Tiếp tục nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nước ta hiện nay

Ngày đăng: 04/02/2015 - 08:02

tieptucnghiencuudoimoitochucvahoatdong

Về định hướng tư tưởng chỉ đạo việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố (sau đây gọi là HĐND tỉnh) cần dựa trên các quan điểm khoa học sau đây:

Một là, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh phải được tiến hành trên cơ sở nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vị trí, vai trò của HĐND tỉnh trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân, như vậy mới có sự thống nhất về ý chí và hành động của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nếu không như vậy, thì việc đổi mới về tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh có thể không diễn ra trong thực tiễn hoặc diễn ra nhưng lúng túng, chậm chạp, chệch hướng, tốn thời gian, tiền bạc và không có hiệu quả. Thực tiễn đổi mới về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nhiều năm qua đã khẳng định điều đó. 

Hai là, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh phải được tiến hành trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về HĐND tỉnh và đổi mới tổ chức, hoạt động của HĐND tỉnh. Vì Đảng ta là Đảng cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam là tất yếu khách quan và lãnh đạo Nhà nước ta toàn diện cả về tư tưởng, tổ chức và hoạt động là nguyên tắc hiến định. Chỉ khi nào Đảng ta có những quan điểm đổi mới xác định rõ mô hình, mục tiêu, nội dung, tiến trình đổi mới thì vấn đề đổi mới về tổ chức và hoạt động của cả bộ máy nhà nước nói chung, HĐND tỉnh nói riêng mới được vận hành có giá trị trong thực tiễn. Điều đó cũng lý giải một cách căn bản rằng sự chậm đổi mới, đổi mới nhanh và mạnh mẽ đến đâu đều phụ thuộc vào quyết tâm đổi mới chính trị của Đảng ta.

Ba là, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh phải được tiến hành phù hợp với Hiến pháp, pháp luật về HĐND tỉnh và đổi mới tổ chức, hoạt động của HĐND tỉnh. Hiến pháp năm 2013 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình Hiến pháp hóa vị trí, tính chất, vai trò, chức năng của chính quyền địa phương nói chung, HĐND tỉnh nói riêng, phù hợp với yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện bộ máy nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức chính quyền địa phương sẽ được ban hành nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh.

Bốn là, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh phải bảo đảm giữ vững ổn định chính trị ở địa phương tỉnh. Vì đổi mới về tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh là quá trình loại bỏ những gì kìm hãm và cản trở sự phát triển, tích cực trong tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh, do đó có thể sẽ gặp phải sự phản ứng quyết liệt, từ đó dẫn đến bất ổn cả về tư tưởng, tổ chức và hoạt động mang tính tiêu cực. Ngoài ra, ổn định chính trị là điều kiện tiên quyết để hình thành sự đồng thuận cao giữa HĐND tỉnh với nhân dân trong tỉnh; sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị ở địa phương đối với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh. HĐND tỉnh thực sự là cơ quan đại diện cao nhất cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong tỉnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh.

Năm là, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh phải có tính kế thừa và phát triển những thành tựu đã đạt được trong thời gian trước đó. Đổi mới về tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh một mặt không làm thay đổi “bản chất giai cấp công nhân cách mạng và tính nhân dân của Nhà nước ta”1, mặt khác đảm bảo tiếp tục phát huy các giá trị của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đã đạt được trong nhiều năm qua, đồng thời liên tục đổi mới về kỹ thuật lập pháp, về tư tưởng nhà nước phục vụ nhân dân trong xu thế phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Sáu là, phải tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm cải cách chính quyền địa phương của các nước trên thế giới hiện nay. Muốn vậy, cần đánh giá đúng nhược điểm quan trọng nhất làm chậm tiến trình đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh lâu nay là sự lúng túng, khủng hoảng về mô hình tổ chức chính quyền địa phương nói chung, HĐND tỉnh nói riêng. Từ đó, đòi hỏi cấp bách cả về lý luận và thực tiễn là khẩn trương thống nhất nhận thức và quyết sách mạnh mẽ về lựa chọn mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, để đáp ứng việc xây dựng Luật tổ chức chính quyền địa phương vừa bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, vừa tiếp thu được những tinh hoa văn hóa pháp lý, văn minh pháp lý của nhân loại, góp phần không ngừng phát triển và hoàn thiện của hệ thống pháp luật nước nhà nói chung, Luật tổ chức chính quyền địa phương nói riêng.

Bảy là, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh phải được tiến hành theo một quá trình liên tục, thống nhất, có tổng kết, đánh giá qua mỗi giai đoạn. Đây là yêu cầu tất yếu của mọi quá trình đổi mới nhằm kiểm tra, giám sát các chủ thể tiến hành đổi mới, nhanh chóng và kịp thời điều chỉnh để đạt được mục tiêu. Nhìn chung, thời gian qua, việc sơ kết, tổng kết về nhiều nội dung đổi mới vừa chậm, vừa không liên tục, vừa thiếu tính kết luận để chỉ đạo đổi mới, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc đổi mới phát triển đất nước và nguy cơ ngày càng tụt hậu xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ví dụ như việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường được triển khai tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến nay đã 5 nămnhưng chưa có tổng kết mang tính kết luận, vẫn tiếp tục thí điểm.

Phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh

- Tiếp tục nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò của HĐND tỉnh trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân.

Trong điều kiện hiện thực hóa Hiến pháp năm 2013 với yêu cầu sớm ban hành Luật tổ chức chính quyền địa phương hiện nay, Đảng, Nhà nước ta cần đưa ra quan điểm thống nhất về mô hình chính quyền địa phương, trong đó phản ánh đúng đắn về vị trí, vai trò của HĐND tỉnh trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân. Đồng thời, phân định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ pháp lý giữa HĐND tỉnh và UBND tỉnh. HĐND tỉnh vừa là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương với vai trò quan trọng là cơ quan nhà nước đại diện cho toàn thể nhân dân địa phương, vừa là một thể chế thực hiện quyền hành pháp thông qua hoạt động ra nghị quyết và tổ chức thực hiện Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND. Chính vì vậy, sự gắn bó, thống nhất giữa HĐND tỉnh và UBND tỉnh trong tổ chức của chính quyền địa phương mang tính tất yếu khách quan. HĐND tỉnh được xây dựng đảm bảo vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương thuộc tỉnh, và như vậy, mới có thể tiến dần đến chế độ tự quản của chính quyền địa phương và khi đó UBND tỉnh mới là thể chế chấp hành của cơ quan đại diện nhân dân theo đúng nghĩa của nó. Vấn đề này rất quan trọng nhưng Hiến pháp 2013 chưa có quy định cụ thể, vì thế, cần được cụ thể hóa trong Luật tổ chức chính quyền địa phương sắp được ban hành.

- Tiếp tục hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về HĐND tỉnh và đổi mới tổ chức, hoạt động của HĐND tỉnh.

Trong cơ chế “Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân lao động làm chủ” ở nước ta hiện nay thì mọi quyết định của HĐND tỉnh đều phải dựa trên cơ sở chủ trương, đường lối, nghị quyết của tỉnh ủy. Xét về mặt nhà nước, HĐND tỉnh có trách nhiệm thể chế hóa nghị quyết của tỉnh ủy nhằm đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết đó vào cuộc sống. Vì vậy, các quyết định của HĐND tỉnh phải bảo đảm đúng chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, nhưng đồng thời phải phản ánh được ý chí, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân địa phương, phải bảo đảm được “ý Đảng, lòng dân” mà HĐND tỉnh là người đại diện.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của tỉnh ủy với HĐND tỉnh để HĐND tỉnh thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhân dân địa phương là một trong những nội dung cụ thể về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh. Phải bảo đảm xây dựng HĐND tỉnh có đầy đủ thực quyền để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, phát huy được vai trò là cơ quan đại diện của nhân dân địa phương, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tránh tình trạng hình thức trong quá trình hoạt động. Tỉnh, Thành ủy lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối và những định hướng lớn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội địa phương, HĐND tỉnh thể chế hóa về mặt nhà nước những chủ trương, đường lối, nghị quyết của tỉnh ủy. Cần khắc phục tình trạng tỉnh ủy quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội một cách quá chi tiết, cụ thể, dẫn tới việc quyết định của HĐND tỉnh thực chất là quyết định lại những nội dung mà tỉnh ủy đã quyết định.

- Tổ chức tốt việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về HĐND tỉnh và đổi mới tổ chức, hoạt động của HĐND tỉnh.

Nội dung bao gồm: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, giải thích đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vị trí, tính chất, vai trò, chức năng của HĐND tỉnh và đổi mới tổ chức, hoạt động của HĐND tỉnh để cán bộ và nhân dân nhận thức đúng đắn, sâu sắc, đầy đủ, thống nhất các quan điểm tư tưởng của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ý nghĩa, mục tiêu, nguyên tắc, nội dung, hình thức, phương pháp đổi mới, hoạt động của HĐND tỉnh; công khai hóa, minh bạch hóa nội dung, hình thức, phương pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh để cán bộ, nhân dân địa phương biết và tham gia đóng góp ý kiến; huy động sức người, sức của của cả hệ thống chính trị địa phương tỉnh vào các hoạt động thực tiễn của công cuộc đổi mới tổ chức, hoạt động của HĐND tỉnh.

- Tổng kết, đánh giá toàn diện, sâu sắc, khách quan công cuộc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh.

Công cuộc đổi mới về tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh thời gian qua đã có nhiều thành tựu nhưng cũng còn không ít  hạn chế, bất cập. Tuy nhiên, cho đến nay việc tổng kết, đánh giá về quá trình đổi mới, nội dung, phương pháp và hiệu quả của đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân chưa có, nếu có cũng mang tính đơn lẻ, không định kỳ, thường xuyên, không hệ thống và không có kết luận. Chính vì vậy, công cuộc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh trong thời gian qua vừa chậm, vừa không hiệu quả, thiếu phương hướng và không phát huy được những ưu điểm, hạn chế của HĐND tỉnh. Điều đó đòi hỏi trong tiến trình đổi mới về tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân phải được tổng kết, đánh giá toàn diện, sâu sắc, khách quan hằng năm.

ThS. Bùi Giang Hưng

Khoa Luật, Đại học Đà Lạt

(Theo Tạp chí Nhịp cầu tri thức)

1. GS.TSKH. Đào Trí Úc (Chủ biên): Mô hình tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2007, tr. 208.



Bình luận