Tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội

Ngày đăng: 23/05/2013 - 14:05

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội. Tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ViệtNamlà vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Trong bộ máy Nhà nước ta, Quốc hội có một vị trí pháp lý vô cùng quan trọng, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội chính là nhằm phát huy vai trò của cơ quan đại diện của nhân dân, bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân. Các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa VII), Hội nghị Trung ương 3, Hội nghị Trung ương 7 (khóa VIII), văn kiện các Đại hội VIII, IX, X, XI đều nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội, coi đây là một trong những biện pháp đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế, bảo đảm để Quốc hội hoạt động có hiệu quả.

4a

Khái quát thực tiễn giám sát của Quốc hội thời gian qua

Thực tiễn hoạt động giám sát của Quốc hội những năm vừa qua cho thấy, hoạt động giám sát của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, đặc biệt là tại 9 kỳ họp của Quốc hội khóa XII (2007-2011) và 2 kỳ họp của Quốc hội khóa XIII với những phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp, thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri và nhân dân cả nước. Từ khóa XII, hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều khởi sắc và đi vào dân chủ thực sự, được đánh giá là nổi trội bởi phương pháp và kỹ năng giám sát của Quốc hội đã được đổi mới. Lần đầu tiên, Quốc hội triển khai thực hiện việc chất vấn trên hội trường theo từng nhóm vấn đề cụ thể. Tại diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn, đối thoại thẳng thắn, nghiêm túc và làm rõ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Việc đổi mới trình tự và cách thức giám sát đã tạo ra phong cách giám sát mới, làm cho hoạt động chất vấn trên nghị trường hiệu quả hơn. Hoạt động chất vấn đã được tổ chức theo đúng tinh thần của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003. Đó là chất vấn không chỉ diễn ra tại phiên họp toàn thể của Quốc hội mà còn được diễn ra tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các ủy ban của Quốc hội như: Ủy ban các vấn đề xã hội, Ủy ban kinh tế, Ủy ban pháp luật đã tổ chức các buổi họp để nghe các bộ trưởng giải trình về những vấn đề bức xúc trong xã hội. Trong các phiên chất vấn của ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Chính phủ đã mạnh dạn, thẳng thắn trả lời nhiều câu hỏi chất vấn liên quan đến lĩnh vực do bộ, ngành mình phụ trách. Qua đó, Quốc hội, cử tri và cơ quan hành chính nhà nước đã thấy được nhiều nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém và đưa ra được nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết kịp thời những tình huống phát sinh về kinh tế - xã hội trong khoảng thời gian giữa hai kỳ họp. Thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã thể hiện bản lĩnh chính trị của mình và phát huy được tính đại diện của Quốc hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Dù đã có nhiều đổi mới, song cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội chưa thật phù hợp với chức năng giám sát do pháp luật quy định, năng lực giám sát của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội còn hạn chế. Kỹ năng giám sát của các chủ thể giám sát này chưa được vận dụng có hiệu quả trong thực tiễn giám sát dẫn đến hoạt động giám sát nhiều khi còn nặng về hình thức. Trình tự, thủ tục giám sát quy định một cách chung chung trong Luật hoạt động giám sát nên chưa tạo ra cơ sở pháp lý cụ thể, khả thi và minh bạch trong hoạt động giám sát. Việc chưa phân định nhiệm vụ giám sát của mỗi chủ thể giám sát với từng đối tượng chịu sự giám sát đã tạo ra tình trạng chồng chéo về nội dung giám sát dẫn đến có đối tượng thuộc nhiều chủ thể giám sát, có đối tượng không chịu sự giám sát nào.

Một số giải pháp tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội

Thứ nhất, mới nhận thức lý luận và thực tiễn về quyền giám sát cao và chức năng giám sát của Quốc hội ViệtNam.

- Cần xác định đúng chức năng giám sát của Quốc hội. Phải coi giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội, khắc phục tình trạng chỉ coi trọng chức năng lập pháp và coi nhẹ chức năng giám sát.

- Quyền giám sát tối cao phải được coi là quyền giám sát của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước chứ không phải là chỉ đối với “tầng cao nhất” trong bộ máy nhà nước: Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch nước.

- Cần xác định rõ không có sự phân cấp trong việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội bởi hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội là hoạt động do Hiến pháp quy định nhằm thực hiện chức năng đại diện. Hiến pháp không cho phép Quốc hội ủy quyền giám sát cho một cơ quan nào mà quyền giám sát đó phải do Quốc hội thực hiện theo quy trình giám sát. Để bảo đảm tính thường xuyên, liên tục, không bị ngắt quãng trong việc thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội, phân biệt hoạt động giám sát của Quốc hội thành trong và ngoài kỳ họp, cần hiểu rằng, ở bất kỳ thời điểm nào, hoạt động giám sát của Quốc hội đều có thể được tổ chức thực hiện và có hiệu lực trực tiếp tới đối tượng chịu sự giám sát khi hoạt động giám sát đó đã hoàn thành hết quy trình giám sát.

Thứ hai, thực hiện pháp luật về giám sát cao của Quốc hội cần quán triệt các quan điểm chính sau:

- Quán triệt nguyên tắc bảo đảm tính đại diện của Quốc hội. Có bảo đảm nguyên tắc này thì mọi hoạt động giám sát của Quốc hội mới thực sự xuất phát từ những bức xúc của nhân dân, vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân.

- Quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

- Việc thực hiện pháp luật giám sát của Quốc hội cần phải xuất phát trên cơ sở thực tiễn ViệtNamkết hợp với sự tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm hoạt động của Quốc hội các nước trên thế giới.

- Việc thực hiện pháp luật về giám sát của Quốc hội cần bảo đảm tính hiện đại, chuyên nghiệp và khoa học. Các chủ thể tiến hành hoạt động giám sát của Quốc hội phải có chuyên môn cao, có tư duy lôgíc, kỹ năng phân tích, đánh giá các thông tin thu thập cùng với việc áp dụng thành thạo các kỹ thuật hiện đại, sử dụng tối đa các ưu thế của công nghệ thông tin để có được nguồn thông tin chính xác và nhanh nhất.

- Việc thực hiện pháp luật về bảo đảm tính công khai, minh bạch và quán triệt tinh thần tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ ba, tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 và các quy định pháp luật có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Quốc hội thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát.

Về thủ tục chất vấn và trả lời chất vấn, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội cần bổ sung những căn cứ làm cơ sở cho việc dự kiến danh sách những người có trách nhiệm trả lời chất vấn tại kỳ họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội là chủ thể có quyền quyết định cao nhất về danh sách những người trả lời chất vấn và những câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội sẽ được đưa ra chất vấn miệng hoặc chất vấn bằng văn bản. Quyết định của Quốc hội cần được tiến hành trên cơ sở lấy biểu quyết của đại biểu Quốc hội. Để dự liệu cho những trường hợp khi một số chất vấn của đại biểu Quốc hội không được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa vào danh sách để Quốc hội quyết định, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội cần quy định những trường hợp đó cũng phải được Quốc hội đưa ra biểu quyết. Cần nghiên cứu bổ sung hình thức chất vấn giữa các đại biểu Quốc hội vào Luật hoạt động giám sát của Quốc hội để làm phong phú thêm cách thức chất vấn, làm cho vấn đề chất vấn được tập trung, nâng cao hiệu quả chất vấn.

Việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội không nên chỉ tập trung vào 2 hoặc 3 ngày cuối kỳ họp mà nên coi chất vấn là một hoạt động phải được tiến hành thường xuyên trong suốt kỳ họp. Những vấn đề chất vấn và nội dung chất vấn, câu trả lời chất vấn, các kết luận về vấn đề chất vấn do chủ tọa kết luận và nghị quyết về vấn đề chất vấn (nếu có) cần phải được thể hiện theo quy trình cụ thể hơn và được ghi vào biên bản của kỳ họp Quốc hội, đồng thời được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để đảm bảo cho hoạt động giám sát của nhân dân đối với hoạt động của đại biểu dân cử, ngoài những thông tin được cung cấp trên báo chí và phương tiện truyền thông, nếu cử tri có yêu cầu được cung cấp thông tin về việc trả lời chất vấn trong kỳ họp Quốc hội và giữa hai kỳ họp Quốc hội thì Quốc hội cần có biện pháp và kế hoạch cung cấp thông tin cho cử tri một cách đầy đủ, cụ thể, kịp thời và đỡ tốn kém nhất.

Nghiên cứu bổ sung hình thức chất vấn cho các cơ quan của Quốc hội để Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội được quyền chủ động trong giám sát. Có như vậy các vấn đề giám sát mới trở nên minh bạch và kịp thời khi các cơ quan của Quốc hội có đủ công cụ giám sát hữu hiệu.

Về thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, cần sửa đổi quy định về thẩm quyền trình Quốc hội xem xét vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm. Không nên chỉ quy định thẩm quyền này thuộc về Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mà phải xác định cho các chủ thể khác như: đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, Quốc hội biểu quyết và quyết định theo đa số phiếu. Để tránh sự tùy tiện trong việc trình kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm, việc quy định số lượng nhất định đại biểu Quốc hội là cần thiết. Tuy nhiên, quy định là 20% tổng số đại biểu Quốc hội như hiện thời là quá lớn, làm cho việc bỏ phiếu tín nhiệm khó áp dụng trong thực tiễn ngay từ giai đoạn trình kiến nghị. Theo chúng tôi, nếu giữ nguyên việc hạn chế số lượng kiến nghị của đại biểu Quốc hội thì nên áp dụng theo quy định của hầu hết các nước trên thế giới là kiến nghị của ít nhất 10% tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đề nghị của ít nhất 10 đoàn đại biểu Quốc hội. Đồng thời, các chủ thể khi thực hiện quyền trình kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm phải kèm theo dự thảo nghị quyết trình bày trước Quốc hội cơ sở của kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm.

Để hoạt động giám sát thông qua chất vấn và bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội có hiệu quả, Quốc hội cần chú trọng hoạt động điều tra. Luật hoạt động giám sát của Quốc hội hiện hành chỉ quy định cho Ủy ban lâm thời tiến hành hoạt động điều tra là chưa đủ. Hoạt động điều tra có thể do Quốc hội trực tiếp thực hiện và có thể được tiến hành ngay trong phiên chất vấn của Quốc hội với sự triệu tập nhân chứng. Nhân chứng ở đây có thể là lãnh đạo hoặc người trực tiếp thực hiện công việc cùng với đối tượng bị giám sát và các cá nhân có liên quan đến vụ việc. Trên cơ sở điều tra tại chỗ, Quốc hội và đại biểu Quốc hội đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm của đối tượng bị giám sát, từ đó có cơ sở thể hiện thái độ của mình đối với đối tượng bị chất vấn và nội dung chất vấn.

Việc bổ sung hoạt động điều tra cho các ủy ban của Quốc hội cũng là một vấn đề cần phải được cân nhắc trong thời gian tới, đặc biệt là trong xu thế chuyên môn hóa ủy ban vào từng lĩnh vực cụ thể.

Thứ tư, tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội phải được tiến hành trên cơ sở kiện toàn bộ máy của Quốc hội.

Cần thành lập ủy ban chuyên trách về giám sát. Đồng thời, cần nghiên cứu thành lập thanh tra nghị viện theo mô hình của các nước Bắc Âu bởi thanh tra nghị viện là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của mình. Đây là thiết chế quan trọng không những giúp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội mà còn là thiết chế mới tham gia tích cực trong phòng, chống tệ nạn tham nhũng, bảo đảm quyền con người được thực hiện trong thực tế.

Thứ năm, nâng cao năng lực giám sát của Quốc hội trên cơ sở nâng cao năng lực giám sát của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội.

Cần chú trọng nâng cao năng lực giám sát của đại biểu Quốc hội bởi hoạt động giám sát không phải chỉ dừng lại ở các hoạt động xem xét theo dõi mà còn thể hiện ở việc đánh giá, đưa ra kết luận, kiến nghị và biểu quyết. Đối tượng giám sát của Quốc hội có tính chất đặc biệt và giữ vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, do đó đại biểu Quốc hội không chỉ là người có chuyên môn, có hiểu biết chuyên sâu về vấn đề giám sát, có kỹ năng phân tích thông tin, đánh giá chính xác về nội dung giám sát mà còn phải có bản lĩnh chính trị, đạo đức của người đại biểu cao nhất của nhân dân.

Thứ sáu, huy động các nguồn lực cần và đủ cho hoạt động giám sát của Quốc hội.

Tùy từng đối tượng giám sát để huy động sự tham gia tối đa của các nhà khoa học nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát, đồng thời chú trọng tới các yếu tố tổ chức, pháp lý, các điều kiện vật chất, phương tiện thông tin để bảo đảm cho đại biểu Quốc hội được trang bị thông tin một cách kịp thời, cập nhật, đầy đủ, đa chiều và chính xác.

Thứ bảy, đa dạng hóa các loại hình giám sát và huy động tối đa các lực lượng, thể chế chính trị tham gia giám sát cùng với Quốc hội.

Cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động giám sát của Quốc hội. Đồng thời, tăng cường vai trò và chức năng kiểm tra của Đảng, chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên theo hướng phối hợp trực tiếp vào một số hoạt động giám sát của Quốc hội để Quốc hội không chỉ tiến hành giám sát có chất lượng mà hoạt động xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động giám sát cũng sẽ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn giám sát quyền lực nhà nước, khắc phục hiện tượng lộng quyền, lạm quyền, vi phạm pháp luật từ phía cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền.

 

PGS. TS. TRƯƠNG THỊ HỒNG HÀ

Văn phòng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

 

 

 


Bình luận