên địa bàn TP Hà Nội, v.v.
Về thị trường vàng, trong Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhận định: Cơ chế quản lý thị trường vàng, kinh doanh vàng chưa mang lại hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Ðại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) thẳng thắn cho rằng: Nhận định này khác với trình bày của Thống đốc Ngân hàng nhà nước là cơ chế quản lý vàng bước đầu đã mang lại kết quả cực kỳ quan trọng. Nhận định này còn có vẻ nhẹ nhàng, còn né tránh trước vấn đề rất "nóng" trong thời gian qua.
Ðại biểu này nhấn mạnh: Chỉ có ở nước ta giá vàng mới phụ thuộc vào thương hiệu mà không phụ thuộc vào tuổi vàng. Vì thế những mục đích huy động vàng trong dân không đạt được, các ngân hàng thương mại không được huy động vàng thì phải mua, mua thì nhu cầu tăng, giá tăng thì tác động xấu lên thị trường. Như thế mục đích kéo sát giá thế giới không đạt được, khi ngân hàng thương mại không được kinh doanh vàng thì huy động vàng trong dân cũng sẽ khó khăn. Ðề nghị công khai minh bạch trong chính sách vàng và các chính sách khác, nếu không càng làm suy giảm lòng tin...
Quyết tâm vượt qua khó khăn
Năm 2013 là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và được xác định là năm rất khó khăn kể cả trong nước và quốc tế. Các mục tiêu đề ra trong năm 2013 là rất nặng nề và khả năng thực thi rất khó. Các đại biểu QH đề nghị những tháng còn lại của năm 2012 và năm 2013 tập trung làm rõ và phải làm được một số vấn đề. Về xử lý nợ xấu đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, có ý kiến đại biểu cho rằng, xử lý nợ xấu khác với mua bán nợ xấu và xử lý nợ xấu không phải chỉ bằng việc mua bán nợ xấu. Ðồng thời hoan nghênh Chính phủ đã chủ trương không dùng ngân sách Nhà nước để trả nợ thay cho doanh nghiệp bằng cách mua lại nợ xấu, đó là một chủ trương sáng suốt. Một tư duy lành mạnh và năng động thì không thể lúc nào cũng chỉ biết dựa vào sự bao cấp của ngân sách Nhà nước. Nợ xấu cần được rà soát, phân loại, cơ cấu lại một cách minh bạch như Báo cáo của Chính phủ đã nêu, loại nào đáng mua và cần mua thì Ngân hàng nhà nước sử dụng quỹ bảo hiểm rủi ro của hệ thống ngân hàng mà theo các chuyên gia thì quỹ này cũng được hơn 60.000 tỷ đồng và các loại quỹ khác của ngân hàng để mua lại nợ xấu. Có ý kiến đề nghị, Thống đốc Ngân hàng nhà nước nên đem nợ xấu chào hàng cho các tổ chức tài chính quốc tế để họ mua lại nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu trong nước. Cần ổn định thị trường vàng, công khai minh bạch các tiêu chí về tái cơ cấu ngân hàng thương mại, xử lý thanh khoản cho các ngân hàng yếu kém.
Từ năm 2010 đến nay, đầu tư bình quân toàn xã hội cho nông nghiệp chưa đến 3% GDP. Ðầu tư từ ngân sách Nhà nước cho nông nghiệp cũng chỉ khoảng 1,4% GDP. Nhiều năm liền nông nghiệp liên tục tăng trưởng giảm. Giai đoạn 1995-2005, nông nghiệp tăng trưởng 4%, đến nay giảm xuống chỉ còn khoảng 2,48%. Ðại biểu Hoàng Ðăng Quang (Quảng Bình) cho rằng: Với tiến độ như vậy, dự báo đến năm 2020, nông nghiệp nước ta sẽ rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Vì vậy, cần có một chiến lược đầu tư dài hạn, năm sau cao hơn năm trước và phải cân đối giữa các vùng miền. Cùng với nông thôn nhiều vùng trong cả nước, nông thôn các tỉnh duyên hải miền trung còn có mức sống thấp, cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Vì vậy, cần ưu tiên tăng vốn Nhà nước và thu hút nguồn vốn xã hội cho đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn. Có các chính sách ưu đãi đặc biệt hỗ trợ cho người nông dân trồng lúa, đánh bắt thủy, hải sản và các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế nhưng còn bế tắc thị trường tiêu thụ.
Cộng dồn trong 21 tháng gần đây, tính từ đầu năm 2011 đến nay đã có đến 93.982 doanh nghiệp giải thể, phá sản, dừng hoạt động. Từ thực trạng trên, cần đặt vấn đề trọng tâm trong việc khôi phục và phát triển kinh tế, đó là tìm lối thoát cho doanh nghiệp, đó là triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh một cách kịp thời. Chính doanh nghiệp là nguồn lực nuôi sống nền kinh tế, nhưng hiện nay doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng nguy kịch. Cần khắc phục ngay lợi ích nhóm hiện đang tồn tại giữa một bộ phận lãnh đạo của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với một bộ phận cán bộ có thẩm quyền trong các cơ quan quản lý nhà nước để việc tái cơ cấu nền kinh tế tập đoàn, tổng công ty nhà nước được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc và có hiệu quả. Tách chức năng quản lý và chức năng sở hữu của nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước với các thành phần kinh tế khác.
Về xây dựng nông thôn mới, hiện nay có thực trạng nhiều cán bộ nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa hiểu chưa đúng vai trò của địa phương, của các ban, ngành, đoàn thể, của từng gia đình trong xây dựng nông thôn mới như, xây dựng cơ sở hạ tầng là do ngân sách của trên cấp, bởi vậy có rất nhiều ý kiến cử tri nói là đề án đã được duyệt nhưng trên cấp tiền chậm vì vậy không thực hiện được. Do đó, chương trình xây dựng nông thôn mới phải được cụ thể hóa bắt đầu bằng việc tuyên truyền để mọi cấp, mọi ngành, mọi người phải hiểu việc nào là mỗi người, mỗi nhà phải làm, việc nào là cộng đồng phải làm và việc nào là phối kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm và có cơ chế tháo gỡ khó khăn về vốn để địa phương thực hiện, có như thế thì chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống và mới có thể trở thành hiện thực trong vài thập niên tới.
Ðể tháo gỡ khó khăn chung của doanh nghiệp và cải thiện sức mua thị trường nội địa cần quan tâm rà soát cắt giảm các loại phí, lệ phí không phù hợp. Theo đó, có đại biểu đề nghị, việc thu phí sử dụng đường bộ vào ngày 1-1-2013 cần cân nhắc, tính toán kỹ nhằm góp phần bảo đảm an dân. Mặt khác việc thu phí sử dụng đường bộ nhưng người sử dụng lại không được cung cấp dịch vụ là không phù hợp với bản chất là phí.
Theo Báo Nhân dân điện tử
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực