Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên

Ngày đăng: 26/03/2013 - 09:03

1. Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, rường cột của quốc gia, một trong những nhân tố quan trọng quyết định vận mệnh và tương lai của dân tộc, là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo. “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trên cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên”1. Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn đề cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích của cách mạng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng và đã đề ra nhiều chủ trương giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng thời, Đảng cũng xác định công tác thanh niên, đặc biệt là giáo dục thanh niên luôn giữ vai trò rất quan trọng. “Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”2.

Tang cuong cong tac giao duc

Tính đến năm 2011, thanh niên nước ta (nằm trong độ tuổi 16-30) có khoảng 22.590.500 người, chiếm 26% dân số, 33,7% lực lượng lao động xã hội. Có thể khẳng định rằng, nước ta hiện nay đang có một thế hệ thanh niên hùng hậu, có tri thức, sức khỏe, năng động và sáng tạo, không ngại khó khăn, gian khổ, có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, mong muốn được cống hiến cho đất nước, có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, môi trường sống an toàn. "Dù còn nhiều tâm trạng khác nhau, song đa số thanh niên luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và phát triển của đất nước"3.

Bên cạnh những mặt tích cực của đại đa số thanh niên, trước những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo và phân tầng xã hội diễn ra phức tạp, những yếu tố văn hóa ngoại lai..., nhận thức và hành động của một bộ phận không nhỏ thanh niên Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng. Đáng lo ngại nhất là “một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc. Học vấn của một bộ phận thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số còn thấp; nhiều thanh niên thiếu kiến thức và kỹ năng trong hội nhập quốc tế. Tính độc lập, chủ động, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo của thanh niên còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên đang gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp”4.

Một trong các nguyên nhân căn bản của tình trạng này là do công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, thậm chí có lúc, có nơi, chưa thực sự coi trọng vấn đề này. Các hình thức giáo dục còn khô cứng, thiếu sức cuốn hút. Nội dung giáo dục nhiều khi thiếu thực tế, chưa có sự chọn lọc, tinh gọn theo hướng dễ tiếp thu. Phương pháp giáo dục chưa chú ý đến việc phát huy, khơi gợi tính chủ động, tự giác rèn luyện của thanh niên - yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả công tác giáo dục.

Trước tình hình đó, hơn lúc nào hết, công tác giáo dục đoàn viên, thanh niên, trọng tâm là giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trên cơ sở đổi mới phương thức giáo dục, là vấn đề Đoàn Thanh niên cần quan tâm hàng đầu hiện nay như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói tại buổi khai mạc Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X: Đoàn cần giúp Đảng tập hợp, đoàn kết, giáo dục, xây dựng một thế hệ thanh niên có đủ bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, sức sáng tạo để kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

2. Trọng tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống là những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng để trang bị cho đoàn viên, thanh niên thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn, căn bản, nền tảng, để có thể luận giải những vấn đề thực tiễn đặt ra. Trên cơ sở đó, giúp cho thanh niên hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn, chính xác hơn vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng trong xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững lập trường trước những âm mưu, thủ đoạn và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, nhận thức đúng các giá trị chân, thiện, mỹ để phấn đấu học tập, rèn luyện, công tác, sẵn sàng cống hiến. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ: “Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống, tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ cho thế hệ trẻ; khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại; hình thành một lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc”5.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong nội dung giáo dục hiện nay là cần xác định được những tiêu chuẩn cụ thể về lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống để giáo dục thanh niên. Về vấn đề này, nên tiếp tục triển khai rộng rãi hơn nữa việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các cuộc vận động khác để xây dựng các giá trị cốt lõi cho thanh niên là: Trung thành, sáng tạo, khát vọng, dấn thân, tôn trọng và trách nhiệm, nhằm đem lại hiệu quả rõ nét hơn, mang tính phổ cập rộng rãi hơn.

3. Trong thời gian qua, tổ chức Đoàn đã chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục qua việc triển khai có hiệu quả các cuộc vận động; thành lập và duy trì tốt hoạt động của các câu lạc bộ; tổ chức các diễn đàn, các buổi tọa đàm; tổ chức tập huấn kỹ năng; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đặc biệt là các mô hình hoạt động tình nguyện và chung sức cùng cộng đồng: hiến máu nhân đạo, thanh niên với an toàn giao thông, thanh niên với môi trường, thanh niên vì biển đảo quê hương… Các hoạt động đó đã tạo được dấu ấn riêng cho công tác đoàn, cho phong trào thanh niên và điều quan trọng là đã tạo được sức lôi cuốn và lan tỏa trong xã hội.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục thanh niên, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp có tính đồng bộ, trước mắt cũng như lâu dài:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường và thường xuyên chăm lo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh cho thanh niên. Đây là giải pháp cơ bản nhằm xây dựng, hình thành nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa cho thanh niên, vì đạo đức là “gốc của người cách mạng”.

Thứ hai, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các cơ quan, đơn vị đối với việc bồi dưỡng thanh niên, xây dựng niềm tin vào con đường đi lên của đất nước; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung Đảng (khóa X) về thanh niên và công tác thanh niên.

Thứ ba, xây dựng tổ chức Đoàn các cấp thực sự vững mạnh, toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mở rộng việc tập hợp, đoàn kết thanh niên, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, giúp đỡ đoàn viên, thanh niên về mọi mặt, nhất là xây dựng niềm tin, lý tưởng cách mạng, mục tiêu, động cơ phấn đấu.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện và triển khai tổ chức những phong trào hành động cách mạng có ý nghĩa thiết thực trong thanh niên. Qua các hoạt động đó, mỗi đoàn viên, thanh niên, mà trước hết là các đồng chí lãnh đạo đoàn, hội phải ra sức tự tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, niềm tin và năng lực công tác. Đồng thời cần có sự quan tâm đặc biệt tới công tác giáo dục, phổ biến pháp luật; công tác hỗ trợ thanh niên trong học tập, nghiên cứu khoa học; giáo dục những kỹ năng xã hội, kỹ năng sống cần thiết cho thanh niên.

Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp trên, cần quan tâm một số vấn đề nổi cộm mà thực tiễn đang đặt ra:

Một là, trong bối cảnh có nhiều luồng thông tin như hiện nay, tổ chức Đoàn cần tham mưu với Đảng và Nhà nước chỉ đạo thông tin kịp thời, đa chiều về tình hình thế giới, trong nước, những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội; tăng cường tuyên truyền về các hoạt động có ý nghĩa của thanh niên, các ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng, gương người tốt, việc tốt. Từ đó, trang bị cho thanh niên cái nhìn tổng thể, trên cơ sở được định hướng tư tưởng để đoàn viên, thanh niên có nhận thức đúng đắn, không bị dao động trước những luận điệu xuyên tạc, tạo niềm tin vững chắc của thế hệ trẻ vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Hai là, trong việc mở rộng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp thanh niên hiện nay, cần đi sâu nghiên cứu, xem xét vai trò của truyền thông đại chúng, của mạng internet nói chung và các mạng xã hội nói riêng. Thực tế, nhiều vụ việc liên quan đến thanh niên thời gian qua cho thấy chức năng định hướng dư luận và chức năng tổ chức, điều , tập hợp lực lượng của mạng xã hội, tâm lý đám đông trong thanh niên đã bị lợi dụng, kích động. Đây là vấn đề khá mới hiện nay mà Đoàn Thanh niên cũng như các tổ chức đoàn thể khác cần quan tâm nghiên cứu nhằm tham mưu cho các cơ quan chức năng để có thể đưa ra những biện pháp khắc phục hữu hiệu.

Ba là, các phong trào hành động phải hướng vào mục tiêu xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, vun đắp, bồi dưỡng cho đoàn viên, thanh niên những tình cảm cao đẹp về tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt để thanh niên phấn đấu noi theo. Các hoạt động giáo dục phải kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, cần thực hiện đồng bộ, kiên quyết, liên tục, thường xuyên, chủ yếu là giáo dục pháp luật nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng cùng chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh niên, hình thành phẩm chất cao đẹp của con người mới.

Tóm lại, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống hướng đến xây dựng phong cách thanh niên Việt Nam trong thời đại mới là một quá trình lâu dài, cần có sự quan tâm và phối hợp đồng bộ của các tổ chức, sự chung tay của gia đình và xã hội để hướng đến một thế hệ thanh niên “vừa hồng, vừa chuyên”. Thế hệ thanh niên đã, đang và sẽ ra sức học tập, lao động, phấn đấu, cống hiến cho sự phồn vinh và phát triển của đất nước.

TS. Nguyễn Quang Liệu

Đại học Quốc gia Hà Nội

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.52, tr.538-539.

2, 3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.41-42, 37, 38.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.50.

Bình luận