Thông cáo số 2 được xem như tuyên bố của Quốc hội về Biển Đông

Ngày đăng: 26/06/2014 - 08:06

Bản thông cáo số 2 được xem như tuyên bố của Quốc hội về tình hình Biển Đông. Quốc hội đã thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam qua bài phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội, cũng như một số hoạt động khác.

ban thong cao so 2 2

Chiều 24-6-2014, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tại sao Quốc hội không ra nghị quyết về tình hình Biển Đông trong khi một số đại biểu thay mặt cử tri đề nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngay trong ngày đầu tiên của phiên khai mạc kỳ họp, Quốc hội đã nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông; việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam. Dư luận cử tri rất chia sẻ, hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của Quốc hội trong ngày làm việc đầu tiên đã bố trí thời gian để nghe, thảo luận về vấn đề nêu trên.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, ngày 21-5, Quốc hội đã ra Thông cáo số 2 bày tỏ quan điểm, thái độ trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Bản Thông cáo số 2 được xem như tuyên bố của Quốc hội về tình hình Biển Đông. Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội cũng đã tuyên bố, thể hiện quan điểm của Việt Nam về biển Đông, ông Phúc nói. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, dù là tuyên bố hay nghị quyết thì nội dung bên trong đều thể hiện rất rõ sự phản đối của Quốc hội Việt Nam với sự vi phạm của Trung Quốc.

Ngoài ra, trước những diễn biến ngày càng phức tạp tại Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện ý đồ xác lập chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt nam; trước hành động các tàu của Trung Quốc luôn chủ động áp sát, đe dọa, đâm, va, làm hư hại, chìm tàu, gây thương vong cho lực lượng chấp pháp và ngư dân Việt Nam. Ngày 6-6, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Trần Văn Hằng đã gửi thư cho Ngài Chủ tịch/Tổng thư ký các Tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới và Ngài Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện các nước đề nghị đại biểu Quốc hội và Nghị viện các nước tiếp tục ủng hộ lập trường chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, có biện pháp cần thiết, lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền Việt Nam, rút ngay giàn khoan Hải Dương - 981 và các lực lượng hộ tống ra khỏi vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Liên quan đến việc lùi thông qua dự thảo sửa đổi nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, đại diện Văn phòng Quốc hội cho biết, qua thảo luận, nổi lên một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của các đại biểu, nhất là quy định về thời hạn, thời điểm lấy phiếu và mức độ tín nhiệm, vì thế cần lắng nghe ý kiến của các bên để nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự thảo nghị quyết và trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sau.

Trả lời câu hỏi về tình hình thu ngân sách 5 tháng đầu năm, ông Bùi Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, có 5 địa phương vượt kế hoạch thu ngân sách và 13 địa phương chưa đạt, nhưng nhìn chung tình hình thu ngân sách đạt kết quả khá. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã tham mưu trình Quốc hội để chi 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư…

HỒNG VÂN

(Theo Nhân Dân)




 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả